Chương
Cài đặt

Chương 3: Sương mai một nắm hao gầy

Đêm đã khuya. Vầng trăng lúc này cũng đã thu mình về với đỉnh trời. Vì không tiện ở lại nên Trương Thăng Phủ đã nói lời từ biệt với cô. Trước khi trở về, y đã hẹn một ngày khác sẽ tiếp tục tới Phong Hoa cư để cùng cô trò chuyện.

Yên Hà chưa từng kể về mình cho bất kì ai. Hôm nay, có thể giãi bày tất cả với y, lòng cô tuy chẳng thể bớt day dứt nhưng cũng đã nhẹ nhõm đi rất nhiều.

Cô đứng bên cửa, nghe tiếng bước chân ngày một cách xa. Vốn muốn đợi cho người đi khuất hẳn, cô mới trở vào trong thu dọn, nhưng Trương Thăng Phủ lại bất ngờ quay lại:

"Những người xung quanh không gọi ta là phu tử thì cũng gọi ta là cư sĩ. Cớ sao cô lại gọi ta là Du nhân?"

Hưng Đạo vương đã rất nhiều lần khen ngợi Trương Thăng Phủ trước mặt Yên Hà. Ông nói y là người học vấn uyên bác, tính tình cương trực. Nếu năm xưa không bị hàm oan phải bỏ về quê nương náu thì tiền đồ của y chắc chắn sẽ rộng mở hơn cả hiện tại. Tuy bây giờ, y đã tới Vạn Kiếp làm môn khách cho Hưng Đạo vương, nhưng lại vẫn giữ nguyên tên tự là Đôn Tẩu (chạy trốn) như ngày trước. Cái tên đó có quá nhiều cay đắng và bất mãn. Yên Hà không muốn nhắc nó đến chút nào:

"Vì ngài chính là Du nhân! Ngài hiểu ý của ta mà."

Trên gương mặt Trương Thăng Phủ bỗng lộ ra một nụ cười hiếm thấy. Trong hai tiếng "Du nhân" kia có biết bao nhiêu trân trọng và thấu hiểu. Khi ngộ ra rồi y lại càng cảm thấy người con gái trước mặt thực đáng quý biết bao.

Yên Hà thật sự rất khâm phục khả năng nhìn người của Hưng Đạo vương. Những người được ông trọng dụng mai sau đều là những người có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới lịch sử nước Việt. Nổi bật có Trương Thăng Phủ, có Phạm Ngũ Lão, có ngũ tướng nổi danh khắp thiên hạ tới lưỡng cung còn phải dành lời khen ngợi. Cũng đã có nhiều người đã liệt kê cả cô vào một trong số họ.

Thực tình là Yên Hà quyết định ở lại Vạn Kiếp này đơn giản vì cô và Hưng Đạo vương đã làm bạn từ rất lâu rồi. Nếu cô muốn có một chỗ dựa vững chắc hay một cái danh xưng thì trọng thần của nhà Trần thật chẳng thiếu gì. Mà thậm chí so với Hưng Đạo vương, Chiêu Minh Đại vương hiện tại còn được lưỡng cung tin tưởng, trọng dụng hơn nhiều. Nhưng Hưng Đạo vương trước ánh mắt nghi kị và sự gièm pha vẫn thẳng lưng mà sống, hết lòng phụng sự cho triều đình, đức cao vọng trọng mà gần gũi, công bằng với tất cả. Người như thế còn không thể tin tưởng được hay sao?

Để mà kể lại chuyện Yên Hà và Hưng Đạo vương đã kết giao ra sao thì phải bắt đầu từ hơn bốn mươi năm trước. Khâm Minh Đại vương - Trần Liễu khi ấy vẫn còn là An Sinh vương đã mời Yên Hà tới để xem mệnh cho con trai mình, cũng chính là Hưng Đạo vương. Nếu là bình thường cô sẽ từ chối ngay. Thế nhưng không hiểu sao hôm ấy cô lại gật đầu nhận lời y như là bị ai xúi giục. Vấn đề này mỗi lần nhắc lại chính Vương cũng gật gù nhận xét là do ý trời.

Và thế là cô thong dong đi bộ đằng trước, đội khênh kiệu tất tả đuổi theo phía sau, mất nửa ngày gì đó thì đến được thái ấp An Sinh. Lúc này vừa tới giữa trưa, Khâm Minh Đại vương bỏ cả cơm nước mời cô vào phủ.

Yên Hà vẫn nhớ như in về ngày hôm đó. Khi chỉ vừa mới trông thấy Hưng Đạo vương cô đã nhìn ra được cả lúc người ta xây đền, đúc tượng tôn ông lên làm Đức Thánh. Nhưng đó lại là câu chuyện của rất lâu nữa.

Hiện tại, trước mắt cô bây giờ, con trai thứ của An Sinh vương, vừa tròn 6 tuổi. Đôi mắt sáng bừng, lanh lợi và tinh nghịch. Tư chất chưa gì đã bộc lộ rõ sự tinh anh khác thường, là người liều lĩnh, dám nghĩ dám làm. Còn một trong những chuyện liều lĩnh nhất mà ông đã làm là gì thì ai cũng biết rồi.

Dưới ánh nhìn có phần sốt ruột của Khâm Minh Đại vương, Yên Hà trả lời rất kín kẽ. Chủ yếu là để không tiết lộ quá nhiều thiên cơ:

"Nhị Lang mai sau chắc chắn sẽ vượt qua cả kì vọng của Vương!"

Khâm Minh Đại vương vẫn luôn ấp ủ hi vọng mai sau con trai có thể trở nên tài giỏi thay mình giành lấy thiên hạ. Yên Hà nói rằng con trai ông sẽ "vượt qua cả kì vọng" của ông có nghĩa là không làm vua nhưng lại trở thành Đức Thánh được đời đời kính trọng. Như thế không tính là nói dối mà cũng sẽ làm cho Khâm Minh Đại vương an tâm.

Cuộc gặp gỡ ban đầu là thế. Vậy nhưng phải tới tận lúc gặp lại ở trận Đông Bộ Đầu, Yên Hà và Hưng Đạo vương mới thật sự kết mối tâm giao.

Ngoảnh đi ngoảnh lại chắc cũng được gần ba mươi năm rồi. Thời gian trước, khi biết được Yên Hà khá thân thiết với Hưng Đạo vương, đã có những kẻ e ngại ra mặt. Họ tâu với Quan gia phải đề cao cảnh giác với cô. Thế mà, giữa lúc ấy Chiêu Minh Đại vương lại đứng ra lên tiếng bênh vực phân giải, cũng nhờ có chuyện ấy mà quan hệ anh em trong hoàng tộc nhà Trần cũng bớt căng thẳng hơn một chút.

Hôm nay, Yên Hà tới phủ đệ của Hưng Đạo vương từ rất sớm. Cô đi thẳng từ sân vào sảnh lớn, bước chân vô cùng quả quyết chẳng khác nào chuẩn bị xuất trận.

Ban đầu, Vương còn có chút ngạc nhiên. Nhưng rồi thấy có cả Yết Kiêu đi theo phía sau, ông bỗng mang máng đoán ra được mục đích của cô ngày hôm nay.

Yên Hà kéo Yết Kiêu tới trước mặt ông, không kiêng nể nói:

"Đây, trả hắn lại cho ngài!"

Ông khẽ liếc nhìn Yết Kiêu rồi mới quay sang hỏi Yên Hà:

"Hắn lại làm gì cô?"

Yên Hà cắn răng, bất mãn đáp:

"Hắn không làm gì cả! Chỉ là... gia tướng của ngài ai ai cũng là nhân tài xuất chúng, nếu cứ kè kè bảo vệ tôi suốt ngày thì thật sự rất là phí phạm. Xin ngài đấy, ngài hãy đem hắn về đi!"

Lí do có vẻ rất thuyết phục. Nhưng ông thừa biết đây không hẳn là nguyên nhân thật sự. Tất cả những hành động khó hiểu của Yên Hà một nửa là đều xoay quanh Yết Kiêu. Việc cô bất ngờ biệt tăm biệt tích của mấy năm trước và việc cô đem Yết Kiêu trả lại cho Vương phủ cũng từa tựa như nhau. Đều là muốn tránh mặt thuộc hạ của ông.

Về việc tại sao Yết Kiêu lại tự dưng chạy tới chỗ cô thì nguyên nhân sâu sa của nó chính là vì vết thương cũ từ cả trăm năm trước của Yên Hà bỗng nhiên tái phát.

Lúc ấy, Hưng Đạo vương nghe gia nô bẩm báo thấy tình hình không ổn nên đã gọi Lam đến để hỏi chuyện kĩ hơn.

Lam sau một đêm vật lộn thì te tua hết chỗ nói. Lúc cô ấy đi vào, Thiên Thành công chúa còn phải thoáng giật mình vì trông chẳng khác nào vừa từ chiến trận về.

Yết Kiêu đứng một bên, càng nghe thì càng không thể nào bình tĩnh được. Mười ngón tay đã siết đến mức trắng bệch từ lúc nào cũng không hay. Tuy là đã cố để không để lộ ra sự bất thường, cơ mà những biểu hiện đó làm sao qua nổi "thiên nhãn" của Hưng Đạo vương.

Ông thừa biết người thuộc hạ trung thành của mình thân ở đây còn hồn thì đã bay tuốt tới tận Phong Hoa cư của Yên Hà rồi. Vậy nên ông đã im lặng chờ hắn tự mình đề xuất. Thế nhưng qua một chốc, thấy hắn cứ đứng lặng như không ông lại đành phải ra tay trước một bước :

"Yết Kiêu! Ngươi mau đi đi!"

Và thế là suốt cả năm vừa rồi cứ đến bữa cơm là phải xếp thêm một đôi đũa, một cái bát. Cứ đến giờ uống thuốc là Yên Hà sẽ không thể lươn lẹo mà trốn được. Và bên trong phòng cô lúc nào cũng có người nằm một góc canh chừng.

Hưng Đạo vương đẩy Yên Hà ngồi xuống ghế. Dáng điệu của ông vẫn hết sức khoan thai, trái ngược hẳn với vẻ mất kiên nhẫn của cô:

"Cứ ngồi xuống đây cái đã! Tóc sắp dựng ngược hết lên rồi kia kìa."

Yên Hà bặm môi, lộ rõ vẻ quyết tâm. Hôm nay, không đấu lại được với Hưng Đạo vương cô cũng sẽ không bỏ cuộc. Dù cho lần nào cũng là cô thua đau đớn...

Biết Yên Hà không uống được trà Tuyết nên Vương đã pha cho cô một loại khác nhạt vị hơn. Pha xong ông không quên đặt chiếc chén sứ vào tay cô:

"Nếu tính ra thì cô lại sắp phải đi rồi đúng không?"

Vết thương của cô đột ngột chuyển nặng chứng tỏ cờ trấn yểm có vấn đề. Yên Hà buộc phải tới đó sửa chữa lại một số thứ và cũng để tìm hiểu xem tại sao đang yên đang lành lại xảy ra chuyện như vậy.

"Ngài nhớ rõ thật đấy! Tôi đang định tuần sau sẽ lên đường!"

"À..." Ông ngưng giọng, ngẫm nghĩ trong chốc lát "Nếu đã là như thế, vậy thì ta vẫn phải để Yết Kiêu ở cạnh cô."

Yên Hà vừa nghe thấy thế, lập tức trợn mắt phản đối:

"Không được!"

Phong ấn Bách Khổ nguy hiểm và đáng sợ vô cùng. Ngay cả Yên Hà còn từng bị nó "quật" cho không còn một manh giáp nào, phải chật vật mãi tới tận lần thứ ba mới trấn yểm thành công. Cô bị thương có thể tự khỏi, cũng không phải lo lắng quá nhiều về chuyện sống chết nhưng Yết Kiêu thì khác cô không thể để hắn chịu tổn hại.

Trước sự thẳng thừng của Yên Hà, Hưng Đạo vương không hề tức giận, ông chỉ từ tốn thuyết phục cô:

"Nghe ta! Dẫn Yết Kiêu đi theo. Đây là thánh ý của Quan gia. Sắp tới Quan gia vẫn còn có chuyện cần nhờ tới cô. Nếu cô còn liều mạng mà đi như mấy lần trước thì sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian."

Chuyện này Yên Hà hiểu hơn ai hết. Kẻ thù phía Bắc sớm đã không thể ngồi yên được nữa. Lưỡi gươm xâm lược đã mài sẵn từ lâu chỉ chờ tới lúc được rút ra chém nát hai chữ thái bình. Lưỡng cung[1] luôn vì chuyện này mà đau đầu mãi không thôi. Có lẽ một cuộc chiến khốc liệt đang tới rất gần.

Nghĩ tới đây, Yên Hà dịu giọng:

"Nếu đó là ý của Quan gia vậy thì... tôi không còn ý kiến gì nữa."

"Ý của Quan gia thì nghe còn ý của ta thì chối ngay tức khắc đúng không?"

Trước câu đùa còn sắc hơn cả lưỡi đao mặt Yên Hà gần như méo đi. Trong lòng cô thét gào yêu cầu vương hãy giữ đúng hình tượng nghiêm mình, chính trực mà dân chúng ca ngợi. Nhưng cô chỉ gào thét một cách âm thầm thế thôi chứ cô làm sao to tiếng lên với ông.

Thật ra những câu đùa như thế cũng chính là những lời nhắc nhở khéo léo để lần sau Yên Hà có thể cẩn trọng hơn. Vương biết cô đã lâu có thể nhắm mắt bỏ qua nhưng là kẻ khác chắn chắn sẽ không khỏi nghĩ xiên nghĩ xẹo.

"Chuyến này đi có thể phải vài tháng sau tôi mới quay lại được. Nhờ ngài chuyển lời tới Quan gia rằng xin đừng quá sốt ruột. Nếu việc quá gấp tôi sẽ viết hết những gì Quan gia cần vào giấy rồi để Yết Kiêu đem về trước..."

Hưng Đạo vương thoáng trau mày. Ông nhỏ giọng dặn dò cô:

"Cẩn thận một chút cũng không thừa! Không thể vì bản thân có sinh mệnh vô lượng mà không biết quý trọng."

Mỗi lần cô định rời đi ông đều căn dặn như vậy. Nhưng lần nào trở về cô cũng ở trong tình trạng sống dở chết dở. Có một lần, nhìn thấy cô yếu ớt nằm trên giường như đang chờ tới lúc tận số, Hưng Đạo vương trước nay làm việc luôn bình tĩnh cũng phải tức giận quát ầm lên. Bình thường Yên Hà sẽ rất biết thân biết phận mà ngồi nghe nhưng hôm đó cô lại cứng cỏi lạ lùng:

"Dù thế nào đây cũng là sứ mệnh của tôi. Đã là sứ mệnh thì tan xương nát thịt cũng phải hoàn thành. Mong ngài có thể hiểu cho!"

"Yên Hà" là màn sương giữa ráng chiều đỏ, là vốn đã mong manh lại càng mong manh thêm. Nhưng những điều ấy cô chưa từng để tâm. Nếu có thể cô muốn được dành hết sức lực của mình để cùng nhân dân bảo vệ non sông tươi đẹp này, dẫu cho bản thân chỉ là một nắm tro tàn.

Chú thích:

[1]Lưỡng cung: Thượng hoàng và Quan gia.

Tên chương được trích từ bài thơ: Thề non nước của nhà thơ Tản Đà

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.