Giới thiệu
- Đối với cậu, tôi là gì? - Em là vợ, là mẹ của con tôi, là người mà tôi yêu nhất.
Chương 1: Cô hai nhà này độc ác
Chiếc cột sơn son cao to được dựng thẳng đứng ở cạnh chuồng bò, trong chuồng bốc lên mùi phân hơi thum thủm, cỏ khô còn vương vãi chưa ai dọn. Không kẻ nào dám đi qua chỗ này, vì cô cả đã lệnh cho mấy con hầu đứng canh me rồi.
Cô cả Tuyết dặn mấy đứa hầu, có người nào đi qua thì bảo người ta rẽ hướng khác mà đi, chỗ này không phận sự miễn vào, cô hai đang xử lý vài đứa tôm tép, lươn lẹo qua mặt không nghe lời.
Đấy là hình thức như thế thôi, người hầu trong nhà này không đứa nào lạ gì cái tính cô cả, chuyên gia làm việc thất đức rồi lấy danh cô hai, đi phao tin đồn khắp nơi. Thế là cô hai, có tiếng nhưng chẳng có miếng, tự nhiên khi không mang cái danh ác độc, hở tí là đánh người rồi bắt tội bắt vạ người ta.
Ở bên ngoài tường nhà, thiên hạ không biết, người ta đồn với nhau, cô hai Thư Hoài nhà này ghê gớm. Hôm nào trở trời mưa lớn không đi đâu chơi được cũng lôi người ra đánh, con chó cảnh ăn bậy đi kiết lị cũng lôi người chăm chó ra đánh, đánh khi nào đã cái tay ngọc ngà thì thôi.
Nên có cho tiền người làng này cũng chẳng thèm vào nhà cụ Lợi làm người hầu. Có kẻ nợ tiền nhà cụ không trả được bất quá người ta mới phải cắn răng bán con gái vào. Có nhà khi con gái đến tuổi lấy chồng, hoặc đã trả xong nợ nần cho nhà cụ mới được dẫn con về nhà. Mà về thì có mấy đứa được lành lặn, đứa nào mà không phải trải qua đòn roi của cô cả.
Nhưng biết tính cô ta tàn độc, bọ chúng bị làm nhục, bị đánh đau cũng chẳng ai dám khóc lóc cái gì. Bởi vì chúng đã được cô cả Tuyến dặn dò kỹ lắm rồi, ra ngoài người ta có hỏi han thì bảo là bị cô hai đánh, thanh danh cô hai càng đen càng tốt. Đứa nào chửi cô hai tốt, đặt điều cô hai hay cô cả còn thưởng thêm cho ấy.
Chính vì cái lòng dạ hèn hạ độc ác ấy cho nên khi nhắc đến cô hai nhà cụ Lợi, chẳng mấy khi người ta dành lời hay ý đẹp cho.
Có người dũng cảm, khi được hỏi đến người ta bảo ngay: “Nhắc đến cái con quỷ cái ấy làm gì? Cái ngữ ấy có thả ra cũng chẳng ai thèm lấy”. Nhưng người ta chỉ dám kháo nhau nho nhỏ như thế thôi, không ai dám đứng giữa thanh thiên bạch nhật mà chửi đích danh cô hai cả. Đến tai cụ Lợi, cụ ấy lại chẳng vả cho không còn cái răng mà húp cháo ấy chứ.
Cụ Lợi là địa chủ nức tiếng ở làng Mọc này, đi đến đâu mà chẳng thấy đất đai của nhà cụ. Khéo có khi những người đứng ngoài này chửi con gái cụ vẫn còn đang phải è lưng ra mà trồng lúa, lấy thóc, lấy gạo mà cống nộp cho nhà cụ mỗi tháng ấy chứ.
Cụ Lợi có hai bà vợ, bà thứ nhất là con gái của một vị quan trong làng, mới tháng trước vị quan ấy vừa mất, để lại cả cơ ngơi đồ sộ cho con rể.
Nhưng cơ ngơi đấy thì có là gì so với tài sản của cụ đâu, chỉ tổ rước thêm việc vào người. Bà cả đẻ được một cô con gái, xinh đẹp như hoa, người ta thường so sánh cô cả Tuyết với Thuý Kiều, cô ấy có vẻ ngoài thanh khiết như tuyết trắng đầu mùa, mái tóc đen tuyền mượt mà tựa như một tấm lụa đào thượng hạng. Mỗi cử chỉ, điệu bộ, mỗi nét mặt của cô đều khiến con gái trong làng này ghen tị và hâm mộ, con trai thì mê cô như điếu đổ.
Nhắc đến hoa khôi làng Mọc, người ta sẽ nói ngay: “Là cô cả Tuyết con gái cụ Lợi chứ chẳng còn ai vào đây nữa cả, mày mà tìm được ai đẹp hơn cô Tuyết thì tao bé bằng con kiến cho mày xem.”
Cô không những nổi danh vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn tốt bụng nữa. Thấy người khốn khổ, cô thương tình về xin cha phát cơm, phát gạo cho người ta. Thấy con chó què chân nằm bên đường, cô sai người hầu đem khăn đến tự tay băng bó cho nó. Nhưng mà băng bó thế nào, hai ngày sau người ta thấy xác nó trôi nổi ngoài cái ao đầu làng, trương phềnh.
Nhưng mà thôi, cô là con gái nhà địa chủ giàu có, làm gì đã từng phải trải qua những công việc tầm thường ấy, có gặp lỗi cũng là chuyện thường tình.
Người ta ca ngợi cô cả nhà cụ Lợi lắm, nhiều khách vãng lai đi qua dừng chân ở quán chè đặc ven đường, nghe người đời nói chuyện về mỹ nhân làng Mọc, cũng chỉ biết đấy là cô Tuyết, vừa đẹp người lại còn đẹp nết, khác xa cô em gái cùng cha khác mẹ.
Cụ Lợi còn có một bà vợ nữa, bà ta không phải người ở đây, là một con hát ả đào, ngày xưa cụ đi công việc, chẳng hiểu yêu thương thế nào lại đem về làm vợ. Hai người có với nhau được cô con gái, tên là Thư Hoài. Nghe cái tên thì mỹ miều như thế, nhưng người thật thì lại khác xa. Người ta chưa bao giờ thấy hình dáng của cô hai như thế nào? Đẹp xấu ra làm sao, nhưng tin đồn về cái tính nết sớm nắng chiều mưa của cô lại vang danh hết làng này đến làng nọ.
Và người ta ghét cay ghét đắng cô cũng chỉ vì tin đồn ấy, thoạt đầu nói ra thì chẳng có ai tin, nhưng mà mười người ra khỏi nhà cụ thì cả mười người chửi rủa cô, người ta không tin sao được.
Nhà cụ Lợi cũng phức tạp lắm, cô cả thì liễu yếu đào tơ, học một biết mười, còn cô hai thì…dốt đặc cán mai, đã thế còn độc ác.
Loại con gái như thế chỉ còn nước cụ gả đi xa may ra mới lấy được chồng, chứ mà gả gần đây, trong làng hoặc làng bên chẳng hạn, có cho không người ta còn tìm vạn cách từ chối ấy chứ.
Cũng tội nghiệp cô cả Tuyết, phải ở chung nhà với đứa em gái như thế, đây lại còn là em cùng cha khác mẹ, người ta lo không biết cô Tuyết còn bị bắt nạt thế nào nữa.
Nhưng cũng may mắn thay, mẹ cô cả là dòng dõi thư hương, cũng là con quan lớn, vị thế chẳng phải vừa, may ra còn bảo vệ được cô chu toàn, không để bản thân bị loại người như cô hai nhúng chàm mà thành ra dơ bẩn, lem luốc đi.
Có lẽ mẹ nào thì con đấy, mẹ cô hai Thư Hoài chỉ là con hát, cả ngày chỉ mua vui cho thiên hạ nên không biết cách dạy con gái, hoặc là tính cách bà hai cũng ghê gớm lắm nên mới dạy ra loại người như thế. Lúc cụ Lợi rước bà hai về, biết bà chỉ là con hát, người ta ai cũng suy nghĩ: “Ôi! Thế là cụ lấy đĩ về làm vợ à?”
Nhưng rốt cuộc miệng thiên hạ cũng chỉ thêm mắm dặm muối cho to chuyện, chứ nào có tường tận sự tình chi trong nhà cụ.
Bên trong biệt phủ nhà cụ Lợi, có kẻ nào không biết cô cả nổi danh chua ngoa độc ác, lại hay ghen tị. Cô ta giỏi nhất là trò làm cho người ta khổ đến mức kêu trời không thấu, kêu đất chẳng thưa chứ có tốt đẹp gì cho cam.
Không biết cô ta sử dụng bùa mê thuốc lú gì mà đánh bóng được cái tên tuổi của mình, tô vẽ về vẻ đẹp của bản thân trong làng này vi diệu đến thế. Ai bước từ cánh cửa nhà cụ Lợi ra cũng khen cái thứ “tai quái” ấy hết lời. Nào là mỹ nhân ngàn năm có một, viên ngọc quý nhà cụ Lợi,...
Ấy là không biết cô ta đã nhét cho người ta bao nhiêu tiền vào cuống họng rồi đấy chứ. Có người chỉ vài đồng bạc lẻ là được rồi, nhưng có người biết làm tiền hơn thì nịnh nọt cô ta mỏi mồm mới được cho mấy đồng chặn họng. Rồi đem mớ tiền bán nhân phẩm ấy về mà làm vốn lấy chồng hoặc đi buôn.
Cô hai Thư Hoài hoàn toàn ngược lại với những lời mà người ta vẫn âm thầm sỉ nhục cô ở bên ngoài kia. Cô đẹp dịu dàng mà nền nã lắm, một ngày mà được tình cờ nhìn thấy cô thì cả ngày hôm ấy tâm trạng họ bỗng thấy vô cùng thoải mái.
Cô đẹp tựa như bông sen tinh khiết giữa đống bùn nhơ nhớp vậy. Cô còn tốt bụng, hai má lúc nào cũng hồng hồng lên vì ngại ngùng.
Ở nơi này cô hai hầu như không có tiếng nói, cả ngày chỉ biết quanh quẩn ở phòng mình, trồng hoa, vẽ tranh, đọc sách, cô còn thích sưu tầm mấy cuốn thơ cổ, thi pháp văn chương, tranh cô vẽ ra có hồn và đẹp một cách lạ lùng.
Nhưng vẽ xong cô không bao giờ treo lên, trưng bày hoặc tặng cho ai, chỉ có thể cuộn gọn gàng và cất vào một góc. Bởi vì chưa kịp tặng, nó đã bị cô cả đốt chỉ còn lại một đống tro tàn rồi. Đúng là phận hồng nhan thì luôn bạc, người ta thương cô lắm.
Nơi ở của cô hai Thư Hoài cách khá xa phòng chính nhà cụ Lợi, nhưng có cơ hội là người ta tìm cách đi ngang qua nơi cô ở, mong rằng sẽ được trông thấy cô. Bởi cô dịu dàng và lúc cô cười, hai má lại hơi lõm vào những lúm đồng tiền nhỏ trông đẹp ơi là đẹp.