Chương 6. Dự cảm bất thường
Lạc Quốc, một trong năm nước quyền uy nhất Ngũ Linh giới, chiếm cứ vùng biển rộng lớn ở khu vực phía đông. Tương tự như các quốc gia khác, chữ “Lạc” trong quốc hiệu bắt nguồn từ tên của một thần thú cổ xưa, gắn liền với vương triều từ thuở khai sinh lập địa. Vị vua lập quốc lấy cớ rằng trong huyết quản của mình chảy xuôi dòng máu cao quý của thần thú, là minh chứng xác đáng cho quyền trị vì và thống nhất.
Mặc dù chưa một ai từng trông thấy chân thân của ngũ đại thần thú, các truyền thuyết lâu đời lan truyền trong dân gian giữa các nước đều có nét tương đồng nhau. Một khi thần thú xuất hiện, cất lên tiếng ngâm vang vọng đất trời, một đấng minh quân sẽ giáng thế, dẫn dắt mọi người vượt qua đại kiếp nạn có khả năng nhấn chìm toàn thể nhân loại vào trong biển lửa.
Truyền thuyết xa xưa ấy từng hiệu nghiệm một lần vào khoảng trăm năm trước, cũng chính là thời điểm cuộc thú triều đầu tiên lớn nhất trong lịch sử bùng nổ. Thương vong do thú triều gây ra trầm trọng đến mức tê liệt chiến tranh tàn khốc giữa ba nước Nghê, Long và Hổ. Ngoại chiến chưa dứt, nội chiến nảy sinh, cuối cùng triều đại hiện thời bị lật đổ. Ba vị vua mới đặt chân lên ngai vàng quyết định ký kết hiệp ước hòa bình vô thời hạn.
Trái ngược hẳn thảm trạng của ba nước nọ, Quy Quốc và Lạc Quốc quá đỗi may mắn khi chẳng những tránh thoát chiến trận liên miên, tranh giành thuộc địa, sự ảnh hưởng của lần thú triều năm đó ảnh hưởng đến họ vô cùng nhỏ. Chính sự ngăn cách về điều kiện địa lý, tập tính khó lường của những tộc đàn dị thú ẩn nấp dưới tầng nước sâu vừa xua tan ý nghĩ xâm chiếm biển khơi của ba quốc gia trên đất liền, vừa hình thành bức bình phong, cô lập và bảo vệ hai nước bên trong.
Tuy nhiên, ngoại quốc yên ổn không đồng nghĩa quốc nội an lành. Về điểm này, Lạc quốc tỏ ra kém ổn định hơn người anh em nước Quy quá nhiều. Không giống dân chúng nước Quy có phần nồng hậu, cởi mở, người nước Lạc vốn tính thẳng, phóng khoáng, thậm chí là lỗ mãng. Bao đời nay, các triều đại vua chúa luôn lấy võ vi tôn, ưa chuộng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, dẫn tới những thi sĩ, những nhà tư tưởng, cách mạng bị chèn ép rất dữ dội.
Tình trạng ấy kéo dài cho đến đời vua đương nhiệm. Kể từ lúc lên ngôi, vị đế vương trẻ tuổi tiến hành hàng loạt cải cách, “thay máu” trong ngoài kinh đô, đổi mới chế độ khoa cử. Từng bước đi của ông ta vấp phải rất nhiều hòn đá ngáng đường, thậm chí xôi hỏng bỏng không, nhưng nhờ sự phò tá của các hiền thần trung kiên, cuộc cách mạng vĩ đại đã dần dần giành được thắng lợi.
Trải qua hơn hai mươi năm trị vì, diện mạo của Lạc Quốc nhanh chóng thay đổi theo một chiều hướng tích cực. Các vấn nạn tham nhũng, mua bán chức tước được dẹp yên. Cán cân quyền lực giữa quan văn và quan võ tương đối tạm gọi là ngang bằng. Những chính sách, phúc lợi dành riêng cho kim bài sư, ngân bài sư được quy hoạch rõ ràng,…
Lạc Quốc bắt đầu tiến tới thời đại thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử, dân sinh ấm no, nhà nhà hạnh phúc.
***
- Một đấng minh quân đi trước thời đại sao? Thật hiếm có
Đọc lại một lượt bản tóm tắt tất cả những gì quy hoạch được chiều nay, Bách Hoàng công tâm khen ngợi một câu về vị vua không biết mặt kia, thái độ lạnh nhạt, bình thản. Từ địa thế núi non, hoàn cảnh sinh tồn hiểm nguy trăm bề, lòng người bất ổn vậy mà lại có thể sinh ra được một nhân tài kiệt xuất. Nhưng anh chỉ tán thưởng ngoài mặt, đáy lòng không chút mảy may rung động.
Nếu Bách Hoàng sinh ra và lớn lên ở Lạc Quốc, ông ta có thể là người khiến anh vô cùng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đối với một người hiện đại như anh, thành tựu của vị vua ấy chưa đủ tầm kinh hãi thế tục. Lịch sử phát triển của nhân loại hơn mấy ngàn năm đã bao hàm tất cả, quá nhiều vị danh nhân còn tạo được tiếng vang hơn xa thế.
- Tre già măng mọc, nhị hoàng tử có lẽ còn tiến xa hơn ba mình, nhưng phải xem cậu ta đủ sức bước lên ngai vàng hay không.
Đời người rồi sẽ có lúc chững lại, vị vua trẻ năm nào đã dần đánh mất sự nhiệt huyết thời thanh xuân, chỉ còn lại những bước đi ổn trọng, cứng nhắc thuở trung niên. Đế vương thường đoản mệnh, chẳng mấy ai sống thọ đến già, chết già trên giường. Ông ta cũng không ngoại lệ. Lên ngôi lúc ba mươi tuổi, đến nay đã ngoài ngũ tuần, sức khỏe không còn dồi dào như xưa.
Bách Hoàng nghe nói thời cuộc trên triều bấy giờ đang bắt đầu chia năm xẻ bảy. Nhà vua thỉnh thoảng lên cơn bạo bệnh, y sĩ giỏi nhất và các kim bài sư hệ trị liệu chỉ thể giúp ông ta cầm hơi, hoàn toàn không trị được tận gốc. Tình hình này càng kéo dài, ắt sẽ xảy ra bạo loạn, thậm chí tranh quyền đoạt vị.
Dưới gối nhà vua tuy có nhiều con, lên được mặt bàn chỉ có hai người: đại hoàng tử và nhị hoàng tử. Mỗi người thường xuyên trợ giúp vua cha xử lí chuyện triều chính. Phe cánh dưới tay họ đã dần không yên phận, sớm hôm hoạnh họe, cố gắng đào bới khuyết điểm lẫn nhau rồi tung nhát chí mạng nhằm hạ bệ triệt để đối phương.
Hống hách nhất phải kể đến đại hoàng tử và bè lũ của hắn. Ngoài cái danh phận con trai trưởng đích tôn, tính cách và đầu óc của đại hoàng tử chẳng khác nào các đời vua trước. Để một người như vậy lên ngôi, e rằng lịch sử nhiều khả năng đảo ngược, mọi di sản của vị vua hiện tại sẽ gần như đổ sông đổ bể.
So với hắn, nhị hoàng tử được lòng vua cha hơn. Từ nhỏ thông tuệ hơn người, lớn lên nhã nhặn, lịch thiệp, rất ra dáng bậc đại trượng phu. Với trí óc muôn vàn ý tưởng táo bạo, Bách Hoàng suy đoán rằng kế hoạch xây thư viện cũng từ người này mà ra.
Tiếc thay, do xuất thân của mẹ ruột, không ít đại thần trong triều vốn đã chướng mắt những ý tưởng cách tân của cậu, lấy nguyên cơ này cực lực phản đối chuyện cậu ta kế vị. Vì lẽ đó, đảng phái ủng hộ nhị hoàng tử đa số chỉ là những vị quan trẻ, đầy hoài bão, chưa thật sự đứng vững gót chân trên quan trường.
Thế nhưng, dẫu ai lên làm vua cũng chẳng can hệ gì tới anh. Bách Hoàng không phải người của thế giới này, chung quy sẽ tới lúc rời đi, anh không muốn chính mình bị sa lầy vào trong những rắc rối không cần thiết. Để rồi tới khoảnh khắc ấy, anh sẽ khó thoát thân mà quay về.
Suy nghĩ miên man một hồi, Bách Hoàng cảm thấy trong lòng bức bối, bèn đứng dậy, bước chân ra ngoài cửa. Anh tựa lưng vào bức tường gỗ, ngẩng đầu quan sát bầu trời. Một vầng trăng lẳng lặng, tươi đẹp cứ thế lọt vào tâm trí anh. Ngẩn người ngắm trăng rất lâu, anh phút chốc bần thần tự hỏi:
- Trăng ở Trái Đất cũng sáng như thế chăng?
Đời trước bận bộn quá nhiều, Bách Hoàng đã rất lâu rồi chưa được thảnh thơi, tự tại ngắm trăng. Anh không biết lý do mình gắng gượng tới nay là gì. Hồi đại học, anh chưa bao giờ nảy sinh ý nghĩ kế thừa công ty gia đình, chuyên ngành lựa chọn cũng khác.
Có lẽ anh không đành lòng chứng kiến gia nghiệp của tổ tiên lụi tàn?
Bốn phía hiu quạnh tất nhiên không ai trả lời anh. Thân người gầy gộc, đơn bạc dần dần hòa làm một với đêm tối. Sự yên tĩnh trong thoáng chốc khiến Bách Hoàng nhanh chóng sốc lại tinh thần, nổi lên cảnh giác. Trước cơn bão thường lặng gió, ông trời chưa bao giờ để cho cuộc sống của con người trôi qua êm đềm.
Có lẽ sắp xảy ra chuyện nào đấy?