Tuổi nổi loạn đến sớm
Chương 7: Tuổi nổi loạn đến sớm.
Để đạt được kết quả về quê Ngoại học cấp 2, anh vận dụng hết tất cả lợi thế của một đứa trẻ.
Ban đầu anh trịnh trọng nói với ba mẹ rằng, "Con muốn nhà mình có một cuộc họp thảo luận ý kiến." Ba mẹ nhìn nhau cười, nghĩ để xem thằng con mình lại định làm trò khác người gì, gật đầu theo anh vào phòng.
Anh nhìn thẳng vào mắt họ, nghiêm túc nói muốn về quê, dùng vốn từ ngữ đọc được trong sách nói với ba mẹ cái lợi khi cho anh về quê sống.
Anh còn nói chưa xong, ba đã cười xuề nói, "Con lại như ông cụ nữa rồi."
Ba mẹ đều cho rằng môi trường sống và học tập ở nông thôn không thể so sánh được với thành phố, hơn nữa anh còn nhỏ, cần sự quan tâm và giám sát của bố mẹ trong quá trình trưởng thành.
Nguyện vọng bị bác bỏ.
Tiếp theo, làm nũng. Đối với anh đây là việc cực kỳ khó nhằn, từ nhỏ anh chưa từng làm bao giờ. Thậm chí khi thấy những đứa trẻ khác, gần hơn là đứa bạn thân nối khố của anh làm nũng, anh còn âm thầm khinh bỉ.
Đi theo ba mẹ khắp nơi, luôn miệng gọi "Ba à~", "Mẹ à~".
Phiền đến mức ba mẹ nhìn thấy anh liền nổi da gà, tránh nhanh như cơn gió. Nghĩ thằng con mình có khi nào bị nhập hồn không?
Làm nũng không được thì chống đối.
Kiếm chuyện đánh nhau, giật tóc bạn nữ, trốn học, xì bánh xe giáo viên.
Thầy chủ nhiệm không chịu nổi nữa phải gọi phụ huynh. Sau khi về nhà, ba tức giận cầm chổi lông gà vụt anh mấy cái, đó là lần đầu tiên ba đánh anh.
Anh không khóc, lầm lì quay lưng vào phòng, trước mặt ba mình đóng sầm cửa lại.
Tối hôm đó anh không ra ăn cơm. Mẹ đứng bên ngoài nói hết lời cũng mặc kệ, cầm đồ chơi ném mạnh vào tường nói ba mẹ không thương anh.
Anh từ nhỏ luôn là đứa trẻ khiến cho người ta cảm giác rất yên tâm, chưa từng khiến ba mẹ phải nhọc lòng.
Học hành vượt trội, là con ngoan trò giỏi. Dù không hay giao tiếp với các bạn trong lớp, nhưng cũng chưa từng làm ảnh hưởng tới ai. Thầy giáo lo lắng nói, "Có khi nào là tuổi nổi loạn đến sớm không?"
Ba mẹ anh, những người hiểu được nguyên do chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Họ hiểu con mình, cũng biết rõ tính tình anh cố chấp. Chỉ là trong thâm tâm bậc làm cha mẹ đều mong con mình có điều kiện cuộc sống tốt nhất, đồng thời phải ở trong tầm mắt của mình. Đối với việc đứa con trai mới 10 tuổi nằng nặc đòi sống về ở nơi cách họ mấy ngàn cây số, hằng năm chỉ có thể gặp mặt mấy lần, làm sao yên tâm nổi?
"Cứ để nó nhịn đi, đói tự biết mò mặt ra ăn." Ba anh quát lên sau cánh cửa.
Nhưng con trai họ cứ như mọc đầy gai nhọn, lì lợm, ngang ngược, náo loạn đến mức không biết làm sao.
Nhịn ăn đến ngày thứ 2, ba gọi người đến phá cửa. Mẹ nhìn căn phòng bừa bộn, con trai mắt sưng phù nằm bẹp trên giường thì khóc oà lên, nói anh tội tình gì làm đau lòng mẹ như vậy. Anh liếc mắt nhìn, không thèm phản ứng.
Mẹ sợ anh chết đói thật, vừa khóc vừa chạy ra bưng bát cháo gà anh thích ăn nhất mang vào, bị anh gạt phăng đi.
Tiếng đổ vỡ làm lòng người chết lặng, ba nổi trận lôi đình giơ tay tát mạnh anh mấy phát liền.
"Thằng mất dạy."
Mẹ anh còn đang bàng hoàng nhìn những mảnh vỡ dưới sàn, vội lao tới ngăn chồng mình, nước mắt làm ướt cả khuôn mặt bà. Bà chưa từng nghĩ sẽ có ngày con trai bà lại đối xử với bà như vậy.
Tối hôm đó anh sốt đến hôn mê.
Lúc tỉnh lại, ba mẹ và bà ngoại vẫn đang ngồi bên giường, nhìn anh đầy lo lắng.
Giờ phút này trong lòng họ đều hiểu, nếu không làm theo ý muốn của anh, chuyện này không cách nào giải quyết xong được.
Bà ngoại lau nước mắt múc một thìa cháo đưa tới, "Ăn đi cháu, học nốt năm ni rồi về quê ở với bà."
Anh nghe xong ngước lên nhìn ba mẹ, ba hung dữ trừng mắt với anh, mẹ rưng rưng gật đầu.
Bát cháo chẳng mấy chốc liền hết sạch, anh với tay nắm lấy vạt áo mẹ, nhìn thẳng vào đôi mắt còn đỏ hoe của bà.
"Con xin lỗi." Anh nói.
Những chuyện đó anh không kể cho cậu biết, chỉ nói kết quả, như thể đó là một vấn đề nhẹ tựa lông hồng.