Anh thích nơi này
Chương 3: Anh thích nơi này.
Anh sinh ra ở Sài Gòn, mẹ là giáo viên, ba làm quản lý cấp cao ở một công ty lớn. Nói chung gia cảnh rất khá giả.
Mẹ anh gốc là người Nghệ An. Anh vẫn nhớ lần đầu tiên mình đặt chân đến mảnh đất quê ngoại là năm 7 tuổi, nơi đó đem so sánh với thành phố hiện đại mà anh sống đúng là một trời một vực.
Không có đường nhựa, không có nhà cao tầng, cũng chẳng có khu vui chơi gì cả. Tất cả những gì anh thấy là cánh đồng xanh mướt trải dài, dãy núi phía xa xôi trập trùng lên xuống, đỉnh lèn đá cao vời vợi. Sắc xanh trải dài vô tận, lũ trẻ lấm lem nô đùa.
Giữa cánh đồng có đám trẻ đang thả diều, gần đó là đàn trâu khoan thai gặm cỏ, chốc chốc lại đá chân một cái.
Trong đầu đứa trẻ 7 tuổi lúc đó không nghĩ ra được câu gì hay ho để diễn tả cảm xúc của mình, chỉ quay sang nói với mẹ rằng: "Hè năm nào con cũng về đây được không ạ?"
Mẹ anh cười: " Sao nào, vừa nhìn đã thích rồi đúng không? Chưa về đã mong quay lại rồi này."
Đúng vậy, anh rất thích nơi này.
Trong sách viết rằng có những vùng đất mà ngay từ lần đầu đặt chân đến đã cảm thấy vô cùng quen thuộc, cứ như đã đi qua vô số lần trong quá khứ, có lẽ là ấn tượng kiếp trước.
Sau này nghĩ lại, anh nói đó là định mệnh.
***
Nhà bà ngoại ở cách đường quốc lộ hơn mười cây số, làng ấy gọi là thôn Xoài. Anh hỏi bà tại sao lại gọi là thôn Xoài, rõ ràng có trồng nhiều xoài đâu?
Bà cười đáp rằng từ khi bà sinh ra nơi này đã gọi như vậy, chắc là ngày xưa có trồng cũng nên. Nói rồi cho anh mấy cái bánh quy trong hộp.
Mẹ anh là con một, lúc mẹ mới 2 tuổi thì ông ngoại qua đời, sau đó bà cũng không đi thêm bước nữa. Vì nhà chỉ có hai mẹ con, bà ngoại rất cực khổ mới nuôi mẹ ăn học nên người.
Sau này lấy ba anh, mẹ anh từng nhiều lần ngỏ ý muốn đón bà lên thành phố cho tiện chăm sóc, bà kiên quyết từ chối. Năm nào bà cũng vào thành phố thăm gia đình anh, nhưng cứ ở một vài tuần lại đòi về.
Bà nói bà yêu thôn Xoài, đây là nơi bà sinh ra, chứa đựng kỉ niệm từ thời thơ ấu đến giờ, còn cả chuyện của bà với ông ngoại nữa.
Bà nói, đi rồi sợ ổng buồn.
Anh rất thích nghe bà kể chuyện xưa, về một thời đại mà anh chưa từng được trải.
Đang nói thì tiếng trẻ con gọi to: "Bà Lan ơi cho nhà cháu vay 3 bát gạo ạ."
Bà ngồi trên giường nói vọng ra: "Vô lấy đi cháu, đong đầy đầy không là ăn thiếu nghe chưa."
"Dạ cháu cảm ơn bà." Đứa trẻ đáp.
Đoạn bà lại vẫy tay tôi dặn: "Khi mô rảnh thì ra chơi với mấy đứa trong xóm cho vui, qua nhà thằng Quân hấn dẫn đi. Cái đứa vô vay gạo đó đó, nhà hấn sát bên nhà mình."
Anh chạy ra thềm nhìn, đó là một cậu nhóc thấp hơn anh một chút, da dẻ ngăm đen, gầy tong teo, tóc cắt lởm chởm bù xù như tổ quạ. Bù lại mắt rất đẹp, to tròn đen láy.
Cậu bé vay gạo thấy anh thì hơi ngẩn ra một chút, có lẽ lần đầu gặp người lạ.
"Anh là cháu bà Lan hả?" Cậu bé mở lời chào hỏi.
"Ừ. Em tên Quân đúng không?" Anh đáp.
"Dạ." Đứa trẻ đó gật đầu cái rụp rồi vẫy tay với anh, ôm cái tô đựng gạo còn lớn hơn cái đầu cậu chạy đi.
Anh nhìn bóng dáng nhỏ xíu của cậu chạy về phía nhà bên cạnh, quay người vào nhà tiếp tục nghe bà kể chuyện.
Lát sau bà mới nói, cậu bằng tuổi anh, sinh cùng năm, sau anh ba tháng. Nhưng chẳng hiểu sao anh vẫn cố chấp quyết định thằng nhóc đó là em, anh nói: "Sau ba tháng cũng là nhỏ hơn mà."
"Thích có em thì để mẹ sinh thêm chơi với con nha." Mẹ anh trêu.
Miệng anh đang nha miếng kẹo, nghe mẹ nói thì gật đầu lia lịa.
Bà anh cười xoà lên, lại cho anh thêm mấy cái kẹo nữa, bảo anh đi qua nhà cậu chơi.