Chương
Cài đặt

Chương 7

Tim tôi như bị thứ gì đó đập mạnh vào, cái tên Như Ngọc này suốt nhiều năm nay đã là một bãi mìn trong lòng tôi, mỗi lần nhắc đến đều cảm giác sống lưng lạnh buốt.

Tôi vô thức ngẩng đầu nhìn về phía Đặng Khải Thành, cũng thấy anh ta đang lẳng lặng nhìn tôi, nhưng chỉ một giây sau anh ta liền quay đi, nói:

“Ông nội… không phải”.

“Sao lại không phải được chứ? Đúng là Như Ngọc rồi”. Ông cụ ngắt lời anh ta: “Như Ngọc, ông chờ cháu lâu lắm rồi, sao mãi đến bây giờ cháu mới chịu về? Sao đến bây giờ cháu mới chịu về thăm ông?"

"..."

"Như Ngọc, về rồi thì mau kết hôn với thằng Thành đi thôi. Năm nay nó nhiều tuổi rồi, vẫn đợi cháu…”.

Vết thương đã liền sẹo trong lòng tôi bỗng chốc rách toạc ra, tình yêu thửa thiếu thời không đạt được, bây giờ vẫn khiến tim tôi đau nhói.

Tôi không biết phải đáp như thế nào, chỉ im lặng nhìn ông cụ. Nhưng không nghe được tiếng trả lời của tôi thì ông cụ lại hoảng hốt, tay quờ quạng trong không trung, miệng liên tục gọi tên Như Ngọc: "Như Ngọc, cháu đâu rồi... sao cháu không trả lời? Như Ngọc... Như Ngọc".

Đặng Khải Thành vừa định tiến đến thì tôi lại lên tiếng: "Ông ơi, cháu ở đây".

Gương mặt đau khổ của ông cụ lập tức giãn ra, vui mừng nói: "Như Ngọc, là cháu phải không?".

Tôi không nỡ làm đau lòng người già, gượng gạo nặn ra một nụ cười: "Vâng, ông ơi, ông có khoẻ không?".

"Khỏe, khỏe lắm. Ông cứ tưởng không chờ được cháu về nữa, thế mà cuối cùng cũng chờ được cháu về rồi. Như Ngọc, lại đây ông xem nào”.

Tôi chậm chạp tiến lại gần, nắm lấy tay ông cụ, ông cũng run run nắm chặt tay tôi, hài lòng mỉm cười: “Như Ngọc, mắt ông mù rồi, không thấy được cháu nữa, nhưng ông vẫn nhớ đấy. Như Ngọc của ông xinh xắn lắm, xinh nhất thôn Trường An”.

“Vâng ạ”. Tôi máy móc lặp lại lời ông cụ: "Như Ngọc của ông xinh nhất thôn Trường An".

"Như Ngọc, 10 năm nay cháu ở đâu? Sao không có tin tức gì?".

"Cháu ở Hồng Kông, xa quá không về được. Ông nội, cháu xin lỗi, đến tận bây giờ mới có thể về thăm ông".

"Không sao, không sao. Hồng Kông xa như thế, về được là tốt rồi". Ông cụ cười hiền hoà, ánh mắt đục ngầu hướng về phía tôi: "À đúng rồi, hai đứa đã ăn cơm chưa?”.

Lần này, Đặng Khải Thành lên tiếng: “Chưa ạ, bọn cháu về hơi muộn, đến giờ vẫn chưa ăn cơm”.

“Chị Xuân, chị Xuân ơi”. Ông cụ bỗng nhiên cất tiếng gọi: “Chị mau dọn cơm đi, Như Ngọc về rồi, Thành cũng về, mau dọn cơm để hai đứa ăn cơm. Hôm nay tôi cũng phải ăn thêm một bát mới được”.

Người phụ nữ lớn tuổi kia ái ngại nhìn tôi, rồi lại nhìn Đặng Khải Thành, thấy anh ta khẽ gật đầu một cái, rút cuộc cũng đành phối hợp nói: “Vâng. Như Ngọc về rồi, phải dọn cơm chứ? Ông chờ Như Ngọc tận 10 năm rồi còn gì”.

“Đúng đúng, mau dọn cơm đi”.

Đặng Khải Thành đặt tay lên xe lăn của ông cụ: “Ông ơi, cháu đưa ông ra ngoài vườn đi dạo nhé?”.

“Thế còn Như Ngọc?”.

“Ông yên tâm, cô ấy không đi mất đâu”.

“Thế thì được”. Ông cụ gật đầu, buông tay tôi ra: “Như Ngọc, đừng đi đâu nhé, cháu là cháu nội của ông, đứa cháu ông thương nhất, cháu không được bỏ ông đi nữa đấy. Cháu ở đây chờ ông với Thành vào rồi ăn cơm”.

“Vâng ạ”.

Sau khi Đặng Khải Thành đưa ông ra vườn hoa, tôi cũng xuống bếp phụ giúp chị Xuân. Chị ấy hình như cũng biết chút chuyện về Như Ngọc nên bảo tôi:

“Cô không phải là Như Ngọc”.

Tôi không nói gì, chỉ nhìn chị ấy. Chị Xuân biết tôi sẽ không trả lời nên không chờ đợi, lại tiếp tục: “Lúc trước tôi cũng ở thôn Trường An, nhà ở cạnh nhà của Như Ngọc, ngày bé nó xinh lắm, nét nào ra nét ấy, lúc nó lớn lên thì không gặp nữa, nhưng tôi có xem ảnh Như Ngọc năm 20 tuổi rồi, gương mặt nó khác gương mặt cô".

Điều này tôi cũng phải công nhận, khi tôi gặp Như Ngọc lần đầu tiên, cảm giác của tôi chính là thất bại, bởi vì cô ấy xinh hơn tôi rất nhiều, dịu dàng hiền lương, khác hẳn với con bé ngỗ ngược là tôi.

Tôi cười đáp: "Vâng, tôi không phải là cô ấy".

"Thành thuê cô đến đây à?". Chị Xuân hỏi: "Có dặn dò cô gì về Như Ngọc không?".

"Không dặn gì cả".

"Ừ". Tay chị Xuân thoăn thoắt thái rau thơm trên thớt, nói: "Ông cụ ở đây chờ Như Ngọc 10 năm rồi, nhưng Như Ngọc không về nữa. Cả tôi và Thành đều biết cô ấy ch.ế.t rồi, chỉ có ông cụ là không tin”. Chị Xuân thở dài: “Mấy năm nay ông cụ lẫn nặng, hễ gặp ai là sẽ hỏi thăm Như Ngọc. Cũng may mà vẫn còn Thành thường xuyên đến đây thăm ông"

"..."

"Nếu như cậu ấy thuê cô rồi, về sau hãy giả vờ làm Như Ngọc cho tốt nhé, đừng để ông cụ thất vọng".

Tôi không có ý định giả vờ làm Như Ngọc, nhưng cũng lười nói ra, chỉ bảo: "Lừa người già như vậy không tốt đâu".

"Có lẽ chẳng còn cách nào cả. Như Ngọc c.hế.t rồi, cô ấy còn trẻ như thế mà phải c.hế.t đau đớn như vậy, ông cụ không chấp nhận được, chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao".

"Ở đây cũng không thờ phụng cô ấy sao?".

"Ông cụ không cho lập bàn thờ". Chị Xuân nói: “Chỉ khổ thân Như Ngọc, lúc còn sống thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc c.hế.t rồi còn trôi dạt trên sông tận 2 ngày mới tìm được, lúc vớt lên mặt cũng đã bị cá rỉa mất rồi".

Cảnh tượng 10 năm trước bên bờ sông chợt hiện ra trước mặt tôi, tay tôi run lên, môi mím chặt không nói được câu gì.

Chị Xuân lại tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Nghĩ đến vẫn còn tức, cũng tại cái nhà thất đức kia, đã làm chuyện sai trái còn hại bố mẹ của cậu Thành, làm Như Ngọc phải c.hế.t. Loại đó lẽ ra phải gặp quả báo, bị đày xuống 18 tầng địa ngục, mãi mãi không được siêu thoát mới đúng”.

Tôi lùi lại phía sau một bước, cố nén cảm giác khó chịu đang dâng trào lồng ngực: “Nhà kia làm gì cơ?”.

"Chuyện dài lắm, khó kể ra được, nhưng tóm lại đúng là ông trời không có mắt, để cho nhà họ bây giờ vẫn còn sống nhởn nhơ như không"

"Chị biết bây giờ họ thế nào không?"

“Sao lại không? Ai cũng biết cái lão già kia chỉ bị tù chung thân, bà vợ thì sống thực vật trên giường bệnh, đứa con gái thì vẫn sống tốt lắm, cùng một lúc hại mấy mạng người mà vẫn sống tốt được, chỉ có Thành ở như vậy bao nhiêu năm nay”. Chị Xuân ngừng lại một lát rồi nói: “10 năm rồi chứ ít gì? Người đau khổ thì vẫn đau khổ, kẻ gây ra tội ác chỉ trả giá như thế là không công bằng. Nghe đâu bà vợ kia sống thực vật mà còn được nằm phòng Vip, ngày nào cũng có y tá tắm rửa, cho sưởi nắng. Loại người độc ác như vậy, sao không c.hế.t đi cho xong”.

Nghe chị ta rủa mẹ mình, máu nóng trong người tôi nhanh chóng bốc lên não, tôi nhìn chằm chằm chị ta, lúc này, lại nghe chị ta nói:

“Mà đúng rồi, nãy giờ quên hỏi tên, cô tên là gì vậy? Nhà ở đâu?".

Tôi cười: “Tôi là người mà chị bảo sẽ gặp quả báo, bị đày xuống 18 tầng địa ngục, mãi không thể siêu sinh ấy”.

Vẻ mặt chị Xuân lập tức ngây ra, con d.ao trong tay rơi xuống thớt, leng keng hai tiếng: “Gì cơ?”.

“Gia đình tôi hại c.hế.t cha mẹ anh Thành, đổi lại, anh ta cũng hại gia đình tôi ly tán, ba tôi vào tù chịu khổ sở, mẹ tôi không liên quan cũng phải sống thực vật 10 năm, hại tôi có quê hương cũng không dám đặt chân về. Chị nói kẻ gây ra tội ác trả giá như thế là quá nhẹ ư? Không, tôi thấy chị sai rồi. Gia đình tôi đã gặp quả báo rồi, vậy còn Thành? Anh ta có phải cũng nên gặp quả báo không?"

“Cô… cô…”. Chị Xuân hoảng đến nỗi hai mắt trợn trừng nhìn tôi, miệng lắp bãi mãi mới thốt ra nổi một câu: "Sao lại là cô được? Sao Thành lại dẫn kẻ thù như cô đến đây?"

“Tôi cũng không biết”. Tôi cười lạnh: “Có thể anh ta dẫn tôi đến đây, bảo tôi giả vờ làm Như Ngọc để lương tâm tôi tự cắn rứt. Hoặc là nói dễ hiểu hơn, anh ta muốn tra tấn tinh thần tôi”.

Năm xưa nhìn thấy Đặng Khải Thành ở bên Như Ngọc, tôi đau lòng bao nhiêu, bây giờ trái tim tôi lại nguội lạnh bấy nhiêu. Không phải là tôi không đau nữa, mà là 10 năm qua tôi vẫn luôn day dứt, tôi hối hận và đã từng sợ hãi khi nghe được tin Như Ngọc nhảy s.ông. Và tôi cũng thường gặp ác mộng mỗi lần mơ thấy cô ấy.

“Chính gia đình cô đã g.iế.t ba mẹ của Thành, g.iế.t Như Ngọc”. Chị Xuân bỗng tỉnh ngộ, cầm d.ao chĩa về phía tôi: “Đồ quỷ cái, đồ thú đội lốt người".

Tôi há miệng, định nói, nhưng đột nhiên có một giọng đàn ông lạnh lùng vang lên: “Chị Xuân”.

“Thành, cô ta…”.

Đặng Khải Thành không biết đã quay lại từ khi nào, anh ta nhìn chị Xuân, cau mày ngắt lời: “Ông đang ở trên nhà, chị đừng làm ồn”.

“Nhưng cô ta là người g.iế.t Như Ngọc, cô ta là kẻ thù của cậu, cậu dẫn cô ta đến đây làm gì? Cậu mau đưa cô ta đi đi”.

“Chị Xuân, đây là chuyện của riêng tôi, chị đừng tham gia vào. Lâu rồi ông không có ngày nào vui vẻ, đừng làm mất hứng của ông”.

“Nhưng đây là lừa dối, Thành, cậu lừa ông như thế, liệu ông biết được thì sao? Cậu có nghĩ đến không?".

"Chị Xuân, tôi biết chị chăm sóc ông rất tốt, 10 năm nay, tôi và ông cũng coi chị như người trong nhà, nhưng có nhiều chuyện chúng ta vẫn nên rạch ròi, chị hiểu ý tôi không?"

Chị Xuân ngập ngừng một lát, bắt gặp ánh mắt không hài lòng của Đặng Khải Thành cũng không dám nói nữa, hạ con d.ao trong tay xuống.

Đặng Khải Thành cũng dịu giọng: “Chị Xuân, nấu cơm xong rồi thì dọn ra đi, tôi đói rồi”.

Chị Xuân mím môi im lặng một hồi, cuối cùng cũng thở hắt ra một hơi: “Ừ, tôi dọn lên ngay”.

Trong suốt bữa cơm hôm đó, tôi không nói chuyện với Đặng Khải Thành, chị Xuân cũng luôn nhìn tôi bằng ánh mắt căm thù, chỉ có ông cụ luôn miệng hỏi han tôi, còn dặn Đặng Khải Thành gắp nhiều thức ăn cho tôi. Ông cụ nói:

“Như Ngọc mất tích 10 năm chắc phải chịu nhiều vất vả rồi, Thành, gắp cho con bé ăn nhiều vào, nãy ông nắm tay nó thấy gầy lắm, phải ăn nhiều vào mới nhanh khỏe”.

Đặng Khải Thành gật đầu, nói “Vâng” một tiếng rồi lẳng lặng gắp thức ăn vào bát tôi. Tôi cũng phối hợp, cười lạnh lùng: “Cảm ơn anh”.

Chị Xuân lườm tôi đến cháy cả mắt!

Ăn xong cơm, Đặng Khải Thành đưa ông nội vào trong phòng nghỉ, ở trong đó chỉnh tần số radio rồi trò chuyện một lát, xong xuôi mới cùng tôi ra về.

Trên đường về, thấy tôi cứ im lặng mãi, anh ta mới nói: “Ông cụ lẩm cẩm, có vài chuyện nhớ được, cũng có vài chuyện giải thích nhiều lần nhưng không nhớ nổi. Có lẽ là không muốn nhớ”.

“Cho nên anh đưa tôi đến để dỗ ông cụ?”.

Đặng Khải Thành nói thẳng: “Phải”.

“Vì sao không chọn người khác mà phải là tôi?”.

Anh ta không đáp nữa, chỉ yên lặng lái xe, tôi không chờ được câu trả lời, sự ấm ức ban nãy chưa được nói ra, giờ lại cuồn cuộn dậy sóng: “Nếu anh không trả lời thì để tôi thử đoán xem nhé. Anh đưa tôi đến là để nghe ông anh ngày ngày gọi tôi là Như Ngọc, ngày ngày để người thân cô ấy nhắc nhở tôi chuyện trong quá khứ, khiến tôi phải giày vò đau khổ, tự cắn rứt lương tâm, không ngày nào được sống yên, phải không?”.

Trước từng lời chất vấn của tôi, Đặng Khải Thành vẫn bình thản như không: “Nếu có câu trả lời rồi, em còn hỏi tôi làm gì?”.

“Tôi muốn nghe anh tự nói ra”.

Anh ta mỉm cười: “Chuyện vớ vẩn như thế, tôi không có hứng thú bàn luận”.

Lòng tôi vừa cảm thấy nực cười lại vừa chua xót, nhưng tôi sẽ không tỏ ra đau khổ trước mặt Đặng Khải Thành, bởi vì tôi biết, tôi càng bị giày vò thì anh ta càng vui vẻ.

Thế nên tôi vẫn cười bảo: “Anh Thành, anh đúng là cao tay. Loại trả thù kiểu này chắc không ai nghĩ ra nổi, chỉ có anh mới làm được mà thôi"

Đặng Khải Thành liếc tôi: "Đã biết như vậy, sao lúc đó em còn tự nhận mình là Như Ngọc? Em cứ nói thẳng là không phải, thế không phải xong rồi à?"

Tôi bị hỏi cho cứng họng, đúng là nhiều năm như vậy, tôi vẫn thua Đặng Khải Thành 10 bậc, cáu kỉnh móc mỉa anh ta một hồi cũng không bằng anh ta nhẹ nhàng nói vài câu đã chọc đúng tim đen của tôi.

Phải! Tôi nhận mình là Như Ngọc không phải vì tôi sợ Đặng Khải Thành, mà là tôi cảm thấy bản thân mình có lỗi với Như Ngọc, nhìn ông nội cô ấy đau khổ như vậy, tôi không nỡ nói ra.

Nhưng tôi vẫn cứng miệng trả lời Đặng Khải Thành: "Ba tôi ở trong tay anh, tất nhiên, tôi sẽ không làm trái ý anh".

Anh ta mỉm cười, ánh mắt sâu thẳm không thấy đáy, cũng không đáp nữa, chẳng biết là tin hay không tin.

Chiều hôm ấy về nhà, tôi không nói với anh ta câu nào, Đặng Khải Thành cũng bận rộn phê duyệt giấy tờ nên không mở miệng, thậm chí lúc ăn cơm, tôi cũng không thèm nhìn anh ta.

Đến buổi tối, vừa trở về phòng thì tôi nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Vừa nghe máy, đầu dây bên kia đã nói: “Alo, cho hỏi đây là số của Chân Ý phải không?”.

“Vâng, xin hỏi ai đấy ạ?”.

Người kia thở hắt ra một hơi: “Ôi, phải là Chân Ý thật không? Chân Ý, anh là Tư đây. Tư một mí ấy”.

Tư một mí là đàn em thân cận nhất của ba tôi từ lúc trước, sau này Đặng Khải Thành dần dần có chỗ đứng ở Hồng Hưng, anh Tư làm việc không nhanh nhẹn nhạy bén bằng anh ta nên được ba tôi cho quản lý một con phố khác. Sau đó, tôi không gặp lại anh Tư nữa.

Tôi gần như reo lên: “Anh Tư, anh vẫn khỏe chứ?”.

“Khỏe, bao nhiêu lâu rồi không gặp em, hôm nay anh lên diễn đàn thấy có bài đăng bán Hồng Ý, anh xem nick thấy tên hatvungkute thì đoán ngay ra đó là em”. Anh Tư ngừng một lát rồi nói: “Chân Ý, anh nghe chuyện ba mẹ em rồi. 10 năm nay em sống ở đâu?”.

“Em ở Hồng Kông, vừa mới về Việt Nam được hơn một tháng. Anh Tư, bây giờ anh đang ở đâu, sống có tốt không?”.

10 năm, Hồng Hưng sụp đổ, người thì bỏ trốn, người thì bị giam, phân tán đi khắp nơi. Giờ gặp lại người quen cũ tôi rất mừng, cứ ríu rít hỏi thăm mãi. Anh Tư nói bây giờ đang làm bất động sản, mấy năm qua thị trường nhà đất tăng giá nên anh ấy cũng kiếm được kha khá, giờ thấy tôi muốn bán Hồng Ý đi thì ngỏ ý muốn mua lại.

Anh Tư nói: “Chân Ý, em bán Hồng Ý đi anh tiếc lắm, anh muốn mua lại, vẫn làm quán Bar thôi, coi như mua lại kỷ niệm, sau này có chỗ cho anh em Hồng Hưng tụ tập”.

Tôi nói “Được”, anh Tư lại hẹn gặp để mời tôi chén trà, trước hết ôn lại chuyện xưa, sau đó là nói giá cả. Tôi nghĩ bán cho người quen cũng tốt nên đồng ý gặp, hẹn anh Tư vài ngày nữa có thời gian sẽ liên lạc lại sau.

Nói qua nói lại một lúc thì cũng đã muộn, tôi không bận tâm đến Đặng Khải Thành ngủ ở đâu mà nhắm mắt thiếp đi luôn. Nhưng ngủ không lâu, tôi lại gặp ác mộng.

Trong giấc mơ đó, Như Ngọc người ướt sũng nước mưa đến tìm tôi, cô ấy nắm vai tôi khóc lớn: “Cô nói đi, anh ấy không c.hế.t phải không? Anh ấy vẫn còn sống phải không? Chân Ý, trả lời tôi đi, anh Thành không c.hế.t phải không?”.

“Tôi không biết”. Tôi vô hồn nhìn Như Ngọc, đáp ngây ngốc. Chính tôi cũng không thể chấp nhận được chuyện Đặng Khải Thành đã chế.t, huống hồ là Như Ngọc.

“Sao cô lại không biết được? Chính ba cô g.iế.t cả nhà anh ấy, sao cô lại không biết được? Các người không sợ gặp quả báo sao? G.iết cả nhà người ta mà không sợ gặp quả báo sao?”.

“Cô nói cái gì?”. Tôi giật mình: “Cô nói cái gì cơ?”.

“Ba cô g.iế.t cả nhà anh ấy, cô đừng giả vờ như không biết gì?”

“Cô nói dối, cô nói dối”.

“Tôi nói dối hay không cô gặp ba cô hỏi là biết. Có khi ba cô đang nhốt anh Thành ở một nơi nào đó, đánh đập tra tấn anh ấy cũng nên”.

“Không phải”. Tôi ôm đầu hét lên: “Ba tôi nói anh ấy rơi xuống núi c.hế.t rồi”.

“Nói dối, anh ấy làm sao rơi xuống núi được? Anh ấy giỏi như thế, mưa bom bão đạ.n còn không c.hế.t, rơi xuống núi thì sao mà c.hế.t được. Cô mới là đồ nói dối”.

“Tôi không nói dối, ba tôi đưa x.á.c anh ấy về… đưa xá.c anh ấy về…”. Cổ họng tôi nghẹn cứng, lặp đi lặp lại mấy lần câu nói ấy: “Tôi nhìn thấy xá.c anh ấy, anh ấy c.hế.t thật rồi”.

Như Ngọc tát vào mặt tôi, mắng tôi là đồ độc ác. Tôi im lặng nhìn cô ấy, miệng lặp đi lặp lại một câu: “Anh ấy c.hế.t rồi…”.

Ba ngày hôm sau, người dân ở đầu phố xôn xao có một cái xá.c nổi lên dưới chân cầu, mấy người đàn em của ba tôi cũng hớt hải chạy đến báo tin, nói với tôi Như Ngọc c.hế.t rồi.

Tim tôi như rơi tõm xuống vực sâu, tôi hỏi: “Cậu nói ai chế.t cơ?”.

“Bạn gái của anh Thành, cô ta nhảy cầu đêm hôm trước, hôm nay xá.c nổi lên rồi”.

Tôi lật đật chạy đến xem, chỉ thấy người ta đang kéo Như Ngọc vào bờ, đắp một chiếc chiếu lên người cô ấy. Tôi hoảng hồn quỳ sụp xuống đất, lúc này mới nhớ ra mấy ngày trước, lúc Như Ngọc rời đi, cô ấy đã vừa khóc vừa lẩm bẩm nói một mình: "Ba mẹ tôi c.hế.t rồi, đến bây giờ anh Thành cũng c.hế.t rồi, tôi còn sống làm gì? Tôi sống có ý nghĩa gì nữa đâu...".

Tôi ôm lấy lồng ngực đau đớn, trơ mắt nhìn người ta khiêng thi thể của Như Ngọc đi ngang qua tôi. Thế nhưng lúc đó, bỗng dưng có một cánh tay vươn ra từ trong chiếu, Như Ngọc siết cổ tay tôi, mặt trắng bệch nghiến răng nói: "Chân Ý, chính vì cô nói dối mà tôi mới phải c.hế.t. Anh Thành chưa c.hế.t, cô đã lừa tôi. Chân Ý, kẻ tâm địa ác độc như cô lẽ ra phải c.hế.t mới đúng, cô mau n.hảy xuống sông theo tôi".

"Không... không... tôi không lừa cô... Không, buông tôi ra".

Tôi hét lên thất thanh rồi bật dậy, mở mắt ra mới thấy mình đang ở 10 năm sau, nằm trên giường của Đặng Khải Thành.

Có giọng của một người vang lên trong đêm tối: “Chân Ý”.

Tôi ngẩng lên mới thấy có một người đứng tựa cửa sổ từ bao giờ, hình như anh ta đã đứng đó từ rất lâu, tấm lưng rộng in bóng lên tấm rèm ngoài cửa sổ.

Trong phòng có ánh đèn ngủ màu cam dìu dịu, còn có Đặng Khải Thành nên tâm trạng tôi mới từ từ bình tĩnh lại. Tôi đưa tay lên xoa mặt, lúc này mới thấy lòng bàn tay ướt đẫm, cả người cũng ướt nhẹp mồ hôi.

“Gặp ác mộng à?”. Anh ta nhìn bộ dạng thảm hại của tôi, hỏi.

“Ừ".

"Muốn uống cốc nước không?".

Tôi định nói "Có", nhưng nghĩ người kia là Đặng Khải Thành, kẻ thù của gia đình tôi, nguồn cơn của những cơn ác mộng của tôi, rút cuộc, tôi lại lắc đầu.

Tôi nói: "Anh Thành, chắc bây giờ anh không gặp ác mộng nữa phải không?”.

Đặng Khải Thành chỉ nhìn tôi, không đáp.

Tôi cười lạnh, cũng chẳng chờ anh ta trả lời đã tự lên tiếng: “Thời thế thay đổi rồi, ác mộng của anh cũng chuyển sang tôi. Kỳ lạ thật, từ khi đến ở cùng anh, đêm nào tôi cũng mơ thấy mấy chuyện vớ vẩn".

"Tâm lý không tốt, mơ thấy chuyện không vui là chuyện bình thường. Chân Ý, việc này không có gì lạ cả. Nếu em muốn thoát ra, em buộc phải học cách tĩnh tâm".

"Giống như anh sao? Ngày nào cũng làm việc xấu, nhưng đêm về luôn kê cao gối ngủ ngon, là vì anh biết tĩnh tâm?".

Một lúc sau, Đặng Khải Thành mới nói: “Chân Ý, em biết ác mộng của tôi suốt 10 năm nay là gì không?”.

Tôi ngước lên, lòng có đáp án, nhưng lại mím môi chờ đợi Đặng Khải Thành nói tiếp.

“Là vào đêm rằm trung thu của 10 năm trước, tôi chạy về nhà thấy ba tôi nằm trên vũng m.áu, mẹ tôi thoi thóp dưới mái hiên. Cho đến tận lúc c.hế.t, mẹ tôi vẫn hét bảo tôi phải chạy đi, người ta tưới xăng quanh nhà tôi rồi, chỉ cần tôi chạy vào sẽ châm lửa”. Giọng Đặng Khải Thành bình đạm như nước, nhưng câu chuyện anh kể thật sự đau thương: “Trong giấc mơ, tôi vẫn nghe thấy được tiếng mẹ tôi la hét vì c.hế.t cháy. Chân Ý, em bảo cho dù là 10 năm, hoặc thậm chí 20 năm, hoặc là cả đời này, tôi thoát khỏi ác mộng ấy làm sao đây?”

Đặng Khải Thành nhìn vào mắt tôi, cười nói: “Trên đời này, vốn dĩ chẳng có ai gánh đỡ được ác mộng của ai, cũng chẳng có giấc mơ của ai chuyển sang ai cả”.

Tôi bị nói đến tỉnh cả người, nhưng nghĩ đến số phận của ba mẹ tôi cũng chẳng khá hơn ba mẹ anh ta, lòng lại đầy căm phẫn nói: “Phải. Vốn dĩ không có ai gánh đỡ được ác mộng của ai cả, ba mẹ anh c.hế.t đi, anh oán hận gia đình tôi, tìm đủ mọi cách tàn nhẫn nhất để giày vò ba người nhà chúng tôi. Nhưng làm như thế, không phải anh cũng đang gieo ác mộng cho người khác đó sao? Tay anh cũng vấy đầy tội ác, anh cũng chẳng khác gì ba tôi”.

“Phải”. Đặng Khải Thành đáp: “Từ 20 năm trước, tôi đã trở thành người xấu rồi”.

Tôi bật cười, gọi thẳng cả họ cả tên anh ta: “Đặng Khải Thành, 10 nay anh có từng nghĩ đến tôi hận anh bao nhiêu không?”.

“Từng nghĩ”.

“Vậy anh cũng hận tôi y như vậy, hay là hơn?”.

Đặng Khải Thành không trả lời, chỉ có tôi cười như kẻ đ.iên: “Chắc là hơn rồi. Anh có người ở trong lòng, còn tôi thì không. Tôi chẳng yêu ai, cũng chẳng đau lòng vì người đàn ông nào cả. Anh có dùng cách nào để hành hạ tôi, tôi cũng không thể cảm nhận được nỗi đau mất đi Như Ngọc của anh đâu”.

“…”

“Cho nên anh Thành, nếu ép tôi đau một nỗi đau mà tôi không hiểu, sẽ bị tác dụng ngược đấy”.

Tôi nói xong một hơi dài, cũng không còn sức lực để tiếp tục tranh cãi, lập tức mở cửa đi ra ngoài, Đặng Khải Thành cũng không đuổi theo tôi, chỉ im lặng nhìn tôi cho đến khi cửa đóng rồi mới thôi.

Tôi ra phòng khách, ngồi trên chiếc ghế mây nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ. Thật trùng hợp, hôm nay là ngày rằm nên trăng rất tròn và sáng, cơn gió se se đầu thu thổi qua rèm cửa, lật giở mấy trang giấy, không khí rất đỗi nhẹ nhàng và bình yên.

Nhưng tôi lại không thể nhắm mắt ngủ tiếp được nữa…

Mấy lời Đặng Khải Thành vừa nói quẩn quanh bên tai tôi, đây là lần đầu tiên tôi biết được cha m.ẹ anh ta phải c.hế.t như thế nào, cùng là con người, ít nhiều gì tôi cũng cảm thấy đau xót, nhưng ba m.ẹ tôi bây giờ còn sống khổ sở hơn thế, liệu Đặng Khải Thành có xót thương cho cha mẹ tôi không?

Tôi và anh ta, tại sao lại đi đến bước đường này chứ?

Thật ra tôi đã nói dối, tôi cũng có một nỗi đau y như Đặng Khải Thành mất đi Như Ngọc, bởi vì 10 năm trước đây, đã từng có một người đàn ông mà tôi yêu đã c.hế.t ở trong tim tôi...

Sáng sớm hôm sau Đặng Khải Thành lục đục dậy đi làm, tôi cũng không bận tâm đến anh ta nên ngay cả nhìn tôi cũng chẳng buồn liếc một cái. Mà Đặng Khải Thành cũng không nói, chúng tôi im lặng chiến tranh lạnh tận bốn ngày ba đêm.

Tới hôm thứ 5 thì anh Tư gọi điện thoại hẹn gặp tôi, bảo tôi đến một quán cafe ở quận X bàn chuyện mua bán Hồng Ý. Đặng Khải Thành không có nhà, tôi lại trèo tường ra ngoài gặp anh Tư.

Lúc tôi đến được quán cafe kia thì anh Tư cũng đã chờ sẵn rồi, nhiều năm không gặp, anh Tư có vẻ khác hẳn so với trước đây. Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, bộ dạng anh Tư hùng hổ xấc xược nhất trong đám đàn em của ba tôi, ăn nói lỗ mãng lại hay dọa người, nhưng mỗi lần đến trường đón tôi tan học về, anh Tư đều nói: “Chân Ý, sau này đứa nào bắt nạt em thì cứ nói với anh Tư một tiếng, anh Tư xử nó giúp em”.

Bây giờ, hai mươi mấy năm trôi qua, anh Tư đã là một người đàn ông hơn 40 tuổi, cả người xăm trổ, dáng vẻ vẫn xấc xược như trước đây nhưng thâm thúy và biết tiết chế hơn, đặc biệt là ánh mắt, khi nói chuyện chẳng có nổi một ý cười.

Thế nhưng, ngoài mặt anh Tư vẫn tay bắt mặt mừng hỏi tôi: “Chân Ý, lớn trông xinh quá, khác hẳn hồi còn nhỏ đấy nhé”.

Tôi cười: “Anh Tư khỏe không? Năm nay lấy vợ chưa?”.

“Ôi giào vợ con gì, trước cũng cưới nhưng được 2 năm thì bỏ rồi. Đàn bà phiền phức lắm, suốt ngày lèm bèm, điếc tai nên anh bỏ”. Anh Tư đáp: “Em thì sao? Lấy chồng chưa?”.

“Em chưa, không nghề nghiệp, không chồng con. Em thảm lắm rồi”.

“Thảm đâu mà thảm, chẳng qua là cuộc sống hơi khó khăn tý thôi. Em bán Hồng Ý đi để đầu tư vào cái gì khác hả? Hay là định dùng tiền có việc?”.

“Em định chia nửa ra, một nửa dành cho việc riêng, một nửa đầu tư vào lĩnh vực khác”.

“Ừ, thế cũng được. Con gái con lứa, cũng nên có người chồng ở bên cạnh để nương tựa, dù sao thì bây giờ ba mẹ em cũng đã như thế rồi, không thay đổi được, em một thân một mình cũng vất vả”. Anh Tư đẩy cốc nước đến cho tôi, cười bảo: “Phụ nữ mà bôn ba mãi cũng khổ đấy”.

“Vâng”.

“Về Hồng Ý, anh định trả em 121 tỷ, bao gồm cả nhà đất và các nội thất có sẵn trong quán Bar. Em thấy thế được không? Nếu không hài lòng thì em cứ nói với anh một tiếng, mình từ từ cân nhắc”.

Thực ra mấy ngày hôm nay tôi đã tham khảo giá đất thị trường, thấy giá anh Tư đưa ra là hợp lý nên gật đầu:

Tôi bảo: “Vâng, em thấy vậy cũng hợp lý. Nhưng bây giờ Hồng Ý đang đứng tên anh Nguyên, 10 năm nay cũng do anh ấy quản lý. Em muốn hỏi lại ý kiến của anh ấy đã”.

“Ừ, thế cũng được. Thế thì hai người cứ thống nhất đi, rồi báo với anh một tiếng”.

“Vâng”.

“À mà anh cũng có một quán Bar ở gần đây, thằng Tuấn sứt cũng làm quản lý trong đó đấy. Em có muốn ghé qua chơi một lúc không? Đến thăm người quen luôn”.

Tôi định từ chối, nhưng anh Tư nài nỉ mãi, vả lại ở đó còn có người quen nên tôi đành phải đi.

Giờ ấy mới là 9h sáng, quán Bar chẳng có mấy người, chỉ có một bàn toàn những tên cặn bã lấc cấc đang uống rượu. Anh Tư vừa vào đã nói:

“Tuấn sứt, ra đây mà xem ai đến này”.

Tuấn sứt vội vàng chạy ra, thấy tôi mới reo lên: “Chân Ý”.

Tôi nhanh chóng bị bọn họ kéo vào uống rượu, bình thường tửu lượng của tôi rất tốt, uống nửa chai rượu mạnh cũng chưa chắc đã say, nhưng bởi vì ở đây toàn đàn ông nên tôi không muốn uống nhiều, chỉ xã giao hai ly rồi định đứng dậy đi về.

Anh Tư nói: “Chân Ý, sao về sớm thế? Mới chưa đến 10 giờ mà. Ở lại uống với bọn anh đến say rồi hãy về chứ?”.

“Các anh không hẹn sớm, sáng nay em còn có ít việc, giờ phải đi giải quyết đây. Lần sau em lại đến, các anh cứ yên tâm, khó lắm mới gặp được người quen, phải giữ liên lạc chứ?”.

Bọn họ kì kèo không được, lại bảo: “Về cũng được, nhưng uống hết ly này đi đã, chào cả bàn một ly rồi hãy về chứ?”.

Tôi nhìn ly rượu đầy đã được Tuấn sứt rót từ trước, không đề phòng, chỉ nghĩ ngợi vài giây rồi cũng đưa lên miệng uống cho xong. Nhưng rượu chảy vào họng rồi tôi mới cảm giác có vị khang khác, vừa định nhổ ra thì anh Tư đột nhiên chồm lên, ấn người tôi xuống ghế rồi đổ hết ly rượu đó vào miệng tôi.

Tôi vùng vẫy đạp anh ta ra, mười ba tuổi tôi đã học đủ loại, từ taewoondo đến quyền anh, thậm chí là muay thái, anh Tư gầy còm như vậy vốn không phải là đối thủ của tôi.

Thế nhưng anh ta vừa bật ra thì Tuấn sứt cùng mấy gã nữa lại lập tức lao đến, bọn hắn cười sằng sặc: “Con m.ẹ nó, cuối cùng thì cũng bắt được em rồi. Chân Ý, em đừng trách bọn anh. Trước đây ba em vì thằng khốn k.iếp Thành tống bọn này ra khỏi Hồng Hưng, đối xử tệ bạc với bọn này, giờ Hồng Hưng sụp đổ rồi, ba em vào tù, bọn anh không vào đó trả thù được, chỉ có thể tính sổ lên người em thôi"

Tải App về nhận phần thưởng luôn.
Quét mã QR, tải xuống Hinovel App.