Chương 3: Vào kinh bàn hôn sự
Hôn sự đã định, Yến Kỳ Hiên không thể nào làm trái nên mang theo hành lý tiến về kinh thành để gặp gỡ rồi bàn hôn sự với nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai. Trên đường đi, y có ghé qua trấn Hà Bắc, về lại Yến gia thắp nhang trước mộ phần của phụ mẫu.
Thắp nhang trước mộ phần song thân, Yến Kỳ Hiên nhớ lại chuyện xảy ra khi y tròn mười tuổi. Khi đó, đại ca đã đưa y về lại trấn Hà Bắc để quỳ lạy trước mộ phần phụ mẫu. Đại ca nói sau khi thu nhận y thì người đã cho thuộc hạ tản ra khắp bốn phương, tám hướng để truy tìm nguồn gốc, thân phận của Yến Kỳ Hiên. Vào một thời gian trước, lai lịch của Yến Kỳ Hiên đã được tìm ra. Đại ca đã kể lại cho y toàn bộ câu chuyện và hỏi muốn báo thù hay không? Yến Kỳ Hiên trả lời phụ mẫu sinh thành là người lương thiện đến cả con kiến cũng không nỡ giết thì thân là con của họ, sao y có thể giết người báo thù. Chuyện đã qua thì cứ cho qua, con người không thể cứ sống trong thù hận mà phải biết tha thứ. Đại ca lúc đó đã xoa đầu và khen Yến Kỳ Hiên không phụ lòng dạy dỗ của sư phụ và đại ca. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, ngay khi vừa nghỉ chân tại khách điếm lớn tại trấn Hà Bắc thì ngay trong đêm đó, một toán người che mặt, mang theo kiếm đi vào tìm giết Yến Kỳ Hiên. Kết quả, bọn chúng bị y và đại ca giết chết hết toàn bộ.
Ngay trong đêm, Lý Thần dẫn theo Yến Kỳ Hiên đạp mạnh cửa Yến gia đi vào, quăng tên sát thủ còn sống ra trước mặt Yến Thanh Trì mà đối chất. Đồng thời, Yến Kỳ Hiên cũng đưa ra ngọc bội gia truyền Yến gia để tỏ rõ thân phận.
Lý Thần nhìn Yến Thanh Trì, thanh kiếm kề sát vào cổ hắn. Lúc Yến Kỳ Hiên một tuổi, hắn đã nhận ra Yến Kỳ Hiên là hậu nhân của Yến gia còn sống sót nên đã cho sát thủ tìm đến tiêu diệt. Khi đó, Yến Kỳ Hiên còn nhỏ tuổi nên Lý Thần không muốn gây chuyện to nên đã cho người tìm đến hắn đe dọa, cảnh cáo. Vậy mà, giờ đây hắn lại dám to gan, một lần nữa cho người thích sát đệ đệ của y. Cơn giận này làm sao y có thể bỏ qua. Nhưng đệ đệ bên cạnh đã nắm tay y can ngăn, lắc đầu ngăn cản. Lý Thần hiểu ý đệ đệ muốn nói không nên ra tay với những kẻ không xứng đáng này. Vì thế, với những kẻ đã sát hại phụ mẫu, Yến Kỳ Hiên không hề trừng phạt mà chỉ đuổi bọn chúng ra khỏi trấn, mãi mãi không cho quay lại.
Yến Kỳ Hiên đã có đại ca, có sư phụ, cũng đã có nhà để ở nên y đã đem toàn bộ tài sản gia đình sau khi giành lại được trao tặng cho người dân trong trấn. Nghe nói lúc còn sống phụ thân y là người nhân hậu nên nghĩ mình làm như vậy thì ông cũng không hề oán trách. Cũng bởi tấm lòng đó mà tuy Yến gia đã không còn ai sinh sống nhưng căn nhà lúc nào cũng sạch sẽ, không một hạt bụi, từ đường lúc nào cũng được quét dọn, thắp nhang, mộ phần phụ mẫu thì thường xuyên được chăm coi, mọi chuyện đều do người dân trong trấn tình nguyện làm để báo đáp công đức của Yến Kỳ Hiên.
"Thiếu gia, người phải đi rồi sao?"
Yến tổng quản là trẻ mồ côi được nội tổ phụ của Yến Kỳ Hiên thu nhận, ông lớn lên cùng phụ thân của y, hai người tuy mang danh nghĩa chủ tớ nhưng lại thân thiết như huynh đệ. Hơn thế, sau này Yến phu nhân được gả về, ông còn được mai mối lấy a hoàn thân cận của bà làm nương tử nên đối với Yến gia, ông và gia đình vô cùng trung thành. Trận hỏa hoạn xảy ra khi xưa, chính cháu trai ông là người được lệnh mang tiểu thiếu gia chạy trốn rồi không bao giờ quay trở về được nữa. Yến gia thay chủ. Chủ nhân mới lại là người hà khắc, thích hành hạ kẻ hầu, người hạ, đặc biệt là những người có quan hệ tốt với chủ cũ. Vì thế, ông từ quản gia của Yến phủ trở thành tên hầu dọn phân, vợ ông từ chủ quản bếp núc lại thành kẻ giặt đồ, rửa bát ở nơi này. Nhưng, hai vợ chồng họ không tức giận rời đi, họ vẫn nhẫn nhịn. Họ tin rằng có ngày tiểu thiếu gia còn sống quay trở về.
Mòn mỏi chờ đợi, mười năm trước, thiếu gia đã thật sự trở về, đuổi kẻ thù của Yến gia mãi mãi rời khỏi trấn Hà Bắc, đòi lại toàn bộ tài sản, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân trong trấn như xưa. Nhưng, tiểu thiếu gia được người tốt nhận nuôi, tuổi lại còn nhỏ nên không thể rời xa nên ông và vợ, cùng toàn thể người dân trong trấn đành chấp nhận việc thiếu gia rời đi.
Cứ mỗi năm, vào ngày giỗ song thân, thiếu gia sẽ quay trở về thắp nhang, quỳ lạy trước mộ phần của họ rồi ở lại chơi vài ngày sẽ rời đi. Mấy hôm trước, thiếu gia đột ngột trở về khiến ông vô cùng mừng rỡ, nghĩ rằng thiếu gia sẽ ở lại luôn nơi này. Nhưng giờ, lại nghe người chuẩn bị lên kinh, Yến tổng quản cùng vợ buồn trong lòng.
"Mọi người đừng buồn." - Yến Kỳ Hiên biết rõ tình cảm của phu phụ Yến tổng quản với Yến gia và phụ mẫu nên tuy không gặp mặt thường xuyên nhưng vẫn tôn trọng như trưởng bối trong nhà. Hiện tại, Yến tổng quản và gia đình vẫn ở lại Yến gia chăm nom nhà cửa, cũng như nhang đèn trong từ đường. - "Lần này ta lên kinh là bàn về hôn sự, sư phụ và đại ca đã giúp ta định một mối nhân duyên tốt."
"Thật sao!" - Nghe nói thiếu gia sắp lập gia thất, Trình má, vợ Yến tổng quản vui mừng. - "Chúc mừng thiếu gia, lão gia và phu nhân ở dưới suối vàng biết được nhất định rất vui mừng."
"Đúng vậy!" - Yến tổng quản vui đến bật khóc. - "Nghĩ đến thiếu gia sắp có gia thất, lão vui không tả xiết. Chỉ cần chờ thêm một thời gian, nhìn thấy thiếu gia có người nối dõi thì lão có nhắm mắt cũng yên lòng."
"Đang nói chuyện vui mà sao hai người lại nói đến nhắm mắt xuôi tai thế kia." - Yến Kỳ Hiên dỗ dành phu phụ Yến tổng quản. - "Mọi người yên tâm, đợi sau khi ta thành thân, ta sẽ đưa nương tử về ra mắt hai người."
Từ nhỏ lớn lên trên núi, mỗi lần muốn xuống núi thì phải có đại ca đi cùng bằng không thì nhất định không được cho phép, Yến Kỳ Hiên không hiểu vì sao sư phụ và đại ca lại đưa ra quy định đó nhưng y cũng không lấy làm quan tâm và cũng không có thời gian để quan tâm. Từ khi bắt đầu hiểu chuyện thì canh năm mỗi ngày đã phải thức giấc luyện công một canh giờ, sau đó sau khi dùng điểm tâm sáng là lại bắt đầu học kinh thư, binh pháp, luyện kiếm thuật, tập cưỡi ngựa bắn cung. Và đến tối, cứ tưởng được thoải mái thì y cùng đại ca lại bị sư phụ lôi lên nóc nhà xem tinh tượng, điều mà Yến Kỳ Hiên cảm thấy khó tiếp thu nhất. Nói thật, chuyện này thì chỉ có đại ca là giỏi, mỗi lần sư phụ giảng giải ý nghĩa các vì sao cùng tinh tượng trên trời thì chỉ có đại ca là tập trung nghe giảng, còn y thì lúc nào cũng trốn phía sau người mà ngủ gật. Tất nhiên, mỗi lần như vậy thì sư phụ đều tức giận trách phạt. Có đại ca là tốt nhất vì đại ca cũng thường giúp y năn nỉ sư phụ thoát khỏi các hình phạt khủng khiếp đó.
Nhưng nếu nghĩa đại ca cái gì cũng chiều chuộng, làm theo thì y thì đó chính là sai lầm khủng khiếp nhất. Đại ca quả thật yêu thương, chăm sóc Yến Kỳ Hiên từng ly, từng tý nhưng đều là sự quan tâm có giới hạn khuôn phép. Đại ca dạy dỗ y vô cùng nghiêm khắc, không để y có bất kì thói hư, tật xấu nào không nên có.
Lúc Yến Kỳ Hiên bảy tuổi, nhân cơ hội đại ca theo sư phụ đi chẩn bệnh, y đã một mình rời núi, xuống trấn nhỏ dưới chân núi chơi mà không được bất kì sự cho phép nào. Điều không may cho y là sư phụ bỏ quên túi thuốc ở nhà nên đại ca phải về lấy, kết quả phát hiện chuyện y lén trốn chơi. Chưa đến một canh giờ, y đã bị đại ca tóm gọn rồi ném trở lại phòng chịu phạt. Nếu nói hình phạt của sư phụ là một thì hình phạt của đại ca chính là mười. Yến Kỳ Hiên suốt năm canh giờ phải quỳ gối, hai tay giơ cao giữ vững một chậu nước, nếu để đổ giọt nào thì phải làm lại từ đầu. Từ đó trở đi, Yến Kỳ Hiên không dám cãi lời đại ca cùng sư phụ lần nào nữa.
Giờ đây, tuy bị sư phụ vô lý đuổi khỏi nhà nhưng Yến Kỳ Hiên vẫn cảm thấy vui vẻ. Vì sao ư? Vì y đã có thể tự do đi đến bất cứ nơi nào mình thích mà không cần phải xin phép sự đồng ý của ai.