Chương 3: Cái tên đi lạc
Kiến Vàng đi dọc theo hàng lang đến chái nhà phía tây. Từ đằng xa anh đã nghe tiếng nô giỡn của bọn trẻ, chúng đang vừa lau dọn phòng học vừa la chí chóe. Bỗng một đứa phát hiện ra anh, nó hét lên:
“A, anh Kiến Vàng tới rồi!”
Cả bọn lao nhao vây lấy anh. Mười mấy đứa trẻ trạc trạc tuổi tranh nhau nói, tranh nhau khoe. Bài tập về nhà lần trước anh cho tụi trẻ vẽ “khu vườn của em”, nên đứa nào cũng tranh thủ vẽ những thứ mà mình thích vào bức tranh. Cả căn phòng được bày biện bằng những bức tranh rực rỡ đầy màu sắc khiến Kiến Vàng cảm thấy vui, anh hài lòng vì kết quả mà anh và bọn trẻ đã làm được. Ban đầu anh chỉ tính dạy kèm thêm văn hóa cho những đứa yếu kém, vì ban ngày bọn trẻ đã được học ở trường rồi. Nhưng hầu như chẳng đứa nào chịu tập trung, đứa thì xếp máy bay giấy, đứa lại vẽ linh tinh vào khắp tập vở, trẻ con đúng là giống nhau vô cùng. Thế là anh bèn chia ra tuần 1 buổi học văn hóa, 1 buổi sẽ học vẽ, học tiếng Anh xen kẽ. Bọn trẻ hứng thú hơn thật, đứa nào cũng mong đến buổi ngoại khóa để tha hồ bay bổng trí tưởng tượng vào những trang giấy. Kể từ đó, công việc gia sư của anh cũng vui và nhẹ nhàng hơn hẳn. Dần dần, đây trở thành công việc yêu thích của anh chứ không còn là sự thu hút đơn thuần trước những điều mới lạ nữa.
Nhớ những ngày đầu mới làm quen nơi đây, trước sự khó khăn, dò xét của má Lam, má Diệu, anh cảm thấy muốn bỏ cuộc ngay. Khi đi cùng với nhóc Khoa vào gặp má Lam, anh chỉ nói là anh muốn giúp cô nhi viện một chút, anh có thể dạy tụi nhỏ những gì anh biết, có thể giúp trồng cây cối, khuân vác hàng hóa nặng. Nhưng khi má Lam hỏi tại sao một thanh niên như anh có thể tìm được một việc có tiền lại thích thú chạy đến đây làm một công việc không công thì anh cứng họng, thật sự anh không biết trả lời thế nào.
Liệu lí do là tò mò, hay lí do là anh quá nhàn rỗi muốn tìm một công việc giết thời gian, hay là nhà anh quá giàu có đến nỗi anh không cần làm vì tiền? Anh tự nghĩ trong đầu những lí do rồi cũng tự mình bác bỏ, những lời này mà thốt ra thì chắc gì má Lam còn cho anh đặt chân vào nơi này. Anh nhìn thẳng vào má Lam rồi nghiêm túc trả lời. Nơi này cho anh cảm giác yên bình và thân thuộc kì lạ mà anh không giải thích được, hơn nữa anh xem tụi nhỏ giống như em của anh, anh muốn truyền đạt cho chúng những kiến thức nhỏ bé mà anh biết. Anh không biết câu trả lời của anh có hợp lí không nhưng má Lam không hỏi gì thêm. Chỉ dặn anh tuần sau đến giúp má trồng một số cây thuốc trong vườn. Còn chuyện giúp tụi nhóc học lại là chuyện về sau này, sau chừng đôi ba tháng anh đã quen mặt và có được niềm tin của các má ở cô nhi viện.
Cô nhi viện này khá nhỏ, lúc đầu chỉ có má Lam và má Diệu, sau này có thêm má Tâm là em họ của má Diệu tới giúp. Bọn trẻ thì có chừng 10 đứa gần gần tuổi nhau, còn 4 đứa khác thì lớn hơn hẳn. Trước đây má Lam làm ở một bệnh viện phụ sản nhỏ của thị xã, chứng kiến quá nhiều cảnh đau thương, má không còn muốn làm tiếp tục ở đó nữa nên xin về cô nhi viện này chăm sóc bọn trẻ. Chúng là những đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn bé xíu, chỉ có Thanh Anh là trường hợp đặc biệt, cô đến nơi này khi đã 7, 8 tuổi rồi. Một đứa trẻ có ký ức về việc mình bị bỏ rơi là một đứa trẻ đáng thương, sống với nội tâm bị giằng xé về thân phận thật sự của mình, về lí do tại sao mình lại bị bỏ rơi?
Anh cũng chưa lần nào nói chuyện với Thanh Anh, anh cảm thấy cô đang trốn tránh, ngại giao tiếp với anh, dù anh đã đến đây rất nhiều lần. Ấn tượng đầu tiên về Thanh Anh trong anh là một cô gái nhút nhát, ít nói nhưng dịu dàng và kiên nhẫn. Thanh Anh không tham gia lớp học của Kiến Vàng, nhưng thỉnh thoảng gặp cô ở bên ngoài khuôn viên của cô nhi viện, cô vẫn mỉm cười chào anh. Anh biết má Lam rất thương và lo cho cô, dù sao năm nay cô cũng phải ôn thi vào lớp 12, vậy mà lời đề nghị để anh giúp ôn bài vẫn không được cô đồng ý. Cô nói với má Lam là cô tự lo được, phải dựa dẫm vào người khác là điều cô không muốn, hơn nữa lại là một người xa lạ.
“Em đang ôn lại bài à?”
Thanh Anh ngồi trên một chiếc ghế gỗ đặt dưới tán hoàng lan, cô đang chăm chú đọc sách. Nghe tiếng hỏi bất giác cô ngẩng đầu lên, gương mặt sáng sủa với vầng trán cao đang lòa xòa mấy cọng tóc màu hạt dẻ, đôi mắt trong veo, cô nhoẻn miệng cười bẽn lẽn.
“Không ạ, em đang đọc một tác phẩm văn học thôi!”
“Là yêu cầu của giáo viên hay là em thích đọc vậy?”
“Em tự đọc thêm ấy, thú thật là em không học tốt môn văn, cô giáo thường phê em là văn chương không mượt mà, cần tìm đọc thêm sách văn học.”
“Nhà anh có nhiều sách văn học lắm, anh cũng thích đọc sách, anh mang cho em mượn nhé?”
Ánh mắt Thanh Anh sáng lên tia mừng rỡ, ở thư viện trường hầu hết những cuốn sách hay đều kín lịch mượn cả, muốn mượn được cũng phải chờ rất lâu. Cuốn “Ông già và biển cả” này Thanh Anh phải chờ cả tháng trời mới mượn được, mà thời gian mượn vỏn vẹn có 3 ngày nên mỗi lúc rảnh là cô tranh thủ mang sách ra đọc. Chuyện mua sách là điều xa xỉ đối với một đứa trẻ nghèo như cô, số tiền đan giỏ mà cô giúp má Lam đan thường được má cho cô bỏ vào ống heo mỗi tháng, nhưng số tiền đó cũng vừa đủ trang trải tiền học phí, thỉnh thoảng dư giả cả năm đến gần Tết thì mua sắm thêm một ít đồ mới. Còn những thứ chi trả vặt vãnh thì hầu như tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Nhất là những thứ có thể mượn thì cô sẽ cố gắng chờ để mượn chứ không bỏ tiền ra mua. Ngoại trừ đồng phục thể thao là quần áo phải mua mới theo năm học, còn lại những quần áo bình thường Thanh Anh mặc cũng lấy từ đồ quyên góp của mạnh thường quân hoặc của má Lam, má Diệu sửa lại cho cô. Đáng lý ở cái tuổi dậy thì này , mọi cô gái đều cần chăm chút ngoại hình nhiều hơn, có nhu cầu ăn mặc đẹp hơn nhưng dường như đối với Thanh Anh thì không. Cô có nhiều mối bận tâm hơn như việc học sao cho bắt kịp bạn cùng lớp, còn cả việc cô nhi viện lúc nào cũng chiếm rất nhiều thời gian, hơn nữa cũng chẳng có người lạ nào hay lui tới khiến Thanh Anh để ý cả. Cho đến khi Kiến Vàng xuất hiện.
“Dạ vâng, thế thì tốt quá ạ! Em cảm ơn anh nhé!”
Kiến Vàng mỉm cười, đây là lần đầu tiên anh có thể nói chuyện nhiều và thoải mái như vậy với Thanh Anh. Cô cũng không còn thái độ e dè, lạnh lùng như lần đầu gặp. Có lẽ, cô cũng không quá khó để bắt chuyện.
“Anh tên là Kiến Vàng thật ạ?”
Thanh Anh nheo nheo mắt, một tay vén tóc, dịu dàng hỏi anh, hai má ửng đỏ như quả táo chín.
“Không đâu, đó là tên của tụi nhỏ đặt cho anh đấy chứ!”
“À, đúng thật nhỉ, làm gì có ai lại tên Kiến Vàng bao giờ.”
“Nhưng anh thích tên này lắm! Nó nhắc anh phải làm việc chăm chỉ như kiến vàng ấy.”
“Tên của em là Thanh Anh, là tên má Lam đặt cho em, nhưng chắc là trước đây em cũng có một tên khác do ba mẹ đặt mà em không biết.”
“Vậy là chúng ta giống nhau rồi, anh cũng có 2 cái tên giống em, một tên cũng được đặt ở đây!”
“Tên em đẹp lắm, em cũng thích nhưng em vẫn muốn biết tên trước đây của mình lắm, mà tên thật của anh là gì vậy?”
Kiến Vàng thấy được sự mong chờ trong mắt Thanh Anh. Nhưng nếu anh nói ra tên thật của mình thì không biết cô bé có buồn không, khi anh có 2 cái tên để lúc nào cũng có thể gọi còn cô thì không. Cái tên bị lạc mất kia khiến cô nhớ về quá khứ bị bỏ rơi, một đứa trẻ không ai cần. Kiến Vàng suy nghĩ một lát, anh gãi đầu gãi tai.
“Tên anh được đặt cho dễ nuôi nên chẳng đẹp gì cả! Anh chẳng muốn ai biết đâu, em cứ gọi anh là anh Kiến Vàng đi!”
Thanh Anh đưa mắt nhìn anh, cô ngây thơ nhoẻn miệng cười.
“Vậy em và anh đều có cái tên đi lạc rồi nhỉ!”