Chương 4: Buôn Gánh Bán Bưng Thì Phải Có Thể Lực Tốt
Khoảng thời gian sau lễ Noel đến Tết, khách thường ghé mua bún từ sớm nên chúng tôi cũng phải đi bán sớm hơn mọi khi. Vì sợ ra đến nơi làm không kịp, khách lại giận hờn vu vơ nên cậu kêu chị Vân nướng trước một mớ thịt ở nhà, để lúc vừa ra, khách tới thì có mà bán ngay cho họ, rồi từ từ nhóm than nướng thêm.
Bên bếp than hồng đặt ngoài trời, trước mặt nhà, chị Vân vắt thịt, tôi thì trở. Cái bóng đèn chữ U đã cũ chẳng đủ soi sáng tất cả. Tôi cố gắng căng mắt ra mà nhìn vì sợ thịt bị cháy xém.
Gió nhẹ thổi qua lành lạnh, cả tôi và chị đều bất giác run lên. Tôi lại nhớ nhà rồi, ở Gia Lai mùa này lạnh lắm, lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhớ những con đường mòn dẫn ra sau núi, hai bên trải vàng sắc hoa dã quỳ mà hồi nhỏ tôi và các chị vẫn gọi là cúc quỳ.
Gia Lai không phải nơi tôi sinh ra, nhưng vì ba mẹ, chị và các em đang ở đó nên tôi xem nơi ấy như quê hương của mình. Cứ nơi nào có ba mẹ, nơi ấy chính là quê hương của tôi, là chốn tôi luôn ngóng về.
- Còn bốn mươi ngày nữa là Tết rồi đó. - Chị Vân khẽ nói, đôi mắt thấm đượm một nỗi nhớ nhung da diết.
- Cũng nhanh quá đi thôi. – Tôi đáp rồi mau chóng cúi xuống, tiếp tục lăn mấy cây thịt.
Không gian lại rơi vào tĩnh lặng, chỉ thi thoảng nghe tiếng than nổ lép bép, tóe lên những tia lửa hồng. Tôi vào đây mới hơn nửa năm, may là có chị Vân, mà tôi thấy bản thân còn buồn và nhớ nhà đến sắp không chịu nổi, tôi không hiểu chị đã trải qua những tháng ngày trước đây như thế nào nữa.
Có chăng, là chị cũng giống như tôi, nhưng buộc phải lờ đi, phải chấp nhận và chờ đợi. Có chăng, là chị cũng cùng suy nghĩ như tôi, chúng tôi ở đây, đỡ ra hai miệng ăn và còn có tiền gởi về phụ mẹ. Tôi không hỏi chị và chỉ đoán vậy thôi, vì tôi biết, nếu có hỏi chị cũng sẽ trả lời không thật lòng, chị sẽ bảo là chị thích ở đây cho mà coi.
- Tuần trước ba hỏi có muốn về quê ăn Tết không, sao Vy lại không về? - Chị Vân đậy thau than lại rồi quay sang tôi, nheo mắt.
- Em về rồi Vân đi bán một mình với cậu sao? Kịp không?
- Còn phải hỏi, đương nhiên là không kịp rồi.
- Vậy sao Vân còn hỏi?
Chị Vân mỉm cười, không nói thêm gì nữa, lẳng lặng thu dọn các thứ rồi bảo tôi vào kêu cậu thức dậy.
Thằng Hòa vẫn như mọi khi, gật tới gật lui. Tối hôm qua, nó học bài khuya lắc khuya lơ, cốt để lấy được chai sting và cái đùi gà rán từ mợ. Tôi chẳng biết nó là học cho nó hay học cho cậu mợ nữa, cứ mỗi khi được điểm cao thì nó sẽ được combo sting và gà rán theo đúng yêu cầu của nó.
Tính ra, trẻ con thành phố sướng hơn ở quê nhiều, dù rằng nhà cũng chẳng mấy khá giả. Như chị em chúng tôi đây, đi học có cơm bỏ vào miệng đã là may mắn lắm rồi, còn dám đâu mà yêu sách này nọ.
Mọi thứ xong xuôi, chiếc xe máy cũ kỹ lại tiếp tục đưa bốn con người ra chợ. Tôi lại tiếp tục nhắm mắt, mơ mộng về tương lai sáng lạn xa xôi.
Tuần trước, ba vào Đồng Nai ăn giỗ ông nội rồi ghé thăm chúng tôi. Ông mất đã năm năm, các chú, các bác và ba cũng đã lâu không gặp. Kinh tế khó khăn, mấy chục ngàn tiền vé xe cũng là con số biết nói với gia đình chúng tôi. Thế nên, lần này ba đi là một công hai, ba chuyện, vừa giỗ ông, vừa thăm anh em, bà con và thăm hai chị em tôi nữa.
Tôi nhớ như in ánh mắt ba lúc đó, nheo nheo, nhỏ xíu và buồn buồn, dẫu cho ba có cười thì nụ cười ấy cũng chẳng kéo lại nỗi buồn trên mi mắt. Ba vừa phụ trở thịt vừa hỏi chúng tôi có muốn về nhà ăn Tết rồi vô lại không.
Và rồi, câu trả lời ba nhận được từ hai đứa con gái là không muốn. Chúng tôi đổ thừa cho việc say xe, một lần đi là một lần mệt. Còn nữa là việc buôn bán đâu thể không có người phụ. Bỏ giữa lưng chừng, cậu sẽ giận ba mẹ và cả chúng tôi cho mà coi.
Chiều hôm ấy, cậu đưa ba ra Bến Miền Đông bắt xe về Gia Lai. Nhìn theo dáng ba gầy gò trên chiếc xe của cậu, vai đeo cái giỏ xách cũ khuất dần khỏi con hẻm nhỏ mà sống mũi tôi cay xè, nước mắt bất giác thi nhau rơi.
Tôi sợ cái giây phút đưa tiễn này, người đi, kẻ ở sao xót ruột quá. Vào ngày mẹ đưa tôi đi Sài Gòn, ba đứng bên lề đường vẫy tay tạm biệt, có lẽ lúc đó, cảm giác của ba cũng giống như tôi bây giờ chăng.
Sáng nay, khách đến mua cứ lần lượt như kiểu xếp hàng nên chúng tôi cũng không đến nỗi phải vắt chân lên cổ giống mọi khi nhưng vẫn cứ luôn tay, không hở ra chút thời gian. Nếu mà ngày nào cũng vậy thì tốt biết bao, tôi và chị Vân đỡ bị mắng và khách cũng không cần phải giận hờn vu vơ.
Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ thì nghe từ đằng xa, tiếng bà Hiếu bán nước la lên thất thanh.
- Trật tự tới. Chạy đi! Chạy đi!
Không chỉ riêng cậu cháu chúng tôi mà cả mấy người trải bạc dưới lòng đường cũng nhốn nha nhốn nháo. Vì chỗ cậu mướn đứng bán bún thực chất là con đường dẫn vào trong chợ nên thường xuyên bị lực lượng trật tự ra quân giải tán.
- Vy, dọn đường. Nhanh! Nhanh! - Cậu hét lớn.
Tôi vội vàng xếp bàn, chồng ghế lại để dọn đường cho cậu kéo cái xe bún chạy vào trong con hẻm đối diện, chị Vân thì bưng nguyên giá đỡ thau than cùng mớ thịt đang nhỏ mỡ xèo xèo chạy theo cậu. Mấy người khách cũng te te lao vào hẻm để tiếp tục mua bún.
Sau khi khiêng hai cái bàn cùng chồng ghế bỏ vào căn nhà đã cho cậu mướn “mặt bằng”. Tôi gom gọn thau, thùng rồi chui qua chỗ cậu và chị. Lúc này, mấy chú trật tự cũng vừa tới. Thấy cái bảng hiệu bán nước giải khát của bà Hiếu nằm chổng chơ trên xe ba gác, tôi đoán có lẽ bà ấy ham đi loan tin cho mọi người nên dọn đồ không kịp, thành thử bị hốt luôn.
Cả cậu và chúng tôi thở ra cả đằng tai, mệt không thể tả. Tôi chẳng nhớ ban nãy mình đã hai tay xách hai thùng nhựa đựng đầy nước mà chạy qua đây kiểu gì nữa. Mỗi sáng, vào hẻm này lấy nước, tôi chỉ có thể xách từng thùng một mà đi còn dẹo tới dẹo lui. Đúng là sức mạnh tiềm tàng trong tôi cũng không phải dạng vừa. Buôn bán dưới lòng, lề đường thế này buộc mọi người phải tinh mắt, thính tai và có một thể lực thật tốt.
Kết thúc buổi chợ, cậu bảo chúng tôi tranh thủ dọn dẹp, chờ thằng Hòa về tới rồi cậu chở vào quán cơm ăn trưa luôn, vì sáng giờ cả ba cậu cháu bán luôn tay, vẫn chưa có gì bỏ vào bụng, mà giờ về nhà nấu nữa thì lâu lắm.
Mấy ngày nay, mợ bệnh nên ẵm luôn em bé ra nhà ngoại thằng Hòa để có người chăm sóc nên cũng chẳng có ai cắm cơm sẵn cả. Cậu tôi kỹ tính, sợ nấu cơm mà không có ai thì lỡ chập điện, cháy nổ nên đợi bán về mới cho cắm điện nấu.
Quán cơm bình dân buổi trưa khá đông khách, mọi người đều ăn rất vội vã. Chúng tôi đến chiếc tủ kính chọn thức ăn rồi đảo mắt một vòng tìm bàn trống. Vì khách ngồi rải rác nên tôi và chị Vân đến ngồi ké hai người khách tuốt phía trong, còn cậu và thằng Hòa thì ngồi phía ngoài chứ chẳng kiếm được chỗ ngồi chung.
Đây là lần đầu tiên tôi được ăn cơm dĩa. Lúc còn ở quê, cứ nghe người ta nói đi ăn cơm dĩa mà tôi ao ước vô cùng, trong trí tưởng tượng của tôi thì cơm dĩa rất là ngon. Còn nhớ, có lần tôi lấy dĩa định múc cơm vào ăn thì bị mẹ mắng, mẹ nói ăn cơm dĩa ở nhà sẽ bị con trai dụ, thế là thôi, tôi không dám nữa.
- Ăn gà đi Vy, chị bị dị ứng. - Chị Vân vừa nói vừa múc mấy cục thịt gà toan bỏ sang dĩa của tôi.
- Nãy em nghe Vân kêu cơm sườn mà. Lộn sao Vân không đổi lại? – Tôi tròn mắt, ngạc nhiên.
- Thôi, đổi lại bé kia nó bị la cho coi.
Nhìn theo ánh mắt của chị, tôi nhận ra cô bé phục vụ quán cơm này xem bộ chỉ mới chín, mười tuổi, người đen thùi lùi, ốm nhom ốm nhách nhưng tay chân rất là nhanh nhẹn, bưng cơm cho khách, rồi dọn chén dĩa, lau bàn. Tôi thấy nó gồng đôi tay như que củi kia lên để gắng bưng cái mâm dĩa sành nặng còn hơn cả nó.
- Vân ăn heo quay đi, để em ăn gà. – Tôi vừa nói vừa đẩy dĩa cơm của mình sang cho chị.
- Vy thích ăn heo quay mà.
- Thì lần sau em ăn, có sao đâu.
Chị Vân khẽ cười, múc heo quay bỏ sang cho tôi, chỉ chừa lại vài miếng trong dĩa. Thế là, tôi được ăn cả hai món. Tôi biết trong quán này, không chỉ có riêng chị mà còn thêm một người nào đó nữa cùng suy nghĩ với chị. Cả chị và người ấy đều lo cô bé kia bị mắng vì đưa nhầm hai phần cơm nên đã chọn cách im lặng.
Giá như ai cũng như chị và người khách kia thì tốt biết mấy. Tôi nhớ có lần cô khách đỏng đảnh ở nhà lầu năm tầng phía đầu đường vào chợ ra mua bún. Cô ấy dặn dò nào là ăn rau thơm không ăn xà lách, không ăn giá, ăn đậu phụng rang, nước mắm không cay, thịt nướng đừng khô quá, chả giò chiên phải giòn tan.
Mấy cái đó thì thôi chẳng nói gì, đến đồ chua được làm từ củ cải đỏ và của cải trắng bào sợi trộn chung với nhau mà cô ấy đòi lựa ra, chỉ ăn cải đỏ, không ăn cải trắng, rồi chỉ lấy nước mỡ không lấy hành.
Bán có hộp bún mà tốn thời gian như bán ba hộp vậy. Cậu và tôi phải dỏng tai lên nghe và ghi nhớ để làm cho đúng ý cô ấy. Lúc cậu nghiêng cái tô mỡ hành, ép lấy nước mỡ cho vào hộp, rõ ràng tôi thấy chỉ vướng có hai khúc hành lá nhỏ xíu mà cô ấy mặt nặng mày nhẹ, bắt cậu phải lấy ra cho bằng được rồi dỗi hờn vứt tiền xuống bàn, xong, giựt lấy hộp bún, dậm chân đi thẳng.