Chương 2. Ngày thứ 2
Thấy Gia Bách, Xuyến giật mình, ngồi bật dậy.
– Sao anh về trễ vậy?
Gia Bách mệt mỏi đáp:
– Có vụ án.
Lúc này Xuyến mới để ý đến bộ đồng phục anh đang mặc, nó đẹp làm sao, anh mặc vào oai phong lẫm liệt, Xuyến ngồi thừ ra ngắm anh mãi chẳng muốn rời mắt.
Một lúc sau.
– Ngủ đi, mới 4 giờ thôi.
Mắt anh nhắm nghiền, hơi thở đều đặn vẫn không quên cất giọng nhắc nhở, sau đó nắm tay Xuyến kéo mạnh xuống. Cả người cô đập xuống giường, nghiêng đầu đã thấy Gia Bách thở đều đều, bàn tay còn gác lên bụng cô ngủ ngon lành.
Cô biết anh mệt nên không dám nhúc nhích.
Xuyến nằm cạnh không ngủ thêm được nữa, lâu lâu lại vuốt ve hàng lông mày kiếm và sống mũi cao thẳng của anh, người đàn ông này thật khiến người ta khó rời mắt.
5 giờ sáng hôm sau.
Bà Lệ là người dậy sớm nhất.
Cũng như mọi khi, bà sẽ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, hồi trước không có chị dâu, con bé Gia Hân còn dậy sớm để phụ bà, nay có chị dâu rồi là nó ngủ thẳng cẳng gọi hoài không thèm dậy, buộc bà phải một mình nấu nướng, con dâu mới về nhà chồng mọi thứ còn lạ lẫm nên bà không chấp nhặt từng chuyện, bà thích con bé chủ động chứ không phải đợi bà nhắc nhở rồi mới làm. Bà cũng đã từng tính đến chuyện thuê giúp việc, nhưng khi nghĩ tới trong nhà có người lạ đi tới đi lui là thấy không được thoải mái, ai cũng bảo bà khó tính, bà nội và ba thằng Bách cũng bảo vậy, bà lại nói khi nào con dâu có thai bà sẽ thuê giúp việc.
Bà cặm cụi trong bếp đến sáu giờ rưỡi thì nấu xong nồi hủ tiếu. Gia Bách mặc quân phục công an bước xuống, thấy vẻ mặt con trai bơ phờ vì thiếu ngủ, bà xót:
– Tối qua có vụ án nữa hả con?
Tuổi của bà cũng gần sáu mươi rồi, giấc ngủ cũng không còn sâu như hồi trẻ, trong nhà có động tĩnh gì là bà biết ngay
– Vụ cướp thôi mẹ à. Gia Bách nhẹ nhàng đáp rồi đi thẳng đến bàn ăn, kéo ghế ngồi xuống rồi thở dài một cái đầy mệt mỏi.
Bà Lệ xót con trai, cằn nhằn:
– Đấy. Thấy khổ cực chưa, ngày xưa mẹ bảo học kinh tế sau này làm giám đốc cho trắng da dài tóc mà không chịu.
Rất nhiều năm trước bà đã từng khóc hết nước mắt để thuyết phúc Gia Bách học kinh tế, đến mức bà lấy tính mạng của mình ra đe dọa nhưng nó vẫn kiên định, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Không phải bà không sinh thêm con mà vì khó có khả năng mang thai nên dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể cho cho Gia Bách thêm một đứa em nào nữa, mọi hy vọng bà đều đặt trên người của Gia Bách, ấy vậy mà nó khiến cho bà thất vọng cùng cực.
Mãi đến năm 2000 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm mà bà đã có thêm một đứa con gái, khi đó Gia Bách đã là một cậu học sinh cấp ba sắp ra trường. Đất không chịu trời thì trời cũng phải chịu đất, dù không muốn bà cũng đành hết lòng ủng hộ quyết định của Gia Bách.
Gia Bách cau mày, gương mặt có chút không vui, anh nói:
– Mẹ lại nữa rồi, chẳng phải đã thống nhất với nhau cho con bé Gia Hân nối nghiệp của mẹ và bà nội rồi hay sao, sao giờ mẹ lại than thở nữa rồi.
– Mẹ xót con thôi.
– Cái nghề nào cũng có khổ cực của cái nghề đó mà mẹ.
– Thôi, ăn sáng rồi hẳn đi.
Bà Lệ vào trong bếp, chỉ một phút sau lấy ra một tô hủ tiếu sườn heo to tướng để trước mặt của Gia Bách, anh nhìn tô hủ tiếu mà hết hồn.
– Nhiều thế ăn sao hết.
Bà Lệ cau có bảo:
– Không hết cũng ráng ăn cho hết, ăn nhiều mới có sức mà làm.
– Con biết rồi.
Nói rồi Gia Bách thở dài một cái cố ăn cho hết tô hủ tiếu.
Ăn xong đứng dậy đi ra cửa, đi được một quãng như chợt nhớ ra điều gì đó Gia Bách khựng lại, quay đầu vào trong nhà và nói:
– Mẹ à. Vợ con còn nhỏ cũng chỉ bằng tuổi con Hân thôi, mà từ từ mà dạy nhé, mẹ mà hung dữ quá cô ấy bỏ đi là mẹ lỗ vốn đấy.
Bà Lệ nhìn thằng con trai bĩu môi:
– Gớm, thằng nào nói không chịu cưới vợ, một hai đòi ở vậy tới già, giờ cưới về rồi bảo vợ con nhỏ mẹ từ từ dạy, mẹ có ăn thịt nó đâu.
Nói rồi bà nhoẻn miệng cười tươi, Gia Bách chột dạ liền gãy đầu:
– Ờ thì còn phòng hờ vậy thôi.
– Mà trưa có về ăn cơm không?
– Có mẹ à.
Nói rồi Gia Bách quay ngoắt đi ra cửa như bị ai đuổi.
– Mẹ. Chào buổi sáng.
Một chất giọng trong trẻo bất ngờ vang lên phía sau, bà Lệ quay đầu lại đã thấy nàng dâu mới đứng ở cầu thang nhìn xuống.
Quay lại ra cửa bà thấy thằng con bước đi như bay như bị ma đuổi, hiểu ra vấn đề, bà cười lòng thầm nghĩ hoá ra công an cũng biết ngại nữa cơ, lòng dạ không phải sắc đá như bà tưởng, bà che miệng cười.
Xuyến thấy mẹ chồng cười, tưởng đang cười mình thì vội nhìn xuống bộ đồ mình đang mặc xem có gì không ổn không, khi xác định chẳng có vấn đề gì cả cô mới dám tiến lên vài bước mà kéo ghế ngồi xuống.
Bà Lệ từ trong bếp nói vọng ra:
– Hồi khuya này, thằng Bách nó đi ra ngoài con có biết không?
Vừa ngồi xuống không lâu, Xuyến cảm thấy ngột ngạt vô cùng trước câu hỏi của mẹ chồng, cô hít một hơi thật sâu dè dặt đáp:
– Dạ! con không biết.
Nói xong gương mặt Xuyến lộ rõ vẻ căng thẳng, hai tay siết chặt vào nhau cố gắng thanh minh, tuy cô không biết anh ấy đi lúc nào nhưng lúc về thì cô biết.
– Anh ấy về lúc bốn giờ sáng.
Xuyến dè dặt đáp, bà Lệ thấy Xuyến căng thẳng nên không nói gì gay gắt, bà nhẹ nhàng bảo:
– Ừ. Sau này để ý một chút là được, chồng con nhìn bề ngoài nó hơi khô khan, nghiêm khắc, chứ bên trong nó tốt tính, hiền lành lắm.
Xuyến thở phào:
– Dạ, con biết rồi mẹ.
Bà Lệ nhìn Xuyến nói thêm:
– Trưa nay, chồng con về nhà ăn cơm đấy.
Bà Lệ nhìn Xuyến dò xét, rồi bảo:
– Con biết nấu ăn không?
Xuyến bối rối đáp:
–Con chỉ biết nấu mấy món đơn giản thôi.
–Không sao cả? Biết nấu là được rồi. Trưa nay con nấu cơm nhé, có gì không biết cứ hỏi bà nội.
Xuyến ngạc nhiên trước câu nói của mẹ chồng.
– Mẹ định đi đâu à?
– Mẹ lên công ty, tới tối mới về.
Bà Lệ vừa dứt câu là nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường đang điểm bảy giờ rưỡi.
– Con có đói thì xuống bếp múc đồ ăn ăn nhé. Giờ mẹ đi lên công ty luôn đây.
– Dạ.
Bà vừa nói vừa cởi tạp đề tuỳ tiện vắt lên thành ghế rồi bước vội lên cầu thang. Chỉ một lúc sau, bà bước xuống trên người mặc bộ váy màu tím sẫm, áo khoác cùng màu, trông bà sang trọng quý phái chẳng khác nào phu nhân quý tộc. Xuyến thấy mẹ chồng hơi lạ mắt nên nhìn theo đến khi bà khuất hẳn. Một lúc sau, Xuyến thấy bà lái chiếc xe hơi mới cáu cạnh ra khỏi nhà, cô tò mò đi vòng ra sau hè thì lập tức bị choáng ngợp trước độ giàu có của nhà chồng, trong nhà để xe có thêm hai ba chiếc giống vậy nữa.
Xuyến đi vòng vòng ra sau hè tham quan thì thấy cái hồ bơi to đùng, sâu chắc tầm hai mét, mặt nước trong xanh nhìn lóa cả mắt, mà cái hồ bơi này nằm dưới ban công phòng ngủ của vợ chồng. Nghĩ tới đây, Xuyến bất giác liên tưởng đến Gia Bách cởi trần bơi trong cái hồ này, còn cô đứng trên ban công ngắm nhìn anh thỏa thích, càng nghĩ mặt cô càng đỏ.
Đang thẫn thờ suy nghĩ, Xuyến nghe có tiếng Gia Hân từ trong nhà vọng ra.
– Chị Xuyến, chị Xuyến.
Xuyến lật đật chạy nhanh vào nhà, đã thấy bà nội và ba chồng ngồi ở bàn ăn còn Gia Hân cũng đã bày sẵn đồ ăn trên bàn. Xuyến đứng khựng tại chỗ nhìn mọi người với vẻ bối rối.
Bà nội tuổi cao mà vẫn tâm lý, bà bảo:
– Ngồi xuống ăn sáng đi con, ăn xong bà bảo con Hân chở đi chơi, con ở dưới quê chắc chưa lên thành phố bao giờ hả.
Xuyến kéo ghế ngồi xuống, dè dặt đáp:
– Dạ chưa thưa bà.
Gia Hân bất ngờ nhìn chằm chằm vào Xuyến rồi bảo.
– Để tối em dẫn chị đi chơi, một lát nữa em lên trường, đen tối em mới về. Đến giờ trưa chị nấu cơm nhé, anh hai em ngày nào cũng về ăn trưa, thường không có mẹ thì bà nội và ba nấu, giờ có chị rồi thì chị nấu.
Xuyến gật đầu:
– Ừ. Chị biết rồi.
Xuyến vừa dứt câu, ánh mắt không cưỡng lại được làn da trắng nõn nà, gương mặt trái xoan xinh đẹp của Gia Hân, quả thật vẻ ngoài của Gia Hân rất thu hút người đối diện, ngay cả cô là phụ nữ cũng bị cô nàng này làm mê mẩn. Nghĩ đến mình, Xuyến thấy tự ti vô cùng, làn da đen đúa, tay chân chai sạn, sánh đôi bên chồng người ta lại nghĩ cô chỉ là con osin, theo lẽ thường người đẹp trai vạm vỡ như anh sẽ cưới một người vợ sắc nước hương trời chứ không phải một cô thôn nữ quê mùa như cô đâu. Từ nhỏ đến lớn Xuyến hay bị bạn bè trêu nên cô không có bạn bè nào thân thiết cả.
Sau khi ăn sáng xong, Xuyến là người rửa chén dọn dẹp, Gia Hân thay đồ đến trường, ba chồng của Xuyến thì đi tỉa cây, từ ngày về hưu đến nay công việc của ông quanh đi quẩn lại chỉ có cây cỏ hoa lá, ông không xen vào việc kinh doanh của mẹ, đôi khi ông cùng anh Bách thảo luận vụ án, có mấy chục năm trong nghề điều tra phá án, từ những vụ nhỏ vừa đến xuyên quốc gia không ai không sáng suốt giàu kinh nghiệm bằng ông, Gia Bách may mắn kế thừa sự nghiệp của ba nên anh là một công an giàu thành tích, đã cùng đồng đội của mình phá vô số vụ án giết người rung động dư luận nhận về vô số bằng khen.
Tất cả mọi người trong nhà đều đi hết phút chốc chỉ còn lại Xuyến và bà nội, nhìn bà hiền hậu, hoà đồng Xuyến thấy thoải mái, tự tin nói chuyện nhiều hơn.
Từ phòng bếp đi ra, Xuyến kéo ghế ngồi cạnh, tiện tay rót ly nước trà để trước mặt bà rồi hỏi:
– Bà ơi. Quê bà ở Bến Tre ạ? Sao bà biết con vậy?
Nghe Xuyến hỏi, bà tự dưng lại cười, xoa đầu Xuyến rồi bảo:
– Bà còn đứa em họ ở Bến Tre này cũng ngoài bảy mươi tuổi rồi, bà lớn lên ở đó mãi sau này mới lên thành phố rồi gặp ông nội con hai vợ chồng lập nghiệp được cái công ty nhỏ phát triển thịnh vượng tới giờ luôn, con không biết đâu mỗi lần giỗ ông ấy là bà con họ hàng con cháu tề tựu về đây đông như hội ấy.
Bà nói với vẻ mặt thoải mái tự hào, hình như bà quên mất câu hỏi của Xuyến rồi nên cô hỏi lại:
– Vì sao bà biết cháu vậy bà? Cháu nhớ cháu chưa từng gặp bà.
– Khoảng tháng trước, bà về Bến Tre chơi có nghe người ta đồn về cháu.
Xuyến bắt đầu tò mò, cô trở nên sốt sắng hỏi:
– Người ta đồn gì vậy bà.
Xuyến nói tới đây, bà lại phá lên cười.
– Người ta nói con gái ông hai Dũng đen như lọ nồi, xấu đau xấu đớn, người thì khờ khạo được cái tháo vát, siêng năng cần cù, chịu khó.
Nghe bà nói Xuyến xụ mặt xuống, khóe mắt ươn ướt vì bàng hoàng chua xót. Thấy vẻ mặt của cô cháu dâu thay đổi, bà nội liền nói tiếp:
– Nghe họ nói về con như vậy bà tò mò nhờ họ dẫn đi xem thì thấy con đang cắt cỏ, hái rau sau nhà, mà bà nhìn con đâu có xấu đâu, chỉ hơi đen tí thôi.
Xuyến có cảm giác mình được an ủi nên vơi đi phần nào sự khó chịu trong lòng.
– Trước giờ chưa có ai khen con đẹp cả.
Nói ra câu này, Xuyến lại nhớ những tháng ngày ở quê bị bạn bè đem ra trêu đùa mà muốn trào nước mắt vì ấm ức.
Đang nói chuyện với bà Xuyến bất giác nhìn lên đồng hồ, đã hơn mười một giờ rồi cơ à, cô phải đi nấu cơm thôi.
– Bà ơi, con phải đi nấu cơm rồi.
– Để bà phụ.
Nói rồi hai bà cháu đứng lên đi vào phòng bếp.
Xuyến thấy cái nồi cơm gì mà lạ lắm, nồi cơm nhà cô chỉ có một nút thôi, còn nồi cơm này hình vuông, bên trên quá trời nút, cô chẳng biết biết ấn nút nào bèn quay sang cầu cứu bà nội chồng:
– Bà ơi ấn nút nào mới được ạ.
Dường như bà không nghe thấy lời Xuyến nói.
– Bà ơi ấn nút nào vậy bà?
Cô hỏi lại lần nữa, thì đột nhiên nghe thấy tiếng bước chân vang lên đằng sau, còn chưa kịp quay đầu thì một giọng nói trầm ấm vang lên:
– Ấn nút này rồi nút này là xong.
Xuyến quay đầu lại đã thấy bóng dáng cao lớn của Gia Bách phủ trước mặt mình, cô còn chưa kịp định thần lại thì bàn tay đã bị anh nắm lấy, đến khi ngón trỏ của cô chạm phải cái nút lành lạnh trên nồi cơm thì Xuyến mới biết chuyện gì đang xảy ra.
– Nhìn tôi làm gì? Nhìn xuống cái nồi cơm kìa.
Gia Bách gõ đầu cô một cái, rồi cất giọng có vẻ không được dịu dàng mấy, Xuyến bừng tỉnh vội vã nhìn xuống cái tay của mình, luống cuống quá không biết làm sao bèn thu tay lại. Nghĩ tới khoảnh khắc vừa nãy Xuyến đỏ mặt, lòng trách móc ông chồng đẹp trai của mình, nếu anh ở nhà với cô suốt ngày chắc cô sẽ không tập trung được mất. Nói đi cũng phải nói lại cái đẹp trai của anh không giống hot boy cũng chẳng giống minh tinh điện ảnh gì cả, cái vẻ đẹp phong sương, khổ cực với những chỗ rám nắng trên mặt, bàn tay chai sạn chẳng lần đi đâu được vừa nhìn là có thiện cảm ngay.
Bà nội đứng gần đó nghe thằng cháu nói chuyện với vợ thì cau mày khó chịu, bảo:
– Có vợ rồi mà xưng hô với vợ gì kì cục vậy con, phải xưng là anh chứ sao lại là tôi.
Nghe bà nói cả hai liền khựng lại, Gia Bách nhìn Xuyến với vẻ mặt thật khó coi, Xuyến nhìn anh không nhịn được bịt miệng cười khẽ. Giá Bách véo má vợ, nhăn nhó nói:
– Đáng cười lắm sao?
Xuyến bị đau liền gào lên:
– Đau buông em ra.
– Hai đứa phụ nhau làm đồ ăn đi, bà đi nghỉ một lát đã.
– Dạ. Bà nghỉ ngơi đi để tụi con làm cho.
Bà đi vào phòng, vừa đi vừa nói:
– Khi nào nấu xong gọi bà.
Ở ngoài này, Gia Bách xắn tay áo phụ vợ nấu ăn, toàn là những món cơ bản mà dưới quê Xuyến hay làm nên không làm khó được cô.
Nữa tiếng sau, khi mọi thứ đã xong hết Xuyến vào phòng bà nội gọi bà ra ăn, Gia Bách chạy ra sau vườn gọi ba chồng.
Vừa ngồi vào bàn ăn, hai ba con đã bàn chuyện ở cơ quan:
– Gần đây có vụ án nào không con?
– Có mấy vụ cướp thôi ba.
Ba chồng và anh Bách cứ bàn nhau công việc, Xuyến không muốn xen vào câu chuyện của hai người nên chỉ cặm cụi ăn thôi.
Đang vui vẻ thì bà nội lên tiếng:
– Hai đứa định khi nào có con đây, tuổi bà nội ngày càng cao không đợi thêm được nữa đâu đấy nhé.
Bà vừa dứt câu là động tác đang ăn của Xuyến khựng lại, Gia Bách cũng vậy, hai vợ chồng nhìn nhau không nói nên lời.
– Xuyến còn nhỏ, bà để khư khư vài năm đi bà. Với lại bà còn khỏe thế cơ mà.
Bà nội nhăn mặt, giọng trách móc bảo:
– Khỏe cái gì mà khỏe, tám mươi rồi còn khỏe cái gì nữa.
Ông Nam ngồi đó tỏ vẻ đồng tình liền nói:
– Bà nội con nói đúng đó. Tranh thủ để bà còn có cháu bế.
Nghe ba chồng nói Xuyến muốn độn thổ ngay cho rồi, nếu còn ngồi ở đây nữa cô không biết phải giấu mặt đi đâu. Xuyến liếc nhìn sang Gia Bách thấy anh tỉnh bơ không muốn mở miệng nói đỡ cho cô tí nào, trong lòng cô có chút hụt hẫng, để trả thù anh anh lén lút giấu tay xuống mặt bàn, nhắm ngay bắp đùi của anh mà véo một cái thật mạnh.
Véo xong Xuyến tỉnh bơ như chưa từng có chuyện gì, còn Gia Bách vì quá đau nên nhăn mặt, nhìn sang cô vợ của mình với ánh mắt sắc bén.
Xuyến thấy vậy khẽ bĩu môi đắc ý. Gia Bách nhìn cô vợ thì chỉ biết cười trừ, nhưng anh nào có dễ dàng cho qua như thế. Đột nhiên, Gia Bách ghé sát vào tai Xuyến thì thầm:
– Chắc em muốn có lắm phải không? Được rồi! Tối nay em biết tay anh.
Xuyến nghe anh nói thì bất giác rùng mình một cái, cả người hoá đá, sao mà tự dưng cô có cảm giác bất an thế nhỉ.
Ăn cơm xong, Gia Bách tranh thủ trở lại cơ quan, còn Xuyến dọn dẹp, lau nhà, làm xong hết cô mới trở về phòng ngủ một giấc. Nhà lúc nào cũng cửa đóng then gài nên không sợ trộm nên Xuyến cũng an tâm hơn.
Gia Bách đến cơ quan đã bị Sơn phó đội trưởng chặn lại trêu:
– Có vợ rồi chẳng thèm đi ăn cơm cùng với tụi này nữa.
Mấy đồng đội ở gần đó cũng hùa vào trêu anh:
– Anh cưới vợ, chị Linh khóc một ngày một đêm.
Một đồng chí công an khác thêm vào:
– Người ta thương thầm anh mấy năm rồi còn gì.
– Thôi chấp nhặt ảnh làm gì, gu ảnh là gái quê mà gái phố làm gì có cửa.
Tính Gia Bách nào giờ không thích nói đùa, nghe đồng nghiệp trêu mặt anh đanh lại, hai mắt đứng tròng biểu tình lạnh lùng bất cần.
Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị khô khan của anh, mọi người dè dặt dừng ngay cuộc nói chuyện vô vị này.
Bỗng anh Bách quát lên:
– Tập hợp.
Tất cả mọi người ở gần đó xếp thành hai hàng, lưng thẳng, mặt nghiêm túc lắng nghe:
– Theo nguồn tin của người bi hại gần đây thì, băng cướp này có ba tên, tên cầm đầu có một hình xăm phượng hoàng ở sau gáy, theo camera giám sát gần đó thì đúng là bọn chúng có ba tên. Hôm nay mọi người chia nhau ra đi điều tra về hình xăm phượng hoàng đó. Giải tán, đi làm việc đi, Sơn, Linh ở lại.
Tất cả bắt đầu tản ra và rời khỏi cơ quan, còn Linh, Sơn theo lệnh Bách ở lại:
– Gần đây có một vài nguồn tin cho biết ở các tỉnh, huyện lân cận thành phố, một vài cá nhân bất ngờ có tài sản lớn, không rõ nguồn gốc, hai người theo tôi đi Củ Chi, Nhà Bè để điều tra xác minh.
– Ok sếp.
Cả ba thay quần áo thường rồi rời khỏi cơ quan đi đến địa điểm đã chỉ định.
Sau hơn nữa ngày điều tra cũng không thu được kết quả khả quan, hơn mười hai giờ đêm Gia Bách mới về đến nhà, gương mặt anh tiều tụy trông thấy, ánh mắt bần thần lộ rõ vẻ thất vọng.
Mở cửa bước vào căn phòng quen thuộc, điều đầu tiên mà Gia Bách làm theo thói quen chính là ngả mình xuống chiếc giường lớn nhắm mắt tĩnh tâm một lúc. Anh dường như quên mất mình đã có vợ nên không đoái hoài gì đến cô gái nhỏ đang nằm co ro ở sofa, một phút sau anh ngồi bật dậy đôi mắt láu lia tìm kiếm bóng dáng cô vợ nhỏ, thấy Xuyến nằm ở sofa anh mới thở phào. Dường như cái quá khứ đau thương của năm năm về trước vẫn không ngừng ám ảnh anh, anh cứ ngỡ mình đã nguôi ngoai, nhưng khi cưới Xuyến sự lo sợ bất an lại trỗi dậy mãnh liệt trong lòng anh, dù vụ án đó đã kết thúc hơn năm năm rồi, nhưng mỗi lần nghĩ lại nỗi đau âm ỉ trong tim như mới ngày hôm qua.