Chương
Cài đặt

Chương 4

Chiếc ghế da kia chậm rãi xoay nửa vòng, vừa vặn đối diện với ánh mắt tôi. Trong phòng quá tối, tôi không nhìn thấy sắc mặt của Đặng Khải Thành, nhưng tôi có thể thấy thoáng chốc cằm anh như căng ra, bờ môi bất chợt mím chặt lại.

Là căm phẫn ư? Hay là oán giận? Hay là giây phút này anh chỉ muốn g.iế.t c.hế.t tôi, trả thù cho Như Ngọc của anh?

Tôi cười nhạt: “Hôm nay tôi đến đây rồi, anh muốn trả thù tôi thế nào, tôi sẽ nghe theo anh. Bảo tôi tr.eo c.ổ, nhảy sông, hay tự bắ.n một viên đ.ạn vào đầu, tôi cũng sẽ làm hết, nhưng trước khi c.hế.t, tôi có một yêu cầu. Cục trưởng, anh coi như nể tình chúng ta quen biết nhau 10 năm, đồng ý yêu cầu này của tôi được không?”.

Người kia im lặng hồi lâu mới đáp: “Em nói đi”.

“Chuyện ba tôi bị u.ng thư, chắc anh cũng biết rồi. Được điều trị hay không thì sớm muộn gì ông ấy cũng sẽ c.hế.t, nhưng nếu không được chữa bệnh ngay bây giờ thì ông ấy cũng chẳng sống nổi thêm mấy ngày nữa”. Sàn nhà hơi lạnh, người tôi ngấm mưa, nước nhỏ tong tong xuống sàn, đầu gối đau buốt: “Anh Thành, tôi biết ba tôi g.iế.t cả nhà anh, anh hận ông ấy, chỉ muốn ông ấy bị giày vò đau khổ cho đến c.hế.t. Nhưng mẹ tôi trở thành người thực vật 10 năm rồi, cũng sắp c.hế.t rồi. Tôi không hy vọng hai người họ có thể sống thêm 5 năm hay 10 năm nữa, nguyện vọng duy nhất của tôi là ba mẹ tôi chờ được nhau”.

“Cho nên?”.

“Cho nên tôi muốn dùng mạng của tôi đổi lại việc chữa trị cho ba tôi”.

Đặng Khải Thành mỉm cười nói: “Em cảm thấy tôi có thể nể tình chúng ta quen biết 10 năm, để người đã g.iế.t cả nhà tôi ra ngoài điều trị bệnh không?”.

“Không thể”. Tôi nói: “Nhưng tôi có thứ mà anh muốn”.

“…”

“Mạng của tôi”.

Nghe xong câu này, bờ môi Đặng Khải Thành mấp máy như muốn nói gì đó, nhưng nghĩ sao rồi lại thôi.

Lúc này, ánh sáng nhàn nhạt từ màn hình máy tính chiếu lên nửa dưới gương mặt của người đàn ông đó, tôi có thể thấy được quân phục phẳng phiu cùng bốn ngôi sao lấp lánh trên vai anh ta. Tôi cười tự giễu: “Anh Thành, trước đây anh là cảnh sát hình sự, có thể g.iế.t tội phạm, bây giờ anh đã là cục trưởng cục cảnh sát phòng chống ma t.úy, anh vẫn có thể g.iế.t tội phạm. Nhưng tôi chưa từng là tội phạm của anh, anh có hận tôi đến bao nhiêu cũng không thể nổ s.ú.ng g.iế.t tôi được”.

Đặng Khải Thành suy tư hồi lâu rồi gật đầu: “Em nói rất đúng. Em không phải tội phạm, tôi không g.iế.t được, nhưng nếu muốn em sống không tử tế, tôi vẫn làm được như thường”.

“Phải”. Tôi đáp: “Nhưng thông minh như anh chắc cũng hiểu làm như vậy rất tốn thời gian, mà ba mẹ tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa, bọn họ c.hế.t rồi, tôi sẽ lại chạy trốn như 10 năm nay thôi, lúc đó, tôi sống có tử tế hay không, anh cũng không quyết định được”.

Đặng Khải Thành cười lạnh: “Tôi nghĩ, có lẽ đến lúc đó tôi không cần làm gì cả. Mất đi người thân, để họ c.hế.t trong đau đớn khổ sở, tự em cũng sẽ cảm thấy giày vò day dứt cả đời. Chân Ý, thế thì em chạy trốn có ý nghĩa gì?”.

Tôi há miệng, muốn phản bác nhưng cổ họng như bị xương chẹn ngang, đột nhiên lại không biết phải đáp như thế nào. Có lẽ tương lai mà Đặng Khải Thành vừa nói cho tôi biết, chính là quá khứ mà cũng là hiện tại của anh ta.

Cha m.ẹ Đặng Khải Thành c.hế.t đau đớn và đột ngột cách đây 10 năm, chắc hẳn anh ta cũng đã từng giày vò bất lực như thế!

Đặng Khải Thành thấy tôi không đáp, giọng nói lại trở nên sắc lạnh như d.ao: “Thế nên, dựa vào đâu mà em nghĩ mạng của em có thể trao đổi điều kiện với tôi?”.

“Dựa vào việc tôi không hề có hẹn trước với anh, nhưng chỉ cần nói tên tôi là Đoàn Chân Ý, người của anh đã dẫn tôi đi thẳng vào đây”. Nhắc đến điều kiện, đầu óc tôi bất chợt tỉnh táo trở lại: “Nếu anh chưa từng nghĩ đến việc trao đổi, anh sẽ không để tôi đến tận đây, phải không?”.

Lúc này, cằm của Đặng Khải Thành mới giãn ra, anh ta đột nhiên đứng lên, từng bước đi về phía tôi: “Đúng vậy”.

"Thế thì cục trưởng, chúng ta thẳng thắn với nhau đi".

Đặng Khải Thành từ trên cao cúi xuống nhìn tôi, ngữ điệu nhàn nhạt: “Em nghĩ so với việc tự em t.reo cổ, nhảy sông, hoặc tự b.ắn một viên đ.ạn vào đầu, tôi muốn nhìn thấy cảnh tượng nào hơn?”.

Đầu tôi ong ong, chợt nhớ lại câu vừa rồi của anh ta: Tôi không g.iết được, nhưng nếu muốn em sống không được tử tế, tôi vẫn làm được như thường!

Phải rồi, Đặng Khải Thành làm sao có thể để tôi c.hế.t dễ dàng như thế. Ba tôi phạm tội tày đình như vậy mà chỉ thụ án chung thân, mẹ tôi ngã từ lầu cao xuống không c.hế.t vì được cấp cứu kịp thời, nhưng lại phải sống thực vật,… đó không phải sự trả thù của Đặng Khải Thành đó sao?

Anh ta không g.iế.t c.hế.t ngay, mà là từ từ hành hạ người thân của tôi, khiến ba mẹ tôi phải chịu đủ loại đau khổ cho đến c.hế.t. Ngay cả tôi cũng không thể tránh khỏi!

Nghĩ đến đây, tôi bất giác rùng mình, ngước lên nhìn anh ta, lại thấy Đặng Khải Thành vươn tay đưa về phía tôi: “Đứng lên đi”.

“Anh…”. Tôi vẫn giữ nguyên tư thế quỳ dưới chân Đặng Khải Thành, hỏi một cách đề phòng: “…Định làm gì?”.

Anh ta nhẫn nại nhìn tôi: “Em năm nay bao nhiêu tuổi?”.

Tôi cười nhạt, cảm thấy có nhiều chuyện con người ta có thể lãng quên, vô tình còn hơn cả thời gian. Tôi không cảm xúc đáp: “29”.

“29 tuổi”. Đặng Khải Thành lẩm bẩm tuổi của tôi, lại nói: “Đổi mạng của mình cho một người bị bệnh u.ng th.ư sắp c.hế.t, còn là phạm nhân phải chấp hành án chung thân, em cảm thấy đáng không?”.

Tôi không cần nghĩ, kiên quyết gật đầu: “Tôi cảm thấy đáng”.

Đặng Khải Thành không hỏi nữa, anh ta chỉ im lặng nhìn tôi, một lát sau mới nói: “Chân Ý, c.hết không dễ dàng như thế đâu”.

“Tôi biết, cho nên tôi đã chuẩn bị tinh thần từ 10 năm trước rồi. Anh Thành, tôi không trốn chạy nữa, hôm nay tôi đến đây, quỳ cũng quỳ rồi, anh muốn thế nào anh nói đi”.

Tiếng mưa rơi rả rích, từng hạt, từng hạt đập vào cửa kính sau bàn làm việc của Đặng Khải Thành. Trong căn phòng tối tăm, cuối cùng tôi chỉ nghe được tiếng hít thở của chính tôi.

Tôi cứ nghĩ người đàn ông kia sẽ vứt cho tôi một khẩu s.ú.ng, bảo tôi b.ắn từng phát đạn vào người mình, hoặc là bắt tôi quỳ giữa phố như lúc xưa tôi từng bắt anh ta quỳ trước mặt đàn em. Nhưng thật kỳ lạ, Đặng Khải Thành đột nhiên nói: “Đi theo tôi”.

Tôi giật mình ngước mắt lên, chỉ nghe tiếng anh ta đều đều vọng xuống: “Nếu em muốn đổi mạng của mình để ba em được ra ngoài điều trị, cũng được. Nhưng tạm thời mạng của em tôi chưa cần, thời gian còn dài, chúng ta cứ từ từ tính món nợ này cũng được”.

“Đi theo anh? Cụ thể là bao lâu?”. Tôi hiểu anh ta muốn từ từ giày vò hành hạ tôi, để tôi nếm trải cái gọi là sống không bằng c.hế.t, lòng không dao động đáp: “Hoặc là anh muốn từ từ hành hạ tôi bao lâu mới để cho tôi c.hế.t?”.

Đặng Khải Thành kiên nhẫn nhắc lại: “Chân Ý, c.hế.t không dễ dàng thế đâu”.

“Thế thì tôi cũng phải nói thẳng với anh, anh Thành, một khi ba m.ẹ tôi c.hế.t, tôi cũng không cần sống nữa. Thế nên nếu anh muốn kéo dài thời gian hành hạ tôi, thì cho ba tôi ra ngoài điều trị sớm đi. Ba tôi c.hế.t rồi, tôi cũng không còn hứng để chơi trò từ từ tính sổ với anh đâu”.

Đặng Khải Thành không nói gì, chỉ hất cằm chỉ về hướng cánh tay mình, tỏ ý bảo tôi bám vào đó để đứng lên. Nhưng không dám nắm tay anh ta, sợ thứ mình nắm không phải là đôi bàn tay to lớn vững chãi ngày xưa mà là một lưỡi d.ao sắc bén, cho nên chỉ lẳng lặng chống tay xuống sàn, nhấc đầu gối tê cứng đứng dậy.

Đặng Khải Thành liếc bộ dạng loạng choạng của tôi, chậm chạp thu tay về: “Sợ tôi à?”.

“Không hẳn là sợ”. Tôi đáp một cách thật lòng: “Mà là đứng bên cạnh kẻ thù, không thể không đề phòng”.

Anh ta bỗng bật cười: “Sau này em đi theo tôi, không thể đề phòng mãi được đâu”.

Tôi không muốn làm rõ việc này nên không đáp, Đặng Khải Thành cũng không hỏi đến cùng, chỉ bảo: “Ngày mai”.

“Ngày mai chuyện gì?”.

Anh ta lùi về phía sau ba bước, từ đầu tới cuối đều đứng trong chỗ tối: “Không phải em muốn ba em sớm được ra ngoài điều trị à? Trao đổi điều kiện sớm sẽ có lợi cho em”.

Tôi thầm cười khẩy trong lòng, lợi hay hại, rút cuộc chỉ có anh ta biết.

Tôi gật đầu: “Thế thì ngày mai tôi đến tìm anh”.

Đặng Khải Thành không đáp nữa, chỉ xoay người đi về bàn làm việc, tôi cũng không dây dưa thêm, quay lưng đi thẳng ra cửa. Có điều, lúc tay vừa chạm đến tay nắm cửa, tôi chợt nhớ ra một chuyện nên ngoái đầu lại, chào một câu rất mỉa mai: “Cục trưởng Đặng Khải Thành. Mấy chữ này treo trên biển hiệu trước cửa phòng anh nghe rất vinh quang”.

Người đàn ông kia bình thản đáp lại: “Cảm ơn”.

Rời khỏi phòng anh ta, tôi đi dọc hành lang quay về đường cũ. Lúc qua khúc cua, bỗng dưng lại gặp người công an ban nãy đã dẫn tôi vào. Hình như anh ta vẫn đứng chờ tôi từ lúc vào đến giờ, vừa thấy tôi đã lên tiếng:

“Cô Chân Ý, đi theo tôi”.

Tôi không hỏi tại sao anh ta lại biết tên mình, chỉ lạnh lùng đáp: “Cục trưởng của anh bảo ngày mai mới cần tôi đến”.

Anh ta hơi ngẩn ra, vài giây sau mới nói: “Ý của tôi là, tôi đưa cô về nhà”.

“Không cần đâu. Tôi tự bắt xe được”.

“Trông cô thế này, đi ra từ cục cảnh sát sẽ làm người dân nghĩ xấu về chúng tôi. Bây giờ báo chí xuyên tạc rất nhiều, tránh được cái gì thì tránh, đừng gây rắc rối cho cục trưởng”.

Phía cầu thang có gương, tôi liếc vào trong đó mới thấy bộ dạng mình lúc này có khi còn hơn quỷ. Đầu tóc ướt sũng rối tung, môi tái nhợt, quần áo ướt mưa dính sát vào da thịt. Mang theo bộ mặt này đi từ cục cảnh sát ra, có lẽ báo chí xuyên tạc thành: Cục trưởng cục phòng chống ma t.úy ở khu vực Tam giác Đông Dương – Đặng Khải Thành cưỡng b.ức con gái nhà lành ngay trong trụ sở cơ quan, có khi lại thu hút được đông đảo người đọc.

“Anh tên gì?”. Tôi quay lại nhìn người mặc cảnh phục kia, cũng thấy anh ta đang nhìn tôi, nhưng ánh mắt chỉ dừng trên mặt, không hề di chuyển xuống cổ áo ướt đẫm của tôi. Vẻ mặt anh ta rất chính trực, nghiêm túc, nhưng tôi lại có thù với cảnh sát nên chỉ thấy ngứa mắt.

“Quang”.

“Cái gì Quang?”.

“Đỗ Dương Quang”.

“Anh là cấp dưới của cục trưởng Thành?”.

Anh ta không đáp, chỉ bảo tôi: “Cô Chân Ý, về thôi”.

***

Ra khỏi cục cảnh sát, tôi nhìn thấy xe của Đăng Nguyên đang đỗ ở bên lề đường, nhưng có cấp dưới của Đặng Khải Thành ở đây nên tôi không muốn gọi anh ấy, đành đợi đến khi về tới nhà mới nhắn cho anh ấy một tin: “Anh Nguyên, em về nhà rồi, anh đừng đợi ở cục cảnh sát nữa”.

Tin nhắn vừa gửi đi, Đăng Nguyên ngay lập tức gọi lại cho tôi, chỉ nói bốn từ: “Chân Ý, đợi anh”.

“Vâng”.

Quãng đường từ cục cảnh sát về đến chung cư gần 10 cây số, thế mà 20 phút sau đã có tiếng cửa mở. Đăng Nguyên lao vào như một cơn gió, vừa thấy tôi đã nhìn chòng chọc từ đầu đến chân một lượt: “Chân Ý, em có sao không? Hắn có làm gì em không?”.

Tôi ném khăn lau tóc sang một bên, cười đáp: “Anh thấy rồi còn gì, em vẫn khỏe mạnh đây thôi, không mất sợi tóc nào cả”.

Đăng Nguyên đi đến gần nắm tay tôi: “Chân Ý, sao em lại ngốc thế?”. Lúc này tôi mới để ý mái tóc anh ấy cũng ướt sũng, có lẽ vì ban nãy không ngồi trên xe mà đi đi lại lại trước cửa cục cảnh sát: “Anh đã nói anh sẽ tìm cách, em đến đó cầu xin hắn làm gì? Hắn hận em còn không hết, làm sao đồng ý giúp em được?”.

“Anh Nguyên…”. Tôi khó khăn nói: “Anh ta đồng ý rồi”.

“Ai cơ?”. Vẻ mặt Đăng Nguyên đầy kinh ngạc.

“Cục trưởng cục phòng chống m.a t.úy ở khu vực tam giác Đông Dương – Đặng Khải Thành”. Tôi cười nhạt đáp.

“Vì sao?”. Cánh tay Đăng Nguyên bỗng nhiên siết chặt lấy tay tôi: “Chân Ý, em đã làm gì thế? Em trao đổi chuyện gì với hắn mà hắn đồng ý giúp em? Em đừng tin hắn, loại gián điệp hai mang như hắn có thể lừa cả ba em, lừa tất cả mọi người ở Hồng Hưng, hắn không đáng tin, Chân Ý, em đừng tin hắn”.

“Bây giờ anh ta có đáng tin hay không cũng không quan trọng nữa”. Tôi nhìn thẳng vào mắt Đăng Nguyên, chậm rãi nói từng chữ: “Có những món nợ đến lúc phải trả, thì bắt buộc phải trả. Anh Nguyên, 10 năm trước anh nói em phải sống tiếp để chờ ngày anh ta gặp quả báo, nhưng 10 năm trôi qua rồi, anh ta có gặp quả báo đâu. Hôm nay em đến, em thấy anh ta vẫn sống tốt, ngồi ở phòng làm việc to, trước cửa có tấm biển ghi Cục Trưởng Đặng Khải Thành, bên ngoài có công an canh gác 24/24. Anh ta bây giờ sống tốt lắm, nếu chờ được đến ngày anh ta gặp quả báo, chắc bố mẹ em, cả em nữa… cũng đã xanh cỏ rồi”.

“Chân Ý, dù hắn có gặp quả báo hay không thì em cũng không nên dây dưa đến hắn nữa”.

“Em biết”. Tôi gật đầu: “Nhưng ba em đến mức này, anh bảo em phải nhìn ông ấy c.hế.t khổ sở trong trại giam làm sao đây?”.

“Anh sẽ…”. Anh sẽ tìm cách, tôi biết, ý Đăng Nguyên là như vậy.

Nhưng ngay cả dược phẩm Nam Phương của anh ấy cũng sắp không trụ nổi, anh ấy lo cho tôi thế nào đây? Vả lại, ân oán chỉ là chuyện của tôi và Đặng Khải Thành, tôi không muốn kéo theo anh ấy vào.

Tôi lạnh nhạt ngắt lời: “Anh Nguyên, em đã nói rồi, có nợ thì phải trả. Mà thật ra anh ta cũng không yêu cầu gì quá đáng cả, chỉ là bảo em đi theo anh ta thôi”.

“Chân Ý”. Vẻ mặt Đăng Nguyên ngỡ ngàng không tin nổi: “Em biết đi theo anh ta nghĩa là gì không?”.

Tôi gạt tay anh ấy ra, lẳng lặng quay người đến cửa sổ, nhìn bầu trời mưa tầm tã bên ngoài: “Hôm nay em đến, quỳ dưới chân anh ta, bảo anh ta muốn em c.hế.t như thế nào, em sẽ c.hế.t như thế đó”.

“Chân Ý”. Đăng Nguyên lại gọi tôi lần nữa, dù không thấy mặt, nhưng tôi vẫn nghe được sự đau lòng và hốt hoảng từ thanh âm của anh ấy: “Cái đồ ngốc này…”.

Tôi cười: “Nhưng anh ta không chọn cách nào cả, chỉ bảo em đi theo anh ta. Anh Nguyên, bây giờ anh ta là cục trưởng cục cảnh sát phòng chống m.a t.úy, sẽ không có gan g.iế.t người hoặc hành hạ người khác đâu. Nếu anh ta dám làm thế, em sẽ tìm cách quay video lại, sau đó đến bệnh viện giám định thương tích rồi kiện anh ta đến không ngóc đầu dậy nổi”. Ngừng lại một lát, tôi mới nói tiếp: “Cho nên đi theo anh ta biết đâu có khi không phải hại, mà là cơ hội”.

“Em nghĩ hắn đơn giản như thế sao?”. Đăng Nguyên đi lại gần tôi: “Chân Ý, nếu Đặng Khải Thành đơn giản, hắn đã không nằm vùng được ở Hồng Hưng tận 10 năm, cũng không leo nổi lên cái chức cục trưởng kia chỉ trong vòng 10 năm. Hắn bảo em đi theo chắc chắn là có ý đồ hại em, hắn không thể có lòng tốt đến mức tha cho người đã g.iế.t cả nhà hắn được”.

“Ngày trước, anh ta cũng phải vào hang cọp mới bắt được cọp đấy thôi. Bây giờ em cũng thử làm như vậy xem sao”.

“Chân Ý, em là phụ nữ, em không phải là Đặng Khải Thành, em làm như vậy chỉ có thiệt thôi”. Đăng Nguyên lại lần nữa nắm lấy vai tôi, ép tôi nhìn thẳng vào mắt anh ấy: “Em nghe anh đi. Mọi chuyện cứ để anh lo, em đừng làm những chuyện ngốc nghếch nữa”.

Tôi định cãi đến cùng với anh ấy, nhưng nhìn bộ dạng Đăng Nguyên cũng thảm hại y như tôi, thậm chí ánh mắt còn đau lòng hơn cả tôi, tự nhiên mọi gai góc trong lòng tôi bất chợt dịu xuống.

Tôi im lặng một lát rồi sà vào lòng anh ấy, cánh tay quàng qua, ôm lấy eo Đăng Nguyên: “Anh có đói bụng không?”.

Lần đầu tiên tôi chủ động làm như vậy, Đăng Nguyên kinh ngạc hồi lâu, cơ thể cứng đờ lại. Một lúc sau, anh ấy mới cúi xuống gọi tên tôi: “Chân Ý”.

“Em đi nấu cơm cho anh nhé?”.

Đăng Nguyên không đáp, chỉ giơ tay vuốt mấy sợi tóc vẫn còn ướt vương trên trán tôi, gương mặt mang đầy vẻ mâu thuẫn lẫn dịu dàng.

"Chân Ý, nghe lời anh được không?"

Tôi bất đắc dĩ nói "Vâng" một tiếng.

Sau đó, có lẽ vì da thịt anh ấy quá nóng, còn da thịt tôi quá lạnh, hai loại cảm giác mãnh liệt đan xen nhau, giống như băng như lửa. Đăng Nguyên đấu tranh hồi lâu rồi từ từ cúi xuống, đặt môi mình lên môi tôi.

Thực ra, tôi đã xác định rồi, ngày mai tôi sẽ đi theo Đặng Khải Thành, về sau sống c.hế.t còn chưa rõ, nhưng những thứ tôi đã nợ Đăng Nguyên trong 10 năm qua, tôi vẫn muốn trả một lần.

Tôi không biết Đặng Khải Thành có muốn tấm thân này của tôi không, nhưng lần đầu tiên tôi không muốn cho anh ta, thứ tốt đẹp như vậy tôi muốn dành cho người đối xử tốt với tôi nhất, cũng là người tôi chịu ơn nhiều nhất.

Nhưng ngay khi cái chạm môi của Đăng Nguyên sắp chuyển thành một nụ hôn sâu thì bỗng dưng điện thoại của anh ấy lại đổ chuông, cả hai chúng tôi đều giật mình, sau đó Đăng Nguyên vội buông tôi ra.

Tôi mỉm cười: “Anh nghe điện thoại đi. Gọi đến giờ này, chắc là có chuyện đấy”.

Vẻ mặt anh ấy hơi mất tự nhiên: “Không sao đâu”.

“Nghe đi mà”. Tôi đẩy anh ấy: “Em đi nấu cơm”.

Cuối cùng, Đăng Nguyên phải miễn cưỡng nghe máy. Hình như ở công ty có chuyện cần giải quyết gấp nên lát sau anh ấy theo tôi vào bếp, ngập ngừng nhìn tôi: “Chân Ý”.

Tôi đeo tạp dề, trả lời qua loa: “Vâng”.

“Anh phải đến công ty một lúc, em ở nhà đợi anh nhé”.

“Vâng, em ở nhà nấu cơm, anh cứ đi đi”.

Nói xong, một lúc sau ngẩng lên vẫn chưa thấy Đăng Nguyên đi, tôi lại giục: “Anh mau đi đi mà”.

“Chân Ý. Chuyện trao đổi giữa em và Đặng Khải Thành, đừng vội vàng quyết định. Đợi anh về rồi chúng ta cùng bàn bạc, nghĩ ra cách tốt hơn, được không?”.

Tôi gật đầu: “Được ạ”.

“Hứa rồi đấy nhé”. Lúc này, sắc mặt anh ấy mới giãn ra: “Ở nhà đợi anh nhé, anh sẽ cố gắng về sớm”.

“Em biết rồi, anh mau đi đi”.

Sau khi Đăng Nguyên đi rồi, tôi vẫn lục đục vào bếp nấu cơm như bình thường, chỉ nửa tiếng sau đã xong một mâm cơm.

Mặc dù đã nói sẽ đợi anh ấy về để bàn bạc, nhưng tôi vẫn vào phòng gấp quần áo cho vào va ly. Tôi biết, đã đi đến ngõ cụt này thì chẳng thể rẽ sang con đường nào khác cả, có tìm hàng trăm cách, chúng tôi cũng đều không thể đối chọi lại với Đặng Khải Thành.

Vậy thì tranh cãi làm gì cho thêm mất thời gian, cứ lẳng lặng mà đi cho xong.

8h tối, Đăng Nguyên nhắn tin cho tôi nói vẫn chưa về được, tôi lên mạng thấy có một tài khoản phát trực tiếp việc nhân viên của công ty dược phẩm Nam Phương đang biểu tình đòi tiền lương, Đăng Nguyên lẫn ở trong đám người đó, dõng dạc nói to: “Hai ngày nữa công ty sẽ chi trả đủ số tiền lương của mọi người, và có cả một phần thưởng thêm cho việc mọi người thường xuyên tăng ca trong một tháng nay. Mọi người cứ bình tĩnh”.

Một người hét lên: “Làm việc 12 tiếng một ngày, lương được 7 triệu, giờ bọn tôi muốn nghỉ việc, chuyển đến một công ty trả lương đúng với sức lao động của chúng tôi. Anh là giám đốc, anh phải trả đủ tiền lương cho chúng tôi. Trả ngay bây giờ”.

Sau đó là những tiếng lộn xộn của hàng chục người cùng hò hét, tôi không muốn xem thêm, lẳng lặng thoát ứng dụng Facebook trên điện thoại.

12 giờ đêm, Đăng Nguyên lại nhắn thêm một tin nữa, nói có thể anh ấy sẽ về muộn, dặn tôi đi ngủ trước. Tôi nghe lời anh ấy, leo lên giường nhưng không ngủ được, thức trắng cả một đêm.

Ngày hôm sau khi loa phường phát bản tin 6h sáng, Đăng Nguyên vẫn chưa về!

Tôi nghĩ lần đầu tiên của tôi, có lẽ không thể cho anh ấy được rồi!

Tôi dậy tắm táp rửa mặt, để lại cho Đăng Nguyên một mảnh giấy rồi xách va ly xuống dưới nhà. Vừa đến sảnh đã thấy chiếc xe ngày hôm qua, người cảnh sát tên Quang kia đang đứng bên cạnh đó chờ tôi.

Tôi không nghĩ Đặng Khải Thành cẩn thận đến mức như vậy nên hơi ngạc nhiên. Lúc này, cấp dưới của anh ta cũng tiến đến, xách va ly cho tôi: “Cô Chân Ý, đi thôi”.

Tôi bật cười: “Cục trưởng của anh sợ tôi lại trốn mất à?”.

Dương Quang mím môi, không đáp, chỉ nói: “Cô lên xe đi”.

“Ba tôi thì sao? Ba tôi chưa được đến bệnh viện, tôi không đi”.

“Cục trưởng nói tôi đưa cô đến trại giam. Cô có thể đi cùng ba cô đến bệnh viện”.

Lời nói của anh ta làm tôi rất kinh ngạc, cũng cảm thấy khó tin. Nhưng sớm muộn cũng sẽ biết kết quả nên tôi không hỏi, chỉ im lặng theo anh ta lên xe.

Đỗ Dương Quang chở tôi đến trại giam, lúc này, phó giám thị trại giam đích thân ra đón anh ta, hai người trao đổi với nhau vài câu gì đó, tiếp theo có người dẫn tôi vào bên trong.

Ba tôi lúc này đang nằm ở phòng y tế, người lại gầy hơn, thấy tôi đến, viền mắt ông đỏ hoe: “Chân Ý, sao con lại được vào đây”.

“Ba, ba bị ốm, con xin được giám thị cho ba được ra bệnh viện điều trị. Bây giờ chúng ta ra bệnh viện nhé”.

Vẻ mặt ba tôi lập tức hốt hoảng: “Chân Ý, làm sao con xin được?”.

Tôi cười, ghé vào tai ông ấy nói nhỏ: “Anh Nguyên nói không có chuyện gì mà tiền không giải quyết được, nếu có chuyện mà tiền không giải quyết được thì cứ thêm vào đó rất nhiều tiền là xong. Ba, anh Nguyên và con đã lo xong cho ba rồi, ba cứ yên tâm ra bệnh viện điều trị nhé”.

“Chân Ý, vấn đề ở đây không phải là tiền, mà là…”.

Mà là Đặng Khải Thành, tôi biết, ông muốn nói như vậy.

Nhưng ba chữ đó, ba tôi mãi không thể thốt thành lời được, chỉ lẳng lặng nhìn tôi. Người trải qua nhiều sóng gió như ông, chắc hẳn đã cũng đã nghi ngờ tôi rồi. Nhưng tôi vẫn nói: “Ba, vấn đề ở đây chỉ là tiền thôi”. Tôi đỡ ba dậy: “Xe sắp đến rồi, ba dậy đi, chúng ta đi thôi”.

***

Trước đây chưa từng có tiền lệ người nhà được đi cùng phạm nhân đến bệnh viện, nhưng hôm nay, có lẽ do đích thân cấp dưới của Đặng Khải Thành đưa tôi đến, cho nên tôi được ngồi cùng với xe của trại giam tới bệnh viện cùng ba tôi.

Có hai quản giáo vẫn giám sát ba tôi 24/24, tôi cả ngày hôm ấy lại chạy đôn chạy đáo đi lo thủ tục nhập viện, mua thuốc, gặp bác sĩ, mãi đến tận chiều muộn Dương Quang mới bảo tôi ra về.

Ba tôi là phạm nhân, phải điều trị ở khu riêng, tôi không thể ở lại chăm sóc được, đành phải đưa tiền cho y tá trong đó nhờ họ chăm sóc ba tôi, sau đó mới theo Dương Quang đi về.

Xe chầm chậm chạy về hướng cục cảnh sát, nhưng đến một con ngõ nhỏ bỗng nhiên dừng lại. Dương Quang bảo tôi: “Cô Chân Ý, cục trưởng cũng vừa về đến nơi, anh ấy ở bên đường đợi cô”.

Tôi gật đầu, liếc sang bên kia mới thấy Đặng Khải Thành mặc một chiếc măng tô dài màu xanh đậm đứng dưới cột đèn bên kia đường, ánh sáng từ trên cao hắt xuống đỉnh đầu, chỉ thấy được sống mũi cao ngất của anh ta.

Tôi xách va ly xuống xe, băng qua dòng người, bước chân nặng như chì tiến đến chỗ Đặng Khải Thành. Khi tôi đến gần, anh ta mới xoay người, khẽ nói một tiếng: “Đi thôi”.

Tôi không hỏi, chỉ mím môi đi theo anh ta vào con ngõ đó, đường ở đây không lớn lắm, xe ô tô không vào được, thỉnh thoảng chỉ gặp mấy người phụ nữ lớn tuổi đạp xe đi từ chiều ngược lại đi ra.

Đặng Khải Thành cũng không lên tiếng, chúng tôi một trước một sau im lặng nối tiếp bước chân nhau. Năm phút sau, cuối cùng anh ta cũng dừng lại ở trước một cánh cổng lớn, tôi nhìn qua cánh cửa sắt rỉ sét mới thấy bên trong là một dãy nhà tập thể hai tầng cũ kỹ, cũ đến mức tường ở bên ngoài mọc đầy rêu phong, từng mảng sơn trắng bong lem nhem.

Tôi buột miệng hỏi: “Anh ở đây à?”.

“Ừ”. Đặng Khải Thành tra chìa khóa vào ổ, xoay xoay mấy vòng rồi đẩy cánh cửa nặng trịch ra: “Nhà tập thể, cục cảnh sát cho mượn”.

“Cục trưởng mà cũng ở nơi như này sao?”.

Lúc này, anh ta mới quay đầu nhìn tôi: “Em sợ không chịu được à?”

“Không phải. Tôi chỉ cảm thấy lạ thôi”. Giọng tôi có chút mỉa mai: “Anh đã mất công phấn đấu tận 20 năm, chà đạp bao nhiêu lòng tin của người khác để hoàn thành nhiệm vụ, cục trưởng Đặng Khải Thành cống hiến cho tổ quốc nhiều như thế, lẽ ra phải được đãi ngộ tốt hơn”.

Đặng Khải Thành không để ý đến sự châm chọc của tôi, chỉ bảo: “Vào đi”.

Từ cổng chính đi vào sẽ phải băng qua một khoảnh sân nhỏ, trong sân vứt đủ thứ đồ đạc linh tinh, từ nồi niêu xoong chảo hỏng không dùng nữa đến thùng rác, cả mấy chiếc chai nhựa dính đầy đất cát. Tầng 1 có 4 phòng, nhưng chỉ có một phòng sáng điện, còn tầng 2 thì tối om.

Đặng Khải Thành dẫn tôi bước lên cầu thang, được hai bậc, bỗng dưng anh ta quay đầu lại. Tôi giật mình, vội vàng nắm chặt va ly rồi kéo về phía trước, cố ngăn cách tôi và anh ta, dù chẳng có tác dụng gì.

Đúng lúc này có tiếng trẻ con ở căn phòng sáng điện kia hét toáng lên, sau đó là tiếng rít lên của phụ nữ: “Tao bảo mày ăn, mày có ăn không? Há miệng ra ngay không tao v.ả v.ỡ mồm mày bây giờ. Con với cái, có mỗi việc ăn thôi mà cũng không ăn được, thế thì mày còn làm được tích sự gì. Mày không ăn thì tao đổ cho ch.ó”.

Đứa bé liên tục khóc, hình như còn ném cả đồ nên tôi nghe được cả âm thanh loảng xoảng. Người mẹ đột nhiên mở cửa ra, kéo tay nó hất ra bên ngoài: “Thằng r.anh con này, biết mày thế này lúc đẻ mày tao b.óp mũi c.hế.t cha mày cho rồi. Cút, cút mau, không muốn ăn cơm thì ra đường ăn phân với c.hó”.

Cả dãy tập thể vốn yên tĩnh đột nhiên trở nên ầm ỹ, tôi thấy đứa bé khóc nhiều quá, định xuống xem sao, nhưng Đặng Khải Thành lại xoay lưng đi tiếp: “Chuyện bình thường ở đây, không cần để ý”.

“Cảnh sát cũng có loại người thô tục như này à?”.

Đèn flash trên điện thoại của anh ta đột nhiên bật sáng, bóng lưng Đặng Khải Thành đổ dài xuống người tôi: “Cảnh sát được cấp nhà ở đây hầu như đã dọn đi hết rồi, các phòng ở đây để không nên cho người từ nơi khác đến thuê trọ”.

“À…”. Tôi gật đầu, xách theo va ly đi theo anh ta, nhờ có ánh sáng nên tôi đã nhìn thấy được bậc thang, bước đi cũng dễ dàng hơn nhiều: “Lương của cục trưởng bao nhiêu?”.

“Đủ sống”. Đặng Khải Thành trả lời ngắn gọn. Lát sau, lại như nghĩ ra điều gì đó nên nói thêm: “Yên tâm, em ở đây không sợ không có cơm ăn đâu”.

“Chỉ sợ cơm của anh tôi không nuốt nổi thôi”. Tôi không nhịn được, lại nói móc.

Đặng Khải Thành không chấp, vẫn chậm rãi lên từng bậc cầu thang, khi đặt chân lên tầng 2, anh ta dẫn tôi đến căn phòng cuối cùng của dãy.

Đặng Khải Thành tra chìa khóa lần nữa, mở cửa, bật điện lên rồi quay đầu nhìn tôi: “Tôi ở đây, em vào đi”.

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.