Chương
Cài đặt

Chương 6. Đại sự của hoàng đế Đại Việt

Ngày thứ ba của buổi lễ yến, họp mặt chỉ có vua và hoàng tộc.

“Chúng con tham kiến đức cha và song mẫu, mừng đức cha đại thắng trở về.”

“Trẫm miễn lễ.”

“Tạ ơn đức cha.”

Các ông hoàng và bà chúa* đồng ngồi xuống, mỗi người một bàn.

“Mấy ngày trước cha bận tiếp quan đại thần trong triều đình và các nước chư hầu nên không có thời gian thăm hỏi các con. Sách lược xâm chiếm nhà Chăm tuy có một vài sai sót nhỏ có thể dẫn đến thất bại, nhưng nhờ Ông hoàng Thiên Bảo mà trận chiến đã thành công. Thiên Bảo, con cũng có công lớn trong cuộc chiến lần này nên cha quyết định trọng thưởng.”

Hòa Khánh nhìn qua viên nội thị thân cận Lương Hồng Nhiên, hắn liền hiểu ý mà mang thánh chỉ tới trước mặt Thiên Bảo, cất tiếng đọc lớn:

“Thừa thiên hưng vận hoàng đế, chế viết. Ông hoàng hai Thiên Bảo trí huệ tuyệt tỉnh, nửa năm thân chinh của trẫm trong cuộc chiến quân Chăm có kết cục vẹn toàn đều là nhờ diệu sách của ông hoàng hai. Bằng cả tình thương, nay trẫm ban tặng cho con một trăm nghìn lượng vàng, hai trăm sa khảm ngọc thêu hình phượng, gấm đính một trăm chín mươi tám hạt trân châu và hai trăm ba mươi viên thủy bảo cùng bốn hầu nữ. Khâm thử.”

Dứt lời, Thái giám Hồng Nhiên trao cho Thiên Bảo, chàng đưa hai tay kính cẩn tiếp lấy.

“Con xin đa tạ ân điển của đức cha.” Thiên Bảo đứng dậy nghiêng mình cúi đầu, hai bàn tay chắp trước mặt sau đó ngồi xuống, môi vẫn giữ nụ cười tỏ vẻ đắc chí.

Lê Mã Vương và Hoàng Quý phi Ý Đoan liếc nhanh qua Thiên Bảo, miệng cũng mỉm cười như vừa thành toại một việc gì đó.

Bà chúa nhất Phúc Yến ngồi một bên ánh mắt không ngừng dõi theo Tuệ Mẫn, nàng cầm chén trà nhấp một ngụm rồi cất giọng đầy chua ngoa nói với Tuệ Mẫn:

“Chị dâu, đã lâu rồi chúng ta mới có dịp ngồi chung như thế này, chị cũng nên nói chuyện vài ba câu chứ sao lại ngồi im lìm thế kia. Hay là... chị cảm thấy không vui khi ngồi cùng với nhau.”

“Chị không có ý như vậy em đừng hiểu lầm, chị chỉ là...”

“Là vì chị dâu không có con cho nên ngại mà nghĩ rằng không đủ tư cách để trò chuyện cùng mọi người.” Phúc Yến đột nhiên ngắt ngang câu nói của Tuệ Mẫn.

“Phúc Yến! Mẹ không cho phép con ăn nói như vậy với chị dâu.” Nhị giai phi* Anh Khuê trừng mắt với Công chúa Phúc Yến.

”Bà chúa nói vậy cũng đúng, xin nhị giai phi đừng trách em ấy.”

Cuộc đối khẩu bỗng dưng rơi vào im lặng.

Bất ngờ Tuệ Mẫn dùng khăn che miệng lại và ho rất nhiều lần.

“Em chỉ thấy tội cho anh Tôn Dương thôi.”

Tôn Dương thấy thế lập tức chạy lại kế bên Tuệ Mẫn, chàng quát vào mặt Phúc Yến:

“Em có im ngay đi không?”

Vừa dứt câu Ông hoàng Tôn Dương đưa tay đỡ lấy thân người gầy gò của Tuệ Mẫn và xin phép đức cha lẫn song mẫu đưa nàng về phủ.

“Em có nói gì sai đâu chứ.” Nàng cong môi lên nói với theo.

Về tới phủ Tôn Dương nhẹ nhàng để nàng nằm xuống giường và bảo người hầu mang chiếc khăn tay của Tuệ Mẫn đi giặt.

“Ngươi hãy chăm sóc cho nguyên cơ thật cẩn thận.”

*

**

Trong thế giới song song, đời đế vương cai trị lâu nhất lịch sử dân tộc Đại Việt là vua Hòa Khánh. Đến năm thứ bốn mươi sáu do ông trị vì, sau khi đã đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ phía Nam, một loạt các cải cách được sáng lập. Kể từ trên nhất là việc di dời nơi tọa lạc của kinh đô, đắn đo mãi cuối cùng mới ra quyết định Nam tiến.

Một cuộc cắm mốc và khảo sát diễn ra trong vòng một năm nhắm ngay vùng đất lớn phía bên bờ bắc sông Hương, gồm những ô đất của tám làng cùng một phần của hai con sông Bạch Yến và Kim Long làm nơi dựng thành.

Hòa Khánh Hoàng đế chọn chữ “Thuận” trong hàm ý suôn sẻ, thuận theo, và chữ “Hóa” mang nghĩa biến đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Cả hai ghép lại đọc thành “Thuận Hóa” với hai ngụ ý sâu sắc, “tùy theo mệnh trời mà thay đổi thời thế” và “mong muốn mọi sự mọi việc của hoàng thành lẫn người dân cả nước đều thuận buồm xuôi gió”.

Vị Thị trung Đại học sĩ Trần Huy Dung trong buổi bàn luận tư mật cùng những quan văn võ, mang đến một bản phác họa, bên cạnh Đức Kim thượng, một dáng vẻ uy phong đứng giữa bàn, rồi tâu bạch:

“Đây là vùng đất, nơi có rồng chạm gót và quy ẩn, thiên nhiên trù phú, nguồn nước, cây cỏ đều xanh tốt. Hình dáng nơi được gọi là núi Ngự có đỉnh bằng phẳng, cân phân nằm giữa vùng đồng bằng.”

Vị Đại học sĩ chỉ tay vào một điểm đánh dấu trên bản đồ: “Nếu chọn vị trí này đặt kinh đô, thì trước núi Ngự trông qua như một bức bình phong che chắn trước kinh thành. Có núi thì phải có sông, nhánh sông Hương chiều ngang nở rộng lại cong như hình cánh cung, chắc chắn sẽ mang lại vận khí cho đô thành.”

“Mất một năm qua để tiến hành khảo sát, trẫm thấy Huế quả nhiên là vị thế đắc lợi. Nhưng cần phải huy động thêm sức người, xe chở đất đá, lập tức cuối năm nay khởi công xây dựng.” Hoàng đế Hòa Khánh gật đầu, tán thành bằng một tiếng “ừm” từ trong miệng, rồi lại nhắc tới chuyện ông thấy được ở vùng mặt bằng sông nước phía Nam.

“Ở châu thổ ngập nước mà khi kia tại triều đại trước, nước Chăm đã dâng lên làm cống phẩm, xưa có rất ít người sinh sống, nay người dân đã dần dần di cư xuống dưới đó.”

Để Hòa Khánh Hoàng đế nói xong, một vị quan mới đan lời nối tiếp:

“Điều này đã tỏ rõ chính sách anh minh của bệ hạ vào những năm người mới lên ngôi cai trị. Năm đó nếu không nhờ bệ hạ hạ chiếu lệnh cho bách tính xuống vùng trũng nước khai hoang đất đai, đốn rừng lập điền, thì biết đâu đã không thể trù phú được như bây giờ.”

Hòa Khánh chậm rãi đáp lại bằng một chất giọng trầm đặc: “Lần xuất cung trước, là đầu tiên trẫm được đặt chân đến vùng đất phía Nam ấy, thấy người dân đông đúc, vẫn họp chợ buôn bán, trồng lúa, hoa màu, tập tục sống không mấy thay đổi, nói chung vẫn duy trì nền văn hóa nước mình. Tuy nhiên vì bá tính nơi đó là một phần tách biệt của Đại Việt, ít nhiều khi giao thương, rồi qua lại biên cương Chăm Pa cũ để lên phía Bắc. Lẽ nào đã chịu sự thay đổi trong cách nói chuyện chăng?”

“Điều mà bệ hạ muốn nói là gì chúng thần chưa được rõ?”

“Ta nghe họ chêm ở giữa hay cuối câu bằng những từ ngữ gì đó rất khó hiểu. Ngay cả ngữ điệu cũng hoàn toàn khác người ở đây.”

Trên gương mặt các vị quan tước không ai là không trưng diện ra dáng vẻ hoài nghi, lại càng khó có thể mường tượng được trong đầu thứ thánh thượng đang nhắc tới trông thế nào. Xưa nay những người này đều quanh quẩn phục tùng trong triều, hiếm khi có dịp thưởng ngoạn xa xôi, việc Hòa Khánh để tâm chỉ khiến bọn họ mơ hồ, hơn nữa lại còn khơi dậy trí tò mò.

Ngày mùng sáu tháng Giêng có đoàn xe ngựa phụng lệnh bệ hạ, mang theo vài chục người đưa Hòa Khánh tới mảnh đất tận cuối lãnh địa giáp ranh biển cả đó.

Hoàng đế khi này mới gọi người thái giám hầu cận lâu năm đưa ra một quyển kí lục toàn bộ chuyến di giá, từng chi tiết về lối sinh hoạt cũng đều được ghi chép trong này, ngay cả phương ngữ kia cũng không ngoại lệ.

Các vị quan xem xong hết thảy đều sững sờ, nhíu mày căng mắt để nghĩ xem nghĩa từ này thế nào, từ nọ nghĩa ra làm sao.

Đến cuối cùng thì đã vặn óc cạn kiệt cũng chẳng đoán ra, một trong số đó mới hai tay trao trả lại quyển ghi chép cho hoàng đế.

Ông gấp lại, ánh mắt hiền từ quay qua quay lại nhìn những người bên cạnh, dưới chỏm râu đen miệng thoáng nét cười như không cười:

“Các khanh đừng lo. Việc này trẫm đã giao phó cho Thiện Xuân vương tìm hiểu và sẽ báo cáo lại về triều.”

*

**

Đến ngày nọ, sáng giờ Thìn, buổi thượng triều nghiêm trọng hơn bao giờ tiếp tục diễn ra tại bên trong điện Càn Thái. Hoàng đế Hòa Khánh vận đại phục vàng kim, một thân một bước sáng lòa tiến lên bậc cao. Có điều, thứ ông chưa từng thiếu, đó chính là tỏ rõ uy lực của sức phục lẫn phong dáng của bậc chí tôn. Hòa Khánh an thân tọa trên long kỷ, đầu hướng ra Nam lưng tựa về Bắc, mở đầu ngày thượng triều ông đã sắc ban tên gọi cho toàn vùng đất phía Nam mà xưa nay chưa từng nêu danh cụ thể, đó là Gia Định phủ.

Trong Gia Định chia làm năm trấn với Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên.

Cả buổi thiết triều này được xem như là cuộc họp bàn để thiết lập, cải cách lại một số chỗ.

Việc thay đổi lại toàn bộ trang phục trong hoàng cung cùng với dân thường mới là chính sự ngày hôm đó. Ông đã cho triệu tập các thợ may giỏi nhất trong kinh thành, làm việc thâu ngày thâu đêm, suốt chừng ấy nửa năm. Ở các địa phương, Hoàng đế Hòa Khánh cũng ban chỉ dụ xuống những quan tri phủ, lệnh mở ngân khố phát bạc cho người dân nghèo để họ có thể mua lương thực và xiêm y mới.

-------------------

Giải nghĩa

*bà chúa: danh xưng dùng để gọi con gái vua thời phong kiến Việt Nam

*nhị giai phi: là hàng phi thứ bậc hai trong chín bậc phi tần

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.