Chương 10: Thủy Chiến
Đại Lý là một quốc gia nhỏ, quanh năm dựa vào việc buôn bán giao thương đường sông và đường biển. Đất đai Đại Lý có phần cằn cỗi cho nên nông nghiệp không phát triển lắm, tuy vậy đổi lại bọn họ lại vô cùng điêu luyện trong việc dệt vải, vải của Đại Lý là loại vải thượng hạng nhất. So về quân sự tuy là nước nhỏ hơn Thiên Lý Quốc nhưng tiềm lực rất vững mạnh. Cho đến bây giờ vẫn có thể một mình một cõi, không bị các nước khác thôn tính, có thể thấy được hoàng đế Đại Lý cũng là một bậc anh tài.
Ngự Anh Đế hoàng đế Đại Lý - Mã Tư Hành, năm 15 tuổi kế nghiệp vương triều, một mình bình loạn nội tộc. Đến nay mười năm đăng cơ ngồi vững trên vương vị chí tôn. Trần Chân nói Ngự Anh Đế khi vừa đăng cơ cũng từng có ý xâm lấn Thiên Lý Quốc, lúc đó bị Vũ Đức Vương đánh cho một trận tan tác chim bay. Vũ Đức Vương khi ấy chỉ mới 15 tuổi, tuổi 15 đã ngồi trên lưng ngựa mặc giáp ra chiến trường. Mười lăm tuổi cô cùng lũ bạn còn đang mơ mộng tuổi thanh xuân. Lại nói năm nay hắn chỉ vừa tròn 20, đã là một thân tướng lĩnh khí thế ngút trời, trở thành vị thần bảo hộ cho Thiên Lý Quốc.
Những đứa trẻ sinh ra dưới triều đại phong kiến buộc phải trưởng thành quá sớm, mà hắn sinh ra trong hoàng tộc, trên vai còn gánh nặng hai chữ sơn hà.
Bọn họ ở Đại Lý hai ngày, cũng nhận được thư đảm bảo của hoàng đế Đại Lý. Sau khi trở về cô và Trần Chân được báo lại, vương gia chỉ dẫn theo Cấm Tinh Quân đi đường bộ đến Vị Xuyên trước, giao toàn bộ 3 vạn quân của Biệt Kinh cho Trần Chân, bảo hắn sau khi về lĩnh binh theo đường thủy đến Giang Tử.
"Trần Chân vì sao gia lại không mang theo binh? Chẳng phải cứu binh như cứu hoả sao?"
Trần Chân suy nghĩ hồi lâu, hắn theo vương gia từ năm 13 tuổi đến nay cũng được 5 năm, vương gia dụng binh xưa nay đều có ý đồ.
"Có lẽ vương gia muốn Cao Miền nghĩ người vẫn ở Biệt Kinh, cho nên chỉ dặn ta mang theo 3 vạn quân, 3 vạn còn lại giữ lại trấn thủ nơi này."
Đạo nhà binh cô không hiểu nhưng cô thấy Trần Chân nói có lý, nếu việc hắn đến Vị Xuyên là bí mật, vậy càng dễ lên kế hoạch phản công hơn. Trần Chân tập hợp binh sĩ lên thuyền đến Vị Xuyên tụ hội với Lý Long Mộc. Hơn hai mươi chiến thuyền lớn giăng buồm đón gió. Cô cũng muốn đi, bất chấp Trần Chân ngăn cản thế nào, cô vẫn đi. Cô không thể cứ ở đó mà lòng như lửa đốt. Trần Chân nói đi thuyền sẽ mất khoảng 10 ngày, vương gia cưỡi ngựa sẽ đến trước bọn họ 5 ngày.
Thuyền xuôi theo dòng sông Kinh Mã. Trần Chân nói từ đây đi hết tả ngạn sông Kinh Mã, từ đó có thể rẽ vào một nhánh sông Giang Tử xuôi dòng đến Vị Xuyên. Nếu gió to dòng sông êm ả, bọn họ có thể đến sớm hơn dự kiến vài ngày.
Sông Giang Tử là con sông lớn nhất vùng Đông Bắc, lại có nhiều nhánh nhỏ, địa thế hiểm trở vô cùng. Cao Miền chọn nó vì lẽ ấy, sông Giang Tử dễ công khó thủ, Vị Xuyên lại là vùng đất màu mỡ nhất Đông Bắc. Cao Miền có Vị Xuyên sẽ có được Đông Bắc, có Đông Bắc chẳng khác nào có cả Đông Kinh, chính là toàn bộ phía đông của Thiên Lý Quốc. Đế Đô của Thiên Lý ở phía nam.
Cô từng biết về Thiên Lý Quốc qua "Đằng Châu Ký Sử", nhưng mà nó chỉ dừng lại ở vương triều nhà Triệu mà thôi. Cô không biết gì về vương triều nhà Lý bây giờ, ngoại trừ tên của hoàng đế. Càng không biết kết cục của Lý Long Mộc sẽ ra sao. Cô đến đây đã gần ba tháng, mọi chuyện quá mức hoang đường, đôi khi cô còn không tin tưởng nổi. Càng đến gần địa phận Giang Tử lòng cô càng lo lắng. Cô nhớ đến bài thơ ngày trước mình từng viết, thật không thể ngờ nó lại quá hợp với hoàn cảnh bây giờ của họ.
"Có người mơ giấc mộng nơi thảo nguyên.
Có kẻ ôm giấc mơ nơi xa trường.
Một ánh lửa ngàn vạn binh đao.
Một ánh mắt cả đời mang thương nhớ.
Anh hùng rong ruổi, một đời da ngựa bọc thây.
Trăng lên cao, trăng vàng nhè nhẹ.
Sóng xô mạn thuyền, sóng lênh đênh.
Trăm năm ngàn năm nào ai có thấu.
Kẻ quân gia một lòng giữ sơn hà."
Gió đêm phả vào trong mặt, cô đứng trước mạn thuyền nhìn một vùng sông nước bao la, tựa như bản thân đang lênh đênh trên biển. Nơi cô sắp đến chính là chiến trường, cô cố gắng để không nghĩ về điều đó, chỉ hy vọng hắn có thể bình an như lời hắn nói. Cô đưa mắt nhìn về xa xăm, bỗng thấy phía trước một vùng sáng rực, trên sông tựa như biển lửa.
"Trần Chân."
Cô la lớn gọi, Trần Chân nghe tiếng chạy vội tới mạn thuyền, nhìn về phía trước biển lửa mênh mông, tâm hắn dâng lên một dự cảm bất an. Dù ở rất xa nhưng cô cảm thấy toàn thân co rút lại, bên đó chính là chiến trường đẫm máu.
"Mau lên, tăng tốc độ."
Giọng Trần Chân quát lớn, binh sĩ căng buồm lên cao hơn, thuyền rẽ nước lao về phía những ánh lửa phát ra.
"Làm sao biết được là tàu ta hay tàu địch?"
Giọng cô vừa run vừa gấp gáp, đời cô có bao giờ biết chiến tranh là như thế nào đâu chứ đừng nói là chiến trường.
"Trên thuyền có treo cờ hiệu."
"Vậy lỡ như cờ hiệu bị bắn rơi thì sao?"
"Sẽ không đâu, thủy chiến khác trên bộ, làm như vậy không chỉ không có lợi cho ta còn lợi cho đối thủ, sẽ không ai làm thế."
Trần Chân chỉ huy quân áp sát vào tiếp cận trận chiến. Cô vẫn đứng ở mạn thuyền, cô có thể nghe thấy tiếng binh đao va vào nhau, tiếng người ngã xuống lòng sông.
"Tìm cờ của Cấm Tinh Quân mau lên, Cấm Tinh Quân ở đâu vương gia sẽ ở đó."
Trần Chân lệnh cho một tên lính đang ngồi tít trên cột buồm, anh ta dùng một dụng cụ giống như ống nhòm để quan sát.
"Tướng quân không thấy cờ của Cấm Tinh Quân, chỉ có cờ của Cấm Lan Quân."
"Nhìn kỹ chưa?"
Giọng cả hai to đến mức vì cô ở quá gần Trần Chân nên tai cũng bị ù, hắn ráng gân cổ lên để hỏi người trên cột buồm.
"Tướng quân thật sự không có."