Chương 5
Không gian trong nhà khác hẳn với bên dưới tầng 1, mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng sạch sẽ. Phòng khách có một bàn trà nhỏ bằng trúc, hai chiếc ghế mây, căn bếp ốp gạch trắng kiểu cũ, bát đũa úp trên giá inox sáng bóng, bên cạnh treo hai ống nhựa đựng đũa và thìa. Trên cửa sổ còn đặt một bình hoa bằng thủy tinh, bên trong trồng một nhánh thủy tiên.
Tất cả mang đến cho người ta cảm giác hoài niệm xưa cũ, giống như đang quay về một căn hộ tập thể trong những năm 90 vậy!
Tôi ngơ ngác nhìn một hồi, lại bắt gặp ánh mắt Đặng Khải Thành nhìn tôi, cuối cùng ấp úng nói một câu hơi ngớ ngẩn: “À… tôi ở phòng nào?”.
Anh ta nhìn về phía cánh cửa ở bên cạnh phòng bếp, nói: “Ở đây chỉ có một phòng ngủ thôi, em dọn đồ vào đó đi”.
Tôi nhướng mày, nhìn về phía cánh cửa gỗ còn lại, rõ ràng bên cạnh phòng ngủ anh ta vừa chỉ còn có thêm một gian phòng nữa. Nhưng khi ánh mắt tôi vừa dời sang, Đặng Khải Thành đã lạnh giọng nói:
"Đó không phải phòng ngủ, đừng lại gần"
Tôi gật đầu, anh ta không thích thì tôi sẽ không tò mò, chỉ hỏi: "Chỉ có một phòng ngủ, tôi ở đó thì anh ở đâu?"
Đặng Khải Thành cười: “Em nghĩ sao?”.
“Tôi nghĩ chúng ta không ở chung nổi một phòng đâu”.
“Nói lý do tôi nghe thử xem?”.
Lý do ư? Vì trước kia tôi thích anh ta nhiều như vậy, anh ta chưa từng động lòng vì tôi. Bây giờ sau 10 năm, hận thù chồng chất nối tiếp, ở chung được trong một căn phòng đúng là chuyện nực cười.
Thế nhưng tôi không nói ra điều ấy, chỉ bảo: “Có mặt tôi, chắc anh sẽ gặp ác mộng”.
Anh ta không phủ nhận, chỉ bình thản ngồi xuống ghế mây, bộ dạng khoan thai hờ hững: "10 năm qua, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ác mộng. Nhưng biết đâu ở chung, lấy độc trị độc, tôi lại không gặp ác mộng nữa”.
“Mở mắt ra, nhìn thấy người mình muốn trả thù ở ngay bên cạnh, muốn hành hạ thế nào thì hành hạ, muốn bảo c.hế.t kiểu nào thì phải c.hế.t kiểu ấy, anh sẽ cảm thấy thoải mái hơn phải không?”.
"Có lẽ là vậy"
"Đúng là thú vui hiếm thấy". Tôi đáp bằng giọng nhẹ tênh: “Anh định bắt đầu thế nào? Xích tôi vào chân giường, cho tôi dùng m.a t.uý hay bảo tôi ngồi nhìn anh ngủ cả đêm?”.
"Còn trò gì mới lạ hơn không?".
Tôi lắc đầu, thật sự không bao giờ nghĩ Đặng Khải Thành sẽ chơi trò giày vò thân xác với tôi. Mà ánh mắt của anh ta từ đầu đến giờ đều mang một vẻ nghiền ngẫm thâm sâu, thật sự tôi cũng không thể đọc được anh ta sẽ muốn gì.
Sau một hồi, Đặng Khải Thành mới cong cong khoé môi, nhưng trong đáy mắt lại không có nổi một ý cười: “Chuyện trả thù, tôi không gấp thì em vội gì?”.
Tôi ngây người vài giây rồi chợt hiểu ra, cũng cười: "Tôi chỉ muốn hỏi trước để chuẩn bị tinh thần, nhưng anh nói đúng, anh không gấp, tôi cũng không cần vội”.
"Thế thì trước hết vào phòng cất đồ đạc của em đi. Trong đó có tủ, toàn bộ ngăn bên phải chưa dùng đến, cứ bỏ đồ của em vào đó".
"Ừ".
Nói rồi, kéo va ly đi thẳng vào phòng.
Vào đến nơi mới thấy phòng ngủ của Đặng Khải Thành không rộng lắm, đồ đạc còn đơn sơ hơn cả ở ngoài, chỉ có một chiếc tủ gỗ và một chiếc giường gỗ, nhưng lại có cửa sổ rất lớn, kéo rèm ra là có thể thấy được tòa nhà của cục cảnh sát ở phía nam.
Tôi không có hứng nhìn sang đó, chỉ đá va ly vào một góc rồi lấy đồ đi tắm. Lúc tôi đi ra bên ngoài lần nữa thì Đặng Khải Thành vẫn đang ngồi ở ghế mây, cúi đầu xem điện thoại.
Nhiều năm rồi không gặp, bây giờ tôi mới có dịp nhìn rõ được anh ta. So với 10 năm trước đây, hình như Đặng Khải Thành không hề già đi, gương mặt không hề có dấu vết của thời gian mà ngược lại, anh ta càng ngày càng tuấn tú chững chạc, giống như một loại rượu lâu năm, càng ủ lâu thì hương vị càng hấp dẫn vậy.
Đàn ông đến tuổi này mà vẫn phong độ như anh ta, đúng là hiếm thấy!
Nghe tiếng bước chân tôi đi ra, Đặng Khải Thành mới ngẩng đầu lên, nhìn tôi một lượt: “Tắm rồi à?”.
“Ừ”. Tôi nhìn về phía bếp lạnh ngắt: “Nếu không vội nói đến chuyện trả thù thì ăn cái gì trước đã nhé. Tôi đói”.
Anh ta gật đầu: “Công việc của tôi thường xuyên phải đi sớm về muộn, về sau cơm nước trong nhà giao cho em”.
“Được”. Tôi thoải mái đáp: “Ngoài ra, cục trưởng còn yêu cầu gì nữa không?”.
"Bình hoa thuỷ tiên kia". Đặng Khải Thành nhìn về chiếc bình thuỷ tinh cũ đến ố vàng đặt ở cửa sổ trên bệ bếp, nói: "Tôi không có thời gian chăm sóc nó, cũng giao cho em".
Ngừng một lát, anh ta lại nói: "Bình cũ nên hơi khó cầm, đừng làm hỏng".
Tôi có cảm giác mình sắp bị biến thành người giúp việc, lòng hơi khó chịu, nhưng cũng không lên tiếng phản bác. Mà Đặng Khải Thành nói xong một hồi, rồi lại chợt như nhớ ra điều gì nên ngẩng lên: "Không có chuyện gì thì đừng ra khỏi nhà”.
Tôi cười lạnh: "Anh định giam lỏng tôi đấy à?”.
"Em cảm thấy thế nào là giam lỏng?"
"Không bị xích tay chân, nhưng cũng không có tự do"
“Tôi không ép em đến đây, nếu em cảm thấy không phù hợp thì cửa ở bên đó”. Đặng Khải Thành lạnh lùng liếc cánh cửa: “Muốn đi thì cứ đi”.
“Anh Thành, ba tôi đang ở trong tay anh, anh thừa biết tôi sẽ không đi”.
“Quyền lựa chọn ở trong tay em. Đường của em, không ai cản được em cả”.
Con người tôi từ trước đến nay đều thích tự do, thích tung bay, 10 năm qua ở Hồng Kông tôi cũng làm việc cho một công ty lớn, môi trường năng động, đồng nghiệp sôi nổi nhiệt huyết, Đặng Khải Thành không cho tôi ra khỏi đây, chẳng khác nào bẻ đi đôi cánh của tôi.
Nhưng tôi đến đây là để chịu hành hạ, không thể ra điều kiện với anh ta, đành nín nhịn nói: “Được. Đường là của tôi, nhưng người đặt ra lộ trình là anh còn gì? Nếu anh đã muốn như vậy thì tôi sẽ nghe theo anh, ở nhà của anh, nấu cơm cho anh, làm con c.hó cho anh sai khiến”.
Vẻ mặt Đặng Khải Thành đột nhiên lạnh hẳn đi một nửa: “Chân Ý, năm đó tôi ở nhà của em, ăn cơm của gia đình em, làm đủ chuyện phạm pháp theo lệnh của ba em, có phải em cũng coi tôi như con ch.ó để gia đình em sai khiến không?”.
Tôi bị hỏi đến nghẹn họng, nhất thời cũng không biết trả lời như thế nào. 20 năm trước, đúng là ba tôi vì thử lòng Đặng Khải Thành mà đã sai đàn em thay phiên nhau hành hạ anh ta đến sống dở c.hế.t dở, sau đó còn nhốt lại dưới hầm giam, bắt anh ta phải chịu đói 3 ngày 3 đêm, sau khi được thả khỏi đó, ba tôi còn ép anh ta thử qua m.a t.úy, làm đủ loại chuyện xấu xa. Tôi không thể không thừa nhận rằng, thời gian đầu đến Hồng Hưng, chẳng ai đối xử với Đặng Khải Thành như một con người cả.
Nhưng từ năm 9 tuổi đến 19 tuổi, tôi chưa từng coi anh ta như vậy.
Đặng Khải Thành thấy tôi mãi không đáp mới cười nhạt: “Chân Ý, đến việc nhỏ em còn không chịu đựng được, sau này định đi theo tôi để đổi mạng cho ba em thế nào đây?”.
Câu nói của anh ta như đánh cho tôi chợt tỉnh ngộ, tôi cảm thấy được đối đãi thế này còn tốt hơn nhiều so với Đặng Khải Thành lúc xưa, đột nhiên cũng không muốn tranh cãi nữa.
Tôi quay người đi vào phòng bếp, nói: “Tôi đi nấu cơm”.
Đặng Khải Thành nhìn theo bóng lưng tôi, trầm mặc một lúc rồi cũng dịu giọng: “Gạo ở trong thùng nhựa, thức ăn trong tủ lạnh”.
Tôi không đáp, lòng vừa ấm ức lại biết rõ mình không thể ấm ức, không trút ra được, tay bắt đầu khua khoắng nồi niêu, tiếng leng keng ầm ỏm cả căn bếp.
Đặng Khải Thành không thèm chấp tôi, đi thẳng vào trong phòng ngủ tắm rửa.
Vo gạo nấu cơm xong, lúc sờ đến tủ lạnh mới thấy tủ lạnh nhà anh ta cũng là kiểu cũ, tiếng máy chạy kêu rất to, bên trong đựng một ít thực phẩm tươi, rau củ xếp theo từng ngăn, sữa đậu nành đặt ở khay ngoài cánh cửa.
Tôi lấy một ít rau cải xào với thịt, rán mấy miếng đậu phụ, nấu một mâm cơm đơn giản nhất có thể, lúc Đặng Khải Thành từ phòng ngủ bước ra thì cũng đã xong.
Anh ta liếc nhìn mâm cơm rồi lại nhìn tôi: “Xong rồi à?”.
“Ừ”.
Đặng Khải Thành ngồi xuống bàn: “Thế thì ăn thôi”.
Tôi cố ý để anh ta cầm đũa trước, Đặng Khải Thành cũng rất thoải mái gắp thức ăn, tác phong nhanh nhẹn dứt khoát, nhưng lại vẫn giữa được vẻ bình thản và nho nhã.
Thấy tôi mãi không động đũa, anh ta hơi nhíu mày: "Không dám ăn cơm mình nấu à?"
Tôi nửa đùa nửa thật: “Hỏi ngược lại anh đi. Anh không sợ tôi bỏ độc, đầu độc c.hế.t anh à?”.
“Nghe nói em là tiến sĩ kinh tế?”. Anh ta đột nhiên hỏi một câu không liên quan.
Tôi không bất ngờ khi Đặng Khải Thành tìm hiểu về mình, chỉ khẽ nhíu mày: “Thế thì sao cơ?”.
“29 tuổi, là tiến sĩ kinh tế, chắc hẳn phải thông minh hơn người khác. Bây giờ việc ba em được ra ngoài điều trị có liên quan đến tôi, tiến sĩ kinh tế chắc không làm mấy hành động ngu ngốc như vậy đâu”. Đặng Khải Thành bình thản gắp một miếng đậu, ung dung đáp: “Ít nhiều gì thì tôi vẫn còn có giá trị với em”.
Tôi bật cười: “Phải. Anh là cục trưởng, quyền quyết định trong tay anh, tôi có to gan đến mấy cũng không dám g.iế.t anh”.
“Không dám g.iế.t, thì ăn đi”. Anh ta ngừng lại một lát, rồi lại nói: “Thức ăn em nấu không khó ăn lắm, nuốt được”.
Tôi cũng cầm đũa lên, bình thản đáp: “Cảm ơn”.
Ăn uống xong, tôi dọn dẹp, còn Đặng Khải Thành ngồi ở ghế mây xử lý tài liệu công việc gì đó. Căn hộ tập thể rất bé, không có nổi chỗ kê bàn làm việc riêng nên anh ta đành ngồi ở bàn trà, khom lưng ký giấy tờ, bàn thấp ghế lại cao, chân tay cũng quá dài, thành ra bộ dạng ngồi có hơi chật vật thừa thãi.
Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu được, một người đã leo lên được chức vụ cao như anh ta sao đến giờ vẫn sống cuộc sống như vậy. Lúc trước chưa gặp lại, tôi cứ ngỡ cục trưởng Đặng Khải Thành hô mưa gọi gió chắc hẳn phải ở trong một dinh thự xa hoa, danh vọng cùng phú quý dùng mấy đời không hết. Nhưng đến hôm nay mới biết nơi anh ta sống lại bình dị và có phần tồi tàn như vậy.
Là anh ta trong sạch, hay là chỉ đang giả vờ cho thiên hạ xem?
Bỏ đi, một người có thể lừa dối tất cả mọi người ở Hồng Hưng 10 năm, làm sao có chuyện sống một đời trong sạch được chứ?
Rửa bát xong, tôi không thấy Đặng Khải Thành nói gì nên không định về phòng, chỉ đứng trong bếp nghịch mấy cánh hoa thuỷ tiên.
Anh ta chuyên chú ký giấy tờ, từ lúc ăn xong là không để ý đến tôi, thế nhưng sau 10 phút không nghe tiếng lạch cạch nồi niêu, Đặng Khải Thành mới quay đầu lại, khẽ cau mày:
“Tôi tưởng ban nãy đã nói rõ nơi ở của em rồi?"
“Tôi muốn xác nhận lại một chuyện”.
Đặng Khải Thành đặt bút ký xuống, ngước lên nhìn tôi, tỏ ý bảo tôi tiếp tục nói.
"Anh ở cùng phòng với tôi, không thấy khó chịu à?”.
Anh ta không trả lời, chỉ hỏi ngược lại: “Em cảm thấy sao?”.
“Chỉ sợ tự nhiên không nhịn được, nửa đêm lại cầm d.ao đ.âm c.hế.t anh”.
“Từ lúc vào nhà đến giờ em nói muốn g.iế.t tôi hai lần rồi”. Vẻ mặt anh ta vẫn bình thản như không: “Chân Ý, người muốn g.iế.t sẽ không báo trước, chỉ có người trong lòng đang sợ hãi mới luôn miệng đe doạ đối phương mà thôi”.
Quả nhiên vẫn là Đặng Khải Thành như lúc xưa, nhạy bén không ai bằng. Tôi bị nói trúng tim đen, xấu hổ đến nỗi mặt nóng rần rần.
May sao anh ta không tiếp tục bóc mẽ tôi, chỉ bảo: “Không cần sợ tôi. Hoặc ít nhất đêm nay không cần phải sợ tôi”. Anh ta nói: “Ngày đầu tiên đến đây cứ ngủ một giấc thoải mái đi. Tôi nói rồi, ngày tháng còn dài, tôi không gấp, em cũng không cần vội”.
Có được câu này, tảng đá đè nặng trong lòng tôi mới bất chợt nhẹ xuống, tôi lén lút thở hắt ra một hơi, cố tỏ ra bình thản đáp trả Đặng Khải Thành: “Được”.
Nhưng nói là nói vậy, tôi quay về phòng vẫn không tài nào ngủ nổi!
Nằm trên giường, toàn bộ mùi hương chăn gối đều thuộc về Đặng Khải Thành. Sau nhiều năm, tất cả mọi chuyện đều đã đổi thay theo dòng chảy thời gian, nhưng thứ mùi này vẫn thế, không phải hương nước hoa, cũng không phải mùi của nước xả vải, chỉ là mùi của một thương hiệu xà phòng đã có từ rất lâu đời nhưng đã trở thành một hoài niệm trong lòng tôi.
Tôi vẫn còn nhớ rõ hồi tôi còn nhỏ, nằm trên lưng Đặng Khải Thành, tôi luôn có cả vạn câu hỏi “vì sao” bắt anh ta trả lời. Lần nào Đặng Khải Thành cũng kiên nhẫn đáp lại từng câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, thậm chí dù ngày nào tôi cũng hỏi: “Sao áo anh lại có mùi này thế?”, Đặng Khải Thành đều nói: “Vì ở cửa hàng tạp hóa đầu phố chỉ có bột giặt mùi này thôi”.
Lúc nhỏ tôi không hiểu, mãi đến khi thấy mấy người đàn em của ba tôi mấy ngày không chịu tắm, đến quần áo cũng không thay, cả ngày chỉ biết xịt nước hoa nồng nức cả mũi. Còn Đặng Khải Thành chiều muộn nào cũng loay hoay ở sân giếng ngồi giặt đồ, chậu nước giặt của anh ta không có màu đục của nước bẩn mà chỉ tanh đỏ mùi m.áu, tôi mới hiểu, hóa ra áo của Đặng Khải Thành thơm như vậy là do ngày nào anh ta cũng bị đánh. M.áu thấm ra quần áo, phải dùng bột giặt của thương hiệu kia mới che được mùi tanh.
Tôi cũng bắt trước anh ta, cầm tiền tiêu vặt ra phố mua một gói bột giặt về nhà, sau này cứ mỗi lần Đặng Khải Thành bị đánh, tôi đều ngồi ở sân giếng chờ anh ta.
Con bé 9 tuổi ngốc nghếch khi đó còn không biết phải ngăn cản đám người kia đánh Đặng Khải Thành, chỉ biết chờ anh ta về, chìa bàn tay ra nói: “Anh Thành, em giặt quần áo cho anh nhé?”.
Đặng Khải Thành nhìn chậu nước đầy xà phòng dưới chân tôi, ngập ngừng một lát mới đáp: “Chân Ý, mau vào nhà đi”.
“Em biết giặt quần áo mà. Anh xem này, em còn mang cả váy đi giặt nữa đấy”. Tôi giơ mấy bộ váy của mình lên cao, cười toe toét, lộ mấy chiếc răng sún: “Anh bỏ quần áo xuống đây, em giặt cho anh”.
"Không cần đâu"
"Em giặt được quần áo thật mà, ở trong nhà mẹ em không cho em giặt quần áo, nhưng mà cô giáo bảo phải biết làm việc nhà mới ngoan. Anh cho em giặt quần áo đi mà".
Đặng Khải Thành nói mãi không lay chuyển được tôi, cuối cùng phải để cho tôi giặt đồ. Hồi ấy tay tôi nhỏ, vò đến đỏ ửng cả mảng mới sạch được vết m.áu trên áo của anh ta, Đặng Khải Thành tắm xong, lại giúp tôi phơi quần áo, trên giàn phơi rỉ sét năm ấy áo sơ mi rẻ tiền của anh ta phơi bên cạnh váy công chúa của tôi, một to một nhỏ trông rất buồn cười.
Sau này, có một lần tôi bị trượt ngã đập đầu vào thành giếng, chấn thương sọ não, hôn mê tận hai ngày. Đến khi tỉnh dậy mới biết ba tôi nghe được chuyện tôi đến giặt đồ cho Đặng Khải Thành nên mới bị ngã, ông đã tức giận sai đàn em đánh cho anh ta một trận rồi vứt vào trong hầm giam. Khi tôi chạy đến mới thấy đã qua 2 ngày rồi mà cơ thể Đặng Khải Thành vẫn còn chảy m.áu, anh ta bị thương đến phát sốt, chân cũng không đi được, thế mà lúc gặp tôi vẫn thều thào bảo:
“Chân Ý, bị ngã có đau không?”.
Tôi khóc như mưa, lắc đầu: “Không đau, hết đau rồi. Anh thì đau lắm hả?”.
Đặng Khải Thành cười yếu ớt: “Anh cũng hết đau rồi”.
Về sau, tôi sợ Đặng Khải Thành bị đánh nên không dám giặt đồ cho anh ta lần nào nữa, nhưng bột giặt tôi dùng từ năm 9 tuổi đến 19 tuổi vẫn là thương hiệu rẻ tiền đó, Đặng Khải Thành cũng y như vậy. Mãi sau này sang Hồng Kông, tôi không tìm mua được loại bột giặt kia nên không dùng nữa, không ngờ đến tận bây giờ trên giường của Đặng Khải Thành vẫn là mùi hương này.
Lòng tôi lục đục nhớ lại rất nhiều những kỷ niệm xưa cũ, sau cùng thiếp đi lúc nào không biết. Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng, chăn gối bên cạnh còn nguyên, hình như cả đêm Đặng Khải Thành không hề vào đây.
Một đêm mộng mị ngủ không ngon, đầu óc tôi nặng như chì, phải xoa mặt mấy lần mới tỉnh táo rồi xuống giường mở cửa. Ngoài phòng khách không có ai, nhưng trên bàn trà có một túi giấy, mở ra mới thấy trong đó là một cốc cháo và một ít quẩy.
Đặng Khải Thành viết lại đúng hai chữ: “Ăn sáng”.
Đồng hồ ở phòng khách chỉ 8h, có lẽ anh ta đã đi làm. Tôi cũng cảm thấy đói bụng, lục đục lấy đồ ra ăn, quanh quẩn một hồi mới chỉ hơn 9h. Bị nhốt ở trong nhà, thời gian trôi chậm còn hơn ốc sên, khiến tôi khó chịu.
Vì buồn chán nên tôi mở điện thoại lên, màn hình vừa sáng đã thấy rất nhiều tin nhắn báo cuộc gọi nhỡ của Đăng Nguyên. Ngoài ra, anh ấy còn nhắn mấy tin từ ngày hôm qua:
"Chân Ý, em đang ở đâu? Em ở đâu? Chúng ta đã nói sẽ bàn bạc rồi mà".
"Chân Ý, anh đang ở trước cổng cục cảnh sát, em ra đi. Không có chuyện gì mà chúng ta không giải quyết được".
Anh ấy còn nhắn rất nhiều nhưng tôi không đọc nữa, chỉ ấn nút gọi lại. Điện thoại đổ một hồi chuông đã thông máy, câu đầu tiên Đăng Nguyên nói:
“Chân Ý, em đang ở đâu?”.
Tôi khẽ thở dài một tiếng: “Anh Nguyên, em không sao đâu. Anh đừng lo cho em”.
“Em đến chỗ kẻ thù, bảo anh không lo là anh không lo được à? Em có sao không? Em gửi định vị cho anh, anh đến đón em".
“Qua một đêm em vẫn sống đây thôi. Em khỏe lắm, không bị sao cả. Ở đây em còn có cảm giác đang đi nghỉ dưỡng ấy, không phải làm gì cả, chỉ ăn và ngủ thôi”.
“Chân Ý, em đừng nói dối anh. Chúng ta đã nói với nhau là sẽ tìm cách giải quyết, sao em lại tự quyết định một mình như thế? Cứ cho là làm như vậy có thể giúp được ba em đi, nhưng ít nhất em cũng phải nghĩ đến bản thân em, nghĩ đến anh chứ?”.
Tay tôi mân mê cánh hoa thủy tiên, lòng bình tĩnh không một gợn sóng: “Anh Nguyên, em biết anh đối xử tốt với em, thương em, nhưng cuộc đời không chỉ có tình cảm, mà còn có tình thân, còn có muôn vàn chuyện khác. Việc em đã quyết định, anh chiều theo ý em một lần được không?”.
“Chân Ý”. Có lẽ Đăng Nguyên cũng hiểu tính tôi, biết tôi một khi quyết điều gì sẽ không ai cản nổi, vả lại, đêm qua tôi ở cùng Đặng Khải Thành, có lẽ trong lòng anh ấy cũng hiểu chuyện đã đến nước này thì đã chẳng thể vãn hồi được nữa: "Chân Ý, em đừng như vậy".
“Anh Nguyên, em sẽ sống tốt, em trưởng thành rồi, chuyện gì nên làm, không nên làm, em đều biết cả. Bây giờ em không phải là Chân Ý 19 tuổi nữa, em là Chân Ý 29 tuổi, em tự lo cho mình được”.
Đăng Nguyên im lặng hồi lâu mới nói: “Chân Ý, em nói chuyện gì nên làm, không nên làm, em đều biết cả, nhưng chuyện em đang đi một con đường mà bản thân chắc chắn sẽ phải chịu tổn thương, em có biết không?”.
“Em biết. Nhưng nếu không trao đổi bằng một cái giá phù hợp, em sẽ không đi đâu. Anh Nguyên, anh có nhớ em đã từng nói, nguyện vọng duy nhất của em là gì không?”.
Trong quán Bar hôm đó, tôi đã nói với anh ấy một câu y hệt như nói với Đặng Khải Thành. 10 năm nay sống lưu lạc tha hương tôi mới phát hiện ra tôi không có mơ ước gì cao sang cả, nguyện vọng duy nhất của tôi chính là ba mẹ tôi chờ được nhau.
Mẹ tôi chưa đi, thì ba tôi cũng phải cố gắng sống tiếp, đừng đi trước mẹ.
Đăng Nguyên nghe đến đây, cuối cùng có lẽ cũng thất vọng buông tay, tôi nghe tiếng hít thở rất nặng nề từ đầu dây bên kia, thật lâu, thật lâu sau anh ấy mới nói ra một câu: “Chân Ý, sau này em có hối hận không?".
"Chắc là sẽ có lúc em cảm thấy hối hận, nhưng tạm thời bây giờ thì chưa".
"Ừ". Anh ấy ngừng lại một lúc rồi mới nói: "Bất cứ khi nào em cần, cứ gọi điện thoại cho anh”.
Tôi chua xót mỉm cười: “Vâng, em biết rồi. Sau này có thời gian, em sẽ về thăm anh. Anh cũng phải sống thật tốt đấy, bây giờ mọi thứ đều khó khăn, phải cố gắng lên nhé”.
"Anh biết... Chân Ý... anh biết mà".
“Chuyện công ty anh đã giải quyết ổn chưa?”.
“Ổn rồi, anh trả lương xong, nhân viên quay lại làm việc hết rồi. À, hôm qua vừa có thông báo, mùng 5 tháng này Hồng Ý sẽ được mở cửa lại”.
“Thế thì tốt quá. Hôm trước em có nói với ba chuyện sẽ bán Hồng Ý đi, ba em đồng ý rồi, anh Nguyên, anh xem nếu có người trả giá hợp lý thì bán Hồng Ý đi giúp em”.
“Chân Ý, vẫn quyết tâm như thế sao?”.
“Vâng, em không muốn kinh doanh quán bar nữa”.
Đăng Nguyên suy nghĩ một lúc rồi gật đầu: “Ừ, để anh xem"
“Vâng".
Ngày hôm ấy có lẽ là ngày rảnh rỗi nhất kể từ 10 năm trở lại đây của tôi, lúc trước ở Hồng Kông luôn phải nỗ lực từng ngày từng giờ để sống tốt, sau đó về nước lại bận rộn chuyện của cha mẹ, mãi đến hôm nay, Đặng Khải Thành nhốt tôi trong nhà nên tôi mới có thời gian nghỉ ngơi.
Tôi lười biếng ngủ cả ngày, lười tới nỗi buổi trưa cũng chẳng thèm ăn gì, mãi đến tối nghe tiếng Đặng Khải Thành về nhà mới lục đục dậy.
Anh ta thấy tôi đầu bù tóc rối từ phòng ngủ đi ra mới liếc một cái, tôi cũng không nói gì, chỉ coi anh ta như người vô hình. Mãi đến khi Đặng Khải Thành mở tủ lạnh lấy nước uống nước xong, anh ta mới hỏi:
"Ngủ cả ngày, không nấu cơm?".
"Bây giờ tôi nấu đây". Tôi uể oải đi đến bếp, hỏi cho có lệ: "Anh muốn ăn gì? Đồ chay, mặn hay thanh đạm?".
Đặng Khải Thành suy nghĩ một lát rồi đáp: "Ăn được là được".
"Thế thì chờ một chút".
Tôi cào tạm lại mái tóc rối bù, quấn lên rồi đeo tạp dề vào trong bếp, mở tủ lạnh ra mới thấy trong đó có rất nhiều đồ ăn, đủ chủng loại, hình như sáng nay mới vừa được đặt vào.
Chẳng trách Đặng Khải Thành vừa về nhà đã biết ngay tôi cả ngày không nấu cơm.
Tôi nhìn theo bóng lưng anh ta đi vào phòng ngủ, đợi đến khi tiếng cửa đóng lại mới lấy đồ ra nấu. Trước đây được ba mẹ cưng chiều nên ngay cả luộc trứng tôi cũng không biết, nhưng mấy năm nay ở nước ngoài buộc phải tự lập, tôi có thể làm được cả mâm cơm ngon.
Mỗi tội, cứ nghĩ đến việc bị kẻ thù của mình giam lỏng, tôi lại khó chịu, cuối cùng chỉ làm mỗi một món rau xào, một tô canh cà chua trứng. Mà Đặng Khải Thành tắm xong nhìn mâm cơm cũng không nói gì, yên lặng ăn.
Đêm ngày thứ hai chậm chạp qua đi, người đàn ông kia cả đêm bận phê duyệt gì đó nên không về phòng ngủ, một mình tôi lăn lộn trên giường đến nửa đêm, cuối cùng ngủ quên mất. Ngày hôm sau tiếng trẻ con khóc ở tầng dưới đánh thức tôi dậy từ rất sớm, tôi nghe loáng thoáng được cả giọng Đặng Khải Thành nên ngó qua cửa sổ nhìn xuống sân, thấy anh ta mặc một bộ quần áo ở thể thao đơn giản, đầu tóc mướt mồ hôi, hình như mới ra ngoài chạy bộ về.
Cụ bà đang tập thể dục trong sân lập tức túm lấy anh ta: "Này, thằng cháu tôi ở bên Hà Đông mới bị mất cái xe đạp, báo công an liệu có tìm lại được không?".
"Cháu bác đã đến công an trình báo mất cắp chưa ạ?".
"Chưa, thấy bảo tài sản nhỏ, sợ công an không tìm cho. Thế nên tôi mới định nhờ cậu đây, cậu cũng làm việc ở cục cảnh sát gì gì đó phải không? Có quen ai công an ở Hà Đông không, nhờ giúp tôi một tiếng".
"Cháu làm ở địa bàn khác, lĩnh vực công tác khác nữa, không quen ai làm ở công an bên Hà Đông. Nhưng bác yên tâm, nhân dân mất tài sản thì công an ở đâu cũng sẽ có trách nhiệm điều tra và truy tìm cả, bác cứ bảo người nhà báo công an đi. Phải trình báo thì công an mới nắm được ạ".
"Cậu không quen thật à?".
"Vâng ạ".
Bà cụ nghĩ ngợi một lúc rồi như hiểu ra: "Ừ, cũng phải, tôi thấy hàm của cậu có 4 ngôi sao, là cấp thấp nhất phải không?".
Đặng Khải Thành cười: "Vâng ạ".
"Tôi thấy cậu đi sớm về khuya suốt, làm cấp dưới nên vất vả lắm nhỉ? Phải cố gắng nhiều lên nhé, lên bậc cao hơn sẽ đỡ vất vả hơn". Bà cụ nói: "À đúng rồi, hôm trước cậu nhờ tôi mua cái này, tôi tìm mua được rồi mà không gặp cậu để đưa".
"..."
"Đợi tôi chút nhé, tôi lấy đưa cho cậu".
Nói rồi, bà cụ lật đật chạy vào trong nhà, lúc sau cầm theo một bộ nữ trang bằng giấy đi ra, đưa cho Đặng Khải Thành: "Đây, cậu nhờ từ tận đầu tháng 7 âm nhưng giờ tôi mới nhớ, già rồi đầu óc lẩm cẩm quá. Xin lỗi cậu nhé".
Anh ta cầm lấy, lịch sự nói: "Không sao ạ"
"Mua về cho cô gái ấy à?".
Đặng Khải Thành chỉ cười không đáp, bà cụ là người xưa, thích quan tâm thái quá nên lại tặc lưỡi: "Hôm trước cậu mang ảnh cô ấy về, tôi thấy rồi. Nhìn xinh đẹp lắm. Nhưng đúng là hồng nhan bạc phận, số khổ mà".
Nói đến đây, bà cụ lại nhìn Đặng Khải Thành bằng ánh mắt thương hại: "Thôi, người mất cũng đã mất rồi, phải vui lên mà sống nhé. Cũng phải nhìn về phía trước, lấy vợ sinh con chứ. Cậu phải cố lên nhé".
Đặng Khải Thành gật đầu nói cảm ơn, sau đó xách theo một túi đồ đi lên tầng. Tôi sợ anh ta phát hiện ra mình nghe trộm nên vội vàng trèo lên giường, giả vờ ngủ, lát sau tôi nghe thấy tiếng mở cửa chính, vài giây tiếp theo cánh cửa bên cạnh phòng ngủ hình như cũng được ai đó đẩy ra.
Đặng Khải Thành vào đó rất lâu, tôi ở bên này cũng mở mắt nhìn lên trần nhà rất lâu. Nếu tôi đoán không nhầm, bộ nữ trang bằng giấy và cô gái bạc mệnh trong câu nói của bà cụ kia, chính là Như Ngọc. Căn phòng mà Đặng Khải Thành không cho tôi đến gần đó cũng chính là nơi thờ phụng riêng của cô ấy, là thế giới của riêng anh ta.
Nghĩ đến Như Ngọc, lòng tôi lại trĩu nặng như bị hàng trăm khối đá đè vào, đè đến lồng ngực đau đớn!
Tôi không ngủ tiếp được nữa, cứ nằm như vậy đến khi Đặng Khải Thành đi làm mới bò dậy, liếc qua cánh cửa bên cạnh thấy đã đóng chặt mới đi thẳng ra phòng khách. Trên bàn trà vẫn là một túi đồ ăn sáng kèm một mẩu giấy. Lần này nhiều chữ hơn, Đặng Khải Thành viết: "Mấy ngày tới tôi không ở nhà".
Tôi đọc xong thì quẳng luôn tờ giấy đó vào thùng rác, lòng chán chường thầm rủa: Anh ta ở nhà hay không cũng chẳng có gì khác nhau, dù sao tôi vẫn bị giam lỏng mà thôi.
Thế nhưng, Đặng Khải Thành không về thì thời gian trôi chậm hơn thì phải, tôi ở nhà hết xem điện thoại rồi lại ngủ, cuộc sống vô nghĩa như vậy buồn chán vô cùng, quan trọng hơn là ba mẹ tôi đều đang nằm viện, mà tôi lại không thể nào đến thăm.
Đặng Khải Thành trả thù bằng cách này đúng là quá cao tay, không cần đánh đập hay sỉ nhục tôi, chỉ cần nhốt tôi như vậy là tôi đủ mỏi mệt và bức bối đến sắp phát đ.iên rồi, nếu cứ kéo dài như vậy nữa có lẽ một tuần nửa tháng nữa tôi cũng đ.iên thật mất thôi.
Đến ngày thứ 3 Đặng Khải Thành vắng nhà thì Đăng Nguyên gọi điện thoại đến cho tôi, anh ấy nói mẹ tôi đột nhiên trở nặng, dinh dưỡng truyền vào không hấp thụ được, hỏi tôi có muốn đến thăm mẹ hay không.
Tất nhiên là tôi muốn! Nhưng Đặng Khải Thành giam tôi ở đây, ra được bên ngoài là một điều nan giải, vả lại, tôi cũng không có số điện thoại của anh ta để gọi điện báo một tiếng, cuối cùng vì sốt ruột về mẹ nên tôi đành quyết định trèo tường ra ngoài.
Phải, chính xác là trèo tường ra ngoài. Ở ngoài sân thượng có một cành cây chìa vào, tôi đứng nghiền ngẫm một lúc, xác định giờ này mọi người trong khu tập thể hầu như đã đi làm hết, mấy bà cụ già cũng đang bận xem tivi trong nhà, thế nên xắn tay áo lên, hít vào một hơi thật sâu rồi nhẹ nhàng trèo xuống.
Trèo cây vốn không phải là việc khó khăn với tôi, bởi vì thời niên thiếu nổi loạn vẫn luôn trèo tường trốn học suốt, nhiều kinh nghiệm nên chỉ một loáng sau là tôi có thể tụt xuống đến nơi.
Có điều, khi chân tôi vừa chạm đất thì bỗng dưng có một bàn tay tóm lấy cổ tay tôi, tôi giật mình, buột miệng hét một tiếng:
"Mẹ ơi!"
***