Chương
Cài đặt

Chương 12. Cách hai gian phòng

Đêm sập xuống, cơm nước cũng vừa xong xuôi, ngoài đường bên các hiệu buôn thắp lên ánh sáng le lói của những chiếc đèn lồng. Phố xá vắng hoe, chỉ đông vui duy nhất lúc ban ngày và tầm chiều trước khi chợ tan. Bên vùng Vĩnh Thanh này tính ra còn có nơi nhộn nhịp hơn ở Định Tường, vừa giáp mặt với rạng đông, đã thấy người người đổ xô ra mở hàng, cho đến khi sáng hẳn thì đã trở nên tấp nập tự lúc nào.

Kim Ân không ở trong buồng của mình nữa, cô đi qua một căn phòng khác. Nó là phòng của bà Diệu, nhưng có lẽ bà đang bận lo chuyện sổ sách cuối ngày nên không thấy đâu. Tiện thể có cây đàn tranh ở đó, cô liền mượn tiếng đàn gãy lên khúc sầu thương.

Tuy có hơi nhỏ song qua hai gian vẫn nghe rất rõ ràng trong trẻo từng nhịp điệu, và trùng hợp thay người đàn ông ngồi trong tư buồng cách hai gian đó cũng đang thưởng thức bản đàn từ một nữ nhạc công khác.

Hai nơi, hai âm thanh khác nhau nhanh chóng bị pha trộn vào nhau khiến người nam nhân đang ngồi lắng tai nghe cũng phải hết sức khó chịu.

Còn bên kia, Kim Ân vẫn nhẹ nhàng đưa từng ngón tay lướt trên dây đàn, ngón nhẹ ngón gãy mạnh làm ai nấy nghe cũng đều bi ai trong lòng. Cô nhớ lại chuyện ban sáng, lúc trông thấy và trò chuyện với người đàn ông ở trạm chốt giữa đường đó, cô có hơi bồi hồi chuyện cũ đã trải qua rất lâu rồi, khi cô còn là công chúa của Chăm Pa, hắn từng là người quen của cô.

Thuở vừa mới lên độ tám tuổi, lần đầu chạm mặt cô không hỏi nhưng đoán chừng khi ấy anh ta chắc hẳn đã mười lăm. Vào mồng mười sáu tháng đầu tiên của mùa xuân năm vua Chế Tân thứ tư nước Chăm, anh ta thân đại diện làm sứ giả Đại Việt, đã từng cùng đoàn tùy tùng sang Chăm quốc dự yến tiệc giao bang giữa các nước láng giềng.

Giữa các sứ thần đang vây quanh, lũ lượt diện kiến và dâng tặng phẩm vật cho vua Chế Tân, thì chàng thanh niên ấy, đôi mắt lại trực diện nhìn người đang ở lệch hướng so với mình, tuy hình thể nhỏ nhắn nhưng dáng tọa vị vô cùng trang nghiêm, cao quý. Chiêu Phượng bị bao bọc lấy bởi những thước người cao to xung quanh, ấy vậy mà chẳng lấy chút gì sợ hãi, cặp mắt hết đỗi điềm tĩnh, đôi khi lại còn lấy tay làm vài động tác vô tư trên đầu lông quạt.

Nàng ngồi một hồi lâu, cảm giác tay chân không được thoải mái cử động thì liền sinh khó chịu trong lòng, mới mạn phép xin vua cha cho ra ngoài được vui chơi.

Rồi khi nàng lên mười bốn, lại một dịp lần nữa gặp lại người thanh niên sứ thần năm nào. Chánh sự quốc gia, với nàng thì phận nữ nhân cho dù có ngàn đời cũng không được phép can vào, bởi nên nàng không thể hiểu thấu cốt lý sự tình, nàng chỉ nhìn thấy trên gương mặt đức cha hiện nét âu lo, sầu não.

Cuối cùng bằng cách nào đó, nàng được cử đi cùng người nam nhân đó, đoàn tướng sĩ theo chân tháp tùng nàng đã tiễn đoàn của sứ giả ra tới tận miền biên giới phía Bắc. Chiêu Phượng với đầu óc hồn nhiên, xem đó như là một vinh hạnh của một vị công chúa được đức cha tin tưởng giao phó. Hơn nữa lại còn có lời của vị kia chêm vào lúc ở trên đại điện, vào ngày đến từ biệt cha nàng để lên đường trở về.

“Trước giờ đều là đích thân các đại quan Chăm Pa đưa tiễn, chi bằng lần này để vị công chúa út cùng ta đi thì thế nào? Ta thấy công chúa Chiêu Phượng cũng giỏi ăn nói, biết đâu trên lộ trình nhàm chán lại có vài chuyện vui thì sao.”

Vua Chế Tân chẳng mảy may đắn đo, thừa biết tài trí lanh lợi của Chiêu Phượng, dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có cách hành xử thông minh, ắt hẳn không làm người sứ giả kia cảm thấy không hài lòng.

Bao đời nay Chăm Pa là nước nhỏ, Đại Việt là nước lớn, nhưng giao hữu giữa hai bên luôn gắn kết bền chặt. Dẫu là vậy song vua Chế Tân vẫn coi trọng binh pháp Tôn Tử, càng nên biết mình biết ta, trong cách cư xử cũng tỏ vẻ mềm mỏng, nhún nhường một chút để tình hảo hữu không bị lung lay. Thường niên vua Chăm đều dâng cống cho vua Đại Việt bao quý sản tại quốc, thì đây chỉ là để Chiêu Phượng thay mặt tiễn đưa cũng có xá chi đâu.

Hôm ấy, đoàn tùy tùng binh mã thân ai nấy đều phòng bị giáp sắt, dẫn đầu là vị sứ giả Đại Việt cùng hai lính vệ hai bên, theo sau là đoàn tùy tùng đang hộ tống công chúa Chiêu Phượng.

Nàng ngồi trên yên Hồng La bạch mã, mái tóc dài thượt thướt tha, sợi lớn sợi nhỏ lần lượt cuốn theo chiều gió. Vùng đất Chăm Pa, nơi người bản địa vốn dĩ là những người sinh sống ở những vực núi cao và hoang mạc. Vì lẽ đó từ bé nàng đã bị buộc học cưỡi ngựa, nhiều lần ngã xuống đứng lên, cho đến khi có thể tự do rong ruổi vui chơi đến tận trời cuối bể.

Trên đoạn đường xa xôi nhọc nhằn này, đối với nàng chẳng thấm mệt vào đâu.

Nơi vị trí còn cách lằn ranh hai nước độ khoảng chục bước ngựa nữa, người sứ giả lúc này mới quay đầu, nói với cô rằng:

“Cảm tạ công chúa đã theo tiễn ta tới đoạn đường này, bên kia chính là lãnh thổ nước Đại Việt. Nhưng trước khi quay về ta có vài câu muốn nói.”

“Điện hạ cứ tự nhiên.”

Khuất sau mành mỏng, tưởng chừng như đã che khuất đi dung nhan kiều diễm song trong ánh mắt của người nam nhân ấy tất cả vẫn hiện lên rất rõ ràng. Lẽ chăng người vì tư mạo khác phàm này mà đã sớm in hằn trong tâm trí.

Dưới ánh mặt trời chói lòa, trông dưới chân là cát vàng nóng hổi, chợt nhiên có ngọn gió cuốn qua, người ta e dè nó có thể thổi bay chiếc mạng che kia mất. Ngoại phục người thiếu nữ khoác trên người được dệt từ tơ tằm trắng, áo đính châu sa hở cao trên vai để lộ chiếc vòng ở bắp tay trái, bên dưới vận váy xếp ngang đến mắt cá. Hơn nữa quanh eo còn quấn thắt lưng da đính vô số hạt đá quý đỏ, ngoài ra hai cổ tay, cổ chân đều đeo kiềng vàng.

“Tuy thời gian có hơi ngắn nhưng hữu hội cơ duyên được gặp công chúa út của đức vua Chiêm Thành quả là sự vinh hạnh cho ta. Không chỉ có ta mà các sứ giả nước khác đều bái phục tài nghệ và đức độ của ngươi. Không biết ta có được cơ hội một lần nữa chiêm ngưỡng điệu múa của công chúa ngay tại đây hay không?”

“Đã để cho thái tử Đại Việt nhọc công tới tiểu quốc ta thì việc đó ta có thể nói không chấp thuận sao.”

Chẳng biết từ bao giờ hay ở sau rặng núi tự lúc nào mà dàn nhạc công triều đình Chiêm Thành bỗng dưng xuất hiện, họ theo một lối ngồi xuống bên cánh tả.

Chiêu Phượng nhảy khỏi ngựa, diễn điệu múa “Xích Phượng Hành Chuyển” mà nàng vừa mới học, đều là cái tên có chung một chữ “Phượng”, thảo nào bài này nó lại hợp với nàng đến thế. Ban đầu nàng đứng trên phiến đá, sau dần do chuyển mình để bật cao trên không mà hai gót hồng đã chạm xuống dưới nền cát.

Tiếng đàn lúc thăng lúc trầm nhưng vẫn giữ giai điệu tươi vui, hai bên đối mặt nhau, nửa là các cung nhân, tướng sĩ Chiêm Thành, còn nửa là binh dũng cao to cường tráng của triều đình Nguyễn.

Cho tới khi kết thúc, nàng mới nghiêng mình cùng đám cung nhân, tướng sĩ và những nhạc công lặng lẽ chào từ biệt vị sứ giả. Chàng ta cũng cúi người đáp lễ rồi cho lui ngựa men qua dưới chân núi Hoành Sơn về với lãnh địa Đại Việt.

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.