Chương 8: Việc Nào Có Cái Khổ Của Việc Ấy
Trời còn tối nhờ, mẹ đã thức dậy nấu cơm rồi bới vào hộp cho chúng tôi. Ăn sáng xong, ba chở tôi và chị Vân thẳng một đường tới xí nghiệp.
Sau khi nói chuyện với ông quản lý, ba kêu chúng tôi đi theo ông ấy rồi quay về ngã ba đợi khách. Lát sau, tôi và chị Vân được đưa xuống nhà xưởng, vào tổ khoan đục. Mấy cô, cậu công nhân thấy người mới thì cứ nhìn chằm chằm làm tôi phát ngại.
- Hai đứa đứng máy chà nhám này nha, đợi phôi chạy ra thì lật lại, xếp ngay ngắn rồi chuyển lại ra sau máy cho chị kia bỏ vào chà tiếp mặt nhám.
Vừa nói, ông ấy vừa lấy tay chà vào thanh phôi, chỉ cho chúng tôi mặt láng mặt nhám để mà phân biệt. Tôi và chị Vân mở to mắt nhìn, đầu gật lia lịa, nuốt hết từng lời dặn dò vào bụng. Ông ta tỏ vẻ hài lòng rồi tiếp tục đảo vòng quanh xưởng.
Từng cây phôi gỗ từ từ chạy ra, tôi và chị Vân thi nhau lấy, lật lại rồi xếp ngay ngắn lên cái ballet. Nhưng chỉ một lát sau, phôi tuôn ào ào, hết bên trái lại sang bên phải, lớp này nối tiếp lớp kia làm cả hai nhảy tưng tưng, tốc độ của tay cũng tăng lên đến mỏi nhừ.
Đến khi chị công nhân đứng phía sau thôi không bỏ nữa thì chúng tôi mới có thời gian thở. Cả hai bàn tay tôi đều đỏ ửng lên vì bị những thanh gỗ va trúng, đau thật là đau. Đúng là chẳng có việc lao động chân tay nào mà nhẹ nhàng cả, có chăng là làm việc bằng trí óc mới đỡ thôi.
Trưa đến, tất cả mọi người đều lũ lượt đem cơm vào nhà ăn còn tôi và chị Vân thì lủi tới gốc cây gần đó. Chị nhanh chóng mở cái cặp túi xách ra rồi đưa cơm cho tôi. Tôi mệt quá, nhìn hộp cơm mà chẳng muốn ăn chút nào, nhưng nghĩ công mẹ dậy sớm nấu nướng, bới xách nên phải cố gắng mà nhai.
- Mới làm nên vậy thôi, từ từ rồi cũng quen. - Chị nuốt vội muỗng cơm, nói.
Tôi để ý thấy các ngón tay của chị cũng chẳng khá hơn mình, có chỗ còn bị dằm gỗ xóc trúng. Bất giác, tôi nhớ tới bài ca than khổ lúc trước của cậu.
- Cuộc đời quá khổ mà. – Tôi cười ảo não.
- Rồi có tính mua dây thắt cổ không? - Chị Vân nháy mắt, hỏi.
- Tất nhiên là không rồi, ai biết ngày mai ra sao chứ, lỡ mình giàu thì sao? – Tôi lại tiếp.
- Làm gì mà giàu được? Trúng số hả?
Chị Vân nói xong, cả hai chị em cùng cười ngúc ngắc, ráng vét hết hộp cơm cho vào bụng rồi ngồi tựa gốc cây, mắt lim dim. Đột nhiên, có bốn người, hai trai, hai gái tiến lại gần. Tên con trai gầy cao với làn da ngăm đen nhìn chằm chằm như thể chúng tôi từ hành tinh khác tới.
- Sao không vào trong kia mà ăn? Ngồi gốc cây làm gì?
- Ngồi ở đây cho mát. – Tôi lí nhí đáp trước khi chị Vân kịp lên tiếng.
- Hai chị em mới vô làm ngày nay hả?
Anh ta vừa hỏi vừa sáp lại ngồi chung, ba người kia cũng bắt chước theo. Thế là, sáu người xếp thành một vòng tròn thân thiết như kiểu biết nhau từ lâu rồi vậy.
Bọn họ bắt chuyện, giới thiệu bản thân rồi đặt câu hỏi, tôi và chị Vân cứ thế trả lời. Người con trai chủ động lên tiếng lúc nãy tên Thiên, bằng tuổi chị Vân, Thuận là em trai anh, còn hai cô gái, một cô tên Hà, cô kia tên Loan.
Hóa ra, mây tầng nào gặp mây tầng ấy, mọi người đều giống như nhau, con nhà nghèo, học dở dang, anh em đông, ba mẹ già nên cùng chung chí hướng là đi làm xí nghiệp kiềm tiền trang trải cuộc sống và đỡ đần gia đình.
Hà rút bịch kẹo trong túi ra, chia cho mỗi người một cái. Cô ấy nhỏ hơn tôi một tuổi, có gương mặt rất đẹp, làn da trắng sứ, miệng cười rất duyên, thoạt nhìn tôi cứ ngỡ cô ấy là con gái rượu của một gia đình giàu có nào đó.
Nghe cách họ nói và những cử chỉ qua lại thì tôi cũng biết được Hà là người yêu của Thuận và hai người kia chỉ là bạn bè bình thường.
Đầu giờ làm việc của buổi chiều, đang lúc hối hả đua với cái máy chà nhám thì chị Vân bị thanh phôi gỗ rớt xuống chân, trúng ngay ngón cái, máu túa ra. Thiên đang đứng ở máy đục gần đó liền vội vàng lao đến.
- Có đau lắm không? Sao không cẩn thận vậy?
Dứt lời, anh ta chạy vụt lên phòng quản lý. Lát sau, cầm miếng băng gạc và chai thuốc khử trùng quay lại, thoăn thoắt bôi thuốc rồi băng ngón chân cho chị Vân. Lúc này, tôi thấy mặt chị ửng đỏ, tay chân cứ run lập cập.
Lúc cả hai chị em đứng dậy thì cái bàn dài đã ứ đầy những thanh phôi gỗ, rớt luôn xuống sàn. Trái ngược hoàn toàn với thái độ quan tâm lo lắng của Thiên là gương mặt không chút cảm xúc của chị gái đứng sau máy chà nhám. Rõ ràng chị ấy thấy tất cả nhưng vẫn cố tình không dừng lại, cứ bỏ vào cho xong phần việc của mình.
Tôi và chị Vân vội vàng xếp gọn tất cả lại, vừa xếp vừa lấy tay miết vào hai mặt để cảm nhận bề nào láng hơn. Lúc này, tôi thầm cảm ơn khoảng thời gian được cậu huấn luyện và la hét, nhờ đó mà tay chân chúng tôi nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc mà đã đâu vào đấy cả, chỉ có điều bàn tay như lại mập thêm ra do bị phôi va trúng.
Chiều đến, tôi uể oải rời khỏi xưởng sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng khi vừa nhìn thấy ba đang đứng đợi trước cổng, tôi liền lấy lại bộ dạng khỏe khoắn, mau mắn chạy đến. Chị Vân cũng tập tễnh bước vội theo sau. Trông thấy ngón chân cái được băng gạc của chị, ba lo lắng lên tiếng hỏi.
- Chân bị sao vậy con?
- Dạ, con đá trúng chân bàn, bị tróc móng. – Chị cười đáp.
Tôi im lặng chẳng nói gì cả. Đoán chừng ba cũng đã tin vì chị Vân từ nhỏ đến giờ đi đứng vẫn hay va vấp, chân chị dài hơn chân tôi nhiều, cứ lều khều, lèo khèo, không tộn bên này cũng va bên kia.
- Đi đứng cẩn thận chút chứ con. Thôi, lên xe đi. Nay mẹ đi nấu đám nhóm họ cho nhà hàng xóm, họ cho đồ ăn mang về nhiều lắm.
Nói rồi, ba nổ máy xe. Tôi và chị Vân nhanh chóng leo lên. Tôi ngoái đầu nhìn chị, chị nháy mắt khẽ cười. Tôi thầm nhủ trong lòng rằng có những câu nói dối không phương hại đến ai nhưng khiến người thân của chúng ta bớt phần lo lắng thì ta nên cố gắng phát huy.
Quãng đường từ xí nghiệp về chẳng quá xa nhưng cũng đủ thời gian cho tôi hồi tưởng lại thuở còn cắp sách. Năm tôi lên lớp hai, nhà tôi mới chuyển đến xứ núi này, khó khăn thiếu thốn đủ bề, ba mẹ đều đầu tắt mặt tối kiếm tiền, tôi và các chị chủ yếu là cuốc bộ đi học.
Đường từ nhà đến trường đếm hơn năm cây số. Miệng tôi thuộc họ hến nên nào dám quá giang xe ai, cứ cung cúc mà đi, khi nghe tiếng xe vang lên sau lưng thì ngoái cổ nhìn để nếu ai thấy tội thì họ dừng lại và chở giúp, còn không thì thôi.
Các chị đều học buổi sáng, còn tôi học buổi chiều nên có hôm tan trường, tôi đi đến trăng lên mà vẫn chưa tới nhà. Tiếng chó sủa và tiếng kêu kẽo kẹt của mấy bụi tre ven đường khiến tôi sợ phát khóc nhưng khi đặt chân vào nhà thì mắt lại ráo hoảnh như không có chuyện gì.
Ngày nào, ba chở khách về ngang trường đúng giờ tan học thì đó là ngày may mắn của tôi. Dù cho chiếc xe ba đạp đến hơn mười lần vẫn chưa nổ máy và chúng bạn chỉ trỏ cười cợt thì tôi vẫn cảm thấy vui sướng vô cùng.
Buổi tối, sau bữa cơm, mẹ cẩn thận tháo băng trên ngón chân của chị Vân ra, làm thuốc rồi băng lại. Chị Vân mím môi, quay mặt vô vách tường, cố gắng không phát lên bất kỳ tiếng kêu đau nào.
Tôi thấy ánh mắt mẹ buồn buồn. Có lẽ mẹ đang rất đau lòng, tôi nghĩ vậy vì khi nhìn miếng bông gòn chạm vào ngón chân máu me của chị, tim tôi còn nhói lên thì huống gì là mẹ.
Gom mớ bông gòn và băng gạc dính máu vào bịch xốp, tôi mở cửa rồi đi vòng ra hố rác phía sau nhà vứt xuống. Ở quê, không có người thu gom rác như Sài Gòn, cứ tự gom lại rồi đốt thôi.
Bầu trời đêm nay vẫn rất nhiều sao. Tôi bất giác nhớ chốn đô thành lấp lánh ánh điện kia, nơi mà mơ ước của tôi vẫn chưa có cơ hội ươm mầm. Tôi thấy bản thân chẳng thể làm tốt chuyện gì ngoài nhóm lửa và rửa chén. Chẳng lẽ tương lai tôi lại trở thành một người rửa chén chuyên nghiệp cho quán ăn, một phút ba mươi giây thì rửa xong chồng chén dĩa.
Đứng tựa tường ngắm sao một hồi lâu, tôi quay trở vào nhà, nhẹ nhàng leo lên giường rồi đến nằm cạnh chị Vui, lắng nghe tiếng thở đều đều của chị. Tôi không biết trong lòng các chị có ước mơ gì xa xôi như mình không nữa, tôi chưa từng nghe hai chị nói gì về dự định tương lai cả.
Với mỗi công việc diễn ra hàng ngày, hai chị sẽ cố gắng làm và hoàn thành thật tốt. Chị Vui nói rằng chị ngại sự thay đổi, nói chính xác hơn là chị sợ. Chị muốn làm những việc mà chị đã quen tay quen chân, cứ thế, lặp đi lặp lại.
Còn chị Vân thì kiểu tới đâu hay tới đấy, chị nói tất cả sẽ do số phận quyết định nên chẳng cần phải suy nghĩ hay tính toán gì, khẩu hiệu của chị chính là người tính không bằng trời tính.
Nhưng sau tất cả, tôi biết hai chị đang nói dối để che đậy khao khát bên trong mà thôi, ai lại muốn cuộc đời mình mãi trong vòng lẩn quẩn của nghèo và khổ chứ, ai mà không có ước mơ vươn cao và ngoi lên với đời, với người, được ăn ngon, mặc đẹp.
Chỉ là, các chị cũng giống tôi, hành trang là con số không tròn trĩnh, tấm bằng tốt nghiệp lớp chín chẳng đủ chứng minh năng lực gì cho chủ nhân nó cả.