Chương 2: Bức tranh ngài hầu tước
Nam Phong khôi phục trạng thái bình thường tiếp tục bước về phía trước nhưng mỗi bước chân càng tiến lên, sóng lưng của cậu lại như có luồng gió lạnh thổi vào, lạnh đến tận gáy. Người con trai chỉ cho rằng do thời tiết đang lạnh.
Tòa lâu đài trước mặt cậu tỏa ra một bầu ám khí quỷ dị, áp bức người đang muốn bước chân vào, nếu ai mà yếu bóng vía chắc hẳn sẽ bị dọa cho xem. Thảo nào những người khác không thích đến đây.
Nam Phong nghe được không ít câu chuyện huyền bí về khu vực này, đặc biệt là lâu đài trước mắt cậu trước khi tới Dạ Huyên. Nhưng cậu thực sự không tin lắm. Dù sao cũng là nam nhân thân dài vai rộng, tuy không phục vụ quân đội như các hoàng từ khác nhưng cậu cũng không dễ bị dọa nạt bởi mấy lời đồn ma quỷ như thế.
Chỉ còn cách nhóm người hầu vài mét, hoàng tử Nam Phong nhìn thấy quản gia đang nở một nụ cười tiêu chuẩn với mình. Bất thình lình đồng phục của tất cả người hầu đứng phía sau đều biến thành trang phục của người hầu thời cổ xưa mấy trăm năm trước, mặt mày của họ ai cũng trắng bệch bất thường, mỉm cười vô hồn với cậu. Nam Phong thoáng giật mình chớp mắt, ngay lập tức cảnh tượng trước mặt đã trở về bình thường như không có gì. Trong lòng cậu chợt dâng lên cảm giác bất an. Đoán chừng do bản thân đã ngồi máy bay quá lâu nên mệt mỏi trong người.
“Điện hạ, chào mừng ngài đến với lâu đài Hoành Tước.”
“Tôi là Châu Thụy, quản gia của tòa lâu đài, rất hân hạnh được phục vụ ngài. Trong thời gian nghỉ ngơi ở đây, nến điện hạ cần gì xin ngài cứ thoải mái sai bảo chúng tôi.” – Quản gia vô cùng kính cẩn đón tiếp cậu.
Bà ta nói thêm vài câu rồi dẫn Nam Phong vào trong. Khác với vẻ cũ kỹ bên ngoài, bên trong lâu đài được bài trí nội thất vô cùng xa hoa rực rỡ, không hề kém cạnh cung điện Bạch Lân nơi đức vua và vương hậu sinh sống. Nhưng mà như vậy, Nam Phong mới thấy kỳ quặc.
Châu Thụy niềm nở giới thiệu sơ qua tòa lâu đài cho cậu. Nam Phong bước vào đại sảnh, thứ đầu tiên đập vào mắt cậu chính là bức tranh chân dung khổ lớn của một nam nhân được treo trên tường nằm ngay khúc quẹo cầu thang. Anh ta độ chừng hơn ba mươi tuổi, mặc quân phục của tướng quân thống lĩnh ngày xưa, vóc dáng dũng mãnh, ngũ quan sắc nét, đôi lông mày kiếm dày đậm, mang vẻ dữ tợn ngang ngược. Trên ngực trái đeo huân chương dày đặc.
Nam Phong tấm tắc trong lòng bức tranh này vẽ thực quá mức chân thật, vừa nhìn vào đã cảm nhận được khí thế cường quyền của người đàn ông trong tranh.
Cậu biết người đàn ông trong tranh, cậu đã nhìn thấy qua hình ảnh của ông ta trong vài quyển sách sử thi của Mạnh Vĩ quốc.
Hầu tước Nguyên Bách Hãn, chiến thần chiến tranh tàn bạo khát máu thời vua Gia Uy. Ba trăm năm trước ông ta từng là tư lệnh tối cao, đại thống soái chỉ huy lực lượng quân đội chinh phạt nhiều vùng đất xa xôi, mở rộng bờ cõi cho Mạnh Vĩ quốc. Rất nhiều vương quốc khác khiếp sợ cái tên của ông ta. Chỉ cần vó ngựa của Nguyên Bách Hãn dậm tới đâu, nơi đó liền biến thành hồ máu, không biết bao nhiêu quân lính của nước khác đã chết dưới tay quân đội của ông ta. Dân chúng ở nơi đó cũng thống khổ khóc than. Vị tướng này là cơn ác mộng của rất nhiều vị vua đương thời.
Nguyên Bách Hãn nổi tiếng trong lịch sử là một đại thống lĩnh và là một chiến binh tài ba của đất nước nhưng tính tình ông ta cực kỳ hung bạo tàn nhẫn. Đối với người dân ở vùng đất Hiên Khánh mà ông ta cai trị cũng vô cùng sợ hãi cái tên Nguyên Bách Hãn. Chỉ cần làm ông ta giận ngay lập tức cả gia đình đều sẽ bị chém chết ngay tại chỗ không cần xét xử. Nguyên Bách Hãn tàn sát dân chúng ở nơi khác để thỏa mãn tham vọng chinh phạt bá quyền của mình. Sau này khi vua Gia Uy cảm thấy vương vị của mình bị đe dọa vì quyền lực trong triều của Nguyên Bách Hãn ngày càng lớn, đức vua mới cùng với các triều thần khác cấu kết với nhau nghĩ ra kế sách hãm hại hầu tước.
Trong lịch sử có ghi chép lại Nguyên Bách Hãn tới lúc chết vẫn chưa thành hôn nhưng lại nuôi một tình nhân trong lâu đài. Ông ta đối với vị ái nhân này si mê vô độ. Có lần phải ra chiến trường nửa năm, ông ta vì không nhịn được nhung nhớ nên lén lút sai người đưa tình nhân ra doanh trại ở biên giới, cùng người đó quấn quýt hoang lạc cả đêm.
Đứa vua biết được điều đó nhưng cũng không dám vạch tội, sau này cố tình điều một mình Nguyên Bách Hãn ra ngoài biên giới giải quyết tranh chấp với nước láng giếng. Trong thời gian đó Gia Uy đã đưa quân tới tòa lâu đài Hoành Tước âm thầm giết sạch những người hầu hạ ở bên trong, bao gồm cả tình nhân sắp cưới của hắn. Nguyên Bách Hãn trở về nhà phát hiện lâu đài của mình đã chìm trong bể máu, nhìn thấy người mình yêu nhất đã không còn hơi thở, hắn như một con thú bị chọc giận điên cuồng ôm thi thể tình nhân khóc rống sau đó tự sát.
Lúc học ở trường, Nam Phong luôn tự hỏi Nguyên Bách Hãn là một tướng quân dũng mãnh mà lại dễ dàng chết như vậy sao? Cũng quá mềm yếu và si tình rồi, còn chết theo tình nhân nữa. Mà tình nhân này của hầu tước trong sử sách chẳng có ghi chép lại gì nhiều. Chỉ biết là em gái của một tử tước sống gần vùng đó.