Chương 14. Qua thăm nhà cậu hai
Thầy thuốc lập tức do thị vệ Phương Bình rước từ tận nhà đưa tới trọ quán, thầy xem qua vết thương của cô út rồi bắt đầu giã lá, sau cùng gỡ lớp vải quấn tạm kia ra và đắp lên vết hở cho cầm máu.
Bà Diệu đứng kế bên trong lòng cũng thấp thỏm lo âu lắm.
“Bẩm công tử, không có gì đáng quan ngại, rất may là chưa cắt vào động mạch chủ.”
“May rồi. Phương Bình, trả tiền.” Ngữ điệu Thiệu Cảnh thoát ra lạnh đến cùng cực, song trong lòng lại đang thở phào nhẹ nhõm.
Người thầy thuốc cầm lấy tiền trên tay, mau chóng cúi đầu rồi lui cùng với thị vệ của Thiệu Cảnh.
Kim Ân ngồi bật dậy, tựa người sát vào bệ giường mà nói: “May với ông chớ có may với tôi đâu, khi không xông vào buồng người khác rồi làm người vô tội bị thương.”
“Trông ta già lắm sao mà gọi bằng ông?”
“Thưa phải, ông già lung lắm!”
“Từ ngữ nói chuyện thật khó hiểu.”
Thiệu Cảnh liền quay ánh mắt đi, môi vẫn tiếp lời. “Ta không ở đây đôi co với ngươi nữa nếu không sao thì ta đi đây.”
Sau đó cánh cửa buồng lập tức đóng lại, còn mỗi mình cô út ngồi ở trên chiếc giường, nắm chặt lòng bàn tay cuộn vò tấm chăn, cô dõi ánh mắt liếc theo sau dáng người của Thiệu Cảnh.
Cũng trong năm, Hoàng đế Hòa Khánh đã cho di dời xong các lăng tẩm, những vị trí đất trống đó ngài cho xây lên các ngôi miếu, đền để thờ phụng tướng lĩnh, binh sĩ từng tiến công cho triều đình.
Việc xây dựng vẫn còn trong tiến trình nhưng lại có thể hình dung sau khi hoàn thành, khung cảnh đô thành Phú Xuân tọa lạc bên dòng sông Hương dịu dàng thơ mộng ấy chắc hẳn sẽ là bức tranh hòa màu xinh đẹp nhất.
Lúc này trên điện Càn Thành vẫn còn nằm ngoài Thăng Long, Hòa Khánh trong khi đang chăm chú viết chỉ lệnh thì quan thái giám từ ngoài sân chậm rãi bước vào. Bộ y phục chỉ là áo tứ thân xẻ giữa xanh dương đậm, đầu đội khăn đóng.
Chu Đăng Quảng tiến lại cách vua chục bước, hắn đan tay xá thấp xuống tới nửa người rồi tiến lên thêm một bước nữa, quỳ rạp hai gối dưới đất mà lạy, cuối cùng mới tâu:
“Khởi bẩm thánh thượng, đã có thư của ông hoàng cả gửi về.”
Chu Đăng Quảng dâng lên trước mặt, vua ngay sau đó gác bút lên nghiên, ngẩng mặt lên khẩn trương nói:
“Đâu đưa ta xem.”
Viên thái giám họ Chu tiến đến bên cạnh đức vua bằng hai tay cung kính. Hoàng đế Hòa Khánh vừa xem xong sắc mặt liền có biến chuyển, ông giận dữ đập mạnh tay xuống bàn.
Đăng Quảng khẽ giật mình, hạ thấp người xuống cùng lúc nhấc gót chân về phía sau, song bên ngoài vẫn cố gắng giữ dáng vẻ điềm tĩnh để tâu tiếp:
“Bẩm thánh thượng, sự tình dưới các trấn miền Nam vô cùng hỗn loạn, không khéo sẽ kéo lan sang tới Trung Kỳ và cả trong này khi bây giờ nạn lưu hành tiền giả chưa có dấu hiệu dừng lại.”
“Thật chẳng ra làm sao. Những bọn người này dám coi tôn pháp quốc gia chẳng ra gì, lợi dụng người khác để trục lợi cho bản thân, gây nhiễu loạn trong lòng dân chúng.”
Trên gương mặt hoàng đế chưa một chút nào nguôi giận, ông nhíu mày đưa tay chỉ vào trong lá thư: “Trong thư ông hoàng cả có viết, sự việc này đầu tiên bắt nguồn từ các lái buôn vào trong đất liền, lúc trao đổi hàng hóa đã dụng loại tiền giả này để tráo đổi vật phẩm. Họ cũng đã nhanh chóng báo quan, đáng nhẽ đến đây đã chấm dứt và báo cáo về triều đình. Nhưng thời thế đương yên bình mà vẫn xuất hiện bọn hư quan nổi dậy lòng tham, tiếp tay lưu truyền số tiền đó trong việc phân phát lương bổng, xử án không công minh lại còn tráo đổi tiền đền bù cho người bị thiệt hại bằng những loại đồng tiền giả ấy. Những loại này nếu không trị tội thật nặng, thì khó răn bảo sau này. Cho nên khi đủ chứng cứ định tội xong thì bắt hết đem về triều đình cách chức, lột sạch áo quan, sung đi hải đảo làm việc khổ sai.”
Thái giám Chu Đăng Quảng đứng dưới sảnh chầu vừa cúi đầu vừa tỏ ý tán thành với cách nghiêm trị của hoàng đế, họ Chu nói:
“Lúc trao bức thư này, thị vệ Phương Bình nói rằng ông hoàng cả đang ra sức thu thập chứng cứ, hơn nữa còn tự mình lập trạm giữa đường để kiểm soát những chiếc xe chở hàng đi ngang qua. Rất sớm sẽ có tin báo về triều.”
“Ta cũng mong là sẽ sớm giải quyết chuyện này triệt để.”
*
**
Giồng Cái Én, làng Tân Mỹ Chánh thuộc trấn Định Tường, huyện An Trạch.
Qua hai hôm sau khi cô út Kim Ân trở về nhà, thì đúng lúc hay tin vị hôn phu của cô – cậu Thanh Sang bị gãy chân do vì cưỡi ngựa, nên thành thử ra lễ thành hôn của hai người cũng phải tạm gác lại.
Nhân lúc đầu giờ chiều, trời vừa hạ nắng, sau khi cô dặn dò bọn đầy tớ trong nhà xong xuôi hết thảy mọi việc. Thì cô xách một cái giỏ ấp đầy những rau củ trong vườn nhà trồng, rồi đội nón cụ đi qua rặng dừa nước đến bên nhà cậu Thanh Sang.
Từ ngoài cổng, gặp đứa gia nô, cô tõ rõ việc nên nó liền một hơi chạy vào trong thưa lại với cậu hai nó rằng có cô út nhà ông bá hộ Quyền ghé thăm. Cậu nghe vậy liền ừ, mới kéo vai nó, còn nó thì cũng phụ một tay đỡ.
Thanh Sang chống nạng bước ra nhà trước, ở từ xa Kim Ân gật đầu chào và nói: “Chưn cậu hai đỡ nhiều chưa? Bị đau vậy mà tôi còn phiền cậu ra đây, tôi thành thực xin lỗi.”
“Có sao đâu cô út. Hổng lẽ lại để cô vào phòng, vậy thì kì cho cô quá. Thôi, cô ngồi đi.”
Thằng gia nô vừa nãy đi tới phía bàn, từ trong cái ấm thạch biều pháp lam rót thành hai chén trà.
“Mời cô uống nước.” Thanh Sang đưa tay và nói.
“Sao nhà chỉ có cậu hai, còn ông bà quan huyện đâu?”
“Dạ, ông ở nha đường còn bà thì đi công chuyện từ sáng sớm tới chiều mới về.” Đứa người ở lanh lẹ đáp lời.
Thấy thế Thanh Sang mới quay sang nói với nó: “Thôi mày xuống nhà sau lo việc dưới đó đi, để ở trên này tao tiếp cô út, mày không phận sự phải xen vào đâu.”
“Dạ…” Nó lúi cúi rồi nghe lời làm theo.
Quay trở lại cuộc nói chuyện giữa hai người ban nãy, Kim Ân đưa cái giỏ đặt lên trên bàn đồng thời nói:
“Lúc nghe cậu té gãy chưn, tôi lo quá chừng. Tôi có hỏi thầy lang, thì thầy kêu những loại rau cải này rất hữu dụng cho người bị thương, nên tôi mới hái một ít trong vườn nhà đặng qua thăm hỏi cậu. Cậu cũng ráng uống thuốc đều đều cho mau lành bệnh nghen.”
“Qua cảm ơn tấm lòng của em.”
Để không lỡ bất kỳ thời gian quý báu nào, Thanh Sang bằng ngữ giọng tình cảm, nhìn cô út nói tiếp:
“Em đồng ý về nhà làm vợ qua, qua vui lắm! Không biết nên bày tỏ niềm vui ấy như thế nào cho em được hiểu, nhưng mà trước tiên có lẽ em đã hiểu tấm chân tình của qua. Mà ngặt nỗi, vì cái chưn này nên là đám cưới phải dời chưa biết tới chừng nào.”
“Quan trọng nhứt vẫn là sức khỏe của cậu hai mà.”
Đổi lại những câu nói của Thanh Sang, Kim Ân đáp một cách khiêm tốn.
Bất chợt cậu quay qua nhìn kĩ càng cô hơn, cất giọng thắc mắc: “Cổ của em bị gì thế? Bình thường em đâu có che khăn.”
Kim Ân sờ lên cổ mình, đúng hơn là sờ lên chiếc khăn nhỏ quấn quanh sau cái cổ áo hình trụ thẳng đứng. Cô nhẹ nhàng đáp, gương mặt bỗng sáng lên nhờ nụ cười duyên:
“Mọi khi chắc là cậu hai để ý tôi dữ lắm đa.”
“Ờ, thì…”
Thanh Sang xấu hổ mới liền trở mặt đi, cậu thật là vô tứ khi để sơ hở cho cô phát hiện.
Nghe Thanh Sang nói vậy trong bụng cô nghĩ chắc cậu cũng đang thật tình hỏi thăm mình, không ngại sau khi kể rõ sự tình thì tháo bỏ chiếc khăn ra.
“Thiệt ra lúc tôi đi xuống Vĩnh Thanh, có trọ qua đêm ở một quán trọ, người chủ đó cũng là dì tôi. Rồi chẳng may đêm ấy bọn cường đạo đột nhập vào, chúng kề dao uy hiếp hết tất cả. May là ở đấy có người biết võ công nên kéo lấy tôi cứu một mạng, nên chỉ bị thanh kiếm của gã thảo khấu sượt một đường nhỏ, chớ không thì đã…”
“Dữ hôn! Rồi chỗ thương đó có đau nhức nhiều không?” Thanh Sang thoáng sững sờ và thốt lên.
“Ngay tại lúc đó thì đau nhiều nhưng mà bây giờ đã đỡ rồi.”
“Hồi qua có gặp mẹ em ngoài chợ, vậy mà chẳng nói qua biết một tiếng nào hết. Nhìn em vậy qua thấy xót cho em lung lắm!”
“Thiệt là cậu xót cho em hôn? Chớ sợ rằng sau này để lại sẹo lớn thì cậu sẽ không còn thương em nữa.”
“Ấy, qua thương em không hết, sao em lại trách qua như vậy.” Thanh Sang tay kia vịn thanh gỗ bắc ngang cái nạng, còn tay kia thì lại chối đây đẩy.
Cả hai ngồi nói chuyện cho tới khoảng đầu giờ Thân thì Kim Ân xin phép ra về.
*
**
Trong khi ấy, ở thành Thăng Long, Chu Đăng Quảng vẫn nghiêm mình chưa chịu rời đi, hoàng đế thấy vậy bèn hỏi: “Sao còn có chuyện gì?”
Khi này ông lại cung cẩn bạch rằng: “Bẩm thánh thượng, những người dân Chiêm quốc cũ đang phục dịch ở mạn Tây biên giới, đếm tổng số thì đến nay đã chết hơn hai trăm bốn mươi người, đàn ông, đàn bà, người già, con nít đều có cả.”
“Vậy ư?” Hoàng đế Hòa Khánh lạnh nhạt đáp.
“Đáng nói, cách đây hai hôm ngài Tổng trấn thành Quy Nhơn vừa mới tóm một nhóm người Chăm, đang lẩn trốn trong hang động tại bán đảo Phương Mai.”