Chương 8. Đâm bị thóc, chọc bị gạo
Sự xuất hiện bất ngờ cùng khí chất khác thường của Bách Hoàng khiến toàn trường dậy sóng. Ai ai cũng nhao nhao nhìn anh, đôi mắt trừng to đầy nghi hoặc. Sự biểu hiện cường thế của anh thật lạ lẫm. Chẳng một ai có thể cảm nhận được chút dáng vẻ yếu nhược ngày xưa của nguyên chủ trên người anh. Chẳng lẽ việc thức tỉnh kim bài đã khiến cho đứa nhỏ này hoàn toàn lột xác? Sâu trong tâm khảm mọi người chỉ có thể tự bao biện như thế.
Quả thật, từ lúc xuyên sách tới nay, Bách Hoàng chưa bao giờ tận lực đóng vai nguyên chủ. Anh không thích diễn trò và cũng không muốn dán lên da chiếc mặt nạ. Dù nỗ lực nhập vai đến đâu, giả vẫn hoàn giả, sự thật không bao giờ bị che đậy mãi. Anh không sợ người khác nhìn ra được cơ thể này đã đổi chủ, anh chỉ sống theo cách mình đã từng.
Nếu đã kéo một người tới đây thì thế giới này phải có trách nhiệm hợp lý hóa sự tồn tại của vị khách vãng lai. Đó là kết luận của anh sau nhiều ngày cân nhắc cẩn thận.
- E hèm
- Thằng Hoàng, mày thấy ông lý sao không hành lễ?
Giữa lúc không khí bốn phía đang trầm xuống, Lý trưởng bỗng hắng giọng một tiếng, sắc mặt đôi chút khó chịu. Cai lệ đứng gần đó liền hiểu ý ông, lập tức sừng sộ lên, hướng về phía anh hét lớn. Mọi người bấy giờ mới bừng tỉnh, ánh mắt thôi nhìn anh, yên tĩnh chờ xem sự việc phát triển.
Đương nhiên, sự khác lạ của Bách Hoàng cũng khiến Lý trưởng chú ý, nhưng lão chẳng mấy bận tâm, thậm chí gạt phăng đi. Có một số kẻ chỉ tin vào những gì mình nghĩ, bất kể nhận định ấy trái ngược thực tế ra sao. Nhận định của ông ta về anh đã đóng đinh rất chặt, trở thành màn lọc tiêu chuẩn mỗi khi bắt gặp. Mỗi một hành động của anh đều sẽ tự biến đổi trong ánh mắt lão, khó có thể rung chuyển lão mảy may.
Đối với câu hỏi cắt cớ của cai lệ, Bách Hoàng cười khẩy không đáp, chẳng buồn liếc hắn lấy một cái. Sự khinh bỉ lộ rõ mồn một của anh chọc tức Lý trưởng và cai lệ, nhưng chưa kịp chờ cả hai bức xức, một kẻ nào đó đã thừa dịp khóc thuê, như nỗ lực giành giật tâm điểm của sân khấu hướng về mình:
- Đấy, ông lý, ông thấy tôi nói có sai đâu, thằng Hoàng nó chẳng coi ông ra gì đâu. Ông mà không nghiêm phạt, có ngày nó leo lên đầu lên cổ ông ngồi cho xem.
Cái thói xỉa xói, châm chọc, đổ thêm dầu vào của bà chủ nhà họ Trần vẫn hữu dụng như ngày nào. Lý trưởng sao không biết bà ta đang cố dồn ép anh vào đường, đỉnh đầu Lý trưởng vẫn bốc khói vì tính hợp lý trong lời mỉa mai của ả. Mặt lão lạnh căm căm, nghiến răng nghiến lợi nói:
- Hoàng, mày biết tội của mình chưa?
- Tội gì?
Bách Hoàng nhướng mày hỏi ngược lại, giọng điệu thản nhiên, không cảm xúc. Thái độ đường đường chính chính, cây ngay không sợ chết đứng của anh càng như châm chích vào cõi lòng của từng người. Dân làng có ai không rõ anh vô tội, có điều, dưới sức ép của cường quyền, chân lý chẳng lên nổi mặt sóng, dần dần chìm sâu dưới đáy biển tối tăm, vô vọng mà thôi.
- Á à, mày đánh con bà mà mày dám vờ như không biết đấy phỏng. Con trai, nói lớn cho mọi người cùng nghe xem là ai đánh con ra nông nổi này.
Người lên tiếng đầu tiên không ai khác ngoài phụ nhân nhà phú hộ. Bà ta một tay lôi kéo con trai, một tay chống nạnh, hất cầm, giở thói chanh chua. Trần đời Bách Hoàng chưa thấy ai chịu diễn như bà ta, một bộ dạng quả thật khiến anh phải cay con mắt.
- Là nó!
Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, cái tên thanh niên được ả đàn bà kia che chở phía sau lập tức chỉ chứng anh. Khắp người gã xanh xanh tím tím, từng cơn đau nhức đang phát tán như gợi nhắc về cái quả đắng phải chịu ngày hôm qua, khiến gã vừa thẹn vừa giận. Hai nắm tay của gã siết chặt, đôi mắt tóe ra lửa, hận không thể ăn tươi nuốt sống anh.
- Chính là nó!
Đám thuộc hạ của gã cũng không cam lòng yếu thế, tất cả đồng loạt đứng ra vạch tội anh. Tuy thương tích trông có vẻ nhẹ hơn đại ca, những vết bầm tím to tướng trên gò má, trên hõm vai, cổ tay,… đều chứng tỏ bọn chúng vừa trải qua một trận xô xát không hề nhẹ. Các ba mẹ nhìn con mình thế càng xót xa, ánh mắt trông về phía anh càng thiếu thiện cảm.
Bách Hoàng đã sớm chú ý tới đám lưu manh bọn chúng. Hờ hững quan sát những vết thương trên cơ thể lũ côn đồ, anh cười lạnh, trong lòng hơi chút khen ngợi đầu óc ngu si của chúng.
Bách Hoàng đã chẳng đá động gì đến chúng ngày hôm qua, vậy thương tính trên cơ thể bọn thuộc hạ từ đâu ra?
Hoặc đại ca chúng giận chó đánh mèo hoặc chúng tự làm đau mình.
Bách Hoàng cho rằng khả năng sau vẫn cao hơn. Đứa con ác bá nhà họ Trần được ba mẹ nuông chiều bực nào, không ai không biết. Nếu chỉ mình gã mắt to mắt nhỏ, chân tay không lành lặn, dù đám thuộc hạ vô tội, ba mẹ gã chắc chắn không tha cho chúng. Tuy đã cố che đậy sự thật, đêm hôm trước, bọn chúng vẫn không thoát được một trận mắng nhiếc thậm tệ từ bà mẹ luôn bao che cho con này.
- Ồ, có thật là tao đánh chúng mày bầm dập thế kia?
Trên gương mặt sáng láng của Bách Hoàng vẫn duy trì nụ cười nhạt, nhưng chỉ những ai đối diện với anh mới biết nụ cười ấy khủng bố thế nào. Anh buông lỏng hai cánh tay, lưng thôi dựa vào cột, bước từng bước chậm rãi về phía chúng.
Lần này, có mẹ chúng kề cạnh, có Lý trưởng ở trên, có chòm xóm làng giềng ở dưới, không khí lạnh đang tức tốc bao trùm lấy chúng chẳng vì lẽ đó mà giảm bớt. Áp lực thậm chí nặng nề hơn buổi chiều hôm qua, cả đám run lập cập, mặt nghẹn đỏ, mãi không cất nổi tròn câu:
- Là… là…
Phạm vi của áp lực nọ bao trùm luôn cả mấy bà mẹ, từng người từng người như đứng trên bàn chông, mồ hôi mồ kê úa ra như tắm. Sống ngần ấy năm, bỗng bị một thằng nhóc choai choai dọa sợ, bà chủ họ Trần vốn quen cưỡi trên đầu trên cổ kẻ khác sao chấp nhận được. Bà ta vội vàng bước tới gần Lý trưởng, tránh khỏi tầm ảnh hưởng do anh tạo ra, gân cổ lên gào khóc:
- Ông lý, ông mở to mắt mà xem, giờ nó còn giở giọng uy hiếp con tôi kia kìa, hòng đổi trắng thay đen đấy. Nó có để vương pháp vào mắt đâu, có coi lệ làng ra gì đâu.
Bản lĩnh “đâm bị thóc, chọc bị gạo” của bà ta cố nhiên chạm tới giới hạn của Lý trưởng. Ông ta ghét nhất là bị khiêu chiến quyền uy, mụ đàn bà lắm lời bên dưới lại còn tận lực “thổi gió bên tai”, khơi ra nghịch lân, rốt cuộc thành công khiến Lý trưởng nổi cơn tam bành. Mặt đỏ tía tai, ông ta vỗ mạnh cây gậy chống xuống sàn, tạo thành tiếng động thật lớn, hùng hổ gầm lên:
- Đúng là to gan, tao thấy mày vốn chẳng biết hối cãi là gì, có khuyên bảo cũng vô dụng. Người đâu, mau bắt lấy nó.
- Trò hề này nên dừng tại đây.
Trông thấy vài tên lính lệ hung tợn bắt đầu xông về phía mình, Bách Hoàng lạnh mặt thốt lên một câu. Nét dửng dưng trên gương mặt vô cảm chậm rãi được thay thế bằng sự nghiêm túc. Anh giơ cao cánh tay phải, để lộ ấn ký hình giọt nước trước mắt mọi người. Trong sự hoang mang, khó hiểu của toàn trường, anh nhanh chóng tập trung ý nghĩ chảy về ấn ký.
Một lần nữa, ấn ký ấy tỏa sáng mãnh liệt và một tấm thẻ bài như dát vàng dần xuất thế.