Chương 4: Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
"Đầu tuần sau? Sao cô đi vội thế ạ? Sắp tới Tết Đoan Ngọ rồi, con vẫn muốn ăn bánh tro cô làm cơ."
Lam phụng phịu nằm bẹp ra bàn. Nhưng chưa hết, cô ấy còn lăn qua lăn lại nhõng nhẽo y hệt lúc nhỏ. Suốt ngày quấn quýt bên cạnh Nguyên thế mà không học được lấy một chút dịu dàng, từ tốn nào hết.
"Để bây giờ con đi sắp xếp đồ. Chuyến này đi lâu hơn mọi lần hay là cô cứ để con theo, như vậy con cũng tiện chăm sóc cô."
Thấy Nguyên chuẩn bị đứng dậy, Yên Hà vội lên tiếng:
"Con cứ ở lại giúp ta trông coi Phong Hoa cư. Chuyến này ra ngoài đã có thầy Thế của mấy đứa đi cùng, không cần lo lắng cho ta!"
Lam vục dậy từ mặt bàn. Mắt cô ấy mở to đến độ suýt thì làm rớt luôn hai cái tròng xuống đất:
"Thầy Thế ấy ạ?"
Cô có nghe nhầm không? Là thầy Thế đi cùng với cô Hà đấy.
"Thầy Thế thì làm sao?"
Bóng dáng cao lớn dần hiện ra sau cánh cửa. Giọng nói âm trầm như tiếng cồng dội vào vách đá bất ngờ vang lên. Lúc nhỏ, Lam sợ nhất là giọng nói này, chất giọng mà chỉ người học võ mới có. Mỗi khi mắc lỗi, chỉ cần thoáng nghe thôi là cô ấy cũng sợ tới mức muốn co cả người lại, đến bây giờ vẫn y chang.
Lam nở một nụ cười trông khó coi hết sức, cả người tự động dịch sát lại gần Yên Hà để tìm cảm giác an toàn:
"Dạ, không có gì! Con chỉ định nói là... có thầy đi cùng bảo vệ cô ai cũng thấy yên tâm hết ấy ạ!"
Bàn về khả năng mồm miệng đỡ chân tay của Lam thì làm gì có ai đọ được. Trong số mấy tên nhóc mà Yên Hà đón về nuôi nấng lúc trước, ngoại trừ Nguyên có phần đặc biệt hơn ra thì chỉ có Lam là con gái lại còn là bé nhất. Bình thường toàn là cô ấy đi trêu tức người ta rồi quay lại nịnh nọt xin lỗi. Có thể lớn được tới từng này mà không bị sứt mẻ miếng nào thì chắc chắn là nhờ có cái miệng lươn lẹo.
Yết Kiêu không buồn để ý cô nhóc tinh quái kia nữa. Hắn ngoảnh sang nói với Yên Hà:
"Những gì cần thiết ta đã sắp xếp hết rồi. Cô còn muốn mang theo thứ nữa gì không?"
Lam nghe xong, quên luôn cả sợ sệt. Cô ấy âm thầm huých nhẹ một cái vào vai Nguyên ý như đang hỏi: Chị cũng nghe thấy đúng không?
Nguyên không có một chút phản ứng nào ngầm đáp lại cả, chỉ kéo tay Lam lôi đứa em gái thích hóng chuyện của mình ra ngoài.
Cả căn phòng chỉ còn lại Yên Hà cùng Yết Kiêu. Hai con người thuộc trường phái cứ ở cạnh nhau là lặng im.
Cái lặng im tất nhiên chỉ là vỏ bọc, thứ thật sự đang cuộn trào trong lòng Yên Hà chính là cảm giác sức cùng lực kiệt. Một cảm giác trước nay chưa từng có.
Như sực nhớ tới chuyện gì đó, Yên Hà lấy ra một chiếc hộp nhỏ từ trong áo rồi để nó xuống bàn:
"Đeo cái này vào tay! Anh được an toàn mà ta cũng bớt phiền phức!"
Bên trong hộp có một chiếc vòng nhỏ được kết bằng chỉ màu. Mặt dây là viên san hô đỏ thẫm như máu to bằng đầu ngón tay. San hô đỏ đã ít còn được chế tác tinh xảo như vậy chỉ sợ có tiền cũng khó lòng mua nổi.
Yết Kiêu ngẩng lên nhìn cô, hắn thật sự có chút kinh ngạc. Yên Hà lại chẳng thấy chuyện này có gì to tát, vẻ mặt cô vẫn là lạnh nhạt, bình thản giống hệt với mọi lần:
"Đây là ta tự dưng nhặt được. Cũng không phải vật quý giá gì, cố gắng đừng để rơi!"
Cô biết là Yết Kiêu sẽ không tin, nhưng sự thực đúng là cô đã nhặt được nó. Chỉ có điều là cô đã nhặt nó ra từ trong đống vật phẩm mà một Vương tử Chiêm Thành mang tới tặng từ khá lâu về trước. Giữa đống vật phẩm quý giá, Yên Hà chỉ thấy viên san hô này là có tác dụng trừ tà nên đã nhận lấy nó, còn lại đều đem trả hết. Thế cũng được tính là nhặt mà.
Yết Kiêu nâng niu chiếc vòng trong lòng bàn tay mình. Khoé miệng hắn bất giác nhếch lên, vẽ ra một nụ cười ấm áp.
"Một tay ta không thể buộc được chiếc vòng này! Không biết cô có thể..."
Yên Hà không phản đối.
Cô bối rối nín thở nín thở.
Đôi tay rụt rè thận trọng lần mò trong khoảng không trống trải. Cô chẳng thể hiểu nổi mình nữa. Khi đứng trước lưỡi đao của quân giặc, cô cũng chẳng căng thẳng đến thế. Vậy mà giờ đây, trái tim lại cứ đập liên hồi.
Sự tăm tối và mù mịt đối với cô đã trở thành một người bạn quen thuộc từ rất lâu. Nhưng dù có quen thuộc tới đâu, thì vào những lúc thế này, cô vẫn chẳng thế tránh khỏi cảm giác chơi vơi. Và Yết Kiêu từ giữa chơi vơi bất ngờ cầm lấy tay cô đặt vào tay mình:
"Ta ở đây!"
Chỉ một hành động đó, Yết Kiêu đã làm Yên Hà trằn trọc tới tận nửa đêm. Mà đáng ghét nhất là đây lại chẳng phải lần đầu tiên. Lần trước là khi Đại Việt bước vào những ngày giá rét nhất của mùa đông. Chẳng rõ Yết Kiêu đã hỏi ai mà lại biết chân cô cứ tới mùa này là lại bị chuột rút liên tục. Thế nên đã có hôm hắn gần như thức trắng chỉ để ủ chân cho cô ngủ.
Yên Hà sầu não thở dài.
Người đang nằm cách cô một bức bình phong kia chắc cũng vừa chợp mắt rồi. Yên Hà lúc này mới ngồi dậy, từ từ kéo áo xuống khỏi vai, thận trọng chạm vào hắc ấn phía sau lưng mình. Từng đường nét sôi sục dưới ngón tay cô tựa như có hàng trăm loài sâu bọ đang thi nhau cắn xé. Yên Hà sớm đã tưởng tượng ra được hình dạng của hắc ấn ấy. Nó là lời nguyền dành cho những kẻ dám xâm phạm đến phong ấn Bách Khổ.
Giống như chính thứ phong ấn thâm độc kia, lời nguyền này được tạo ra từ nỗi đau lớn nhất trong đời người - nỗi đau bị chia cắt. Một trăm sinh mạng đã bị dìm xuống lòng vực sâu chỉ để phục vụ cho một âm mưu khủng khiếp kéo dài hàng ngàn năm.
Câu chuyện của những linh hồn đó hàng đêm vẫn đi theo Yên Hà vào trong giấc ngủ. Tất cả những bi thương và vụn vỡ đó cô hiểu hết. Vậy nên khi không thể phá giải được phong ấn, Yên Hà đã day dứt vô cùng.
"Vạn kiếp làm nô... .Trên đó viết như vậy đấy!"
Yết Kiêu tuy kích động nhưng không dám bước lại gần hơn nữa. Lúc nãy hắn vì trông thấy hắc ấn trên người cô mới quên hết cả cách biệt nam nữ, giờ nghĩ lại mới thấy mình quá đỗi thất lễ.
"Có đau không?"
Đôi vai mỏng manh, gầy yếu khẽ chuyển động, tay cô chầm chậm khoác áo lên người:
"Họ nói ta không biết đau. Anh chưa nghe bao giờ sao?"
"So với việc nghe người khác ta lại muốn được nghe cô nói hơn!"
Nghe cô nói ấy à?
Cô thì lại chỉ mong hắn nghe và tin vào những câu chuyện hư hư thực thực mà người đời kể lại. Một Yên Hà không biết đau, không biết vui buồn.
"Ta chưa bao giờ thấy đau hết. Đúng là có hơi bất tiện nhưng không phải trở ngại quá lớn gì."
Yết Kiêu không nói không rằng, chỉ chầm chậm ngồi xuống bên giường cô. Đợi một lúc vẫn chưa thấy hắn rời đi, Yên Hà đành ngả người dựa vào thành giường cho đỡ mỏi.
Con người này ngay từ lúc còn là thiếu niên đã cực kì ít nói. Lúc mới đến làm gia nô cho Hưng Đạo vương thì hình như hắn mới 16,17 tuổi gì đó. Chưa nói tới vóc dáng cao lớn vượt trội đặc trưng của người đã quen với sông nước, cái phong thái điềm đạm và trầm tĩnh như một ông lão đã khiến hắn nổi bần bật giữa đám đông ồn ào.
Tất nhiên là khi đó hắn vẫn có chút ngây ngô chưa được đĩnh đạc, vững vàng giống như bây giờ. Yên Hà chỉ cần trêu chọc không kiêng kị gì một chút hắn sẽ mím môi lại, mặt đỏ bừng lên như cam chịu để cô muốn làm sao thì làm. Bỗng nhiên nhớ lại câu chuyện thú vị này, Yên Hà không nhịn nổi mà bật cười.
"Cô cười gì thế?"
Yên Hà chớp chớp mắt, kìm nén:
"À...không! Chỉ là... ta đang định sáng mai thì lên đường luôn, anh thấy có được không?"
Vẫn là dáng vẻ trầm lặng, hắn đỡ cô nằm xuống, rém thật kĩ từng mép chăn rồi mới đáp:
"Cô đi lúc nào thì ta đi lúc ấy!"
***
Vực Phượng Nhãn thật ra là một khe nứt lớn nằm dưới lòng hồ nước rộng nhất[1] của trấn Thái Nguyên. Nếu đứng từ trên vách đá nhìn xuống, hồ nước kia giống hệt con chim phượng đang chuẩn bị tung cánh bay lên, mà khe nứt này vừa vặn thay lại ở ngay vị trí của mắt phượng. Yên Hà thấy cái tên Phượng Nhãn cũng hợp lý nên đã tuỳ tiện lấy nó để đặt cho nó.
Yết Kiêu chậm rãi nhấn từng nhịp mái chèo, đưa chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng băng băng tiến về phía trước. Khung cảnh này nếu không tận mắt chứng kiến chắc chắc sẽ không ai dám tin là nó tồn tại trên đời. Núi non một dải điệp trùng tựa như những quân cờ, càng ngước mắt trông theo càng không thấy tận cùng là đâu. Làn nước xanh ngắt như ngọc, từng làn khói mỏng từ mặt hồ vấn vít bay lên nếu nhìn thoáng qua thì sẽ tưởng đó là chiếc khăn lụa sắp sửa rơi xuống.
Tiếng đàn bầu dập dìu tựa suốt chảy vụt biến mất như cách gió chạm nhành hoa. Bấy giờ, đôi mắt xám cũng từ từ hé mở. Thông qua làn gió Yên Hà ngửi thấy hương thơm dịu ngọt của hoa lan rừng. Có lẽ cô đã đến được điểm cuối của cuộc hành trình này rồi.
Yết Kiêu ngừng tay chèo, ngẩng lên nhìn khoảng không âm u :
"Sắc trời nặng như vậy, có khi là sắp mưa rồi."
Yên Hà lắc đầu:
"Chắc chắn sẽ không mưa. Anh cứ chèo lên thêm chút nữa đi!"
Bầu trời ở đây thỉnh thoảng sẽ giống như vậy. Nhưng chỉ cần kiên trì một chút chắc chắn có thể tìm được ánh nắng. Vì giữa những tầng mây u ám và nặng nề trên kia, đôi khi ta sẽ bắt gặp những khoảng trống nơi ánh nắng lung linh rọi xuống như thác đổ. Dòng thác kì lạ chiếu tới đâu nơi ấy như chìm vào một thế giới khác chẳng thuộc về nhân gian này.
Xưa kia, khi một mình đứng trước nó, cô chỉ thấy có đôi chút choáng ngợp, rồi sau đó lại nhanh chóng quên đi giống như cách cô vẫn quên mọi cảnh đẹp qua đường. Nhưng giờ đây cô đã chẳng còn một mình nữa.
Hơn ba trăm năm rong ruổi khắp các bể Bắc trời Nam, "thiên thượng thanh cảnh" cô đã ngắm trong từng ấy thời gian nhiều không đếm xuể. Nhưng chắc chắn chỉ có cảnh tượng lúc này là đẹp nhất, dù cho đôi mắt cô đã chẳng còn.
Để trấn yểm thành công phong ấn Bách Khổ, Yên Hà đã ở lại nơi rừng thiêng nước độc này suốt mấy năm trời. Cô lập nhà trong hang đá, đêm nào cũng chong đèn nghiên cứu cách phá giải. Hang đá nhìn thẳng ra mặt hồ vậy nên dù là lúc nào cũng có thể quan sát mọi dị tượng xảy ra một cách dễ dàng.
Đứng trước bức tường chi chít những hình vẽ, những kí tự kì lạ Yết Kiêu có chút choáng ngợp. Mà không chỉ ở trên tường ngay cả nóc hang cũng bị Yên Hà chiếm dụng để làm chỗ nghiên cứu. Cô giải thích rằng nếu viết lên đó thì ngay cả lúc nằm xuống cũng sẽ nhìn thấy được. Nói chung là rất tiện lợi.
Chuyến này quay lại, Yên Hà thật sự đã chuẩn bị vô cùng kĩ càng. Trong số đồ đạc mang theo thì cái rương đựng "dụng cụ hành nghề" của cô là cồng kềnh nhất. May là sau mấy chục năm nằm xó chúng vẫn có thể dùng được.
Những năm đầu thời kì tự chủ, nhân gian vô cùng hỗn loạn, yêu ma quỷ quái càn quấy khắp nơi. Không biết bao nhiêu lần Yên Hà đã phải một tay bưng khay trà, một tay cầm kiếm, đi khuyên nhủ từng tên một. Cô đã nghiêm túc và thân tình đến mức đó rồi vậy mà trong mắt cái đám không biết lượng sức kia, cô vẫn chẳng khác gì nột bữa ăn thịnh soạn có kèm theo tăm xỉa răng và nước tráng miệng. Biết là thân con gái không nên suốt ngày đòi chém đòi gi.ết. Thế nhưng chẳng có buổi tâm sự nào mà cô lại không phải rút "chiếc tăm xỉa răng" được đẽo bằng gỗ cọc Bạch Đằng ra để dùng cả. Có lẽ cô thật sự không giỏi ăn nói cho lắm.
Yên Hà cầm trên tay thanh kiếm gỗ đã đồng hành với mình qua bao trận đánh làm rung trời chuyển đất. Cô nâng nó lên sát mặt khẽ thổi mấy cái cho bay bớt đi những bụi bặm. Trước đây, sau khi thất bại trong việc giải trừ phong ấn Bách Khổ, Yên Hà đã nghĩ ngay tới việc sử dụng đến thanh kiếm lừng lẫy một thời này. Nhưng tiếc là linh khí nước ta lúc đó vẫn còn rất yếu, vậy nên tạm thời nó vẫn chưa thể cùng cô đối đầu với kẻ địch cường đại như vậy. Nhưng giờ đây, khi linh khí đã ngùn ngụt khắp đất trời, nếu còn không đánh thức nó dậy thì phải chờ đến lúc nào nữa.
Yên Hà vấn cao mái tóc mềm như lụa, sau đó kiểm tra lại mọi thứ thêm một lượt nữa. Khi đã chắn chắn tất cả đều đang ở trong trạng thái sẵn sàng,Yên Hà quay lại nói với Yết Kiêu:
"Anh nhớ giữ chặt một chút! Có gì bất thường ta nhất định sẽ ra hiệu."
Nói xong, không đợi hắn hồi đáp cô đã vội vã quay lưng, lao vào dòng nước xanh ngắt. Đường đi lối lại dưới này có khi cô còn thông thuộc hơn cả Phong Hoa cư, vậy nên thật không quá khó để cô có thể tìm tới được vực Phượng Nhãn giữa muôn trùng sóng nước.
Càng tới gần sát mép vực, nhiệt độ trong nước càng trở nên lạnh hơn. Yên Hà thoáng rùng mình vì tiếng hát não nề như than, như khóc vọng ra từ lòng vực sâu. Cô tự động viên mình phải giữ lấy sự tỉnh táo, sau đó tiếp tục bơi về phía trước.
Hắc ấn cảm ứng được sự tồn tại của phong ấn Bách Khổ nên âm khí cũng bộc phát mạnh mẽ hơn. Áp lực nước cùng chuyển động của cơ thể khiến cho cơn đau chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi.
Yên Hà cố gắng cầm thật chắc con dao. Cô ngẩng lên nhìn về nơi có người đang đứng đợi rồi cắn răng, cắt đứt đoạn dây thừng đang buộc quanh người.
Vực sâu hun hút và tăm tối như con đường đi thẳng xuống điện Diêm Vương. Từng khối nước cứ thi nhau chảy ngược lên trên như cố hất cô ra khỏi đó. Thân áo đỏ mạnh mẽ, thoăn thoắt vươn về phía bóng tối tựa như chú cá nhỏ, lại tựa như bông hoa nở giữa bóng tối thăm thẳm.
Chẳng mất quá nhiều thời gian kiếm tìm, phong ấn Bách Khổ đã hiện ra ngay trước mặt. Trung tâm phong ấn Bách Khổ là một cột đá cao tới năm trượng. Trên đó khắc to và rõ bốn chữ độc địa "Vạn kiếp làm nô". Nhớ tới đây Yên Hà bỗng chốc bật cười. Năm xưa Mã Viện cũng cho người dựng lên một chiếc cột đồng rồi sau đó hùng hồn nói rằng: "Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt". Nhân dân kinh sợ nhưng thượng thiên lại khinh bỉ, cho sét đánh tan cây cột. Đúng là Giao Chỉ đã diệt nhưng sau đó nước Việt mới được sinh ra.
Xung quanh chiếc cột là ba lớp vòng bảo vệ. Ba lớp vòng được chất đầy bởi xương trắng. Ngàn năm qua đi da thịt sớm đã tan vào dòng nước nhưng nét kinh hãi, tuyệt vọng ngày nào vẫn còn vương lại trên những "gương mặt" lạnh lẽo và chơ vơ. Trong số những "con người" ấy, có người mẹ chưa kịp ôm vào lòng đứa con nhỏ mới sinh, có chàng trai vượt qua bao cách trở để tìm về với người mình thương mà không thành. Ngày hôm nay, dù không thể phá tan phong ấn đó Yên Hà cũng phải tìm được cách để thả bọn họ ra.
Cô kẹp con dao trên miệng, cố gắng kìm xuống nỗi sợ hãi đang đọng đầy tâm trí. Trên đời đâu có thứ gì là tự nhiên sinh ra. Sự gan góc và dứt khoát của Yên Hà có được là nhờ vào những lần chật vật đấu tranh với nội tâm của chính mình. Càng sợ hãi cô lại càng liều mình lao tới, đến khi nào bản thân không còn cảm thấy run sợ nữa mới chịu ngừng.
Lần này cũng giống như thế, Yên Hà nhắm mắt, từ từ bơi vào trong chiếc vòng. Tiếng hát não nề dần trở nên méo mó hoá thành tiếng rên xiết rùng rợn. Làn nước xung quanh cũng theo đó dữ dội luân chuyển. Ngay lúc này, trực giác liền thông báo với cô về một sự tồn tại đặc biệt nguy hiểm.
Yên Hà mở trừng mắt.
Ác linh đột ngột hiện ra ngay trước mặt cô. Nó căm hận hét lên sau đó dứt khoát đẩy Yên Hà rơi xuống chiếc hố đen không biết đã có ở đó từ bao giờ. Cả quá trình diễn ra quá nhanh, cô còn chưa kịp phản ứng lại thì đã bị bóng tối nuốt trọn.
Chú thích:
[1]Nguyên mẫu ngoài đời là Hồ Ba Bể.
Tên chương trích từ bài thơ: Thề non nước của nhà thơ Tản Đà.