Chương 9: Canh tàn rũ áo còn lau mắt
Sau buổi trưa hôm đó, Lam đã vô tình bắt gặp cảnh Nguyên hạnh phúc dựa vào vai Thành khi cả hai đang ngồi trò chuyện ở vườn hoa phía sau Phong Hoa cư.
Lam kể lại toàn bộ quá trình trong dáng vẻ kích động y như mới bắt được vàng. Đang đêm hôm bị làm phiền như thế Yên Hà không khỏi trau mày, sầu não tìm cách ghìm cô nhóc ầm ĩ bằng ba cái chợ này xuống:
"Đứng lại ăn nói cho hẳn hoi, đàng hoàng đi xem nào! Ai không biết còn tưởng là con bị m.a nhập bây giờ"
Lam hí hửng ngồi xuống sập, sau đó rót lấy một chén nước uống cho nhuận giọng rồi lại tiếp tục thao thao bất tuyệt:
"...Lâu rồi con không thấy chị vui thế này nên cứ không nhịn được. Liệu sắp tới anh Thành có tới xin cô cưới chị con không cô nhỉ?
Yên Hà thong thả đáp:
"Chuyện dựng vợ gả chồng mấy đứa cứ tự mình quyết định. Cô không có ý kiến gì, nhưng sau này nhất định phải yêu thương, bảo ban nhau không là cô đánh cho đấy"
Lam ngả người, gối đầu lên chân Yên Hà kiếm tìm lại chút cảm giác vô tư của những ngày còn bé. Thời gian cô ấy ở lại Phong Hoa cư chẳng còn nhiều nữa nếu không tranh thủ thì để đến bao giờ.
"Con biết cô chưa từng ép uổng chúng con bao giờ. Nhưng mà với chúng con cô cũng như cha, như mẹ. Thế nên công to việc lớn gì cũng phải tới báo cáo với cô một câu mới đúng chứ!"
Nói cứ như thánh phán ấy, Yên Hà dẩu môi, ấn vào trán Lam một cái:
"Sắp lấy chồng nên trưởng thành hẳn đấy nhỉ! Mấy cái cô quán triệt đã nhớ hết chưa, sau này về nhà người ta làm vợ làm mẹ người ta thì phải bớt bớt cái tính nóng nảy lại. Nếu không, có vì mắng mỏ nhau mấy lời mà chạy về đây khóc lóc cô cũng không chứa đâu"
Tuy là nói như thế nhưng cô cũng rất yên tâm vào sự bao dung và nhẫn nại của Trọng đối với Lam. Thật ra mỗi cô gái trên đời cũng chỉ cần một người như thế ở bên cũng đã có thể trở thành người hạnh phúc nhất trên đời. Đối với cô gái đặc biệt giống như Nguyên cũng vậy. Của cải hay công danh gì đó hoàn toàn có thể tan đi trong một sớm một chiều, nhưng yêu thương chân thành thì khác, mãi luôn ở đây, không gì lay động được.
Nghĩ đến đó, Yên Hà mới nhận ra, trước khi mọi bi kịch xảy đến, cô cũng đã từng là người con gái hạnh phúc nhất. Nhưng cũng chỉ là đã từng.
"Thầy con thương cô lắm!"
Nụ cười thanh thản trên môi Yên Hà ngay lập tức cứng đờ. Lam không nhận ra điều đó, cô ấy chậm rãi nói tiếp:
"Cô đừng vội cho rằng con đang nói linh tinh. Thầy thương cô như thế đến cả những người vô tâm, hờ hững nhất thế gian này cũng phải biết huống chi con quanh quẩn cạnh hai người suốt từ nhỏ đến lớn. Con tin chắc rằng cô cũng cảm nhận được điều đó nhưng con vẫn luôn không hiểu sao cô cứ cố gạt đi. Nhiều khi con thấy tội cho thầy..."
Yên Hà lặng người. Cô nhắm mắt, cố gắng làm dịu đi sự nặng nề đang đè nén nơi lồng ngực mình bằng một tiếng thở dài. Lam dù sao cũng vẫn còn ít tuổi nên vẫn chưa thể hiểu được rằng kề bên hay xa cách cũng đều là yêu. Với người ta dẫu cho có bị cuộc đời xô đẩy đến xơ xác cũng quyết tâm chọn cách tìm về với nhau nhưng một kẻ mang tội như cô thì làm gì có quyền được lựa chọn.
Một đêm tĩnh lặng.
Cành hoa mộc ngoài vườn nương theo gió ghé mình vào cửa sổ. Hương thơm đã lan tỏa khắp căn phòng nhưng cũng sao khỏa lấp đi được khoảng trống mà cái cảm giác chơi vơi để lại. Cô trở mình, cánh tay đang khẽ đặt trên mắt không cách nào ngăn nổi dòng lệ đắng cay. Đêm nay sao thật dài.
"Cô vẫn chưa ngủ đúng không?"
Nếu Yết Kiêu ở đây, hắn chắc chắn sẽ hỏi Yên Hà như thế. Nhưng trên chiếc giường nhỏ trong góc phòng đã chẳng còn bóng dáng cao lớn và vững chãi nào nữa, ngay cả hơi ấm cũng đã phai nhạt giống như hương vị trên ly trà nguội.
Trằn trọc một lúc Yên Hà túm lấy chiếc gối, chống tay ngồi dậy, thận trọng men theo vách tường đi đến bên chiếc giường nhỏ trống vắng. Mặc dù nội tâm cảm thấy mình bị điên thật rồi nhưng cô vẫn thản nhiên đặt lưng nằm xuống.
Khi mà những suy tư hỗn loạn đã thôi không cuồn cuộn trong tâm trí nữa cô mới chầm chậm khép mắt, trong miệng lẩm nhẩm mấy câu thơ, thầm mong bản thân có thể đi vào giấc ngủ cho qua được cái đêm chật vật này.
Trước đây, nhóc Lam cứ khó ngủ là sẽ năn nỉ cô đọc thơ cho nghe. Cô đọc hết từ đông sang tây, từ nam đến bắc nó không những không ngủ mà còn nhỏm dậy, tỉnh queo lí sự:
"Sao thơ cô đọc toàn bài lạ lạ thế nhỉ?"
"À, tại vì tác giả chưa ra đời đấy!"
Yên Hà khẽ cười, nhưng niềm vui nhỏ bé đó cũng tan đi rất nhanh, chẳng mấy chốc trái tim cô đã bị dòng cảm xúc tha thiết kéo đi mất, miệng cô vô thức nhẩm tiếp:
"Quái lạ, làm sao cứ nhớ nhau,
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu..."*
Đến đây, cô bất chợt thở dài. Cô thở dài vì bó tay với trái tim nói một đằng làm một nẻo của mình. Cứ thế này liệu đêm mai cô có tới trước cửa phòng hắn luôn không.
Tấm mành trúc khẽ động đậy, tiếp sau là tiếng bước chân rất nhẹ chẳng khác gì một cơn gió, chiếc gối của cô bị lún xuống một bên. Cảm giác quen thuộc ban nãy còn xa xăm tựa như một ảo giác mà giờ đã đến sát bên người. Không, không phải là ảo giác. Cô lúng túng dịch người về sau vậy nhưng ở đó ngoài bức tường lạnh toát ra thì chẳng còn khoảng trống nào nữa. Cứ như thế cô bị mắc kẹt trong vòng tay hắn.
"Sao giờ này anh lại đến chỗ ta?"
"Vương chưa hề gọi ta về phủ, ta không đến đây thì đến đâu?"
"Nhưng..."
Yết Kiêu khàn giọng đáp, hình như hắn có hơi buồn ngủ:
"Đừng nói gì cả! Cứ xem như... đây chỉ là một giấc mơ"
Một giấc mơ sao? Nhưng mơ thì làm gì có thật, mà chính bởi nó không có thật nên ở đó tất cả những điều điên rồ và hoang đường nhất cũng trở nên thật hợp lí. Quá khứ hay tương lai đều chỉ là những ý niệm chẳng mấy quan trọng. Đáng tiếc đời chẳng như mơ. Nhưng nếu đã là như vậy thì...
Yên Hà nín thở vứt gối qua một bên, vứt luôn cả mặt mũi chui vào lòng hắn. Yết Kiêu bị hành động đó của cô làm cho tỉnh ngủ luôn. Cô biết, nhưng mà kệ hắn chứ.
Trong đêm tối, không ai thấy được ánh mắt đầy vẻ yêu chiều của Yết Kiêu. Hắn vòng tay ra sau lưng Yên Hà dịu dàng vỗ về. Đoạn thơ ban nãy hắn từng nghe cô đọc rồi, chỉ là vẫn còn thiếu hai câu, hai câu mà hắn thích nhất:
"...Bốn phương mây nước người đôi ngả Hai chữ tương tư một gánh sầu" *
***
Hưng Đạo vương vừa từ Thăng Long trở về đã ngay lập tức cho người mời Yên Hà tới phủ. Vì cũng có vài chuyện cần nói nên dù đang bận túi bụi cô cũng thu xếp để đi. Vừa tới nơi thì đúng lúc chạm mặt Trương Thăng Phủ, kể từ sau buổi giãi bày lần trước cả hai chưa gặp lại lần nào nên có chào hỏi hai ba câu rồi mới cùng nhau đi vào trong.
Trên buổi trầu hôm nay, Quan gia đã thông báo trước triều thần rằng sẽ tổ chức một buổi nghị sự đặc biệt để bàn về sách lược chống giặc. Không sai, chính là thông báo, đã là thông báo thì không có chuyện bàn bạc xem đánh hay không đánh nữa. Tác phong dứt khoát đó của Quan gia đã gợi cho cô nhớ về vị Thượng phụ Thái sư – người đã mở ra cơ nghiệp cho họ Trần xưa kia.
"Thế giặc mạnh đến thần thánh cũng phải kiêng dè. Thái sư cần cân nhắc thật kĩ"
"Ta đánh giặc không có thói quen bàn lùi!"
Về buổi nghị sự đặc biệt đó, Quan gia chắc chắn không phải chỉ mới suy tính trong ngày một ngày hai. Có lẽ những lần triệu kiến kia chỉ là để thăm dò lập trường của từng người để biết nên dùng ai, loại ai cho trận chiến sau này.
Cuộc nói chuyện chủ yếu xoay quanh việc xây dựng cơ sở quân sự ở các địa phương dựa vào chính nhân dân để có thể tập chung tối đa quân lực cho kháng chiến. Nhưng tình hình hiện tại ở các địa phương không phù hợp cho việc tự phòng thủ nhất là trong trường hợp bị cô lập, cướp phá. Bởi vì địa hình bằng phẳng là địa bàn tác chiến sở trường của giặc Thát vậy nên cần phải để người dân sơ tán tới một nơi có lợi hơn cho kháng chiến lâu dài.
"Nếu bọn chúng chỉ quen thuộc địa hình bằng phẳng vậy thì đưa người dân sơ tán lên núi xây dựng làng xã tạm thời. Đại Việt ta núi đồi một dải như vậy sẽ không phải lo lắng về việc bị cô lập chia cắt. Hơn nữa, trên núi cũng khá thuận tiện cho việc cất giấu lương thực nếu chẳng may có bị tấn công vào cũng sẽ không bị tìm ra."
Ý kiến của Trương Thăng Phủ quả thật rất hay, cũng rất táo bạo. Nhưng Hưng Đạo vương vẫn thấy một điểm còn chưa thỏa, đó là nguồn nước. Không phải vùng rừng núi nào cũng gần sông suối, muốn ám trụ được lâu dài bắt buộc phải có nguồn nước.
"Yên Hà! Cô có đối sách gì không?"
"Đào giếng!" Yên Hà chậm rãi giải thích "Chẳng phải tập quán của Đại Việt là dựng làng ở đâu đào giếng ở đó để tất cả cùng dùng chung hay sao? Không chỉ trên núi mà những vùng không được gần sông suối khác ở Đại Việt đều làm như vậy. Vương! Tôi cho rằng nên vận động nhân dân lên núi dựng làng từ ngày mai, khi đã chuẩn bị trước thì sau này khi giặc tấn công sẽ rút ngắn được thời gian sơ tán và cũng nhanh chóng ổn định được cuộc sống."
Đào giếng ở trên núi không phải là một chuyện dễ dàng. Nhưng không phải mọi người còn có cô ở đây hay sao.
Hưng Đạo vương gật gật đầu, tỏ ý rất hài lòng:
"Quan gia đã thống nhất chủ trương đó là chiến đấu lâu dài, vậy nên cái gốc là hậu phương phải thật vững chắc. Ta sẽ lập tức đem chuyện này tâu lên quan gia để xin được phê chuẩn. Chắc sẽ không mất nhiều thời gian."
Hết tuần trà thứ ba, Trương Thăng Phủ đứng dậy nói lời cáo biệt rồi rời đi trước. Yên Hà thư thả, ngồi uống cho hết chén trà trên tay. Tất bật cả ngày tới ngụm nước cũng quên uống luôn, may là cũng đã hòm hòm cả rồi.
"Dạo này việc chuẩn bị đám cưới làm tới đâu rồi. Thấy bảo cô tự tay thêu gối làm quà cho hai đứa nó à?"
Yên Hà sực tỉnh, tư lự đáp:
"Chỉ là một món quà nhỏ để chúc phúc thôi. Nhưng tôi mới chỉ kịp làm xong một chiếc vì không có thời gian để mà tranh thủ. Haizz, Vương không biết đó chứ, lễ cưới của tôi lúc trước tôi cũng chẳng phải tốn nhiều công thế này đâu"
Nói đúng ra là cô chẳng phải làm gì cả ấy. Tuy là phải dậy sớm hơn bình thường nhưng ăn bận với trang điểm ra sao thì đã có người hầu lo liệu. Tới gần trưa, theo tục lệ cưới hỏi của Âu Lạc, phụ vương trao cho cô và Trọng Thủy một đôi chim nhạn ý nói mãi mãi bên nhau. Sau đấy, cô với tên chồng không muốn cũng phải lấy kia ở trước mắt hàng trăm người tham dự cùng nhau thả đôi chim đó lên trời. Từ đoạn này trở đi theo tục lệ Nam Việt, tức là Yên Hà sẽ được dắt vào phòng tân hôn ngồi đợi. Đấy là người ta nghĩ thế, chứ đúng một khắc sau cô đã nghênh ngang ngồi trên mái nhà rồi. Để làm gì á? Để bắn hạ hai con chim kia chứ còn làm gì.
Vì chim nhạn là loài chim son sắt, thủy chung nên Âu Lạc mới có tục lệ thả một đôi chim nhạn lên trời trong ngày hai người yêu thương nhau nên vợ nên chồng. Yên Hà suy nghĩ rất đơn giản, cô với người đó chẳng được thả cùng nhau vậy thì cô nướng nó lên cho chàng ăn chung cũng được. Chính ra như thế còn hay hơn.
Mấy năm sau, lúc Trọng Thủy biết được chuyện này, gã đã tức đến độ suýt nữa thì bóp chết cô luôn. Tất nhiên chuyện đó đã không xảy ra nhưng cuộc cãi vã ấy lại chính sự khởi đầu của một bi kịch không cách nào vãn hồi của sau này.
Hưng Đạo vương khẽ nhướng mày, trong đôi mắt có thoảng chút nét cười ý vị:
"Cô đã từng lấy chồng cơ à?"
"Vương hỏi thế là sao? Cái mặt này của tôi lại không có ai thèm lấy chắc"
Ông bật cười:
"Chuyện đó ta nào dám nghi ngờ chứ. Chẳng qua ta thấy cô ít khi nhắc đến nên có phần hơi bất ngờ thôi mà..." Hưng Đạo vương đè nhỏ giọng, thủ thỉ như cách mà những người bạn thật sự trò chuyện với nhau "Đó là trước đây, vậy bây giờ cô tính thế nào?"
"Thế nào là thế nào?" Yên Hà ngây ngốc hỏi ngược lại. Cô biết ông luôn coi mình giống như một người con gái bình thường, chứ không phải tiên nữ thoát tục không vướng bụi trần gì đó kia. Nhưng mà trong mấy chuyện như thế này không phải cứ tính là sẽ được. Nếu thật sự dễ dàng như thế thì tội gì cô lại phải cắn răng mà để hắn đi lấy người khác thế này.
Thấy Yên Hà lại trầm ngâm không nói, Hưng Đạo vương rũ mắt thở dài:
"Thôi thì đây là chuyện riêng của cô. Ta không can thiệp nhiều nữa. Nhưng vì sao đôi mắt cô lại thành ra thế này ta cho rằng Yết Kiêu cần phải biết"
Nhiều khi Hưng Đạo vương cứ như là cha của cô vậy, động tới cái gì cũng lo cô sẽ phải chịu thiệt thòi. Yên Hà trân trọng tấm lòng đó nhưng trong việc này cô không cứng rắn không được.
"Bao giờ thuộc hạ của ngài lấy vợ ta sẽ nói cho hắn biết."
"Cô... cô biết như thế là tàn nhẫn lắm không?"
"Rồi ngài sẽ thấy để hắn theo ta mới là tàn nhẫn."
Chú thích:
*Trích Tương Tư - Tản Đà