Chương 10. Gặp nạn giữa đường
Chỉ riêng có trong buồng cô út là không hề trang hoàng bất cứ thứ gì, thật sự nếu chỉ nhìn ở đó thì không hề biết nhà đương có tin vui.
Kim Ân dùng một tay mở chiếc hộp chạm nổi hình mây lượn sóng dát vàng. Bên trong trân trọng đặt đôi nhẫn cẩm thạch màu chàm, luồn qua kẻ hở là một sợi chỉ đỏ.
Trên kia có thành Thăng Long, dưới này có trấn Định Tường, hơn nữa còn nghe tin là hoàng đế đã ban chiếu dời đô. Đầu xuân năm nay, ngoài ấy ắt hẳn vẫn còn tiết khí se lạnh, còn trong Nam thì ngày ngày đều chan hòa nắng ấm.
Kim Ân hồi tưởng về khoảng thời gian đau thương đó mà ruột không khỏi quặn thắt từng hồi, nước mắt như châu ngọc giàn giụa rơi tới giọt này lại nối tiếp giọt kia. Môi cô bặm chặt, nhắm mắt lại rồi cảm nhận sự cay đắng đến tận tâm tủy. Nó đang chảy đều đặn trong người cô mỗi thời như thể chuyện đó vừa mới xảy ra.
Khi ấy Kim Ân là công chúa thuộc dòng dõi Chăm tộc, con gái thứ của vua Chu Tống và Huệ phi Lưu Ly, danh xưng là Chiêu Phượng, từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành cô sống trong nhung ấm lụa êm, cha mẹ và anh chị em đều hết mực yêu thương, nuông chiều. Cuộc sống vốn dĩ hạnh phúc trọn vẹn nếu chưa từng xảy ra đêm đó. Nó là đêm cha cô nhận được khẩn báo rằng đoàn đuốc của binh sĩ Đại Việt sắp sửa tiến vào biên giới vùng lãnh thổ nước Chăm. Tai họa ập tới bất ngờ, vua Chu Tống như bị chèn ép trong hàng trăm mối tơ vò không lối thoát, còn toán quân Đại Việt ngoài kia thì đang mỗi lúc mỗi tiến gần hơn.
Chẳng có thì giờ chuẩn bị nhiều, có khi kế hoạch cũng vì thế mà không được chu toàn. Thôi thì ông đành phó mặc đại cuộc này cho trời quyết định vậy. Nghĩ rồi ông liền ban chiếu khởi binh ngay trong đêm đó, rạng sáng ngày hôm sau quân lính Đại Việt cũng bắt đầu giương cờ tấn công, quyết càn quét đất Chăm đến bằng phẳng.
Hai bên giao chiến vô cùng ác liệt, đến giây phút gắng gượng cuối cùng nhằm ngăn chặn đoàn quân địch thủ xâm chiếm vào tòa thành, mà toàn lực lượng của Chăm Pa đã dùng hết sức bình sinh, khí khái hùng hổ đánh trả. Nhưng vì Đại Việt đã vẽ nước đi trước, binh trận bày bố khó lường, điều này không khỏi suy đoán hoàng đế Đại Việt đã lên kế sách từ rất lâu.
Được lợi thế này mà quân binh Đại Việt ngày càng tiến sâu vào hoàng thành. Chỉ trong vòng một ngày nước Chăm đã bị bao vây bởi cảnh tình ngàn cân treo sợi tóc. Viễn tưởng nhớ lại các tướng mã, trai tráng lính sĩ khi đó đã đứng ra bảo vệ từng thước đất, con dân đến nhường nào. Song dẫu có chống trả tới tận cùng xương tan thịt nát thì Chăm Pa cuối cùng vẫn bị diệt vong.
Cô mất hết tất cả, phụ mẫu, tổ mẫu, huynh tỷ, người thân duy nhất mà giờ đây cô còn lại chỉ có cữu phụ mà thôi. Cô thương người hết thảy, người vì cô mà chịu cảnh lẩn trốn, ngày qua tháng lại đổi lấy một khắc cô an nhàn bên này, còn người thì sống chui nhủi trong hang động thâm sâu, vốn là để che mắt quân Đại Việt.
Kim Ân giương ngón tay ngọc ngà xoa lấy mặt trên cả hai chiếc nhẫn, trải qua thời gian lâu đến vậy ấy thế mà trông chúng vẫn còn bóng sáng.
Cô đóng chiếc hộp lại, cởi sợi dây chuyền làm bằng ngọc Thái Mạn, thay ra một bộ đồ có màu trầm và đậm hơn. Kim Ân rời khỏi buồng, hướng ra trước sân đã thấy xe có đôi ngựa chực chờ sẵn.
Bà bá hộ cũng từ dưới nhà dưới đi lên, bà ăn diện giản dị, búi tóc búi sau gáy, chải thêm lớp dầu dừa nữa nên càng bóng mượt.
Hai mẹ con bà Quyền nay lên chùa Bản ở trên đỉnh núi Điềm Nê, trong xe chở bao thứ thiết dụng như hương, gạo và trái cây.
Kim Ân thay mẹ ôm bó bạch cúc, cùng bà tiến vào trong chánh điện. Cô để lên bàn cúng đặt trước thân ảnh trang nghiêm của tam thế Phật.
Trải qua ba thời Đại Hồng chuông, bà Quyền mới từ từ nâng gót đứng lên. Cho đến khi ra tới bên ngoài sân, Kim Ân mới quay sang hỏi:
“Hồi nãy má xin Phật điều gì vậy má?”
“Má nguyện cho gia đình mình và anh hai con được bình an.”
“Anh hai…” Vừa nghe nhắc, mặt cô út đã biến sắc, cặp mắt hơi chúi xuống.
“Chuyện đã qua, con cũng đừng buồn nữa, tại nó trẻ người non dạ chưa thấu đáo sự đời.”
Bà Quyền ngó lên nhìn mặt trời nên mới hơi nheo lại, thấy đã đứng bóng, bà quay sang phẩy tay với Kim Ân.
“Trưa trật rồi, về thôi kẻo không kịp công cán.”
Vào hôm trùng lúc ông bà bá hộ đi lên quan đường thì cô út cũng qua trấn Vĩnh Thanh. Tiếng bánh xe ngựa chạm dưới mặt đất là sỏi đá, sình bùn, cũng bởi đi nhanh mà kéo tới đâu là lớp sình đều văng hết lên trên các chân sau của đôi ngựa.
Qua khỏi khúc sông Hậu, đoạn đường dần bằng phẳng hơn chứ không còn ghồ ghề. Khi trong buồng ngồi hết rung lắc, Kim Ân mới vén màn nhìn ra ngoài rồi lại trở vô.
Thì ra cô út tiến lên mở màn trước rồi nói với thằng Được đang đánh xe cho cô: “Nãy giờ chắc đi được quãng xa rồi, anh kiếm coi có quán nào mở phía trước rồi nghỉ tạm, xong mình đi tiếp.”
“Dạ thưa cô.”
Tới nửa đoạn đường đất đỏ, hai bên toàn là những vạt rừng dương liễu dài thẳng tắp, bỗng dưng phía trước có khung rào chặn lại, cùng lúc năm sáu người đàn ông cao to chắn ngang giữa lộ.