CHƯƠNG 3: TÊN BẠN TÊN EM
"Thế em có thể cho anh biết tên của người con trai đặc biệt đó không? Anh tò mò lắm rồi đấy."
Tôi nài nỉ em. Em quan sát bộ dạng của tôi và bật cười, rồi em nói:
"Dạ được chứ anh, mong anh thứ lỗi, bởi vì cử chỉ van nài của anh khi nãy khá là giống em vào ngày cuối cùng ở khu quân sự."
"Vậy sao? Em cũng nài nỉ như anh hả?"
Tôi hỏi em.
"Dạ đúng rồi anh, nhưng em sẽ kể chi tiết đó cho anh nghe sau nhé. Bởi nếu kể bây giờ thì e là hỏng mất câu chuyện tình yêu màu áo lính đầy đặc biệt của em rồi."
Em nói giọng bí ẩn, cộng thêm một nụ cười tươi với tôi, tại đó tôi thấy em có vài ba chiếc răng khểnh trông khá duyên dáng.
***
( TRỞ VỀ THEO CÁI NHÌN CỦA HOÀNG MAI)
Qua được học kỳ một ở đại học khá bất ổn do dịch bùng phát dữ dội nên tân sinh viên chúng tôi phải học và thi trực tuyến.
Thế rồi sau kỳ nghỉ Tết dài, sang kỳ hai thì chúng tôi học trực tuyến trong vài tuần đầu.
Nhận thấy dịch bệnh đã dần được kiểm soát, số ca nhiễm cũng không còn tăng như trước, lúc đó nhà trường mới ra thông báo cho toàn bộ sinh viên được trở lại trường học trực tiếp.
***
Ngày đầu tiên sau quãng thời gian dài ở nhà học trực tuyến, thực sự là tôi vẫn không sao biết được hết những người bạn đại học của mình.
Vì trong lúc học trực tuyến thì phần lớn mọi người đều tắt camera và micro, chỉ bật lên khi được giảng viên gọi trả lời nhưng những lúc đó thì chỉ bật micro mà thôi.
Có vài giảng viên muốn tiết học sôi động hơn, bảo chúng tôi phải bật camera lên còn micro thì tắt để tránh ồn ào, thế nhưng lúc bật lên thì tôi lại không để tâm mấy.
Để rồi giờ kết quả như thế này đây.
***
Thế nhưng đại học khác với cấp Ba ở chỗ, lên lớp chỉ để ngồi nghe giảng nhưng phần lớn mọi người đều làm việc riêng như bấm điện thoại, có bạn học bằng laptop nhưng slide bài giảng thì bật để đó, cạnh bên là một slide khác để lướt web, xem phim.
Và chung quy mà nói, tôi cũng không phải ngoại lệ.
***
Học hành rồi thi cử, xong hết rồi thì lại đến một thử thách đầy vất vả nhưng cũng hoàn toàn mới và không hề có ở cấp Ba.
Học quân sự.
Chị họ tôi học bên UEF - Đại học Kinh tế Tài chính cũng học quân sự trong chương trình đào tạo như chúng tôi ấy thế nhưng quân sự của trường chị lại có vài điểm khác biệt khá lớn so với chúng tôi.
Đó là chị không phải di chuyển hơn 18km mỗi ngày từ nhà lên Bình Dương để học cả lý thuyết lẫn thực hành, mà thay vào đó là những giờ học lý thuyết thì sẽ học tại trường, đồng phục sẽ là đồng phục thể dục.
Còn thực hành thì mới phải di chuyển sang Đại học Hutech - nghe đâu trường chị ký hợp đồng với bên đó, mượn sân để cho sinh viên học thực hành quân sự.
Và điểm khác biệt tiếp theo đó chính là một tuần chị chỉ học quân sự có hai ngày mà thôi.
***
Vì thế khi nghe tin nhỏ em út sắp phải hành trang lên Bình Dương để học và ăn ở trên đó, chị lo lắng không kém gì hai bậc phụ huynh của tôi đây.
Và tôi không những lo mà tôi còn sợ nữa.
Bốn tuần trên đó liệu sẽ ra sao?
Mười hai, thậm chí là mười sáu người trong một phòng, đã vậy còn chỉ có một nhà vệ sinh.
Con trai với nhau thì dễ, nhưng còn con gái tụi tôi thì sao?
***
Đầy những nỗi lo lắng và bất an như thế.
Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua, thi học kỳ cũng đã thi xong, nhìn lên lịch thì cũng đã đến ngày đi.
Một ngày trước đó tôi soạn đồ bỏ vào vali, nào quần jean, váy để mặc buổi tối sau khi đã hoàn toàn kết thúc ca học, vài ba chiếc áo thun để mặc bên trong vì các anh chị đi trước nói lại rằng quần áo khu quân sự sẽ rất ngứa ngáy khó chịu.
Vớ, một đôi giày thể thao khá cũ vì sau kỳ quân sự này là sẽ đem vứt luôn, chẳng thể nào mang lại nữa.
Vì thế mà theo lời các anh chị sinh viên đi trước, tôi chọn một đôi giày vải màu đen khá cũ, giá cả phải chăng để "chinh chiến" trong bốn tuần quân sự sắp tới.