Chương 6: Lời Tạm Biệt Chẳng Thể Nói Dễ Dàng
Thời gian dần trôi mau, thấm thoát đã ba năm kể từ ngày tôi vào Sài Gòn, cu tí con của cậu cũng đã đi nhà trẻ. Mợ quay trở lại chợ buôn bán cùng chúng tôi còn cậu thì xin vào làm bảo vệ cho một nhà xưởng ngoài xa lộ Đại Hàn để tiện thời gian đưa thằng bé tới trường.
Buổi tối mùa thu hôm ấy, sau khi cậu chạy sang nhà hàng xóm nghe nhờ điện thoại từ mẹ thì trở về với khuôn mặt cau có. Cả chị Vân và tôi đều không dám hỏi, cứ ngồi im thin thít trên gác. Lát sau, chị Vân mon men xuống nhà dưới rồi lại quay trở lên, kéo tôi ra ngoài ban công.
- Chị nghe cậu mợ đang cãi nhau, hình như mẹ sắp vô đưa tụi mình về á.
- Lúc đem em vô mẹ cũng nói rồi mà, khi nào cu tí đi nhà trẻ thì mẹ đón mình về còn gì.
- Ý là, về cả hai đứa, không ai đi phụ. - Chị Vân tần ngần nhìn tôi.
- Bộ Vân muốn ở lại đây sao? Vân không nhớ nhà hả?
- Đương nhiên là muốn về rồi. Nhưng mà… có khi nào cậu với mẹ giận nhau không?
- Giận thì giận chứ biết làm sao? Em không muốn ở lại đâu. Tết nhất cũng không thể về nhà.
Chị Vân thở dài, nhìn lên khoảng trời đen ngòm trước mặt. Tôi biết điều chị đang lo lắng nhưng chuyện gì tới thì phải tới thôi, tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ chị Vui và mấy đứa em lắm rồi.
Mấy tháng trước, lúc gọi điện hỏi thăm chúng tôi, mẹ cho biết ngoài quê giờ mở rất nhiều xưởng làm bàn ghế gỗ, thấy mấy đứa con gái trạc tuổi chúng tôi mà không đi học đều kéo nhau đi làm, mẹ nói chờ cu tí đi nhà trẻ thì mẹ vào đón tôi và chị Vân về rồi xin vào xưởng, dù sao gần nhà gần cửa vẫn hơn.
Màn đêm trôi qua nặng nề và cả những ngày sau đó cũng vậy. Cậu nghỉ chân làm bảo vệ. Buổi sáng, sau khi đưa cu tí đến nhà trẻ thì cậu chạy ra chợ luôn. Gương mặt cậu mợ lúc nào cũng tỏ vẻ khó chịu, im lặng, thậm chí là chẳng buồn la mắng đến chúng tôi. Cái bầu không khí ngột ngạt khiến tôi nóng lòng mong cho nhanh tới ngày mẹ vô.
Và rồi, ngày đó cũng tới. Mới từ chợ trở về, tôi thấy cả dì Hoa và mẹ đều đang đứng trước cửa nhà cậu. Sau khi mở cửa, mợ vào thẳng trong nhà, dằn mâm xán chén, chẳng nói chẳng rằng. Cậu thì bảo mẹ làm lỡ dỡ việc của cậu dù rằng đây vốn dĩ là thỏa thuận ban đầu rồi.
- Hai đứa coi tắm gội, thu dọn đồ đạc đi, chiều mình về luôn. - Mẹ quay sang chúng tôi, dịu giọng.
- Dạ. – Tôi và chị Vân cùng đáp một lúc rồi nhanh chóng chạy lên gác.
Mợ giận nên chẳng buồn nấu cơm, chui tọt vào trong phòng nằm im như thóc. Cậu thì mở nhạc inh ỏi lên nghe. Dì Hoa thấy vậy liền lấy xe đạp chạy đi mua mấy hộp cơm về cho mẹ và chúng tôi ăn. Dì cũng mời cậu mợ nhưng chẳng ai thèm trả lời.
Tắm gội và thu dọn đồ đạc xong xuôi. Tôi cùng chị Vân tranh thủ nhặt rau, bào củ và làm những công việc như thường lệ trước khi tới giờ ra bến xe. Cậu tạt ngang, lớn giọng.
- Bỏ đó đi, làm cái gì mà làm.
Dứt lời, cậu đi thẳng vào trong phòng. Lát sau, mợ bước ra, mặt to như cái thúng, cầm hai triệu vứt luôn xuống sàn rồi quay vào. Cổ họng tôi nghẹn đắng, nếu có thể, tôi muốn cầm lấy xấp tiền đó mà ném ngược trở lại vào phòng mợ. Nhưng tôi không thể, làm như thế, người ta sẽ nói tôi là “thứ mất dạy”.
Chỉ vì vai vế trong gia đình là nhỏ nên cả mẹ cùng chị em tôi đều phải im lặng mà chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Và họ cũng vô tình đến mức cho phép bản thân làm tổn thương người khác một cách rất đỗi bình thường.
Tôi bước đến, cúi người lượm những tờ tiền, xếp gọn rồi đưa cho mẹ. Thấy trong ánh mắt của mẹ đã ngân ngấn nước, tôi cố kiềm lòng, mỉm cười.
- Mẹ cầm đi, để mua vé xe cho tụi con, là tiền công của tụi con chứ có đi xin đâu, phải lấy chứ.
Mẹ chẳng nói chẳng rằng, đưa tay quệt giọt nước chực trào ra. Dì Hoa thì vừa gọt vỏ ổi vừa nhỏ giọng càm ràm.
- Ổng bả đang giận nên mới vậy, kệ đi, khóc làm gì. Mà ổng bả cũng kỳ, kêu em nghỉ xưởng thêu về đây thì có người phụ rồi còn lẫy hờn gì nữa không biết?
Tuy dì Hoa nói vậy nhưng tôi biết dì hiểu rõ hơn ai hết. Cả hai chúng tôi làm một năm lương có hai triệu, còn dì thì cậu phải trả theo đúng mức lương dì đi làm cho người khác. Một tháng là năm trăm, tính ra một năm phải hết sáu triệu, gấp ba lần lương của hai chị em tôi. Thế nên, cậu mợ không hờn mới lạ ấy.
- Phải chi em chưa trả phòng trọ thì ba mẹ con qua đó nghỉ lại một, hai bữa rồi về, đi liên tục vậy chịu sao nổi? – Dì Hoa lại nói.
Lòng vòng một hồi thì đồng hồ cũng điểm ba giờ chiều. Dì đến trước cửa phòng cậu mợ, lên tiếng mượn chiếc xe máy rồi với lấy chìa khóa trên đầu ti vi, mở cổ xe dắt ra ngoài.
- Hai đứa thưa cậu mợ đi rồi về. - Mẹ quay sang giục chúng tôi.
- Thưa cậu mợ, tụi con đi.
Chẳng hẹn mà cả tôi và chị Vân đều cùng lúc lên tiếng. Thế nhưng, đáp lại vẫn là khoảng không im lặng đến mỏi mệt đó. Mẹ khoác tay, lùa chúng tôi đi về phía cửa chính.
Cảm xúc trong tôi vô cùng hỗn độn, tôi vừa giận vì cậu mợ làm tổn thương mẹ cùng chúng tôi, vừa buồn vì tình cảm giữa những người thân máu mủ lại mong manh đến mức dễ dàng bị tờ tiền xanh đỏ cắt đứt.
Dì Hoa kêu thêm một chiếc xe ôm chở tôi và chị Vân, còn dì thì chở mẹ. Tôi ngoái cổ nhìn căn nhà của cậu lần nữa. Thời gian sống ở đây cũng khá dài, bây giờ rời đi, sống mũi đột nhiên lại cay cay.
Cây bông trang đỏ sẫm màu trong ánh chiều càng khiến lòng người thêm não nề. Tôi đưa tay ngắt cái bông nhỏ cho vào túi áo. Chỉ là, tôi muốn mang theo một thứ gì đó liên quan đến nơi đây bên mình, dù chỉ một đoạn đường ngắn thôi.
Tiếng máy xe tạch tạch vang lên. Dãy nhà lụp xụp trong con hẻm của những người lao động nghèo khuất dần sau lưng. Lúc trước, nghe tới hai chữ Sài Gòn, tôi cứ nghĩ đó là nơi ngập tràn ánh điện lung linh và những tòa cao ốc lộng lẫy. Thế nhưng, giờ tôi đã biết, nơi nào cũng có những mảng sáng tối đối lập nhau, chẳng thể dung hòa.
Ra tới bến xe, dì Hoa dặn dò mẹ tôi nhớ ôm kỹ túi xách, sợ có mấy đồng mà bị người xấu rạch giỏ lấy mất thì lại khổ ra. Bịn rịn một lúc, dì tạm biệt rồi vội vàng quay về để còn kịp giờ đi đón thằng con sắp tan trường.
Lấy vé xong, vẫn chưa tới giờ khởi hành nên mẹ dẫn chúng tôi vào xe bánh mì trong bến, mua ba ổ bánh mì thịt với chai nước lọc rồi ra góc trống ngồi ăn. Tôi thấy trong ánh mắt mẹ vẫn còn vương buồn man mác.
- Mẹ đi xe liên tục không nghỉ có sao không mẹ? – Tôi mở nắp chai nước đưa cho mẹ, lên tiếng hỏi.
- Ngủ một giấc là tới nhà rồi, không sao đâu. – Mẹ nhìn hai chị em tôi, cười hiền.
- Bánh mì ở đây bán ngon quá mẹ ha? – Tôi lại nói.
- Ừ. Hai chị em coi có đi vệ sinh thì đi đi, xe sắp chạy rồi đó.
Chị Vân và tôi đưa túi xách quần áo cho mẹ coi giùm rồi đón lấy mấy tờ tiền lẻ trên tay mẹ, xong, chạy thẳng về phía nhà vệ sinh trong bến. Lúc trở ra thì cũng gần tới giờ xe chạy, ba mẹ con vội vàng bước lên, tìm ghế ngồi. Tôi xin mẹ cho mình ngồi cạnh ô cửa vì tôi rất thích ngắm quanh cảnh lúc thành phố lên đèn.
Xe dần chuyển bánh, thành phố sau lưng từ từ lùi xa, cảnh vật hai bên đường như bức tranh cuộn dần về phía sau. Tôi chống cằm, đưa mắt nhìn bên ngoài. Tôi có chút tiếc nuối khi ngần ấy năm trôi qua mà bản thân mình vẫn y như cũ, chẳng khá hơn chút nào. Trước người lạ, tôi vẫn hoài sợ sệt và nhút nhát, miệng vẫn khít như hến.
Chiếc màn hình tivi nhỏ treo trên xe được bật sáng, những giai điệu đồng quê mượt mà, tha thiết cất lên. Tôi bắt đầu nhớ về bãi cỏ xanh bên hông nhà, ở đó có rất nhiều cào cào, con màu xanh, con màu nâu, có con điểm rất nhiều màu xen nhau nữa.
Sau lưng nhà tôi, dưới chân núi là bãi cỏ đuôi chồn vàng đẹp như mơ, hồi chưa biết tên, chị em tôi thường gọi là “cây con sâu” vì khi tuốt bông cỏ khỏi thân, nó chun lại và rồi giãn ra lúc chúng tôi buông tay, trông rất giống con sâu đang bò nhúc nhích.
Tôi nhớ những con đường trải vàng hoa dã quỳ mỗi độ xuân về, từng đàn bướm vàng nhỏ xinh xinh dập dìu trong gió, bay tận ra đường lớn, va phải những chiếc xe công nông lướt ngang, rơi xuống. Lúc đó, chúng tôi sẽ chạy ra, lượm chúng vào, ép thành bướm khô để chơi.
Nhưng quanh cảnh làm tôi nhớ nhất và ấn tượng nhất về xứ núi chính là những vạt cỏ may dài bất tận. Những bông hoa tím thẫm nhỏ xíu nhưng vô cùng cứng cáp, xuyên thủng cả chiếc quần tây học trò mỗi khi tôi mải miết lủi vào để đuổi bắt chuồn chuồn.
Đang chìm trong vùng ký ức đẹp đẽ thì tiếng trẻ con chợt khóc nấc lên kéo tôi trở về hiện tại. Hai bên đường lúc này vắng vẻ vô cùng, lâu thật lâu mới thấy một, hai căn nhà chơ vơ giữa đồng không mông quạnh.
Trời càng về đêm càng lạnh, tôi đưa tay vào trong giỏ xách, lấy ra chiếc áo khoác để làm mền đắp lên người, nhìn sang bên cạnh, mẹ và chị Vân đều đã ngủ. Chiếc ti vi cũng đã tắt, chỉ còn nghe tiếng thở đều đều của những hành khách xung quanh. Tôi kéo cửa xe lại cho gió khỏi lùa vào và ngả lưng ra sau, nhắm mắt. Mẹ tôi nói đúng, chỉ cần ngủ một giấc thôi, ngày mai là tới nhà rồi.