Chương 3: Chú rể là người"chết"
Bên ngoài, trời bắt đầu đổ cơn mưa, tiếng gió gào rít cùng với tiếng sấm chớp nổ vang cả bầu trời.
Tôi ngồi dựa vào cửa khóc nức nở, tôi rất sợ, từ bé tới giờ tôi chưa từng trải qua chuyện gì đáng sợ như vậy. Tiếng mưa át hết cả tiếng khóc của tôi, không biết qua bao lâu, ngoài trời có tiếng sét đánh làm tôi giật cả mình.
Tôi ngẩng mặt lên, trong phòng một mảng tối om, tôi cố gắng chấn tĩnh lại tinh thần. Dù rất sợ hãi, song hai chân tôi cứ không ngừng run, dù vậy tôi vẫn phải cố lần mò tìm công tắc điện.
Tim cứ đập thình thịch mãi không thôi, sau một hồi mần mò thì tôi cũng tìm được cái công tắc, tôi ấn mở điện lên.
Trong phòng có ánh sáng nên tôi cũng đỡ sợ đôi chút, nhưng dù có ánh sáng thì mỗi lần nhìn tấm ảnh vứt ở trên giường vẫn làm tôi lạnh hết cả người. Tôi tìm một góc trong phòng thật xa cái giường rồi ngồi xuống, cả ngày hôm nay tôi mới chỉ ăn hai cái bánh bé xíu, bây giờ vừa đói lại vừa mệt. Tôi co ro ngồi một góc trong cái căn phòng rộng thênh thang, mặc dù vẫn chưa hiểu lắm nhưng tôi cũng lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra rồi.
Trong đầu rối như tơ vò, đợi ngày mai khi gặp dì Oánh rồi tôi sẽ hỏi rõ mọi chuyện. Cơ thể không còn chút sức lực nào hai mắt nặng trĩu, rồi thêm một đống câu hỏi trong đầu. Cố gắng đến nửa đêm, cuối cùng vẫn là không chống đỡ được nữa, mang theo nỗi bất an tôi thiếp đi từ lúc nào không hay.
Sáng sớm ngày hôm sau.
Còn đang miên man trong giấc ngủ thiếp đi từ đêm qua, thì ngoài cửa có tiếng động. cửa phòng mở ra một cô gái trẻ đi vào, trên tay cô ấy cầm một bộ quần áo mới tinh, cô ấy đi đến trước mặt tôi rồi đưa bộ quần áo đó cho tôi.
"Mợ Ba, mợ đi tắm rửa thay quần áo đi rồi con đưa mợ lên nhà chính, bà Hai đang đợi mợ ạ."
Cô gái này gọi tôi là mợ Ba, vậy người mà tôi đã gả là cậu con trai thứ ba nhà họ Mai. Tôi lưỡng lự vài giây rồi nhận lấy bộ quần áo, trước tiên cứ làm theo ý của bọn họ đã.
Sau khi tắm rửa xong, cô gái gọi tôi là mợ Ba kia dẫn tôi đến nhà chính, nhà này thật sự rất rộng. Gian nhà phụ ở đây cũng phải to bằng gian nhà chính của nhà tôi, tôi cũng không biết có bao nhiêu gian như vậy nữa, nếu không có người dẫn đường có khi tôi sẽ đi lạc mất.
Trên đường đi, cô gái nói cho tôi về thứ tự và gia quy của nhà họ Mai tức là nhà chồng tôi. Cha chồng tôi, ông Khiêm là trụ cột của gia đình này, ông là một người rất nghiêm khắc, ông giữ gìn và duy trì toàn bộ gia quy mà bao đời tổ tiên lập ra. Nếu trong nhà có ai phạm vào gia quy ông sẽ dùng gia pháp trừng trị, điều này được áp dụng lên toàn bộ người trong nhà.
Người tiếp theo là bà Hai, bà Hai tính tình thất thường, lúc nắng lúc mưa nhưng rất yêu chồng. Bà đẻ được ba người con, lần lượt là cậu Cả, cậu Hai và cậu Út. Cậu Cả đã lấy vợ, hai vợ chồng cậu Cả rất yêu thương nhau nhưng tiếc là lấy nhau gần mười năm rồi mà vẫn chưa có con. Cậu Hai thì ra ngoài học hành rất ít khi về nhà. Cậu Út trước giờ tính cách khá trầm lặng và ít nói, không quá quan tâm mọi việc trong nhà.
Cuối cùng là cô Út, cô Út là con của bà Cả. Bà Cả có cậu Ba (tức người chồng mà tôi đã lấy) và cô Út. Sau khi chứng kiến mẹ và anh trai lần lượt bệnh chết tâm thần cũng không còn ổn định, tính tình quỷ quái lại hay lẩm bẩm một mình.
Quả nhiên, đúng như tôi đã nghĩ, người mà tôi gả là một người đã chết! Thật không thể tin nổi, mặc dù trong làng tôi thường xảy ra không ít những chuyện kì quái, nhưng lấy vợ cho một người đã chết là chuyện kì quái nhất mà tôi từng biết.
Vào nhà chính, tôi thấy mọi người đang quây quần bên bàn ăn, thấy tôi đến mọi người đồng loạt quay ra nhìn, nom thật gượng gạo làm sao.
Dì Oánh, người mà tôi ngỡ tưởng là mẹ chồng mình, vẫn giữ nụ cười như lần đầu gặp tôi:
"Ngọc Nữ đến rồi hả con, mau lại đây ngồi xuống dùng cơm cùng mọi người, không được khách sáo nhé!"
Tôi mỉm cười lấy lệ rồi đi tới ngồi cạnh dì Oánh. Trên bàn ăn có hai người đàn ông, một người phụ nữ và dì Oánh. Trong hai người đàn ông này, có một người mà ngày hôm qua tôi cứ ngỡ là chồng mình đang cặm cụi ăn cơm. Trẻ như vậy chắc là cậu Út của nhà này, vậy là đêm qua cậu ta đã thay người anh trai đã chết của mình đi đón dâu. Hôm nay cậu ta vẫn im lặng, thấy tôi đến cũng không buồn ngẩng mặt lên nhìn.
Chúng tôi dùng bữa xong, dì Oánh đưa tôi tới từ đường, dì ấy đưa cho tôi ba nén hương rồi chỉ tôi cắm vào chỗ bát hương có tấm bài vị khắc ba chữ "Mai Trọng Nghĩa", tôi im lặng làm theo.
Thắp hương xong, đang tính mở miệng hỏi thì nghe tiếng dì Oánh.
"Ngọc Nữ à, sáng nay đám người làm nói với dì rằng đêm qua con đã đập cửa rất lâu. Lẽ nào con không biết... con phải gả cho một người đã chết ư?"
"Dạ thưa dì, con đúng là không biết ạ!"
"Ôi trời, lẽ nào bà Cả nhà con lại giấu con chuyện này?"
Tôi gật gật đầu.
"Mẹ Cả con cũng thật là, phải nói cho con biết chứ, chắc con sợ lắm!" Nói rồi dì ấy tiến đến cầm tay tôi.
"Thưa dì, cậu Ba... cậu Ba đã mất rồi, tại sao còn phải cưới vợ cho cậu ấy ạ?" Tôi lấy hết can đảm để hỏi.
Dì Oánh nhìn tôi rồi thở dài:
"Có thể con không tin, nhưng từ sau khi thằng Ba mất đêm nào nó cũng về báo mộng cho dì, nó kêu nó chết không cam tâm!" Nói đoạn dì Oánh nghẹn ngào:
"Đêm nào nó cũng về than khóc cho nên dì mới đi tìm thầy cúng, thầy cúng bảo thằng Ba chết trẻ lại là trai tân, chết đi rồi không cam lòng, phải cưới cho nó một người vợ thì nó mới yên lòng mà đi. Nghe lời thầy cúng, dì đi sắm lễ cùng với hình nhân nữ mạng, làm một cái lễ cúng cho thằng Ba. Cứ tưởng như vậy là xong, ai ngờ... thằng Ba vẫn không chịu đi. Thầy cúng bèn nói, hình nhân không được thì phải tìm người thật! Thế là dì lại bôn ba đi tìm khắp trong làng, nhưng con nghĩ mà xem, làm gì có ai lại đồng ý gả cho một người đã chết kia chứ." Dì Oánh dừng nói nhìn tôi, nước mắt lưng tròng:
"Tìm trong làng không có dì lại sang làng khác tìm, rồi tìm được nhà con, bà Cả nhà con vừa nghe dì nói là đồng ý ngay! Mọi người trong làng đều nói dì mê tín dị đoan, nhưng người đêm đêm bị thằng Ba than khóc là dì..."
Tôi nghĩ trong lòng, dì mang nhiều sính lễ đến thế kia, bà ta không đồng ý mới lạ.
Dì Oánh thấy tôi không có phản ứng gì cho rằng tôi đang sợ, bèn nói:
"Ngọc Nữ à, tuy rằng con đã gả cho một người đã chết nhưng con cũng đừng sợ, thằng Ba lúc còn sống là một đứa hiền lành, nó sẽ không ám con đâu! Nếu con sợ thì đợi ba năm khi hết thời hạn để tang thằng Ba, dì sẽ nói với mọi người rằng con đã làm tròn bổn phận của một người con dâu và nhà dì đã cho phép con về lại nhà đẻ."
Ở lại đây ba năm... bây giờ tôi chỉ còn cách chấp nhận mà thôi, bởi nhà tôi đã nhận sính lễ của họ và tôi cũng được cưới hỏi đàng hoàng. Vả lại người lừa tôi là bà Cả nhà tôi chứ không phải nhà họ. Cũng may dì Oánh tốt tính, không bắt tôi phải ở đây cả đời.
"Dạ, con cảm ơn dì đã nghĩ cho con ạ!"
Tôi hít một hơi thật sâu, trong lòng thầm mong ba năm sắp tới sẽ êm đềm trôi qua.