Chương
Cài đặt

Thiên tài ở lại lớp

Chương 9: Thiên tài ở lại lớp.

Thôn Xoài là 4 xóm nằm tách biệt thuộc xã Hương Linh, nằm giữa thôn Xoài và mười xóm còn lại là một mảnh rừng nhỏ cùng 2 xóm của xã Lân Quỳnh.

Trong thôn chỉ có trường mẫu giáo và cấp một. Nói là trường, nhưng thực chất cũng chỉ là 5 gian nhà cấp bốn cũ kĩ, xập xệ, không biết bao giờ sẽ đột nhiên sụp xuống.

Trường cấp hai ở trung tâm xã, cách thôn Xoài khoảng 5km.

Để được đi học, bọn trẻ trong thôn phải dậy từ lúc 4-5 giờ sáng chuẩn bị sách vở, ăn sáng, sau đó đi bộ băng qua rừng đến trường.

Rất vất vả, nhưng vì con chữ, vì ước mơ, chúng mỗi ngày đi học đều rất vui vẻ. Tiếng hát, tiếng cười đùa trên con đường mòn ấy văng vẳng khắp khu rừng.

Cũng có nhà vì thương con, lại có điều kiện một chút thì mua xe đạp.

Cậu đương nhiên không được mua, nhưng anh thì có. Ngày ngày ngồi sau lưng anh, nhìn mồ hôi thấm ướt lưng áo người trước mắt. Nhìn rồi lại nhìn, thấm thoát đã trôi qua mấy năm.

Trước đây khi còn ở một mình, cậu luôn cảm thấy thời gian sao mà trôi quá chậm. Những đêm đen kia dường như sẽ không bao giờ kết thúc, ngày cậu trở thành người lớn mãi vẫn chưa đến.

Sau này có anh rồi, cậu lại vì thời gian trôi quá nhanh mà bất an lo sợ. Sợ đến một ngày nào đó, thời gian sẽ mang anh đi mất.

Kí ức cậu đứng ở cái ngõ đầu làng, cầm một bọc ổi thơm phức cùng hai cái kem đã chảy nước chờ anh như thể mới ngày hôm qua thôi. Vậy mà cả hai đã lên lớp chín rồi.

Không muốn anh mệt, cậu nghĩ mình chắc phải gầy hơn chút nữa, dù cậu vốn đã gầy. Mấy năm nay dưới sự chăm sóc của anh và bà ngoại, cậu cũng xem như có sức sống hơn. Dáng người cậu giống mẹ, có ăn nhiều mấy cũng không béo mập mạp như người ta được. Nhưng gầy do cơ địa và vì suy dinh dưỡng nói đến cùng là không giống nhau, vẻ ngoài cậu bây giờ nếu không phải vì ai cũng biết sự thật, thì có khi người ngoài còn nghĩ là cậu ấm nhà ai đó.

Từ lúc anh về, bà ngoại bảo anh nói với cậu cứ sang ăn cơm chung, đi học xa xôi vất vả có thời gian đâu mà tự nấu. Lúc đầu cậu không chịu, anh phải doạ nghỉ chơi cậu mới miễn cưỡng đồng ý.

"Sao bữa nay em ăn ít vậy?" Anh thấy cậu đặt bát xuống thì ngạc nhiên.

Cậu cười nói, "Khi nãy em mới ăn một đống táo với ổi, dừ còn no lắm."

"Lần sau trước giờ cơm đừng có ăn linh tinh." Anh nhăn mặt.

Cậu vâng vâng dạ dạ gật đầu cho qua chuyện.

Lại nói chuyện cấp hai.

Ngày nhập học mới biết anh cũng lớp 6 như mình, cậu ngơ ngác hỏi, "Anh bị ở lại lớp à?"

Anh, người đứng luôn đầu cả lớp, cả khối, từng đi thi học sinh giỏi nhiều lần, giờ phút này ngớ cả người ra.

"Ừm." Anh xụ mặt đáp.

Cậu vỗ vai an ủi, "Không có chi phải buồn hết, để em cố gắng học, anh không hiểu chỗ mô thì hỏi em."

Anh nghe xong mặt mũi càng nhăn nhó hơn.

Hiện thực trả lời bằng việc anh vào lớp chọn của khối. Trường cấp hai Quỳnh Trang mỗi khối có 5 lớp, mỗi lớp có khoảng 30 người, riêng lớp chọn chỉ nhận 20 học sinh.

"Hồi nhỏ anh đi học trễ một năm." Thêm một lời giải thích sứt sẹo, số lần anh nói dối lại tăng thêm một.

Thời gian đầu cấp hai trải qua cũng không dễ dàng gì. Giọng Nghệ An nặng nên khó nghe, nhưng ít ai biết được Nghệ An không chỉ có mỗi một kiểu giọng thôi đâu, từng vùng nhỏ hầu như đều có chất giọng riêng. Ví dụ như thôn Xoài và vùng trung tâm.

Đám trẻ ngoài trung tâm thường lấy giọng thôn Xoài ra nhại làm trò cười, thầy cô cũng mặc kệ, thậm chí có giáo viên còn cười trước cả học sinh.

Đó cũng không phải chuyện gì quá xa lạ. Giữa người với người luôn có sự phân biệt đối xử. Chúng ta phân biệt sắc tộc, phân biệt giai cấp, xuất thân. Coi thường người mà mình cho rằng có địa vị thấp hơn, sau đó chính mình lại bị người có địa vị cao hơn coi thường.

Ví như người nông thôn lên thành phố hay bị mỉa mai là "mấy đứa nhà quê", người ngoài trung tâm xã cũng xem người thôn Xoài kiểu như thế.

Lúc gọi lên đọc văn mẫu, thông thường giáo viên sẽ chọn học sinh ở trung tâm lên đọc. Thỉnh thoảng gọi theo tên hoặc số thứ tự vô tình trúng học sinh trong thôn, vừa cất giọng thì cả lớp đã cười ầm lên.

Không những thế còn thường bị bắt nạt, cái tên trịnh trọng hơn cho vấn đề đó gọi là bạo lực học đường.

Anh là người thành phố, còn là con nhà giàu có gia giáo đúng nghĩa, cái khí chất rất khác so với những đứa trẻ quanh năm tiếp xúc nắng mưa bùn đất ở nông thôn. Lại trông rất xa cách, nói thẳng ra là "chảnh".

Tuổi mới lớn rất hay so bì ganh ghét, anh mới tới trường một thời gian đã trở nên nổi tiếng. Kéo theo việc nhiều đứa trong trường ngứa mắt anh. Nhưng anh học giỏi, rất giỏi, thầy cô ai cũng xem anh là tấm gương mang ra giáo dục tụi nó.

Con người ta trong truyền thuyết. Có tức cũng không dám làm gì. Cho nên mục tiêu bị bắt nạt không bao gồm anh.

Hầu hết việc bắt nạt đều không nghiêm trọng lắm, quanh quẩn mấy trò xé sách, trêu chọc, hoặc đánh vài cái, giáo viên đều mắt nhắm mắt mở cho qua, đa phần nạn nhân là những học sinh nhút nhát nên cũng không dám phản kháng gì.

Năm lớp 7, không biết thông tin do ai truyền tới, giờ ra chơi ngày nọ có một đám con trai cùng khối kéo vào lớp cậu, luôn miệng gọi cậu là thằng con hoang.

Lúc đó cậu đang nghĩ có nên đi mua gì mang qua lớp anh hay không, nghe vậy chỉ liếc mắt nhìn một cái rồi cầm tiền ra quán tạp hóa trước cổng trường. Lúc đi ngang tụi nó, thằng đầu têu bỗng nắm tóc cậu, nhấc chân đạp mạnh.

"Khinh người à." Nó nói to, lại giơ chân đạp thêm mấy cái.

Trong lớp trở nên ồn ào, có người sợ hãi, có người đồng cảm nhìn cậu, cũng có đứa bày ra bộ mặt xem trò vui.

Bỗng nhiên đứa cầm đầu bị đạp mạnh một cái, ngã dúi đầu xuống đất, cả đám tức giận quay lại nhìn.

Anh đang đứng đó, tay còn cầm túi bánh, ánh mắt xuyên qua cả đám nhìn về phía cậu, rồi lại từ từ chuyển tới tụi nó.

Sau đó anh xô ngã một đứa trong số chúng, như phát điên mà đấm đá túi bụi. Anh phát triển sớm, cao hơn lứa cùng tuổi cả cái đầu, còn được ba cho học võ từ khi còn bé, đánh nhau với vài ba đứa trẻ con chỉ biết ỷ đông còn gan bé bằng hạt lựu là chuyện dễ như ăn kẹo.

Cậu sợ tụi nó ghi thù gọi người chặn đường anh, nhịn đau xông vào cản lại, ăn luôn một phát đấm vào vai.

"Em vào làm gì." Anh vừa lo vừa tức quát lên với cậu.

"Thôi mà anh." Cậu nhìn anh rớm nước mắt, bộ lông nhím vừa xù lên của anh xìu xuống ngay lập tức.

Mấy đứa bắt nạt thấy đánh không lại, nén nhục nhã chỉ vào hai người, "Hai con chó nhớ mặt tau đấy."

"Nhớ mặt ai?" Tiếng quát của thầy giám thị vang lên, mặt mũi ai nấy đều xanh mét.

Sau đó cả đám bị dẫn xuống phòng giáo viên.

"Cả hai em nữa." Thầy giám thị quay lại nói. Anh cũng không sợ, mặt mày bình tĩnh dắt tay cậu đi theo.

Thì ra thầy là giáo viên mới của trường, tuổi còn rất trẻ. Người ta hay bảo, tuổi trẻ thường mang đầy chính nghĩa.

Lúc nghe anh trình bày về việc học sinh thôn Xoài bị bắt nạt, thầy rất tức giận, kiên quyết mang chuyện đó ra bàn trong cuộc họp cuối tuần của giáo viên. Còn lớn tiếng nói dung túng cho bạo lực học đường thì sao xứng đáng xưng mình là nhà giáo nhân dân, mấy chục giáo viên khác trong lòng xấu hổ đến không nói được gì.

Sau đó thầy nghiêm khắc kỷ luật những vụ bắt nạt đang xảy ra trong trường, từ đó học sinh thôn Xoài mới thoát khỏi sự phân biệt đối xử tồn tại nhiều năm qua.

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.