Giới thiệu
Trong cuộc sống ai cũng có những ước mơ thật cao xa, để rồi trong hành trình tìm kiếm lối đi và đạt được ước mơ ấy thì mới nhận ra đâu là thứ mình thật sự cần.
Chương 1: Một Ngày Như Mọi Ngày
- Vy ơi! Dậy nhanh đi, trễ rồi.
Tiếng gọi của chị Vân làm tôi giật bắn cả người. Mở mắt ra, thấy mình vẫn đang nằm trên giường còn gương mặt chị Vân lộ vẻ lo lắng thật sự. Tôi cuống cuồng gấp mền gối rồi theo chị chạy sầm sập xuống cầu thang.
- Còn có ba mươi phút. - Giọng chị Vân gấp gáp.
Hai chị em thay nhau đánh răng rửa mặt và lao vào bếp chuẩn bị đồ để kịp giờ ra chợ. Tôi vội nấu nước nóng ngâm nấm mèo, bật lửa nồi đậu xanh lên, xong lại quay qua lấy can nhựa rót nước mắm đã nấu sẵn từ tối hôm qua vào, chị Vân thì thoăn thoắt bào môn.
Nhìn củ môn mòn đi một cách nhanh chóng mà tôi sợ thật sự, cũng may chị Vân đã quen chứ nếu là tôi thì không chừng thịt môn và thịt tay tôi lẫn lộn vào nhau luôn chứ chẳng đùa.
Chị Vân trộn nhân xong, tôi lôi xấp bánh tráng mỏng ra, cắt thành ba hình tam giác rồi bắt đầu cuốn chả giò cùng chị.
Lúc nãy, trong cơn mơ, tôi thấy mình và chị đã thức dậy, cuốn chả giò xong và đang chiên rõ ràng, còn ngửi được cả mùi thơm dầu mỡ xộc vào mũi nữa. Đang vui vì mọi việc gần hoàn thành thì tiếng gọi của chị đưa tất cả về lại điểm xuất phát.
Cũng may hôm qua cậu uống rượu với mấy ông hàng xóm nên dậy hơi trễ, thành thử vừa kịp thời gian cho tôi và chị Vân làm xong nhiệm vụ. Chứ nếu cậu tỉnh sớm như mọi khi, nhìn thấy sát giờ mà còn lúi búi leng beng, kiểu gì chúng tôi cũng phải nghe một bài ca vọng cổ.
Xếp tất cả các thứ vào chiếc giỏ lớn, tôi và chị Vân khệ nệ khiêng ra cho cậu gác trước chiếc xe máy rồi leo lên yên sau.
Được ngồi chính giữa nên tôi tranh thủ nhắm mắt tiếp, tuy không ngủ nhưng cảm giác rất thích và thỏa mãn vô cùng. Tôi không biết sau lưng mình, chị Vân có nhắm mắt giống tôi không, cả thằng Hòa, con của cậu đang ngồi phía trước nữa. Ban nãy, lúc cậu dựng nó dậy thì hai mắt nó vẫn nhắm tít thò lò, ngáp lui ngáp tới như kiểu lên đồng lên bóng. Vì trường học của Hòa gần khu chợ cậu mướn mặt bằng nên nó phải đu theo để đi học.
Ở Sài Gòn, mới hơn sáu giờ sáng mà cứ ngỡ như trưa trờ trưa trật vậy. Than đốt chưa đỏ, rau rửa chưa xong đã có người tới hỏi mua. Cậu bảo đợi một lát, họ liền đồng ý ngay vì mấy đứa bé cứ nằng nặc đòi ăn sáng bằng bún thịt nướng chứ không chịu ăn món gì khác.
Đưa hộp bún ra cho khách và thu tiền xong, cả chị Vân lẫn tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Chị tiếp tục vắt thịt vào đũa tre và cho lên vỉ than nướng còn tôi quay xuống rửa nốt rổ rau. Thằng Hòa phụ bợ vài việc linh tinh thì tới giờ học nên nó xách cặp vác lên vai rồi ba chân bốn cẳng chạy đến trường.
Từ hôm mẹ đưa tôi vào Sài Gòn đến nay đã được hơn ba tháng, mọi việc cũng gọi là đã quen. Còn nhớ ngày đầu tiên thò tay vào bó rau xà lách, tôi hét toáng lên khi thấy con sâu trương mắt nhìn mình nhưng bây giờ không như vậy nữa, dẫu cho có sợ cách mấy cũng ráng mà im và tìm cách lấy nó ra vì nếu không, tôi sẽ bị la đến te tua tơi tả. Cậu nói nếu để khách nghe thấy, dẫu cho mình có rửa sạch sẽ thì họ cũng chẳng dạn miệng mà ăn.
Hôm nay, chợ hơi ế, giỏ bún trong thùng xe đẩy chỉ mới vơi được một ít. Cũng nhờ vậy, tôi và chị Vân có chút thời gian thảnh thơi ăn sáng chứ không phải nuốt đại nuốt đến, chẳng kịp nhai như những ngày khách đông.
Bữa sáng mỗi ngày của chúng tôi chính là tô bún thịt nướng. Có những lúc cậu kêu tôi gọi bún riêu hay hủ tiếu gì đấy mà ăn thì tôi lắc đầu lia lịa, nói chỉ muốn ăn món này.
Nói thì nói vậy nhưng lý do thật sự là tôi sợ bản thân ăn món khác lại tốn tiền của cậu, dù sao đồ nhà bán vẫn rẻ hơn, nếu tính theo giá gốc. Còn nữa là tôi ngại trong lúc đang ăn mà khách đến đông thì cứ đứng lên ngồi xuống mất công lắm, mấy món nước lèo ấy nóng nên chẳng ăn nhanh được, cứ làm tô bún thịt nướng rồi lùa hết vào miệng cho mau. Có lẽ chị Vân cũng cùng suy nghĩ với tôi nên quanh năm suốt tháng chị cứ ăn bún thịt nướng.
Cậu ngồi trên ghế, kéo học tiền, đếm tới đếm lui rồi nói với ra phía trước, bảo chị Vân ngừng nướng thịt, sau đó, quay sang tôi.
- Vy, vào trong bãi xe mời xem có ai ăn bún không?
Tôi vâng dạ, te te chạy đi. Cứ mỗi lần ế ẩm, cậu lại bảo tôi vào đó mời khách. Số là có một lần chú thợ sửa xe trong ấy chạy ra kêu tô bún. Lúc tôi bưng bún cho chú thì vô tình có thêm mấy người nữa trông thấy rồi bảo tôi bưng cho họ luôn. Vậy là, bán được mười mấy tô.
Cậu cứ tưởng rằng tôi mở miệng mời mọc nên mới có nhiều người mua chứ đâu biết miệng tôi vẫn khít như miệng hến, nào có dám hé răng mời ai, thấy người lạ là sợ đến cứng họng thì lấy đâu dũng khí mà mời với gọi.
Thế rồi, những lần sau đó, mỗi khi cậu bảo, tôi mau mắn vọt đi nhưng đến nơi thì lại bước từ từ, giả vờ lượn tới lượn lui, nhìn nhìn, ngó ngó như kiểu ta đây đang tìm người, tìm tô, cốt để có ai trông thấy cái mặt mốc của mình mà đột nhiên muốn ăn bún thì gọi.
Cũng may cho tôi là lần nào cũng có người chủ động lôi tôi vào gọi bún. Ít thì bốn, năm tô, nhiều có khi được cả hai mươi mấy tô.
Khách ăn bún chủ yếu là những người thợ sửa xe. Bãi đất rộng này được bao quanh bằng một bờ tường cao, tập trung rất nhiều xe tải, lớn có, nhỏ cũng có. Các tài xế thường ghé vào để kiểm tra máy móc và bảo trì, sửa chữa, có lúc chỉ là kiếm chỗ đỗ xe để nghỉ ngơi chờ đến giờ lại đi tiếp.
- Bún thịt nướng!
Nghe tiếng gọi, tôi vội vàng lia đôi mắt nhìn dáo dác xung quanh. Từ ngày bước chân ra chợ phụ cậu, tôi có thêm cái tên là “bún thịt nướng”. Nhác thấy cánh tay đưa cao vẫy vẫy của bà chủ bãi xe, tôi đâm đầu chạy một mạch tới bên cạnh.
- Dạ, cô kêu bún ạ?
- Ừ, cho cô một tô, rau giá đầy đủ nha.
Nói rồi, bà ấy quay sang hỏi mấy ông tài xế mặt mũi lạ hoắc đang ngồi vắt vẻo trên những chiếc võng gần đó có ăn không. Người lắc, kẻ gật. Cuối cùng, tổng lại là được năm tô. Tôi mừng rỡ phóng thật nhanh về xe bún.
Từ xa, vừa trông thấy tôi, cậu đã xếp sẵn mấy cái tô trống lên rồi, cứ như cậu mặc định tôi lủi vào trong ấy thì kiểu gì cũng có người gọi bún ăn vậy.
- Mấy tô? - Cậu nhìn tôi rồi nhìn cái khay nhựa, bàn tay thoăn thoắt vầy nắm rau lên cắt nhỏ.
- Dạ, năm tô, rau ớt đầy đủ nha cậu.
Chờ cậu làm xong, tôi mau mắn xếp hết tô lên mâm rồi bưng đi. Khi vừa trở lại đã thấy có thêm năm, sáu người khách đến, kẻ mua ba hộp, người mua năm hộp. Chẳng mấy chốc mà mớ thịt nướng sẵn đã vơi gần hết. Tôi và chị Vân cắm mặt vào vỉ thịt, tranh thủ nướng, chị vắt, tôi thì vừa trở vừa quạt cho thịt nhanh chín hơn. Kết quả là lửa bùng lên, tôi tá hỏa bưng vỉ thịt ra ngoài để chị Vân bới than đỏ, bỏ than đen vào dập lửa.
Lúc đặt vỉ lên thau than, tôi luống cuống làm văng luôn mấy cây thịt sắp chín xuống đất, chị Vân thấy vậy liền nhanh chóng dùng chân đá chúng vào dưới gầm xe luôn. Thời điểm mà khách đông thì một cây thịt đối với chúng tôi và cậu mà nói quý như một cây vàng vậy. Khách đợi lâu sẽ dỗi sẽ hờn, có khi chửi toang toác.
Cũng may, cậu đang múa may quay cuồng trong xe bún nên không nhìn thấy thịt bay vào miệng thổ địa. Cái kiểu nó vậy, lúc thịt thà nướng đầy đủ, chất cao chót vót thì chẳng có ai tới mua, lúc vừa vơi thì từ đâu không biết, người này nối gót người kia, xếp hàng, vừa mua vừa hối, làm chúng tôi cũng nhảy nhót tưng bừng.
Bà khách mối sang chảnh mỗi lần ghé là mua gần cả hai mươi hộp bún cho thợ thầy ở xưởng ăn vừa dừng xe lại đã hối thúc, đứng đợi chưa bao lâu liền nổi quạu, mặt mày bự ra. Cậu thấy thế liền quay sang la tôi và chị Vân té tát.
- Bỏ thêm than vô, quạt lên. Nướng gì có mấy cây thịt mà trở tới trở lui không chín là sao? Nhanh cho khách người ta còn về. Làm như tụi bây thì mất khách hết.
Câu nói không có chút tình nghĩa nào đó chính là câu thần chú cứu cánh trong lúc này. Bà khách thấy cậu la chúng tôi túi bụi thì thôi không hối nữa, bảo cứ để tụi nhỏ nướng từ từ, chị đây đợi được.
Cứ mỗi lần cậu hầm hét, tôi tủi thân ghê gớm. Tuy nghe chị Vân giải thích rằng cậu nói vậy là để cho khách đỡ nóng ruột, đỡ hối và thư thả cho mình làm nhưng tôi vẫn mãi buồn và thấy xấu hổ với những người xung quanh. Tôi là một con bé mới mười lăm tuổi, dễ tổn thương và mau nước mắt. Nhất là khi có mấy đứa con trai trạc tuổi hoặc lớn hơn chút đến mua hàng ngay lúc tôi và chị Vân đang bị mắng thì tôi như muốn đất dưới chân nứt ra để chui xuống cho xong.
Làm luôn tay luôn chân suốt hơn một tiếng đồng hồ thì giỏ bún cũng sạch sành sanh. Nhác thấy bà Hiếu bán nước giải khát đi qua, cậu liền gọi lại, bảo mang cho tôi và chị Vân ca nước mía rồi kéo học tiền ra xếp, vừa đếm vừa cười. Tôi uống vội một hớp nước, tranh thủ chạy vào bãi xe thu tô, thu tiền vì sợ khách lạ họ ăn xong đi mất lại chẳng biết đâu mà tìm.
Sau khi tính toán các khoản phải thanh toán, cậu đưa tiền cho chị Vân vào chợ trả cho mấy người bạn hàng và mua thêm nguyên liệu chuẩn bị cho ngày mai. Tôi dọn vén các thứ gọn gàng và ngồi xuống rửa chén, rửa tô.
Hôm nào cũng vậy, cứ mỗi lúc khách đông, làm không kịp, tôi và chị Vân đều bị cậu la mắng túi bụi, cứ như là một phần tất yếu của cuộc sống. Khi bán xong xuôi, rảnh rang thì cậu lại cười xòa, bô lô ba la như chẳng có chuyện gì xảy ra rồi kêu mấy cô bán vé số đi ngang qua ghé vào, lựa vài tờ.