Chương
Cài đặt

Chương 5. Viễn chinh

Trên sa mạc cát vàng nóng hôi hổi trải dài đến tận chân trời tứ bể, hàng vạn dặm xa xôi mới xuất hiện vài bụi cỏ bông lau thấp lè tè mọc san sát nhau. Dưới rãnh núi Hoành Sơn băng lên tới một đồi cát khác thuộc phận địa giao thoa giữa hai nước, khắc họa bức tranh đa sắc sống động tầm nhìn, cạnh đó còn được điểm tô ánh mặt trời chói rực.

Nhánh phải là dàn nhạc cung đình với ba nhạc công, khúc uyển chuyển khúc dứt khoát nối thanh nhau bằng những cây đàn tranh, đàn kìm. Bên yên ngựa các vị công soái thân cao bốn thước, đầu đội mũ sắt, một thân cũng giáp sắt, khí khái toát lên vô cùng bệ vệ.

Họ tập trung dồn ánh mắt như thể đang trông chừng người trước mặt. Phía đối diện, chưa kể có vị nam tử một màu y phục viên lĩnh nhuốm xanh sáng, lót trong là giao lĩnh trắng, diện mạo anh tuấn thanh thoát, một nét nhìn cũng đủ mê say. Người này sắc thái hết sức bình tâm, tay buông lỏng giữ lấy dây cương, đôi đồng tử đắm chìm vào điệu bộ người trước mặt, không thể hiện một chút xúc cảm, chỉ thi thoảng mới long lanh đưa tròng đen qua lại.

Chính giữa mới là một màn vũ điệu đặc sắc, cái đưa tay cái vung khăn, hết thảy đều thuần thục và nhuần nhuyễn. Mờ ảo phấp phới qua chiếc mạng mỏng, cái dáng vẻ kiều diễm thoát trần đang vươn mình xoay lên giữa không trung, rồi lại đáp xuống trên bàn chân ngọc trần trụi. Nàng vận loại y phục truyền thống của dân tộc xứ nàng, dệt bằng the đỏ, dải ngọc trang sức nhiều vô số kể, ánh mắt nàng hiền dịu thoắt ẩn rồi lại thoắt hiện hướng về người nam nhân trực diện kia.

Vị đó càng nhìn càng bị mê hoặc, còn vũ khúc “Xích Phượng Hành Chuyển” thì mãi chưa đến hồi kết.

*

* *

"Người vì chút tình nữ nhân mà không màng sinh mệnh

Dù thế nước nguy nan, lòng dân rối bời

Hỏi rằng việc ấy có đáng hay không?"

Ngược dòng thời gian quay trở về thời phong kiến xa xưa hơn hai trăm năm trước, tại vùng đất thiêng mang tên Đại Việt, vương triều nhà Nguyễn hùng mạnh nhất thời bấy giờ uy danh lẫy lừng trong ghi chép sử sách, trị vì là Hoàng đế Hòa Khánh, húy là Nguyễn Phúc Cao Nhân. Vì muốn mở rộng lãnh thổ và bành trướng thêm thế lực bên ngoài mà đem quân sang đánh tiểu quốc của người Chăm Pa.

Từ đỉnh núi cao chót vót nước Chăm đã trông thấy hoàng đế Đại Việt dẫn đầu hai mươi vạn quân chuẩn bị tiến thẳng về phía vùng sa mạc hoang vu cách kinh thành hai mươi dặm. Hàng trăm hàng nghìn quân lính Chăm Pa đã phục sẵn ở đó từ lâu. Ải chiến này là bàn cân quyết định giữa sự sống còn của quốc gia và cả thần dân nước Chăm với mưu đồ xâm chiếm của nhà Nguyễn. Còn Hoàng đế Hòa Khánh thì tin vào khả năng lãnh đạo quân sự và chiến lược của mình, chỉ cần tiêu diệt được số quân này là có thể tấn công vào hoàng thành.

Vô số ngọn cờ khởi binh được phất cao trong gió, nhận lệnh hai bên cùng xông lên trong sự hò hét của quân sĩ. Con ngựa đen hùng mãnh có cặp mắt dữ tợn hiếu chiến ấy đã nhiều lần xông pha nơi chiến trường cùng vị đế vương tài ba Cao Nhân, một khi đã được giật dây cương thì vụt chạy với một tốc độ cực nhanh làm cho khói bụi bay mịt mù. Tiếng đao kiếm va vào nhau cùng âm thanh la ó đến ghê rợn của những quân lính bị giết vang khắp cả đất trời.

Ngay lúc này tại hoàng thành xảy ra cuộc ẩu đả giữa binh lính triều đình với quân Đại Việt, số lượng người thiệt mạng ngày càng nhiều. Mọi người trong cung ai nấy đều hoảng loạn bỏ chạy tìm nơi tẩu thoát.

Ngoài kia xác quân lính nằm hỗn độn chất chồng lên nhau, từng dòng máu đỏ thấm đẫm trên sa mạc cát nóng vàng. Bầu trời đầy ảm đạm phải chăng đang tiễn đưa một đất nước từ nay bị xóa sổ trong lịch sử, càng buồn thay cho những kiếp người vì nghĩa lớn mà hi sinh. Nhà cửa, cây cối, cảnh vật cũng vì thế mà hoang tàn trong khói lửa chiến tranh. Dân chúng thì lâm vào cảnh loạn lạc lầm than không nơi nương tựa. Giữa không gian bao la rộng lớn chỉ còn mỗi người tráng sĩ ngồi trên lưng ngựa là hiên ngang ngước mắt nhìn trời nhìn đất.

Năm Hòa Khánh thứ bốn mươi lăm.

Để ăn mừng chiến thắng triều đình cho tổ chức đại yến tiệc và lễ hội trên khắp cả nước suốt ba ngày ba đêm.

Ngày thứ hai tại điện Tuyên Đức, cảnh ăn uống, múa hát vẫn diễn ra vô cùng náo nhiệt. Các cung tần vận y phục màu xanh, mái tóc xõa dài tận lưng, gương mặt hồng hào, mơn mởn từ trong bước ra đứng giữa cung điện, từng vũ điệu thần tiên được uyển chuyển một cách nhịp nhàng theo tiếng đàn của những nhạc công. Hai bên là quan văn quan võ, ngồi hàng trên là vua và sứ giả các nước chư hầu, họ nói cười hết sức vui vẻ, có người thì đang xì xầm bàn tán một vấn đề nào đó. Những tiếng vỗ tay phát ra bôm bốp như là lời tán thưởng dành cho đám cung tần đang nhảy múa kia, các cung nữ người dâng rượu kẻ dâng thức ăn qua lại tấp nập.

Hoàng đế Hòa Khánh ngồi trên chiếc ghế dài được phủ bởi tấm da thú màu trắng ngà, hai bên có cung nữ đứng hầu quạt, trên bàn bày biết bao nhiêu sơn hào hải vị, món ngon vật lạ.

Tọa phía bên trái hoàng đế là Đông cung Thái tử Thiệu Cảnh, tiếp theo gồm ông hoàng* thứ tám Tôn Dương cùng Phương Uy – vị hoàng tử mười sáu. Đối diện với họ là Ông hoàng Thiên Bảo, chiếm vai vế thứ nhì và người con trai thứ chín của Hòa Khánh, là Nguyên Khâm. Ngoài ra còn có hoàng tử thứ bảy Duy Long từ Diễn Châu trở về dự tiệc.

“Mời ông hoàng một ly.” Thái tử nâng ly rượu trên tay nói với người em thứ tám, Tôn Dương kính cẩn cầm ly rượu của mình lên rồi cả hai cùng uống cạn.

“Thái tử, anh đừng bắt em ấy uống nữa, nhìn xem say quá rồi kìa.” Hoàng tử Duy Long nhủ lời khuyên ngăn, trên mặt không giấu nổi nụ cười.

“Ông hoàng tám có tiếng là người học sâu hiểu rộng, kiếm thuật không ai bằng nhưng xem ra tửu lượng lại quá kém.” Thiên Bảo với đôi mắt cong như cánh chim bồ câu liếc nhìn Tôn Dương ngạo ý chê bai.

Các ông hoàng đồng thanh cười thật to khiến bầu không khí lúc ấy càng thêm sôi nổi. Tôn Dương khi này mới nghiêm trang đứng dậy bái chào đức cha cùng các huynh đệ rồi lảo đảo rời đi.

“Chỉ tại mấy anh ép anh Tôn Dương uống nhiều quá đó.”

“Em cũng vậy thôi.” Nguyên Khâm trả đũa đáp lại khiến Phương Uy xịu mặt.

Hoàng tử Tôn Dương quay trở về phủ của mình, chàng mở toang cánh cửa ra rồi loạng choạng bước tới giường, ngã người xuống và ngủ thiếp đi. Trong mơ chàng mơ thấy một người phụ nữ mặc áo long bào, dáng vẻ toát lên sự tôn nghiêm, uy quyền.

Gương mặt đẹp không chút tì vết, song có điều khi người phụ nữ ấy quay đầu lại nhìn Tôn Dương, nụ cười và ánh mắt của nàng rất sắc lạnh như chất chứa một nỗi niềm uất hận đã trải qua nhiều năm tháng nhưng không thể giải bày.

Chàng còn chứng kiến người phụ nữ ấy xuất hiện với thanh kiếm bạc và ra tay hạ sát từng người anh em ruột thịt của chàng. Tôn Dương bỗng giật mình tỉnh giấc, hóa ra đó chỉ là cơn ác mộng chứ không phải sự thật.

Tôn Dương trông thấy Nguyên cơ* Tuệ Mẫn ngồi cạnh mình, vẻ mặt đầy lo ngại, nàng lấy khăn lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên khuôn mặt tuấn tú của chàng, ân cần nói:

“Mình* mơ gặp ác mộng à? Em lo quá nên cố lay mình dậy.”

“Không sao, không sao nữa rồi.” Tôn Dương hai tay ôm chặt lấy Tuệ Mẫn vào lòng khiến nàng vô cùng bất ngờ. “Ánh mắt của người đàn bà đó... rất đáng sợ, ta cứ ngỡ sẽ không gặp lại được mình và các anh em của ta nữa.”

“Em không hiểu mình đang nói gì? Mà người đàn bà đó là ai?”

Tôn Dương lắc đầu:

“Không, không có gì.”

-------------------

Giải nghĩa

*ông hoàng: danh xưng dùng để gọi các hoàng tử con vua thời phong kiến Việt Nam

*nguyên cơ: cách là hiệu được phong cho người vợ chính thức của các hoàng tử

*mình: cách xưng hô thân mật giữa vợ chồng với nhau, là phương ngữ đặc trưng của Nam bộ

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.