Chương 5: Những Niềm Vui Giản Đơn Nho Nhỏ
Chỉ còn đúng một tuần nữa là Tết, nhìn những cô công nhân kéo vali, đeo ba lô, mặt mày hớn hở đứng chờ xe mà lòng tôi cũng nôn nao đến lạ, dẫu biết trước mình sẽ ăn Tết ở Sài Gòn nhưng chẳng kiềm nén được cái cảm xúc rạo rực lúc này.
Dọc các tuyến đường phủ rợp sắc cam của những cây quất chín mọng lúc lỉu, sắc vàng của hoa mai, hoa cúc và rất nhiều những loài hoa muôn màu khác. Nhìn những người bán hoa Tết, tôi thấy bản thân cũng còn sướng hơn họ rất nhiều, họ sẽ ăn uống, sinh hoạt và ngủ luôn trên vỉa hè mãi cho đến tận đêm ba mươi.
Những ngày cuối năm, bún bán rất chạy. Mặc dù chúng tôi cũng chuẩn bị thêm đồ hơn mọi ngày gấp đôi nhưng mới hơn chín giờ thì tất cả đã hết veo. Cậu đếm tiền vui vẻ ra mặt, quay sang nhìn dì Hoa, cười rạng rỡ.
- Lát nữa dọn dẹp xong, dì mày dắt hai đứa nó vô chợ mua quần áo đi.
Dì Hoa khẽ gật đầu, đôi thay thoăn thoắt rửa tô và chuyển sang cho tôi tráng lại nước sạch. Dì Hoa là em kế mẹ tôi, dì làm công nhân xưởng thêu tư nhân. Năm nay hết hàng sớm nên dì dẫn con sang ở nhà cậu chơi và ra chợ phụ chúng tôi luôn.
Dì ấy cũng có đôi mắt buồn như chị Vân vậy, người chồng sa chân vào thói đỏ đen mãi không bỏ được nên dì quyết định ly dị khi thằng con trai mới tròn ba tuổi và ở vậy nuôi nó đến giờ. Những ngày có dì đi bán chung, dù khách có đông thế nào thì cậu tôi cũng không la mắng tưng bừng như trước nữa. Tôi thầm ước sao ngày nào cũng có dì thì tốt biết mấy. Cả tuần nay thằng Hòa đã được trường cho nghỉ học nhưng cái xe máy cũ lại nặng thêm vì chở theo dì.
Kéo xe bún đi gởi xong, chị Vân cũng vừa từ trong chợ trở ra, tay xách lỉnh kỉnh những rau và củ. Dì Hoa đón lấy bịch thịt xay từ ông bán thịt heo, bỏ vào giỏ rồi sắp xếp các thứ, đặt lên xe máy cho cậu. Sau đó, dì dắt hai chúng tôi vào chợ, cậu thì chạy qua bên quán bà Hiếu uống nước mía chờ và dò vé số. Ngày nào cậu cũng mua vé số nhưng chẳng có bao giờ thấy trúng cả. Một người đàn ông đã gần năm mươi tuổi như cậu mà còn mong đổi đời từ những tấm vé ấy thì huống hồ là tôi, một con bé đang thời mơ mộng, luôn khao khát cuộc đời được sang trang mới.
Hầu hết các sạp quần áo những ngày này đều đông nghẹt, mấy bà, mấy chị xúng xính lựa và ướm thử loạn cả lên. Thế nhưng, dì Hoa không đưa chúng tôi vào những gian hàng đó mà dì dẫn chúng tôi đến tận cuối chợ, nơi mà quần áo họ đổ đống trên tấm bạc, cái nào cũng đồng giá hai mươi ngàn.
Dì nói đây là kinh nghiệm sau những lần mua sắm của dì, ra đây, chịu khó lựa một chút sẽ có đồ đẹp mà còn rẻ nữa. Ban nãy, tôi thấy cậu đưa cho dì tổng cộng một trăm ngàn không có lẻ, nếu chui vào mấy cái shop, cái sạp đó thì chẳng biết có mua nổi bộ đồ cho một đứa hay không nữa chứ đừng nói là hai đứa.
Sau một hồi bới như gà bới thì dì cũng lựa được cho tôi và chị Vân mỗi đứa hai cái áo thun bo lai và một cái quần jean ống loe phủ tới mắt cá chân.
- Mặc vô thử coi vừa không để còn đổi, ở đây họ bán chạy chợ, mai ra là họ đi mất rồi. – Dì dúi cái quần vào tay chúng tôi, giục.
Thật là từ thuở biết xấu hổ, tôi chưa từng đứng ngoài đường để mặc quần. Nhìn tới nhìn lui thấy các cô, các bà đều đang mặc thử, tôi đánh liều, mặt dày xỏ chân vào ống, kéo lên.
- Hơi chật á dì ơi. – Tôi nhìn dì, mặt ỉu xìu.
- Vậy là vừa rồi, tại mang cả cái quần tây lấy đâu không chật. – Dì quay tôi lại, ngắm nghía.
Bên cạnh tôi, chị Vân cũng vừa mặc xong. Dì nhìn chị, gật gù khen đẹp rồi kêu bà bán hàng gói lại tính tiền. Sau một hồi ỉ ôi, kỳ kèo, bà ấy tính chúng tôi chẵn một trăm ngàn cho hai cái quần và bốn cái áo. Nhận tiền rồi, bà ấy cứ ca cẩm bán lỗ vốn này nọ. Dì nói bà ấy xạo thôi, bán lỗ sao mà bán.
Về tới nhà, tôi và chị Vân tranh thủ ăn rồi tắm gội, giặt quần áo phơi lên, sau đó nhặt rau, bào củ cải, khoai môn. Có dì Hoa làm phụ, mọi việc xong thật nhanh. Tôi đang lót mớ lá chuối tươi mới xin trong chợ vào xấp bánh tráng mỏng thì có tiếng loa thông báo ngoài đầu hẻm vang lên. Mấy phút sau, tờ rơi theo tay thằng Hòa vào tận trong nhà.
- Tối nay có ca nhạc chỗ bãi đất trống ngã tư An Sương đó. – Dì cầm tờ rơi đọc rồi đưa sang cho chị Vân.
- Toàn ca sĩ nổi tiếng luôn á dì. - Chị Vân cười, đôi mắt buồn chợt lóe sáng long lanh.
- Giá vé bao nhiêu vậy? - Cậu đi tới cạnh chúng tôi, cúi đầu nhìn tờ giấy in đầy hình ca sĩ, hỏi.
- Dạ, mười lăm ngàn một vé á cậu. – Tôi nhanh nhảu đáp.
- Chiều ba đứa dắt nhau đi đi.
Nói rồi, cậu rút ra tờ năm mươi ngàn đưa cho chị Vân. Không những chị Vân mà tôi và thằng Hòa đều sáng mắt lên. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ tới có ngày mình được ngắm các ca sĩ ngoài đời thật. Xem ra, tháng ngày dậy sớm và chịu nghe mắng cũng không uổng công mà.
Chiều đến, tôi và chị Vân lấy bộ quần áo mới mua lúc sáng vừa phơi khô mặc vào rồi ngắm nghía trước gương. Phải công nhận câu “người đẹp vì lụa” là đúng. Tôi thấy mình và chị đều xinh hẳn ra. Thế là, chị Vân chở tôi trên chiếc xe đạp cũ tróc gần hết sơn và ghi đông cũng đã sét gỉ. Thằng Hòa thì cưỡi chiếc xe leo núi trẻ em. Tuy nó đã mười hai tuổi đầu nhưng trông vẫn còn nhỏ con lắm.
Mua vé xong vẫn chưa tới giờ nên chúng tôi rủ nhau đi uống nước vì thấy còn dư năm ngàn, cộng với hai ngàn của tôi đem theo dằn túi nữa là bảy ngàn. Bà chủ quán bưng ba ly nước mía đặt trên bàn rồi rút tờ một ngàn đồng thối cho chị Vân. Cả ba cố ý uống thật chậm để chờ cho tới giờ biểu diễn.
Đến khi đá trong ly chẳng còn cục nào và nước cũng cạn thì thằng Hòa thông báo đã tới giờ. Cả ba hí hửng quay lại bãi đất trống. Lúc này, nơi đây đã đông nghẹt, không khí thật rộn ràng. Từng dòng người nối đuôi nhau tiến tới khu vực sân khấu được vây quanh bởi những tấm bạc lớn. Chúng tôi dắt hai chiếc xe đạp định chui vào thì bị một người đàn ông tóm lại, ông ta kêu phải gởi xe ngoài bãi. Mặc dù chị Vân cố năn nỉ nhưng ông ta cứ lắc đầu quầy quậy, một hai bắt chúng tôi phải gởi xe xong mới cho qua.
Tôi tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Ban đầu, tôi cứ ngỡ là dắt cả xe vào rồi ngồi trên đó xem luôn, đỡ tiền thuê ghế chứ có ngờ đâu thành như vậy. Nơi đây không giống mấy đoàn hay về hát ở sân banh quê tôi, cho ngồi tràn lan, mang cả xe công nông lên luôn cũng được. Cuối cùng, chúng tôi phải quay trở ra, tạt vào bãi giữ xe.
- Gởi một chiếc xe bao nhiêu tiền vậy chú? - Chị Vân lo lắng hỏi.
- Hai ngàn là xe máy, xe đạp thì một ngàn. – Người đàn ông đáp.
Tôi đưa mắt nhìn thằng Hòa. Thôi xong, bây giờ mà lấy súng bắn thì cũng chẳng thể nào lòi thêm một ngàn nào nữa. Chị Vân lại tiếp tục năn nỉ ông ấy giữ hai chiếc lấy một ngàn thôi vì giờ cả ba đứa còn có mỗi tờ này nhưng ông ấy khăng khăng không đồng ý.
- Đây, gởi ba chiếc luôn.
Tiếng nói bất chợt vang lên khiến cả ba con người khốn khổ đồng loạt quay sang nhìn. Trước mặt tôi là một anh chàng, mặt đầy những mụn, người cao đâu tầm một mét mốt, đang chìa tờ năm ngàn thần thánh ra cho ông giữ xe.
- Cám ơn anh. - Chị Vân lí nhí nói.
Tôi và thằng Hòa mừng rỡ, vội vàng cúi đầu cảm ơn ân nhân mét mốt rồi mau mau tóm lấy tay chị Vân kéo đi. Cũng may, lúc chúng tôi vào thì MC hãy còn đang bô lô ba la giới thiệu. Đang phóng mắt lên sân khấu chờ ca sĩ nổi tiếng xuất thiện thì tôi bỗng nghe tiếng chị Vân run run bên tai mình.
- Vy ơi! Cái ông đó hình như đang theo dõi mình hay sao á, ổng đứng ngay phía sau kìa.
Nghe chị nói, tôi vội quay phắt lại nhìn. Soái ca mét mốt mặt mụn đúng là đang nhìn chúng tôi, mà nói đúng hơn là nhìn chị Vân. Xem ra chiếc áo thun bo lai và quần ống loe mới mua đã khiến chị tôi có sức hút với nam giới rồi.
- Đúng rồi á Vân, nhưng mà có sao đâu chứ? – Tôi ngây thơ hỏi.
- Thôi về đi, chị sợ lắm, không coi nữa đâu.
Chị nắm lấy tay tôi năn nỉ. Đời thuở từ đó tới giờ tôi mới lần đầu tiên có cơ hội đi coi ca sĩ nổi tiếng, tôi không muốn về chút nào nên cứ ì ra. Chị Vân bắt đầu ỉ ôi trách móc tôi sao nỡ phó mặc an toàn của chị. Tôi cảm nhận được toàn thân bà chị mình lạnh toát, mắt dường như sắp khóc. Chẳng còn cách nào, tôi ghé tai nói nhỏ với thằng Hòa. Thằng này được cái nhát cấy. Tôi vừa dứt lời, nó nhảy dựng lên, hối tôi và chị Vân mau mau rời khỏi.
Cả ba vội cắm đầu cắm cổ chạy lại bãi gởi lấy xe trước sự ngỡ ngàng của những người coi xe. Rồi chẳng biết là hoang tưởng hay sự thật mà chúng tôi thấy ân nhân hai ngàn cũng đang chạy theo phía sau. Tôi thúc giục chị Vân đạp thật nhanh để cắt đuôi hắn. Thằng Hòa thì sợ tới mức hai chân nó tuột khỏi pê đan, hai cái pê đan cứ quay vòng vòng, còn nó thì xòe chân ra như thể xòe cánh, lượn lờ trên đường.
Cũng may là cậu không để ý giờ giấc trong tờ rơi nên khi thấy chúng tôi mò về thì cứ ngỡ chương trình kết thúc rồi vì hồi chiều chúng tôi cũng đi từ sớm.
- Sao, có mặt ca sĩ nổi tiếng như trong quảng cáo không? - Cậu vừa nựng em bé vừa hỏi.
- Dạ, có mấy người thôi ạ, còn lại thì không.
Tôi mở to mắt nói dối rồi lủi thủi lên gác. Đành vậy thôi, tôi còn cách nào khác, chẳng lẽ nói với cậu là cái lưng của họ con còn chưa thấy nữa là cái mặt.