Chương 5
Tôi không biết việc công ty Trường Thịnh hỗ trợ tôi có mục đích gì hay không, nhưng tự nhiên được bọn họ giúp đỡ như vậy, trong lòng tôi vẫn cảm thấy rất lấn cấn.
Có điều chuyện này liên quan đến hy vọng sống của tôi, nên tôi tạm thời cũng không từ chối. Tôi đợi đến ngày Trường Thịnh đến bệnh viện K để tặng quà cho những bệnh nhân may mắn được chọn hỗ trợ để hỏi xem thế nào, run rủi sao lại gặp đúng anh Phương.
Anh ấy thấy tôi lên nhận quà thì cười tươi rói:
- Lúc đầu xem hồ sơ thấy tên Phạm Chi Mai thì anh giật cả mình, cứ tưởng ai trùng tên với em cơ, nhưng xem ảnh thì thấy đúng là em rồi.
Nói đến đây, để tôi đỡ ngại, anh ấy mới nắm lấy tay tôi, bắt tay thật chặt:
- Không nghĩ cô phóng viên vừa xinh đẹp vừa tốt bụng lại mắc phải bệnh hiểm nghèo như thế đâu. Nhưng mà người tốt kiểu gì cũng may mắn em nhỉ? Chúc em nhanh khỏi bệnh nhé.
- Em cảm ơn anh. Trường Thịnh ưu ái em như thế em thấy áy náy lắm. Lẽ ra phần này dành cho bệnh nhân khác, nhưng chắc có lẽ vì anh biết em nên mới dành phần đó cho em.
- Nói thật với em là lúc tìm ra cái camera mà em chỉ ấy, bên anh cũng có ý định làm việc gì đó cảm ơn em. Bọn anh đã hỏi thăm thông tin để đến gặp rồi đấy chứ, nhưng ai ngờ lại bốc thăm được hồ sơ của em trước khi đến gặp em.
Anh Phương cười, bàn tay vẫn nắm chắc tay tôi, đứng trên khán đài nói dõng dạc:
- Không có chuyện ưu ái hay mục đích gì đâu, cái này là bọn anh bốc thăm được đúng hồ sơ em thật. Em đừng áy náy nhé. Phần của em thì em cứ nhận đi, em mà không nhận thì bọn anh mới áy náy đấy.
- Vâng. Nếu Trường Thịnh bốc thăm được hồ sơ của em thật thì em cảm ơn công ty và các anh rất nhiều ạ. Cảm ơn các anh đã giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn, trong đó có cả em.
- Cảm ơn gì mà cảm ơn, bên anh còn cảm ơn em không hết ấy chứ. Nhờ em mà bọn anh không bị lộ bí mật kinh doanh đấy, nếu mà quy ra tiền có khi vài chục tỉ ấy chứ. Nói chung việc bốc thăm trúng hồ sơ của em là bốc thăm, còn việc cảm ơn em thì Trường Thịnh vẫn phải làm. Lúc đó em không được từ chối đâu đấy.
- Cảm ơn món quà nhỏ thì em không từ chối đâu.
- Em yên tâm, kiểu gì cũng có món quà nhỏ cho em.
- Cảm ơn anh.
Anh Phương gật đầu, đặt vào tay tôi một phong bì nhỏ, lúc buổi lễ trao quà kết thúc, tôi về nhà mở ra mới thấy trong đó có một chiếc thẻ ATM, một tờ giấy ghi mật khẩu và một lá thư chúc sức khỏe. Chỉ có mấy dòng: Tâm an vạn sự an!
Bên dưới có chữ ký và bốn chữ Võ Đặng Trường Giang. Tôi vẫn rất ấn tượng với cái tên và chữ ký này, bây giờ có lẽ vì công ty của người này tài trợ tiền chữa bệnh cho tôi nên tôi cũng không nỡ vứt quà của người ta đi, thế là vuốt phẳng lại lá thư đó rồi bỏ vào phong bì như cũ, sau đó kẹp vào cuốn sổ nhỏ tôi hay mang bên mình.
Vừa mới xong xuôi thì nghe tiếng bước chân loẹt quẹt ngoài hành lang, còn chưa thấy người đã nghe giọng sang sảng:
- Con Mai đâu, phòng mày ở đâu thế? Mai, ở phòng nào lên tiếng đi xem nào.
Nhận ra tiếng mẹ tôi, tâm trạng đang vui mừng của tôi lập tức tắt ngấm. Tôi vội vã đứng dậy, định đóng cửa nhưng bà ấy đã đến ngay bên ngoài:
- A cái con ranh này, mẹ mày gọi rát hơi bỏng cổ mày không thèm trả lời, mày bị câm rồi phải không? Mồm mày đâu mà không há ra trả lời tao hả?
- Mẹ đến đây làm gì?
- Sao? Tao đến mà mày còn hỏi đến làm gì à? Mày gặp mẹ mày không hỏi thăm câu nào thì thôi, mày còn bảo tao đến làm gì à? Tao đến thăm con trai tao chứ còn gì nữa.
Bà ta vừa nói vừa đẩy tôi sang một bên, đi thẳng vào trong phòng. Tôi mới mổ xong nên yếu, giờ bị huých mạnh như thế thì bụng dưới lại bắt đầu nhói lên, nhâm nhẩm đau.
Tôi cắn răng đi theo bà ta:
- Đây là phòng trọ của con, không phải nhà của mẹ. Mẹ đừng có tự tiện động vào đồ của bọn con.
Mẹ tôi sục sạo khắp phòng, lục lọi đồ rồi vứt toẹt ra đất, mồm xa xả mắng:
- Tao là mẹ mày, đồ của bọn mày tao có quyền đụng. Mày tưởng mày chuyển phòng trọ là trốn được tao đấy à? Thằng Tép sắp đi du học, mày mua đồ đạc gì cho nó chưa? Em mày cần sức để học mà mày toàn cho nó ăn cá khô với rau luộc thế này à? Trong nhà không có cái gì tử tế để ăn thế này?
- Mười mấy năm qua không có mẹ, thằng Tép vẫn ăn cá khô với rau luộc để lớn rồi học hành giỏi giang đấy. Mẹ cho nó được cái gì mà giờ mẹ đến đây trách móc? Mẹ nuôi nó được ngày nào mà mẹ nói?
- Á à con r.anh này, tao nói mày cãi phải không? Tao không nuôi nó được ngày nào nhưng tao đẻ ra nó. Tao đẻ ra được đứa con giỏi giang, được đi du học. Chứ ai như mày, đã không được tích sự gì lại còn bất hiếu.
Tôi đang định cãi lại thì thằng Tép xách túi thức ăn xồng xộc chạy vào. Nó thấy mẹ đang lục lọi đồ trong nhà thì áy náy nhìn tôi, ấp a ấp úng mãi mới nói:
- Mẹ, mẹ làm gì thế? Con bảo đi ăn ở ngoài rồi, có ăn ở phòng đâu, mẹ vào đây làm gì?
- Tao xem chỗ ăn chỗ ở của chúng mày không được à? Sao hết con chị rồi lại đến thằng em đuổi tao thế? Chúng mày quên ai đẻ ra chúng mày rồi à? Tao đến thăm chứ tao làm gì mà đứa nào cũng muốn đuổi.
- Không phải, mà là đã hẹn ăn ở ngoài rồi. 11h đến nhà hàng còn gì. Qua phòng cũng có làm gì đâu.
- Vẫn còn sớm thì tao qua xem chứ sao? Chúng mày không muốn thì thôi. Gọi taxi đi, đi ăn sớm còn về sớm.
Tôi chán nản không muốn nói nữa, nhưng nghĩ thương em nên mắt nhắm mắt mở mặc kệ bà ta. Thằng Tép cũng ngao ngán lấy điện thoại ra gọi taxi, đến tận khi xe đến rồi mà mẹ tôi vẫn còn đang mải miết lục lọi, đã bày bừa ra nhà còn bĩu môi nói:
- Một đứa hai mươi mấy tuổi, một đứa 19 tuổi, to đầu lớn xác bằng chừng ấy rồi mà không có cái gì có giá trị, người ta tài giỏi hơn 20 tuổi đã mua được nhà được xe cho bố mẹ để báo hiếu rồi, đây mình 27 tuổi mà chẳng được cái tích sự gì.
Tôi mím môi, cố gắng nhẫn nhịn để không phải cãi nhau trước mặt thằng Tép. Mẹ tôi thì nguýt dài một cái rồi mới lững thững đi ra ngoài. Tôi khóa cửa nên đi sau, thằng Tép cũng cố tình đi chậm theo tôi:
- Chị ơi, em xin lỗi. Em không định cho mẹ vào phòng đâu, nhưng hôm qua em nhắn tin hẹn mẹ đi ăn, mẹ bảo để mẹ đi taxi qua đón. Em cứ nghĩ mẹ đón ở đầu ngõ thì cũng không biết được mình ở phòng trọ nào, nhưng mà chắc là mẹ đi tìm…
- Ừ, không sao đâu. Biết thì biết thôi, có gì đâu.
- Chị… chị có giận em không?
- Không, giận gì mà giận. Ngày mai ra nước ngoài rồi, đi ăn cả nhà một bữa cho vui vẻ. Hôm nay thích gì thì cứ gọi đi, ăn thật no vào nhé.
Thằng Tép có lẽ cũng tủi thân nên mắt đỏ hoe, nó quay đi chỗ khác, hắng giọng nói:
- Em đi thì chị đừng nhớ em quá đấy nhé.
- Còn lâu chị mới nhớ.
- Em biết mà, chị có anh Duy rồi, làm sao mà thèm nhớ em nữa.
- Nói vớ vẩn, Duy cái gì mà Duy, đi nhanh lên.
Trong bữa cơm tử tế đầu tiên mà ba người nhà chúng tôi ăn với nhau, dù không hài lòng về nhiều chuyện nhưng tôi vẫn cố tỏ ra vui vẻ, suốt cả buổi cũng không để ý đến mấy lời dạy dỗ chẳng ra gì của mẹ tôi, cứ mặc bà ấy nói.
Mẹ tôi miệng thì bảo thằng Tép ra nước ngoài thì học hành cho tử tế, nhưng con trai sắp ra nước ngoài mà cũng không cho nổi một đồng, đến tiền bữa cơm chia tay cũng là tôi trả.
Tối hôm ấy đi ngủ, thằng Tép bảo với tôi:
- Chị ơi, sau này em không gặp mẹ nữa đâu.
- Sao mà không gặp? Giờ bố mất rồi, còn mình mẹ thôi, có thế nào cũng là mẹ mình, gặp thì vẫn gặp chứ.
- Mẹ không thương chị em mình chị ạ.
Suốt mấy năm gặp lại, đây là lần đầu tiên thằng Tép nói một câu như vậy, nghe xong tự nhiên hốc mắt tôi bỗng cảm thấy vô cùng chua xót, trong lòng có thất vọng, cũng có thật nhiều tủi thân, bởi vì từ nhỏ đến tận bây giờ chúng tôi vẫn là hai đứa trẻ chẳng có một ai thương.
Tôi im lặng một lúc mới lảng sang chuyện khác:
- Em kiểm tra lại đồ đạc hành lý chưa? Có thiếu gì nữa không?
- Không thiếu gì nữa chị ạ. Em kiểm tra lại 3 lần rồi, đủ hết rồi ạ.
- Sang bên đó nhớ cố gắng học hành, có gì khó khăn thì gọi về cho chị. Em yên tâm đi, chị có tiền, cần gì chị vẫn lo được.
- Vâng, em biết mà. Chị ở một mình cũng phải cẩn thận đấy. Bây giờ nhiều trộm cắp cướp giật lắm, về nhà thì nhớ khóa cửa cẩn thận vào.
Nói đến đây, nó hình như nhớ ra chuyện gì nên lại bảo:
- Em thấy anh Duy là người tốt đấy chị ạ, hay là chị thử tìm hiểu anh ấy xem. Có đàn ông chăm sóc cũng tốt mà, em ở nước ngoài cũng đỡ lo nữa.
- Chị biết rồi, chuyện tình cảm cứ để tự nhiên đi, lúc nào chị có người yêu thì chị nói.
- Vâng.
- Ngủ sớm đi em, mai bay sớm rồi.
- Chị ơi.
- Ừ. Sao thế?
Thằng Tép lặng lẽ xoay người lại, nhìn từ giường nó sang giường tôi, nhìn rất lâu rồi mới nói:
- Em thương chị lắm.
Một giọt nước mắt trên khóe mắt tôi vội vã rơi xuống, thấm vào chăn gối bên dưới. Trong đêm tối, tôi khóc không một tiếng động, tôi cũng nhìn em tôi thật lâu:
- Ừ, chị cũng thương Tép. Thương nhất trên đời.
***
Sáng hôm sau, hai chị em tôi dậy sớm, nấu hai bát mì ăn xong mới lụi cụi xách đồ chuẩn bị ra sân bay.
Tôi định gọi Taxi, nhưng vừa mới xuống dưới thì lại thấy Duy đợi sẵn ở trước cửa khu trọ từ bao giờ rồi. Thấy chị em tôi loay hoay xách đồ, anh ấy vội vàng đi lên đỡ giúp tôi:
- Nặng thế sao em xách được? Để anh xách cho.
- Ơ, sao anh lại đến đây? Đến mà không gọi em thế?
- Anh nghe Tép nói bay chuyến sáng, đoán hai chị em đi taxi lên sân bay nên anh đến chở. Hôm nay tiện có việc đi ngang qua đây mà. Gọi em làm gì, đằng nào khu trọ này cũng chỉ có một cửa thôi, em xuống là gặp được ngay.
Hôm nay là ngày thường, anh ấy không được nghỉ nên không thể tình cờ đi ngang qua đây được, tôi biết, chẳng qua là Duy cố ý muốn đưa thằng Tép ra sân bay giúp tôi mà thôi.
Dù sao anh ấy cũng đã đến rồi, tôi từ chối thì cũng ngại, vả lại thằng Tép thì rất thích Duy nên cứ cười mãi, còn chủ động xách đồ bỏ vào cốp xe của anh ấy, cho nên tôi cũng đành lên xe theo.
Lúc ra đến sân bay, chẳng biết hai anh em kéo nhau ra một chỗ nói chuyện gì mà vẻ mặt em tôi và Duy đều vô cùng nghiêm túc. Lát sau khi quay lại, Tép bảo với tôi:
- Chị ơi, em nhờ vả anh Duy rồi đấy, chị ở một mình có gì thì cứ gọi anh ấy nhé. Anh ấy bảo anh ấy là lính cứu hỏa nhưng có việc mới phải đi thôi, còn bình thường nếu anh ấy không việc gì là anh ấy sẽ đến ngay.
- Cái thằng này…
- Anh Duy cũng đồng ý rồi mà, anh Duy nhỉ?
Duy nghe xong thì ngượng ngùng cười, gật đầu đáp:
- Ừ. Giúp nhiệt tình và tận tình, Tép cứ yên tâm ra nước ngoài học đi.
- Vâng, mong là đến khi em về thì được đổi cách xưng hô với anh nhé. Em thích có anh rể lắm.
Tôi sợ thằng Tép càng nói càng vẽ chuyện linh tinh nên đành phải đẩy nó đến cửa an ninh, đến khi qua cửa, nó vẫn cứ vẫy tay nhìn tôi mãi, mắt đỏ hoe. Tôi thương em nên cũng khóc, từ nhỏ đến lớn chúng tôi có xa nhau bao giờ đâu, bây giờ em tôi đến một đất nước thật xa xôi, còn tôi ở đây một mình chống chọi với bệnh tật, chẳng biết mai này còn có ngày gặp lại hay không?
Nếu không gặp lại nữa, thì đây chính là lần vĩnh biệt của chị em tôi nhỉ?
Cổ họng tôi nghẹn cứng, nước mắt cứ rơi mãi, rơi mãi, đến khi có một tờ giấy chìa ra trước mặt tôi, tôi mới ngẩng lên. Duy nói:
- Tép đi, vài tháng nữa lại về. Em đừng buồn, chỉ cần khỏe mạnh đợi Tép về thăm em là được.
Tôi nhận lấy tờ khăn giấy từ tay anh ấy, càng tủi thân, lau nước mắt mãi không kịp:
- Vâng. Mấy lời nó nói anh đừng để ý, tại nó lo cho em nên nói thế thôi.
- Trách nhiệm của bọn anh là phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân mà. Nhân dân nào cũng sẽ giúp đỡ hết mình, em là bạn anh nên càng phải quan tâm chứ. Em không cần ngại đâu, Tép đi rồi chỉ còn mình em thôi, cứ để anh quan tâm em.
- Nhưng mà…
Chắc có lẽ vì tủi thân quá nên tôi không nói được, cứ cầm tờ khăn giấy khóc tu tu. Ở sân bay này, người tiễn đưa người cũng không thiếu kẻ khóc, nhưng người có nỗi lòng như tôi chắc chỉ có mỗi mình tôi thôi.
Duy hiểu nên sau một hồi chần chừ cũng dang tay ôm lấy tôi, anh ấy nói:
- Cố gắng lên, bác sĩ nói vẫn có cơ hội chữa khỏi thì em vẫn có hy vọng chờ Tép về mà. Bây giờ chỉ cần em mạnh mẽ lạc quan lên thôi, việc gì cũng sẽ làm được, khó đến mấy cũng sẽ chữa được.
- Nếu không chữa được, sau này nhờ anh đừng nói với nó là em ở đâu nhé. Bây giờ nó chỉ có mình em thôi, nói em c.hế.t rồi nó sẽ không chịu được.
- Lại nói vớ vẩn rồi. Không phải ung thư nào cũng ch/ế.t đâu, có nhiều bệnh nhân ung thư chữa khỏi được đấy. Anh ở gần viện K anh biết mà.
Lý lẽ của Duy làm tôi đang khóc cũng phải bật cười, tôi buông anh ấy ra, vừa lau nước mắt vừa nói:
- Vâng, em tin anh.
- Có muốn lau nước mắt vào áo anh không?
- Trông em bây giờ xấu lắm à?
- Không, khóc cũng xinh. Nhưng mà cười xinh hơn nên anh thích nhìn em cười hơn.
Cùng một câu nói, nhưng lời này thốt ra từ miệng Duy tôi không cảm thấy giả dối, mà chỉ thấy anh ấy thật lòng muốn an ủi tôi thôi. Tôi gật đầu đáp:
- Anh nói thế em tưởng thật đấy.
- Thật mà. Hôm nay em có đi làm nữa không? Nếu không bận thì anh mời em đi ăn, bù cho bữa kem hôm nọ nhé?
- Hôm nay em lại có lịch đi phỏng vấn rồi, chắc là phải hẹn anh hôm khác thôi.
- Thế thì phải bù cho anh 2 bữa cơ.
- Được luôn ạ.
Sau khi thằng Tép ra nước ngoài không lâu, tôi cũng bắt đầu nhập viện để làm hóa trị.
Những ai đã từng điều trị ung thư chắc cũng biết rõ, những cơn đau đớn khi thuốc bắt đầu ngấm vào người thực sự đau không có lời gì diễn tả được, tôi nằm trong phòng cách ly một mình cắn răng tự chịu đựng, đau quá thì khóc, đau hơn nữa thì hét, đau ở một mức độ kinh khủng hơn thì nằm lăn lộn trên sàn, vừa khóc vừa hét.
Có lần hiếm hoi người nhà được vào thăm, bước vào buồng bệnh thăm tôi vẫn chỉ là Linh với mấy chiếc cạp lồng lỉnh kỉnh. Nó thấy tóc tôi rụng đến trụi cả một mảng đầu, da mặt vừa trắng bệch vừa xanh rợt, liền òa lên khóc:
- Sắp khỏi rồi, Mai ơi, cố chịu đựng thêm một thời gian nữa là khỏi thôi. Đợi đến lúc mày khỏi, tao đưa mày đi ăn buffet ốc nhé? Mày bảo thích ăn mấy con ốc linh tinh còn gì, giờ có cả quán buffet ốc rồi đấy.
Tôi thở hồng hộc, yếu đến mức không nhấc tay lên được, nói cũng không rõ tiếng:
- Ừ. Thằng Tép… có hỏi tao không?
- Tao vẫn lấy máy mày nhắn tin với nó. Nó không nghi ngờ gì đâu, mấy lần nó gọi video thì tao tắt đi, bảo đang đi công tác, dạo này đi lấy tin nhiều nên bận không nghe được.
- …
- À. Thằng Tép vẫn khỏe lắm, nó bảo nó xin được việc làm thêm rồi. Nó bảo mày cứ yên tâm, nó ở bên đó không sao đâu.
- Ừ… Không sao là được rồi.
- Tao mang ít đồ vào cho mày ăn đây. Phải chịu khó ăn nhiều vào nhé, ăn nhiều vào mới nhanh khỏe được.
- Ừ, tao biết rồi.
- Giờ cảm giác thế nào?
Cảm giác thế nào nhỉ? Có lẽ giống như một mình tôi đi trong bóng tối lạnh lẽo quá lâu, cơ thể cứ tróc từng mảng, từng mảng vì lạnh buốt và sương giá. Có nhiều khi tôi nghĩ hóa trị đau đớn thế này thì thà rằng tôi c/hế.t, nhưng nghĩ đến em trai tôi, nghĩ đến cả cuộc đời còn dài phía trước của tôi, thậm chí là nghĩ đến những lời người đàn ông kia đã nói trên cầu, tôi lại cố gồng mình vực dậy.
Vật vã nằm ở phòng làm hóa trị tròn 4 tuần, cuối cùng cũng đến ngày bác sĩ cho tôi ra phòng bệnh thường. Mỗi tội được ra không có lịch trước nên không có ai biết, lúc chuyển ra phòng thường chỉ có mình tôi.
Những bệnh nhân xung quanh ai cũng có người nhà chăm sóc, ăn vẫn có người phải bón từng thìa. Tôi đói với khát nước cũng chẳng có ai bên cạnh, đành lặc liễng tự ra căn tin đi mua.
Cô giường bên cạnh bảo tôi:
- Ôi cái con bé này, có một mình thôi à? Người nhà đâu? Sao được ra ngoài mấy tiếng rồi mà không thấy ai?
- Hôm nay người nhà cháu không biết nên không đến cô ạ. Cháu khỏe rồi, cháu tự đi mua được à?
- Mẹ ơi, mới ở trong phòng hóa trị xong người ta đi còn không nổi, đằng này còn đòi tự đi mua đồ ăn. Thôi cứ nằm đó, tý nữa tôi đi mua cho.
Tôi định nói “Cảm ơn”, nhưng đúng lúc này người nhà của cô ấy tự nhiên lại nôn ra hết đồ ăn, cô ấy không rời được nên tôi cũng ngại nhờ, lại tiếp tục một mình ra căn tin.
Giờ ấy, căn tin vừa nóng vừa đông người. Tôi ra được đến nơi đã chóng cả mặt, lúc sau còn bị mấy người chen lấn nên tôi loạng choạng sắp ngã, may sao khi sắp đổ ập xuống thì lại có một vòng tay vững chãi đỡ lấy eo tôi.
Tôi hoa mắt, mất mấy giây mới nhìn được người bên cạnh. Anh ta có ánh mắt rất lạnh lùng, làm tôi hơi giật mình:
- À… xin... xin lỗi.
Anh ta kéo tôi đứng thẳng dậy:
- Đứng được không?
- Được ạ. Cảm ơn anh.
- Trông cô không khỏe lắm. Người bệnh à?
- Vâng.
Tôi hơi ngượng ngùng, đứng thẳng dậy mới thấy anh ta cao ơi là cao, đứng thấp nên có thể nhìn rõ ràng sườn mặt góc cạnh và yết hầu của anh ta, rất đàn ông, cũng rất đẹp trai.
- Cần mua gì?
- Dạ?
Anh ta không nhắc lại, chỉ cúi đầu nhìn tôi. Chắc tại vì ốm yếu quá nên mấy giây sau tôi mới định thần lại được:
- À…, tôi định mua chai nước với ít đồ ăn.
- Loại nào?
- Tôi tự mua được rồi ạ, làm phiền anh quá, vừa rồi cảm ơn anh ạ.
- Căn tin đông, cô không khỏe, đứng ở đây vướng chân người khác đấy.
Anh ta quay đầu nhìn dãy nước trên kệ, hỏi tôi lại lần nữa:
- Loại nào?
Tôi thấy anh ta nói đúng, với cả cũng cảm thấy mình sắp không đứng được nữa, rút cuộc cũng chẳng buồn khách sáo, đáp:
- Loại chai 500ml ạ.
- Đồ ăn gì?
- Bánh mì không đường ạ.
Anh ta gật đầu, lấy hai chiếc bánh mì cho tôi, sau đó thì tôi tự đi xếp hàng chờ thanh toán. Cũng may là lúc quay ra thì người chờ thanh toán đã ít hẳn, tôi đứng hai phút, chân bắt đầu run lẩy bẩy thì cũng vừa đến lượt.
Người đàn ông ban nãy đứng ở hàng ngay bên cạnh tôi, anh ta không mua gì nhiều, chỉ có một chai nước khoáng nhỏ, nhưng đưa tờ tiền to quá nên bà chủ lười trả lại.
Bà ấy nói:
- Cậu lấy thêm gì đi, một chai nước có mấy nghìn mà đưa tờ 500 thế này khó trả lại lắm, tôi không có tiền lẻ.
- Có kẹo gừng không?
- Có.
- Cho tôi kẹo gừng.
Bà chủ lấy cho anh ta hai gói kẹo gừng, khi trả lại một xấp tiền xong thì tôi cũng thanh toán xong. Ra đến cửa căn tin, tôi lại đụng mặt anh ta. Người đàn ông đó đã đi rồi, nhưng vài bước sau bỗng nhiên dừng lại, ngoảnh đầu nhìn tôi.
Tôi tưởng anh ta cần hỏi gì nên ngơ ngác bảo:
- Sao thế ạ?
- Tôi không ăn cái này, cho cô.
Nói xong thì đưa cho tôi gói kẹo gừng, tôi định lắc đầu bảo không lấy, nhưng nhớ ra ban nãy bà chủ ép anh ta mua thêm đồ, anh ta có hỏi kẹo gừng nên tôi ngạc nhiên:
- Anh không ăn kẹo gừng mà hỏi mua thêm làm gì?
- Vì ở đây nhiều kẹo gừng. Hình như bệnh nhân u.ng th.ư hay ăn cái này.
- Anh vào đây thăm người thân à?
- Ừ.
- Sao không mang cái này cho người nhà của anh?
- Đi về rồi, lười quay lại. Cô không ăn thì cho người khác đi, chắc là nhiều người cần đấy.
Nghe nói bệnh nhân u.ng th.ư hay ăn kẹo gừng nên tự nhiên tôi tiếc, không từ chối nữa, cầm hai gói kẹo bỏ vào túi. Nói cảm ơn xong, bỗng dưng tôi nhớ ra một chuyện nên hỏi anh ta:
- À mà anh dùng nước hoa gì thế?
Người kia khẽ cau mày, nhìn từ đầu đến chân mình một lượt rồi lại nhìn tôi:
- Có chuyện gì à?
- Không, tôi thấy mùi này thơm nên hỏi.
- 18.21
- Cảm ơn.
Sau khi anh ta đi rồi, tôi cứ lẩm nhẩm mãi tên nước hoa 18.21, không phải là tôi thấy thơm nên ấn tượng, mà là mùi này quen lắm, giống mùi của người hôm trước tôi suýt nữa gặp ở thang máy công ty Trường Thịnh, còn giống mùi của ai nữa thì tôi không nhớ ra.
Tôi loạng choạng xách theo túi đồ ăn đi về phòng bệnh, đến nơi thì thấy trên tủ đầu giường đã có một hộp cháo. Cô giường bên cạnh bảo đó là cháo do bệnh viện phát miễn phí cho bệnh nhân mới làm hóa trị, còn bảo mới xin được một phích nước nóng cho tôi.
Tôi mỉm cười, nói cảm ơn xong mới chia cho con gái cô ấy một túi kẹo gừng. Chị gái giường bên nhìn tôi bảo:
- May thế, chị mới đọc trên báo, thấy người ta nói mới làm hóa trị xong, ăn kẹo gừng là đỡ buồn nôn với chóng mặt đấy.
- Thế ạ? Em cũng mới nghe nói. Thảo nào ở căn tin người ta bán nhiều kẹo gừng thế.
- Ừ, cảm ơn em nhé. Em cũng mới làm hóa trị xong, ăn uống rồi nghỉ ngơi nhiều vào. Đi lại nhiều không tốt đâu.
- Vâng ạ.
Ngày hôm sau, chẳng rõ sao Duy biết tôi được ra phòng bệnh thường nên đến thăm. Mới sớm tinh mơ đã thấy anh ấy vào thăm tôi rồi.
Anh ấy lại mang theo rất nhiều đồ bổ đến thăm tôi, thấy tôi gầy, sự thương xót chất đầy mắt anh ấy:
- Em có đau lắm không?
- Không, em không sao đâu. Sao anh lại đến đây?
Chẳng biết Linh từ chỗ nào bước vào, vừa nghe tôi hỏi đã nói:
- Đợt mày điều trị, tuần nào được nghỉ anh Duy cũng đến đấy, nhưng không được vào thăm nên chỉ ở ngoài thôi.
Duy cười:
- Em ốm thì anh đến thăm là bình thường mà. Em khỏe đi, rồi anh không đến thăm nữa.
- Anh đến thăm em nhiều thế này em ngại lắm. Bệnh của em còn phải nằm viện dài, anh thì bận, cứ đến thăm mãi làm sao được.
- Anh thăm mãi được.
Nói đến đây, hình như Duy mới nhận ra mình lỡ lời nên im lặng một lát, lúc sau mới sửa lại:
- Mình là bạn bè mà, ốm thì phải thăm chứ. Với cả lúc trước anh hứa với Tép rồi, anh sẽ chăm sóc em tử tế. Anh mà không làm là thằng Tép nó hỏi tội anh đấy.
Mặc tôi nói thế nào, Duy cũng nhất quyết đến thăm tôi. Lần thì bảo đến xem tôi đỡ chưa, lần thì bảo mua được ít yến, còn mất công hầm rồi, mang đến cho tôi tẩm bổ.
Có lẽ không chỉ có một mình tôi mà tất cả mọi người đều nhìn thấy anh ấy có sự quan tâm đặc biệt với tôi, nhưng trong lòng tôi rất sợ, tôi không muốn và cũng không đủ dũng khí để thừa nhận đoạn tình cảm này. Tuy nhiên, Linh lại nói với tôi:
- Mày ạ, tao thấy anh Duy là người tốt, tốt thật sự đấy. Lúc mày nằm trong phòng hóa trị, anh ấy một mình đi tìm bác sĩ, hỏi hóa trị đau thế thì có được dùng giảm đau không, có thể gửi cái gì vào cho mày ăn không. Nói chung anh ấy lo cho mày lắm, mà người không máu mủ lo cho mày như thế, chắc mày cũng hiểu trong lòng người ta thế nào rồi phải không?
- Tao nghĩ anh ấy chỉ đang tốt với tao thôi. Anh ấy là người tốt mà.
- Cả bệnh viện K này nhiều bệnh nhân ung thư như thế, sao anh ấy không tốt với người khác mà lại chỉ tốt với mỗi mình mày? Tao nói thật, anh Duy thích mày đấy.
Tôi yếu ớt nặn ra một nụ cười, lắc đầu:
- Tao nghèo rớt mùng tơi, không có gia đình tử tế, còn bị u.ng th/ư, anh ấy thích tao làm gì?
- Thích một người quan trọng gì những việc ấy, thích là thích, chỉ đơn giản thế thôi.
- Tao không tin đâu. Yêu đương gì bây giờ nữa, lỡ mai này c/hế.t rồi thì tự nhiên lại có gánh nặng à?
- Cứ sống hôm nay đi, chuyện ngày mai để ngày mai tính. Mày cứ né tránh, rồi cứ chịu đựng một mình làm gì? Còn sống ngày nào thì cứ vui vẻ ngày ấy, yêu hết mình ngày ấy, sau này c.hế/t thì thôi, c.hế.t là hết, chẳng có gánh nặng gì cả. Với cả anh Duy là đàn ông, khác phụ nữ mình, yêu đương thôi chứ có ràng buộc gì đâu.
Linh nắm tay tôi, thở dài một tiếng:
- Với cả mày yên tâm đi, mày không c/hế.t đâu, mày khỏe mạnh như thế làm sao mà c.hế.t được.
Nó thuyết phục mãi, cũng nói như người đàn ông trên cầu lúc trước, bảo tôi cứ sống hết mình hôm nay đi, đừng tính đến ngày mai. Có điều tôi vẫn sợ lắm, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho người khác nên cứ né tránh Duy mãi, cho đến một hôm anh ấy lại mang gương mặt băng mấy miếng urgo đến gặp tôi.
Tôi nhấp nhổm hỏi:
- Anh lại bị thương à?
- Ừ, sáng nay vừa cứu mấy em học sinh bị mắc kẹt dưới cống, mặt bị đập vào nắp cống ấy mà. Không sao đâu.
- Xước nhiều không, em xem nào.
Duy cười cười, cúi người xuống để tôi xem vết thương. Tôi thấy chỉ là mấy vết xây xước nhỏ nên chỉ mở ra xem rồi đóng lại, có điều, khi rút tay về thì bỗng dưng anh ấy lại nắm tay tôi.
Tôi giật mình, mở to mắt nhìn anh ấy. Lúc này, Duy không cười nữa mà chỉ trịnh trọng nhìn tôi, nhìn một cách đầy nghiêm túc:
- Mai.
- Ơ… vâng.
- Anh lại hứa với Tép thêm một chuyện rồi.
- Chuyện gì ạ?
- Hứa chăm sóc em cả đời.
Ngón tay ấm áp của anh ấy ôm lấy từng đầu ngón tay gầy gò của tôi, nói một câu:
- Sau này để anh chăm sóc em được không?