Chương
Cài đặt

Chương 7: Hạnh Phúc Là Chạm Chân Tới Quê Hương

Đúng năm giờ sáng, chiếc xe khách đỗ chúng tôi xuống ngã ba Hàm Rồng. Vừa đặt chân trên đất, tôi đã thấy dáng ba gầy gò trong chiếc áo khoác bạc màu đang hối hả tiến lại.

- Đi đường mệt không con? – Ba vừa hỏi vừa đón lấy mấy chiếc túi xách của hai chị em mang lên vai.

- Dạ không ba. – Tôi nhanh nhảu đáp lời trước cả chị Vân.

Ba treo mấy cái giỏ xách lên xe rồi chở ba mẹ con về nhà. Trời hãy còn mù sương, cái lạnh luồn vào trong áo, chạm tới da thịt làm tôi run cầm cập, hai hàm răng đánh nhau liên tục. Khí hậu ở đây vốn là như vậy, cơ hồ có cả bốn mùa trong năm, từ đêm tới sáng sớm là mùa đông lạnh lẽo, nắng lên một chút sẽ ấm áp như ngày xuân, đến trưa thì nóng như mùa hạ, chiều gió núi về mát rượi tựa mùa thu.

Xe vừa dừng trước sân, chị Vui đã mở cửa chạy ra, phụ xách đồ vào. Hai đứa em gái cũng thức giấc cả, chúng nó ngồi yên trong mùng, giương mắt nhìn tôi và chị Vân. Bé Ly đang học lớp ba, bé Lan mới tròn bốn tuổi, còn thằng em trai tên Trung thì đang ở trọ dưới huyện để học lớp mười, phải cuối tuần nó mới về được.

- Hai đứa vô ngủ thêm chút đi, còn sớm lắm.

Nói rồi, ba đi thẳng ra sau bếp. Lát sau, mùi hương cà phê thoang thoảng bay lên. Ba tôi luôn thức dậy từ rất sớm, nhâm nhi ly cà phê và điếu thuốc xong sẽ lái xe ra ngã ba và ngồi đợi khách.

Nằm trong phòng được một lúc thì tôi bật dậy, chạy ra sau bếp, bắc nồi nước để nấu cháo cho heo rồi vòng vòng sau vườn. Đã về tới đây, tôi chẳng thiết tha gì ngủ nữa. Sau khi đảo quanh mấy luống rau và hoa mẹ trồng, tôi đứng tựa gốc xoài, phóng tầm mắt nhìn về ngọn núi phía xa.

Ngọn núi ấy gọi là núi Hàm Rồng, nghe nói do dung nham phun trào mà nó bị tách đôi, chia làm hai bên, há ra giống miệng con rồng, thành thử có tên gọi như vậy. Nhìn từ nhà tôi tới thì chỉ thấy một nửa của nó mà thôi. Vào những ngày sương phủ, cứ sáng sớm và chiều buông, ngọn núi như biến mất, chỉ để lại một khoảng trời trắng xám.

Ngắm chán, tôi trở vào, đổ bột bắp quậy đều rồi cho thêm bột cám quậy tiếp để cháo quánh lại. Xong đâu đấy, tôi múc sang cái thau nhỏ, đem ra ngoài trời phơi gió. Công việc này lúc trước tôi đã làm và làm rất thành thục. Đàn heo của mẹ tuy chỉ có mấy con nhưng mỗi khi chúng đòi ăn thì cứ ngỡ như cả trang trại, ồn không thể tả. Tôi đưa tay rút mấy cọng rau lang, vứt vào chuồng cho chúng xúm lại để đỡ kêu cho nhẹ lỗ tai trong lúc chờ cháo nguội.

- Đi chợ với chị không Vy? - Chị Vui bước đến, đặt tay lên vai tôi.

- Dạ đi. Vui chờ em chút.

Dứt lời, tôi chạy vào, lấy mũ đội lên rồi cùng chị đi chợ. Nói là chợ cho sang chứ thật ra chỉ là hai, ba cái sạp bán đồ ăn tươi nằm dọc trên đường.

Chị Vui bưng cái rổ tre nhỏ đựng đâu chừng sáu, bảy con cá nục hấp lên đưa cho bà chủ sạp rồi quay sang lấy bịch đồ nấu canh chua được cột sẵn, trong có đầy đủ bạc hà, đậu bắp, cà chua cùng hai trái me xanh nhỏ và mớ rau nêm.

- Lát về hái mấy trái su ngoài giàn vô xào nữa là được. - Chị Vui cười, móc túi lấy tiền trả.

- Chị gái cháu đó hả? – Cô chủ sạp lên tiếng, mắt cứ nhìn tôi chằm chằm.

- Dạ không, nó là em cháu, thua cháu hai tuổi. - Chị Vui nhỏ giọng.

- À. Ờ. Hai đứa giống nhau dữ hen.

Tôi nhịp chân nhìn ngó lung tung, cũng không trách bà ấy được, tôi vốn dĩ cao và to xác hơn chị Vui nhiều, thêm cặp kính cận lòi trang trí trên mặt nên có lúc người ta còn nhầm tôi là chị của chị Vân luôn ấy chứ.

Lấy tiền thối xong, hai chị em dắt nhau quay về. Lúc này, từng tốp những cô gái trạc tuổi chúng tôi ríu rít đạp xe ngược hướng ra phía ngoài ngã ba. Tôi đoán họ là công nhân làm xưởng gỗ mà mẹ nói, trông ai cũng trắng trẻo, chẳng bù cho tôi, đen thui tối thui.

- Lương xưởng gỗ bao nhiêu một tháng vậy Vui? – Tôi đưa tay ngắt chiếc lá ven đường, xé vụn.

- Chị nghe nói là hai mươi lăm ngàn một ngày á, làm đủ công tính ra một tháng cũng được sáu trăm rưỡi, nghỉ bốn ngày chủ nhật.

- Nhiều ha. Trời ơi, em muốn đi làm liền quá đi.

Thế rồi, vừa bước, tôi vừa nhẩm tính và nhân cho mười hai tháng tròn. Số tiền ấy sẽ đỡ đần cho ba mẹ tôi biết là bao nhiêu.

Chiều xuống, tôi và chị Vân ra sau núi cắt cỏ mè đất về cho heo. Từ hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường cùng chị xách bao và dao đi cắt. Đến lúc chị vào Sài Gòn thì tôi hay dắt bé Ly theo cho đỡ sợ ma.

- Lúc trước, mỗi lần cắt cỏ, Vân không lo cắt mà cứ lo tìm sâu róm. – Tôi quay sang ghẹo chị Vân.

- Mà cũng kỳ, Vy cắt ào ào không gặp mà chị thì cứ gặp sâu hoài.

Cả hai cùng cười thật lớn rồi chia nhau ra cắt. Bây giờ cho dẫu con sâu có xuất hiện ngay trước mặt thì tôi và chị cũng không còn sợ nữa, cứ lấy dao hất nó rớt xuống đất rồi lại tiếp tục. Xem ra, nỗi sợ cậu lấn át luôn nỗi sợ sâu và nhờ đó giúp cho tôi dạn hơn rất nhiều.

Nhét đầy cỏ vào bao, tôi cùng chị Vân đến ngồi trên ụ đất nghỉ mệt. Mặt trời vẫn còn lưu luyến chưa khuất núi, gió nhẹ mơn man khắp chốn. Thấp thoáng phía xa xa, từng đàn bò đang thủng thẳng quay về sau một ngày no cỏ. Tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên giữa khoảng không.

Một lúc sau, chị Vân đứng dậy, quẩy bao cỏ lên vai, tôi thì cầm hai con dao, đủng đỉnh về nhà. Khói lam chiều lơ thơ bay lên từ những gian bếp gỗ của người đồng bào Gia Rai. Những đứa trẻ mặt mũi lấm lem đang đứng trước sân ngóng cổ nhìn con đường mòn, tôi đoán là chúng đang đợi ba mẹ hay anh chị chúng đi làm về. Giờ này, chắc ba tôi cũng đã về nhà rồi. Mấy năm trước, có lúc ba chạy xe chở khách đến tận tám, chín giờ tối mới nghỉ, nhưng những năm gần đây, sức khỏe ba không tốt, lại còn thêm mấy vụ cướp chặn đường rộ lên nên ba chỉ chạy đến năm giờ chiều là về, lỡ có cuốc nào trễ thì cũng tầm sáu giờ thôi.

Bữa cơm tối đoàn viên của những thành viên trong gia đình diễn ra vui vẻ, tính ra là đủ cả, chỉ thiếu mỗi thằng em trai. Tôi có cảm giác như ba mẹ và chị Vui đang cố ý nhường thức ăn cho tôi với chị Vân, cả hai đứa nhỏ cũng vậy.

- Cả nhà ăn đi chứ, trong đó ngày nào tụi con cũng được ăn thịt nướng.

Chị Vân nói rồi gắp phần thịt giữa con cá hấp bỏ vào chén bé Ly và bé Lan. Tôi cũng gật đầu phụ họa theo lời chị. Bây giờ, có cá ăn đã là mừng lắm rồi. Tôi nhớ những ngày thơ ấu, có lúc bữa cơm chỉ là hai chén nước mắm, một cay và một không cay, chan với cơm trắng mà ai cũng ăn ngon lành.

Ám ảnh nhất trong tôi là ngày mẹ chóng mặt bị ngã phải nhập viện, tiền thì hôm trước mẹ đã gom hết đi lấy hàng về quán để bán. Thế là, cô hàng xóm liền chở tôi chạy vào nhà người bà con mượn một trăm ngàn nhưng họ chẳng cho. Cuối cùng, chị Vui phải vét sạch cái hũ tiền lẻ để dành thối cho khách, gom được bốn mươi ngàn để ba về đưa mẹ đi, tôi nhớ như in xấp tiền nhàu nhĩ, một ngàn, hai ngàn và năm trăm đồng xen nhau.

Những ngày sau đó, bao nhiêu tiền bán được đều tích cóp để mang xuống bệnh viện, ba tôi cứ buổi ngày tranh thủ chạy xe, chiều tối lại xuống trông mẹ. Lúc mẹ xuất viện về thì tiền cũng cạn hết, hàng hóa trong quán cũng vơi. Đứa em gái nhỏ nghe tiếng rao của xe bánh bao chạy ngang nên xin mua cho nó một cái mà cũng chẳng có tiền. Cái bánh giá hai ngàn, trong bóp của mẹ chỉ còn mỗi năm trăm đồng.

Thế là, tôi cầm lấy, chạy sang quán đối diện, mua ổ bánh mì không về rồi lấy đường cát đổ ra chén cho nó xé và chấm ăn. Nhìn đứa em gầy gò cầm ổ bánh đã bị dịu và nhăn nheo ăn một cách ngon lành mà ba và chị em tôi chẳng cầm nổi nước mắt.

Giây phút đó, tôi tự nhủ lớn lên sẽ ráng làm và kiếm thật nhiều tiền. Nhưng khi vào Sài Gòn, tôi mới hiểu kiếm được tiền chẳng dễ dàng như mình nghĩ, ước mơ thì mãi chỉ là ước mơ mà thôi, ước mơ của những đứa học hành chẳng tới nơi như tôi không được xây dựng trên một nền tảng nào cả, mông lung và mơ hồ.

- Ba ơi, ngày mai ba chở tụi con xuống xin đi làm xí nghiệp gỗ nha ba. - Chị Vân lên tiếng.

- Con mới về, nghỉ ngơi thêm ít ngày đi. – Ba vừa nói vừa buông đũa, thôi không ăn nữa.

- Ở nhà cũng lòng vòng vậy à, ba cho tụi con đi làm đi. – Tôi nhìn sang mẹ, tìm sự đồng tình.

Cuối cùng, nhờ mẹ nói thêm, ba đã đồng ý. Ba nói trong một lần chở khách, ba quen biết với ông quản lý trong đó nên chỉ việc nhờ ổng nói một tiếng là vào làm thôi, hồ sơ bổ sung sau. Vì chị Vui đã quen phụ mẹ nấu rượu, nuôi heo, bán quán nên tôi sẽ đi làm với chị Vân.

Ăn cơm và dọn rửa xong, tôi và chị Vân lấy sẵn bộ đồ ra treo lên dây để ngày mai mặc. Suốt cả đêm, tôi không ngủ được, cứ nằm canh trời, mong cho mau sáng. Cảm giác này thật giống với lúc tôi biết mình có tên trong danh sách phát giấy khen và nôn nao được mau mau đến trường tổng kết.

Qua kẽ hở của ô cửa sổ bằng gỗ, ánh trăng đêm thu dìu dặt lọt vào. Tuy sống trong cảnh khổ và luôn phải lo lắng nhưng tôi hãy còn lãng mạn và mộng mơ lắm, tôi rất thích ngắm trăng và sao. Khi ngước nhìn lên cao xa kia, tôi mới thả lòng thoải mái mà tưởng tượng. Tưởng tượng sau này mình sẽ ngồi văn phòng máy lạnh làm việc, được mang sơ mi cùng váy, rồi đi giày cao gót và kiếm thật nhiều tiền. Và rồi, xui khiến thế nào đó, tôi có thể gặp được chàng bạch mã hoàng tử trong cổ tích để cuộc đời một bước lên hương.

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.