Chương 3: Nơi Phồn Hoa Nào Phải Đâu Thiên Đường
Đã qua tháng mười một mà trời vẫn còn mưa. Chợ vắng điều hiu, chỉ có một vài người hối hả chạy vào mua gấp thứ gì đó rồi lại chạy ra. Những ngày mưa lạnh thế này, món bún thịt nướng thường rất ít ai ăn, họ sẽ chọn những món bún nước lèo bốc khói nghi ngút để ấm dạ.
Cậu ngồi im, hướng đôi mắt đã đục dần theo dòng thời gian nhìn vào khoảng không, thở dài. Chốc chốc, chị Vân lại lấy chổi lùa bớt nước đọng nơi mặt đường bị lõm cho chảy sang bên kia vì sợ rằng khách ngại ướt chân sẽ không ghé mua bún.
Mé đối diện, ba, bốn cô gái độ chừng mười chín, hai mươi tuổi đang ngồi bấm điện thoại trên sạp trái cây. Họ đều là những cô gái quê lên đây để chờ gả chồng.
Bà chủ sạp trái cây đó kiêm luôn công việc mai mối. Các cô gái đều gọi bà là “má”. Cứ đều đều mỗi năm, bà ấy sẽ về các vùng sông nước miền Tây tuyển một số cô gái chưa chồng lên và tút tát nhan sắc cho họ rồi kiếm mối gả sang Đài Loan.
Từ những cô gái quê mùa, đen nhẻm, chỉ trong vài tháng liền lột xác trở nên trắng trẻo và sành điệu. Trong thời gian chờ đợi người chồng tương lai, họ sẽ phụ “má” buôn bán và dù bán đắt hay bán ế thì “má” cũng không buồn hay bực bội gì. Cứ một tiếng “con”, hai tiếng cũng “con”, rất là dịu dàng, thân thiết.
Có lần, bất giác tôi muốn được như họ, tay chân sạch sẽ, chẳng vướng dầu mỡ, tóc dài và thơm, chẳng hôi mùi khói. Tôi ước có quần jean nhiều màu và áo thun mới để mang hàng ngày chứ không phải là ba, bốn cái quần tây xanh của học sinh, rồi mấy bộ đồ bộ lửng mang tới mang lui.
Thế nhưng, nghĩ tới việc phải sống ở một nơi xa lạ cùng những người không quen biết, tôi lại sợ vô cùng. Rồi thêm mấy bài báo đưa tin về cuộc sống khốn khổ của các cô dâu Việt khiến tôi chẳng còn dám mơ mộng gì nữa.
Hồi trước, khi chưa vào Sài Gòn, tôi cứ ngỡ chốn phồn hoa đô hội này sẽ khiến mình có cơ may đổi đời, tôi đã nhảy nhót trong lúc chờ xe tới và mong xe chạy thật nhanh. Nhưng bây giờ tôi biết tất cả mơ ước đó thật viển vong. Cứ sấp mặt bán ngoài chợ rồi về nhà lu bu tới chiều, xong, leo lên gác ngủ thì đổi đời kiểu gì được.
Mưa dần ngớt hạt, chợ bắt đầu nhộn nhịp lên. Rồi chẳng biết từ đâu, năm, sáu người khách ùa tới. Người mua năm hộp, kẻ lấy mười hộp. Ai cũng đòi làm cho mình trước, hối như chạy giặc.
Chị Vân vội bỏ thêm than vào thau, gấp gáp vắt thịt. Tôi quáng quàng bằm dưa leo, cắt rau, cậu thì nhanh nhẹn bóc bún, rau, thịt, chả giò cho vào hộp xốp.
Bằm dưa, cắt rau xong, tôi lại quay sang múc nước mắm vào bịch cho khách. Xui xẻo thế nào mà tôi lấy trúng cái bịch nilông bị thủng, kết quả nước mắm, nước me tuột luốt hết xuống đất. Đúng lúc này thì cậu nhìn thấy, thế là tôi bị mắng té tát.
- Múc có mấy bịch nước mắm cũng không xong rồi làm gì mà ăn? Không để ý để tứ. - Cậu trợn mắt trừng tôi.
Tôi cúi đầu, tiếp tục lấy cái bịch khác ra. Cái này là lỗi của nhà sản xuất mà, oan cho tôi quá, tôi hận cái công ty làm ra bịch nilông quá đi thôi. Còn thêm bà khách đỏng đảnh, rõ ràng nước mắm có văng trúng bà ấy đâu mà bà ấy cứ nhún tới nhún lui, lấy khăn giấy lau quần, lau giày, môi thì dẩu ra, càm ràm khiến cho cậu càng la tôi lớn hơn để cốt ý xoa dịu khách hàng VIP.
Trao sáu hộp bún cho khách và lấy tiền xong, tôi nhảy vội ra bếp than phụ chị Vân vì thịt nướng không kịp. Hai chị em, kẻ vắt người nướng luôn tay luôn chân. Ông khách đứng gần đó nhìn chúng tôi chăm chú, khen lấy khen để sao mà làm nhanh thế.
Có lẽ chỉ mình ông ấy nhàn tản, không gấp gáp nên mới khen tôi và chị Vân thôi, chứ mấy người kia và cậu thì luôn luôn thấy chúng tôi chậm chạp. Cậu đưa hai hộp bún cho người khách tiếp theo rồi nhướn cổ ra, hỏi cô gái đang đậu xe gần đó.
- Em, em ăn chả già không em? Á lộn, em ăn chả giò không?
Tôi ngước lên nhìn, thấy chị ấy gật đầu. Chín người, mười ý, có người ăn thịt không, có người ăn cả thịt cả chả giò nên cậu phải hỏi để biết mà làm. Ban nãy chị ấy cũng có dặn nhưng rối ren quá thành ra cậu quên mất.
Lúc trước, người đứng bán phía trong là mợ, mợ đã quen tay, quen khách nên mọi thứ suôn sẻ hơn nhiều, thấy mặt là biết họ ăn gì rồi nên không lập cập thế này. Từ ngày mợ sinh em bé, cậu thế vào chỗ mợ, chị Vân tự mình nướng thịt, còn tôi thì thay chỗ chị Vân.
Còn nhớ những ngày đầu, công việc chưa mấy quen, ai cũng đuối. Nghe mợ kể rằng cậu đang ngủ thì nói mớ luôn, cứ bảo đưa bên này hai hộp, bên kia năm hộp. Có hôm, trên đường về nhà, nắng nóng quá, cậu ghé vào mua nước mía mà gọi lộn là nước mắm khiến bà bán nước đứng như trời trồng, ngơ ngác, còn hai chị em tôi thì cười khúc khích.
- Bỏ than thêm vô mà nướng, ít than sao mà chín được? Còn thiếu hai mươi xiên thịt nữa cho khách về nè. - Cậu lại hét.
Tôi cứ cắm mặt mà trở mấy chiếc đũa tre, chị Vân vẫn cứ vắt liên tục. Than trong bếp đã nhiều và hừng lắm rồi, còn cháy cả lửa ngọn khiến chúng tôi phải dập tới dập lui, giờ mà đem tôi và chị Vân bỏ lên nướng chắc cũng chín luôn ấy chứ ít.
Đang nướng đắm đuối thì cậu thò cổ ra, bảo tôi vào chợ lấy thêm hai ký bún tươi nữa. Tôi vâng dạ rồi chạy vụt đi. Từ ngày vào Sài Gòn phụ cậu mợ, dường như chân tôi mọc thêm bánh xe hay sao ý, tôi chạy nhanh cực kỳ, lướt như lướt ván. Tôi cũng tự hào vì mình chen chui rất giỏi, chợ đông cỡ nào tôi cũng luồn lách mà chạy được tuốt.
Cầm hai ký bún trên tay, tôi vội vàng quay trở ra. Mới được mấy bước thì bị vấp chân ngã nhào về phía trước, tôi chới với rồi lao thẳng đến chiếc xe máy vừa lúc ngang qua. Một ngày thật xui xẻo, hôm nay tôi mang bộ đồ thun lửng ra chợ nên khi bắp chân va vào ống pô xe thì nghe một tiếng “xèo”. Cảm giác nóng rát tột độ, tôi nhảy tót lên. Chiếc xe máy len lỏi rồi mất hút trong dòng người. Đau đến phát khóc nhưng tôi cũng cố chạy thật nhanh ra đưa bún cho cậu.
Trông thấy vết bỏng đỏ lòm trên chân tôi, chị Vân khóc thút thít, nước mắt nhỏ luôn vào thau than. Chị ấy cũng mau nước mắt ghê, tôi đau tái mét mà còn chưa khóc đây. Cậu thì nhìn tôi, nhăn mặt.
- Đi đứng không nhìn ngó, từ từ thôi, chạy làm gì cho đổ nợ ra. Lấy ghế ngồi yên đi.
Tôi kéo ghế ngồi im như thóc, lấy cục nước đá nhỏ trong ca nước mía rửa sạch rồi cầm cho nó giọt lên vết bỏng để đỡ rát. Chuyện xảy ra thì cậu nói vậy thôi, chứ tôi mà rề rà ra chậm kiểu gì cũng bị hỏi là đi tới Hà Nội mua bún hay gì mà lâu đến vậy.
Bán xong hai ký bún lấy thêm thì thịt và chả giò cũng hết. Cậu đưa tiền bảo chị Vân đi tới tiệm thuốc tây mua chai dầu mù u về cho tôi bôi. Nhìn đôi mắt chị vẫn còn rơm rớm, tôi cười khẽ.
- Bị sượt ở ngoài thôi, em không có đau.
- Thấy cả thịt đỏ mà nói không đau. Còn ở đó mà cười. – Chị trừng mắt, gằn giọng.
Tôi càng ngoác miệng to hơn. Biết phải làm sao được, nếu như không cười thì tôi chỉ còn biết khóc. Tôi đang đau đến muốn giãy đành đạch lên đây. Nhưng điều đó là không thể. Tôi không muốn chị thêm lo lắng và tủi thân cho mình.
Suốt những năm tháng tiểu học, tôi luôn bị bạn bè bắt nạt. Nào là chia bàn, cắt ghế, nào là ngắt nhéo, chê bai, riết tôi cũng quen chịu đựng rồi, chỉ tự thương tâm trong lòng chứ không cầu cứu hay mách ai.
Ba mẹ đều bận kiếm tiền, tôi đâu thể nào làm họ muộn phiền thêm. Hai chị trên tôi là con gái yếu ớt, làm sao ra mặt hù dọa chúng bạn được. Thế nên, tôi chịu đựng. Riết rồi, cũng quen.
Chị Vân bôi dầu cho tôi xong thì cầm tiền cậu đưa đi vào chợ thanh toán và mua đồ theo như cậu dặn. Vì sợ tôi di chuyển bị đau nên cậu tranh thủ đếm tiền rồi dọn dẹp các thứ.
Lát sau, chị Vân trở lại, xếp đồ vào giỏ xong liền sà tới rửa chén. Cậu bê cái tủ kính đặt xuống dưới, lấy nước tạt vào cho mấy vụn bánh tráng bám trong đó mềm ra rồi bắt đầu chà rửa. Hôm nay, tính ra bán rất được nên nét mặt cậu rạng rỡ hẳn. Vừa rửa tủ, cậu vừa hỏi han tôi còn đau không. Nghe tôi bảo đã đỡ rồi, cậu cười và bắt đầu cất tiếng lên đọc.
- Cuộc đời quá khổ, mua dây thắt cổ, chui ngay xuống lỗ, gặp ông bà tổ, hỏi tại sao tôi khổ, làm việc gì cũng lỗ, ăn gì cũng mắc cổ, uống gì cũng không thấy bổ.
Tôi đưa tay khẽ gõ vào lưng chị Vân. Chị ngừng rửa chén, quay ra vừa cười vừa hỏi.
- Rồi ông bà nói sao cậu?
Cậu tủm tỉm, múc mấy ca nước tạt mạnh vào chiếc tủ kính. Ngẫm nghĩ mấy giây, cậu lại tiếp.
- Tại mày sinh không đúng chỗ, nên đời mày mới khổ, khi nào chầu ông tổ, thì mày sẽ hết khổ.
Dứt lời, cậu cười lớn. Phía bên này, hai chị em tôi cũng cười ngặt nghẽo. Cậu tôi là vậy, khi đang bán buôn bận rộn và khi đã bán xong dường như biến hóa thành hai người hoàn toàn khác nhau. Thế nên, tuy sợ nhưng tôi vẫn cứ ước sao khách cứ tấp tới một lúc để nhanh hết đồ mà về. Tôi thà chịu nghe la mắng hai, ba tiếng đồng hồ liền rồi thôi chứ chẳng muốn dây dưa đến tận buổi trưa.
Ngước nhìn bầu trời đã quang mây, ánh nắng chói chang tỏa lan khắp chốn, tôi thấy lòng ấm áp lạ. Bất giác, niềm hy vọng lại lóe lên, dẫu rất mơ hồ nhưng tôi vẫn tin tương lai của mình sẽ tươi sáng hơn sau một thời gian nữa. Với một người chẳng có nhiều hành trang để bước vào đời như tôi, thứ duy nhất để tôi có thể tiến về phía trước chính là hy vọng.